Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 7 tháng 6 năm 2021 | 15:33

Thay đổi tư duy canh tác để phát triển bền vững

Lâu nay, nhãn Châu Thành (Tiền Giang) chỉ bán sản phẩm thô nên khó tạo được lợi thế cạnh tranh. Để cây nhãn phát triển bền vững và đủ khả năng xuất khẩu, nhà vườn cần phải thay đổi tư duy canh tác...

1.jpg
Nhiều nhà vườn trồng nhãn ở cù lao An Hòa quan tâm đến việc đẩy mạnh sản xuất theo quy trình VietGAP để nâng cao chất lượng cho trái nhãn Châu Thành

 

“Chuyện trồng rồi chặt”

Nhắc đến cù lao An Hòa, xã An Nhơn (Châu Thành), nhiều người thường liên tưởng đến vùng chuyên canh nhãn bạt ngàn với giống nhãn nổi tiếng mang tên nhãn Châu Thành. Theo nhiều lão nông ở vùng đất này, từ  những năm 50 - 60 của thế kỷ trước, chôm chôm mới chính là loại cây trồng chủ lực đem lại cuộc sống khấm khá cho nông dân xứ cồn.

Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Canh Tân Hội quán, tâm sự: “Khi tôi 8 - 9 tuổi đã thấy chôm chôm bám rễ ở xứ này. Nhiều nhà vườn giàu lên cũng nhờ cây chôm chôm. Nhưng rồi khi nhà nhà trồng chôm chôm, người người trồng chôm chôm, giá chôm chôm giảm liên tục nên đến khoảng Những năm 1980, gia đình tôi và một số nhà vườn lân cận bắt đầu chuyển sang trồng nhãn long”.

Khi nhắc về nhãn long - loại cây trồng từng mang lại kinh tế sung túc cho nhiều gia đình ở cù lao An Hòa, đôi mắt ông Thuận ánh nên niềm tự hào: Tôi còn nhớ những năm đó, khi vàng vẫn còn giá 200-300 ngàn đồng/chỉ thì hái một giỏ xách nhãn lớn, bà xã tôi đã mua được 2 chỉ vàng. Nhờ cây nhãn long mà cuộc sống gia đình của tôi bắt đầu khấm giá, có tiền cất nhà khang trang. Tuy nhiên, cũng giống như chôm chôm, phát triển thuận lợi được vài năm thì ngày càng có nhiều nhà vườn trồng nhãn long, từ chỗ ít cạnh tranh, bán giá cao thì những năm sau đó giá nhãn long cũng bắt đầu “lao dốc không phanh”.

Khoảng những năm 1995-1996, khi cây nhãn long dần mất đi vị thế và giá trị, ông Thuận và nhiều nông dân xứ cù lao lại bắt đầu công cuộc chuyển sang trồng cây nhãn tiêu da bò (hay còn gọi là nhãn tiêu quế). Câu chuyện về nhãn tiêu da bò được nông dân xứ cồn “viết” liên tục trong khoảng hơn 10 năm. Sau thời gian “thăng hoa”, nhãn tiêu da bò lại bước vào chu kỳ giảm giá sâu mà nguyên nhân vẫn là nhà nhà đều trồng. Đi kèm với việc giá nhãn lao dốc thì dịch chổi rồng hoành hành cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều nhà vườn tìm hướng chuyển đổi cây trồng mới.

Sau biến cố với cây nhãn tiêu da bò, một vài nông dân ở xứ cù lao bắt đầu đi tìm kiếm những giống cây trồng mới. Trong đó,  nhãn Idor (và sau này có tên là nhãn Châu Thành) là cây trồng được nhiều nông dân xứ cù lao yêu thích. Nhãn Châu Thành là giống nhãn do nông dân Phạm Hữu Hiện sưu tầm và nhân giống. Cũng giống như nhãn tiêu da bò, nhãn Châu Thành phát triển khá thuận lợi trên nền đất phù sa kết hợp cát pha ở miệt cồn. Ban đầu toàn cù lao An Hòa chỉ có vài nhà vườn chuyển sang canh tác giống nhãn Châu Thành. Hiện, gần 80% diện tích canh tác của khu vực này đã được nông dân chuyển sang trồng nhãn Châu Thành.

 

2.jpg

Theo nhiều nhà vườn nơi đây, đối với những vườn nhãn trưởng thành, mỗi năm nhà vườn có thể thu hoạch 25 - 28 tấn/ha, lợi nhuận bình quân trên 300 triệu đồng/ha. Nhãn Châu Thành không chỉ được thị trường nội địa ưa chuộng mà còn được nhiều doanh nghiệp đến thu mua xuất khẩu đi các thị trường khó tính như: Mỹ, Hàn Quốc, châu Âu..., đem lại cuộc sống sung túc cho nhiều nhà vườn xứ cồn An Hòa.

