Mặc dù được giao hàng trăm m² đất để sản xuất giống phục vụ nông nghiệp, nhưng Cty CP giống cây trồng Thủ Đô tại xã Hòa Bình (huyện Thường Tín, TP Hà Nội) đã tùy tiện sử dụng sai mục đích, cho thuê xây dựng nhà xưởng không phép.
Điều đáng nói, tồn tại này đã diễn ra nhiều năm nhưng chính quyền sở tại không có biện pháp xử lý dứt điểm, đây chính là điều kiện để phát sinh thêm nhiều sai phạm trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn.
Khu vực nhà xưởng không phép đang được san lấp thêm mặt bằng để xây dựng với quy mô “hoành tráng” hơn.
Theo phản ánh của người dân sống gần khu vực, hàng trăm mét đất được san lấp sử dụng trái mục đích, xây dựng nhà xưởng thuộc khu vực cánh đồng trại giống thuộc Cty CP giống cây trồng Thủ Đô nằm cạnh Tỉnh lộ (thuộc địa bàn xã Hòa Bình, huyện Thường Tín) diễn ra một cách công khai, thách thức dư luận.
Trước đó, khu vực này được dùng làm trạm trung chuyển, trạm cân da trâu, da bò. Phía sau là mương nước, ao nhưng không hiểu sao lại có thể san lấp rồi xây dựng mở rộng nhà xưởng kinh doanh. Điều đáng nói, khu nhà xưởng này tồn tại nhiều năm nay và đang được xây dựng lại với quy mô “hoành tráng” hơn.
Cũng tại khu đất mới san lấp, đoạn tiếp giáp đường giao thông còn ngang nhiên tồn tại một bãi tập kết vật liệu xây dựng không phép, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.
Bãi tập kết vật liệu xây dựng không phép, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.
Tìm hiểu được biết, khu vực đất này được Cty CP giống cây trồng Thủ Đô cho ông Nguyễn Xuân Điệu thuê khoán đất. Cụ thể, bên nhận khoán diện tích ao hoang hóa tại khu góc tiếp giáp với đường 71B và làng Thụy Ứng để cải tạo trồng cây xanh và xây dựng nhà xưởng để sản xuất kinh doanh theo nhu cầu, diện tích giao khoán là 306,3 m² trong thời gian 49 năm.
Được biết, khu vực sai phạm về sử dụng đất của Cty CP giống cây trồng Thủ Đô, tổng diện tích sai phạm là hơn 900 m², trong đó có hơn 300 m² Cty ký hợp đồng cho thuê đất với cá nhân ông Nguyễn Xuân Điệu từ năm 2010, ông Điệu đã xây dựng kho xưởng trên diện tích đất này.
Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Học - Chủ tịch UBND xã Hòa Bình. Tại buổi làm việc, ông Học cho biết: “Nhà xưởng của gia đình ông Điệu được xây dựng trên đất nông nghiệp hợp pháp, đất thuộc quản lý của trại giống huyện Thường Tín (Cty CP giống cây trồng Thủ đô) cho ông Điệu đấu thầu. Cty được UBND tỉnh Hà Sơn Bình cũ đã cấp quyền sử dụng đất, nếu phóng viên muốn nắm thông tin cụ thể thì xuống đó là rõ nhất”.
Ông Học cũng viện dẫn cho việc buông lỏng quản lý trên địa bàn: “Mặc dù nằm trên địa giới hành chính của xã, nhưng ở đây liên quan đến quyền sử dụng đất của Cty này, mục đích phân vùng sử dụng như nào thì xã nắm không rõ. Về phía xã gọi là chỉ nắm cơ bản còn về chi tiết xã không nắm rõ vì tôi cũng mới lên nhận chức được 3 năm, mà việc này thì nó có từ rất lâu rồi đi theo lối mòn cũ”.
Vị này cũng cho biết thêm: “Chủ nhà xưởng đấu thầu lại từ ngày 5/10/2010, các kho xưởng này đã tồn tại rất lâu. Huyện đã ra quyết định xử phạt hành chính khoảng hơn một tháng nay với số tiền hơn 27 triệu đồng”.
Khi phóng viên yêu cầu cung cấp tài liệu liên quan thì vị này loanh quanh, việc này phải báo cáo xin ý kiến của huyện. Về thẩm quyền xã đã báo cáo tồn tại này lên huyện. Huyện đã ra quyết định xử phạt hành chính, còn các bước tiếp theo thì chưa thấy chỉ đạo.
Những vi phạm trên đã được chỉ rõ, tuy nhiên khu vực nhà xưởng trái phép này vẫn ngang nhiên hoạt động, thậm chí có quy mô sản xuất ngày càng mở rộng. Dư luận lo ngại với cách xử lý thiếu quyết liệt của UBND huyện Thường Tín, sẽ dẫn đến tình trạng nhà xưởng trái phép trên địa bàn sẽ còn nhiều biến tướng, hoạt động bất chấp pháp luật.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.