Mùa này, về xã Mường Thải (Phù Yên - Sơn La), dọc hai bên đường là những vườn cam, quýt, bưởi trĩu cành, vàng óng đang vào vụ thu hoạch. Nhờ phát triển cây ăn quả, nhiều hộ dân có thu nhập khá, đời sống ngày càng nâng cao.
Chú trọng chuyển giao kỹ thuật
Mường Thải hiện có 229ha cây ăn quả các loại, gồm: Cam, quýt, bưởi, nhãn, xoài, vải...; trong đó, 100ha đã cho thu hoạch, sản lượng gần 2.000 tấn quả/năm, tập trung ở các bản: Văn Phúc Yên, Khe Lành, bản Thải, bản Chiếu... Để giúp người dân phát triển cây ăn quả, hằng năm, xã mời cán bộ chuyên môn của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, Hội Làm vườn về tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả.
Được sự hỗ trợ của huyện và xã, các hộ dân trên địa bàn đã liên kết thành lập HTX Trồng cam Văn Yên, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm; tích cực tham gia giới thiệu sản phẩm tại các tuần lễ nông sản, ngày hội nông sản do huyện, tỉnh tổ chức để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Hiện nay, nhiều hộ dân trong xã có thu nhập khá từ trồng cây ăn quả, điển hình như hộ các anh: Đỗ Văn Ích (bản Văn Phúc Yên) thu nhập 700 triệu đồng/năm; Đỗ Văn Tuấn (bản Văn Phúc Yên) thu nhập 350 triệu đồng/năm; Triệu Văn Mừng (bản Khe Lành) thu 300 triệu đồng/năm...
Nâng cao chất lượng sản phẩm
Chúng tôi cùng cán bộ xã Mường Thải thăm gia đình chị Nguyễn Thị Phấn, bản Văn Phúc Yên. Năm 2011, gia đình chị Phấn chuyển 1,5ha trồng ngô, sắn sang trồng trên 700 gốc cam Vinh, cam đường Canh, bưởi Diễn. Để cây ăn quả phát triển tốt, gia đình chị thực hiện bón phân một lần/tháng, tưới nước đầy đủ; khi cây có biểu hiện bị sâu bệnh, dùng thuốc bảo vệ thực vật trừ bệnh kịp thời.
Chị Phấn chia sẻ: Nhờ khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng phù hợp nên cam đều quả, vỏ mỏng, mọng nước và ngọt, được khách hàng ưa chuộng. Mỗi năm, gia đình thu hoạch 30 tấn quả, giá bán trung bình 25.000 đồng/kg, trừ chi phí, lãi 400 triệu đồng/năm. So với trồng ngô, sắn thì trồng cây ăn quả cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần.
Ông Nguyễn Văn Ngân, Giám đốc HTX Trồng cam Văn Yên (bản Văn Phúc Yên), thông tin: HTX có 8 thành viên, quy mô sản xuất 15ha, với các loại cây chủ lực là cam đường Canh, cam Vinh, quýt ngọt, bưởi Diễn, chanh đào... Sản lượng đạt 300 tấn quả/năm. Sản phẩm của HTX sản xuất theo quy trình VietGAP, thực hiện yêu cầu nghiêm ngặt trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bón phân, cải tạo đất, bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, HTX mở rộng liên kết tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên; thu nhập bình quân của thành viên đạt 500 triệu đồng/năm.
Đến thăm gia đình anh Đinh Văn Phấn, bản Thải (Mường Thải), được biết, năm 2014, anh vay 30 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, mua 300 cây giống cam đường Canh và 200 cây cam Vinh về trồng trên 4.000m² đất dốc. Đồng thời, xây bể tích nước 4m³ và hệ thống ống tưới ẩm cho cây ăn quả. Năm 2018, vườn cam của gia đình anh cho thu hoạch 4 tấn quả; vụ năm nay thu khoảng 7 tấn quả. Với giá bán như hiện tại, vụ cam này, gia đình anh ước thu khoảng 100 triệu đồng.
Từ việc phát triển cây ăn quả, đời sống người dân xã Mường Thải ngày càng được nâng cao. Trong thời gian tới, xã tiếp tục phối hợp với các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho người dân vay vốn đầu tư mở rộng diện tích cây ăn quả; tổ chức chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.