Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 26 tháng 8 năm 2018 | 12:32

Thu hồi sổ đỏ dinh thự Vua Mèo cấp cho Phòng VHTT Đồng Văn

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Giang vừa ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khu dinh thự họ Vương đã cấp cho Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Văn.

Ngày 23/8, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang có quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khu dinh thự họ Vương (dinh Vua Mèo) mà trước đó đã cấp cho Phòng Văn hoá Thông tin huyện Đồng Văn vào năm 2012. Quyết định này do Giám đốc Sở Hoàng Văn Nhu ký.

Theo đó, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khu dinh thự họ Vương sẽ được nộp lại về Văn phòng Đăng ký đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Giang.

mèo.jpg
Hà Giang cấp sổ đỏ dinh họ Vương cho Phòng VHTT Đồng Văn là sai quy định.

Công văn nêu rõ lý do thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khu dinh thự họ Vương (dinh Vua Mèo) là đã được cấp không đúng đối tượng sử dụng đất. Quyết định thu hồi được lập theo Điểm d, khoản 2, điều 106, Luật Đất đai năm 2013.

Liên quan đến vụ việc trên, ông Tải Đình Tinh - Trưởng phòng Văn hoá Thông tin huyện Đồng Văn xác nhận thông tin và cho biết đã nhận được quyết định trên và đã trao lại sổ đỏ cho Văn phòng Đăng ký đất đai chiều 24/8.

Được biết, trước đó, ông Vương Duy Bảo (cháu nội của 'Vua Mèo') rất bức xúc khi biết thông tin sổ đỏ tòa dinh thự họ Vương (còn được gọi là dinh thự “Vua Mèo”) đã được cấp cho Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đồng Văn để sử dụng lâu dài mảnh đất gắn liền với tòa dinh thự họ Vương từ năm 2012. Ông Bảo cho hay: “Sổ đỏ dinh thự này phải cấp cho chúng tôi bởi những người dòng họ Vương đã sinh sống ở đó hàng trăm năm nay. Tại sao khi cấp sổ đỏ cho dinh thự họ Vương (xã Sà Phìn) lại không áp dụng điều khoản về các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh thuộc sở hữu tư nhân. Ông cũng nói rằng gia đình chưa bao giờ hiến dinh thự này cho nhà nước?”.
 
Ngày 21/7, ông Vương Duy Bảo đã có đơn gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị giải quyết trả lại mảnh đất gắn với tòa dinh thự với tổng diện tích hơn 8.000m2. Trong đơn, ông Bảo bày tỏ bức xúc khi biết UBND tỉnh Hà Giang đã cấp sổ đỏ cho Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Văn sử dụng lâu dài mảnh đất gắn liền với tòa dinh thự họ Vương từ năm 2012.
Trong khi Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Giang khẳng định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Phòng Văn hóa Thông tin là “hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật”.
 
Trước thông tin này, cháu nội Vua Mèo cho rằng việc tước đoạt quyền sử dụng đất gắn với tòa dinh thự họ Vương của gia đình ông là bất hợp lý và sai luật vì dòng họ Vương đã sinh sống ở đó hàng trăm năm nay.
 
Ngày 16/8, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch báo cáo tổng quan quá trình xử lý, giải quyết kiến nghị của ông Vương Duy Bảo về các vấn đề liên quan đến tòa dinh thự họ Vương. Trong đó có việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tòa dinh thự này. Các đơn vị báo cáo trước ngày 31/8.
 
Trước những thông tin liên quan, ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã thông tin cụ thể với báo chí sự việc này như sau, “sẽ thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mà Sở Tài nguyên - Môi trường cấp cho Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Văn năm 2012”.
 
Ông Trần Đức Quý cũng thừa nhận việc cấp sổ đỏ dinh thự Vua Mèo cho Phòng Văn hóa Thông tin Đồng Văn là sai quy định. “Việc Hà Giang cấp sổ đỏ dinh họ Vương là sai nên chúng tôi sẽ thu hồi và hủy quyết định trước đó”, ông Quý cho hay.
 