Thay đổi tư duy

Thời gian gần đây, nhiều nông dân cảm thấy lo lắng khi cây nhãn Châu Thành đang có dấu hiệu bước vào thời kỳ khó khăn. Với đặc tính dễ canh tác, cho lợi nhuận cao nên nhãn Châu Thành không chỉ phát triển ở khu vực cù lao An Hòa mà còn được nhân rộng và phát triển ở nhiều tỉnh, thành khác ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Nguyễn Thành Chiến, ngụ ấp Tân An, xã An Nhơn, thành viên Canh Tân Hội quán tâm sự: “Những năm qua, giá nhãn có dấu hiệu giảm mạnh, đặc biệt tình hình có phần căng thẳng khi dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu. Từ đầu năm 2020 đến nay, thị trường xuất khẩu đóng băng trong khi thị trường nội địa thì nhãn ùn ứ, có thời điểm giá xuống còn 12.000 - 15.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất là 11.000-12.000 đồng/kg. Nhiều nhà vườn không cầm cự được đã chặt nhãn và chuyển đổi sang trồng loại cây trồng khác.

Dù trước mắt tình hình thị trường tiêu thụ nhãn có khó khăn nhưng tôi nghĩ rằng, dù tiếp tục gắn bó với cây nhãn Châu Thành hay chuyển sang loại cây trồng khác thì điều quan trọng là phải thay đổi cách canh tác, phải sản xuất sạch rồi mới nghĩ tới chuyện đòi hỏi giá cả”.

Nghĩ là làm, từ nhiều năm qua, với quyết tâm theo đuổi tư duy sản xuất nông nghiệp sạch, năm vừa qua, hơn 0,7ha nhãn Châu Thành của ông Chiến đã chính thức được cấp chứng nhận VietGAP.

Không dừng lại ở chuyện làm ăn một mình, ông Chiến phối hợp với chính quyền địa phương vận động một số nhà vườn tâm huyết ở ấp Tân An thành lập Tổ hợp tác sản xuất nhãn ấp Tân An, cùng nhau sản xuất theo quy trình sạch, kết nối với doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào và doanh nghiệp tiêu thụ thì mới có thể phát triển bền vững cây nhãn Châu Thành.

Nhãn Châu Thành dù đã được xuất khẩu đi các thị trường khó tính, song có một thực trạng là diện tích nhãn được sản xuất theo quy trình có chứng nhận đạt tiêu chuẩn còn khá khiêm tốn. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Châu Thành, toàn huyện có 3.766ha nhãn, tuy nhiên, chỉ có 113,3ha nhãn được cấp chứng nhận VietGAP và 19ha đạt chứng nhận GlobalGAP. Đây là một trong những “điểm nghẽn” lớn khiến cho nhãn Châu Thành vẫn còn khó kết nối được với các doanh nghiệp thu mua.

Để tháo gỡ những nút thắt đó, huyện Châu Thành đã phối hợp với các viện, trường, ngành chức năng thực hiện các mô hình về chuyển giao tiến bộ kỹ thuật canh tác nhãn cho nông dân; phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh xin cấp thêm mã vùng xuất khẩu cho cây nhãn, tạo  thuận lợi cho xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Bên cạnh chú trọng nâng chất cho trái nhãn tươi xuất khẩu thì địa phương cũng đang hướng đến kêu gọi doanh nghiệp đầu tư chế biến đối với trái nhãn.

 

 

Mỹ Lý
Ý kiến bạn đọc
  • Cây trồng “khát” nước, người dân như ngồi trên đống lửa

    Cây trồng “khát” nước, người dân như ngồi trên đống lửa

    Mới đầu hè, các huyện miền núi tỉnh Phú Yên như Sông Hinh, Sơn Hoà, Đồng Xuân đã đối mặt với “cơn khát”, khi nhiều ao hồ khô cạn, cây trồng thiếu nước...

  • Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa

    Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa

    Tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Kế hoạch số 145 về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên địa bàn năm 2024, nhằm thực hiện việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, không đảm bảo nước tưới, năng suất thấp sang trồng các loại cây hàng năm, lâu năm và nuôi trồng thuỷ sản để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.

  • Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã và đang nỗ lực triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế, bước đầu đạt kết quả khả quan, tạo động lực cho người dân trong hành trình thoát nghèo.

Top