Theo ông Trần Đức Quý, năm 2012 địa phương rà soát các địa điểm thuộc quyền quản lý nhà nước để cấp sổ đỏ. Sau đó, tỉnh cấp sổ đỏ dinh thự Vua Mèo cho Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Văn để phụ trách quản lý đất đai và di tích.
 
“Năm 2002, khi gia đình họ Vương chuyển ra ngoài để phục vụ trùng tu di tích, nhà nước đã hỗ trợ 500 triệu đồng. Riêng gia đình ông Vương Quỳnh Sơn (bố ông Vương Duy Bảo) nhận 320 triệu đồng; sáu hộ còn lại mỗi hộ nhận 30 triệu đồng và đất để dựng nhà”, ông Quý thông tin.
 
Tuy nhiên, ông Quý thừa nhận tại các cuộc làm việc với gia đình ở thời điểm đó, Bộ Văn hóa đều khẳng định công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia không đồng nghĩa quốc hữu hóa dinh Vua Mèo.
 
Cũng theo vị lãnh đạo tỉnh Hà Giang, không có chuyện lợi dụng việc cấp sổ đỏ toà dinh thự họ Vương để phục vụ lợi ích của cá nhân nào đó mà là vì việc chung.
 
“Nếu cấp vì mục đích cá nhân thì sẽ bị xử lý nặng. Còn do anh em nghiên cứu chưa kỹ, sơ suất, trình độ chuyên môn chưa hiểu rõ thì xem xét. Nhưng tôi nghĩ anh em vì cái chung để quản lý di tích dinh Vua Mèo cho tốt hơn”, Phó Chủ tịch Hà Giang cho hay.
 
Với đề nghị “trả lại quyền sử dụng đất gắn với tòa dinh thự” của ông Trần Đức Quý, lãnh đạo Hà Giang nói “sẽ tính sau”.
 
“Nếu gia đình ông Bảo chứng minh được quyền thừa kế hợp pháp thì mới được cấp sổ đỏ”, ông Trần Đức Quý thông tin thêm.
 
Vũng Tàu: Chủ đầu tư Dự án sông Cây Khế xây dựng công trình không phép?
 
 
Người dân sinh sống tại phường 12 (TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phản ánh về công trình “khủng” tại dự án sông Cây Khế có nhiều dấu hiệu sai phạm khi chủ đầu tư tự ý hợp thửa các nền đất đã được phân tách để xây dựng công trình không phép tại dự án này.
 
Thông tin báo chí ghi nhận tại khu đất của dự án trên đang có một công trình được xây dựng với quy mô rất lớn với diện tích đất được sử dụng vào khoảng hơn 1.000m2 (đất nền phân lô, khoảng 100m2/ nền).
sông-cây-khế-plnet.jpg
Chủ đầu tư Dự án sông Cây Khế xây dựng công trình không phép.(Ảnh: Phatluat.net)

 

Bên trong công trình, chủ đầu tư đang tiến hành xây dựng các phòng nhỏ nối liền nhau vào khoảng 200m2, còn phần lớn diện tích còn lại chủ đầu tư đang tiến hành đổ một khối đế bê tông cao khoảng hơn 1m so với mặt đất, các vật liệu để dùng cho dự án được chủ đầu tư tập kết ngay trên đường nội bộ của khu dân cư. Tìm hiểu thông tin, được biết công trình đang được xây dựng nêu trên là của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng sản xuất Tân Thành.
 
Được biết, UBND phường 12 đã tiến hành kiểm tra về việc chấp hành pháp luật của chủ đầu tư công trình này. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Chí Cường, Phó chủ tịch UBND phường 12 thông tin: “Đối với trường hợp mới này thì đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản đình chỉ, báo cáo thành phố để ra quyết định xử phạt rồi”.
 
Một cán bộ UBND phường 12 cho biết: “Công trình vi phạm trên, UBND phường chỉ phối hợp kiểm tra, còn thành phố tiến hành kiểm tra lập biên bản. Theo quy định, nếu xử phạt theo khoản 7 Nghị định 139 sẽ là cho chủ đầu tư họ điều chỉnh quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật” (!?)
sông-cây-khế-plnet1.jpg

Dự án sông Cây Khế có nhiều dấu hiệu sai phạm khi chủ đầu tư tự ý hợp thửa các nền đất đã được phân tách để xây dựng công trình không phép tại dự án này. (Ảnh: Phatluat.net)

 

Theo như nội dung trả lời của vị cán bộ này thì sau khi bị lập biên bản đình chỉ đối với công trình, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng sản xuất Tân Thành hoàn toàn có thể xin điều chỉnh quy hoạch xây dựng với công trình này để tiếp tục xây dựng. Điều khiến dư luận không khỏi “băn khoăn”, phải chăng các công trình sau khi vi phạm về hoạt động xây dựng đều có thể xin điều chỉnh quy hoạch để xin cấp phép?
 
Đề nghị UBND TP. Vũng Tàu sớm có các biện pháp xử lý mạnh tay đối với chủ đầu tư dự án đã có những hành vi xem thường pháp luật và xử lý nhật nghiêm người đứng đầu đã để xảy ra sai phạm nghiêm trọng trên mà không kịp thời xử lý gây tiền lệ xấu trong công tác quản lý xây dựng trên địa bàn, làm mất lòng tin trong nhân dân.
 
Sóc Sơn (Hà Nội:) Lòng hồ Đồng Đò bị san lấp trở thành nơi xây dựng lấn chiếm?
 
Một trong những vấn đề đang được rất nhiều dư luận quan tâm thời gian gần đây, đó là sự việc quy hoạch rừng phòng hộ tại khu vực hồ Đồng Đò (thôn Minh Tân, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) đang bị nhiều cá nhân băm nát để xây biệt thự, lâu đài. Hậu quả, lòng hồ Đồng Đò bị san lấp trở thành nơi xây dựng lấn chiếm.
 
Điều đáng nói ở đây là UBND huyện Sóc Sơn, bằng nhiều văn bản, đã giao nhiệm vụ cụ thể cho lãnh đạo xã Minh Trí, đội Thanh tra xây dựng huyện yêu cầu các chủ đầu tư giữ nguyên hiện trạng, đình chỉ mọi hoạt động xây dựng. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do nào khiến cho đơn vị được giao phụ trách lại không thực hiện, liệu đây có phải là một hành động “làm ngơ cho sai phạm”?
quốc-trần22.jpg

 

quốc-trần3.jpg
Hoàng Lê Gia Garden là một trong những tổ hợp công trình hoành tráng (Ảnh: Quốc Trần - Báo Nhà Báo và Công Luận).
Một tổ hợp công trình được người dân nơi đây ví những “tòa lâu đài nguy nga, tráng lệ” cùng những kiến trúc giống như phong cách châu Âu, “biệt thự “ mang tên Hoàng Lê Gia Garden. Ngoài ra, công trình này còn đang trong quá trình thi công rầm rộ như chốn không người, đây có thể xem là một hành động thách thức pháp luật, nếu như cơ quan quản lý địa bàn không sớm xử lý những vi phạm trên thì rất có thể vấn đề này sẽ là một trong những nguyên do dẫn đến những tiền lệ xấu trong công tác quản lý trên địa bàn.
 
Được biết, vào năm 2007, khu vực hồ Đồng Đò đã được chủ nhân của Hoàng Lê Gia Garden chọn làm địa điểm để xây dựng một tổ hợp công trình có quy mô lên tới nhiều hecta. Để thực hiện mục đích này, chủ nhân của Hoàng Lê Gia Garden đã tiến hành khảo sát thực địa, gom đất và tiến hành thu mua qua nhiều năm của 7 hộ gia đình có đất nằm liền kề nhau. Tất nhiên, những thửa đất đều “lưng tựa núi, mặt hướng hồ” trước đó là đất rừng được giao cho nhiều hộ dân sử dụng, phát triển và bảo vệ rừng.
 
Để có thể có được một diện tích đất lớn như hiện tại, chủ nhân của Hoàng Lê Gia Garden đã trực tiếp đến hộ dân hỏi mua hoặc nhờ nhiều người thân, người quen đứng tên mua đất. Thông tin được biết, thì mọi quá trình mua bán, chuyển nhượng của Hoàng Lê Gia Garden đều thông qua UBND xã Minh Trí. Thậm chí, để có thể có những diện tích đất chính xác thì Hoàng Lê Gia Garden còn tiến hành thuê cả đơn vị đến đo đạc, xác định mốc giới và giáp ranh giữa các hộ gia đình. 
quốc-trần.jpg
(Ảnh: Quốc Trần - Báo Nhà Báo và Công Luận).
Điển hình cho trường hợp của việc đứng tên gom đất xây dựng Hoàng Lê Gia Garden là việc ông Nguyễn Văn Nhi (trú tại thôn Đại Thượng, xã Đại Đồng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) đã nhận chuyển nhượng 3721m2 đất từ ông Nguyễn Quang Trì và bà Đinh Thị Hán (trú tại thôn Minh Tân, xã Minh Trí). Diện tích ông Nhi nhận chuyển nhượng hiện đang nằm trong tổ hợp công trình của Hoàng Lê Gia Garden. Việc mua bán, chuyển nhượng đã được UBND huyện Sóc Sơn xác định là bất hợp pháp.
 
Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Dương Đức Vượng, Phó chủ tịch UBND xã Minh Trí tiết lộ thì chủ nhân thực sự của tổ hợp công trình rộng nhiều hecta mang tên Hoàng Lê Gia Garden là bà Nguyễn Thị Thu Hương. Cũng theo một vị cán bộ xã Minh Trí cho biết thì đây là NTK – L. H nổi tiếng với một loạt cửa hàng may lớn tại trung tâm Thủ đô Hà Nội.
 
Ông Vượng cho biết thêm: “Qua kiểm tra thì khu Hoàng Lê Gia Garden là của bà Nguyễn Thị Thu Hương người dưới trung tâm Hà Nội. Bà này còn rất “cáo” với nhiều lý lẽ để phản bác trong các buổi làm việc với xã. Bà Hương nhờ nhiều người lên mua đất đứng tên phía sau như chồng, con, người thân...”.
quốc-trần1.jpg
(Ảnh: Quốc Trần - Báo Nhà Báo và Công Luận).
Từ năm 2016 đến nay, chủ nhân của Hoàng Lê Gia Garden là bà Nguyễn Thị Thu Hương đã tiến hành cho san gạt đất đồi núi, tạo mặt bằng xây dựng, lấn hồ. Trên các khu sườn đồi, núi, bà Hương cho làm đường, xây những bức tường đá lớn bao quanh. Cùng với đó là nhiều ô thảm cỏ, cây xanh được bố trí một cách bài bản nhằm tạo cảnh quan. Khu vực dưới sát lòng đường ven hồ Đồng Đò là một loạt công trình gồm tổ hợp lâu đài, khu biệt thự đang được công nhân hoàn thiện. Khu cổng vào, bà Hương cũng đầu tư rất công phu với một loạt cây xanh lớn để tạo bóng mát. Con đường dẫn vào Hoàng Lê Gia Garden được địa phương ưu ái cho cắm biển chỉ dẫn đến tận nơi.
 
Đối với một tổ hợp công trình được xây dựng qua nhiều năm trên đất quy hoạch rừng phòng hộ nhưng chính quyền sở tại, thanh tra xây dựng lại nhắm mắt làm ngơ để mặc cho chủ nhân của Hoàng Lê Gia Garden tiến hành xây dựng, mua bán trái phép đất quy hoạch rừng phòng hộ. Phải chăng đang có sự bao che, tiếp tay cho những hành vi trái phép này?
 
 
 
Hữu Thắng (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top