Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 7 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 6 tháng 9 năm 2022 | 23:44

Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ngày càng lộng hành

Hành vi khai thác, vận chuyển cát trái phép diễn ra ngày càng lộng hành, khi bị phát hiện, nhóm “cát tặc” trên thuyền đã nhấn chìm ghe và nhảy xuống nước tẩu thoát; làm thất thoát hàng triệu mét khối tài nguyên khoáng sản, khiến người dân bức xúc kéo dài.

'Cát tặc' nhấn chìm ghe và nhảy xuống nước tẩu thoát
 
Thông tin từ Phòng Cảnh sát giao thông (PC08) Công an Đồng Nai cho biết, hiện lực lượng chức năng đang tạm giữ nhiều thuyền và sà lan để điều tra về hành vi khai thác, vận chuyển cát trái phép trên sông Đồng Nai.
 
Cụ thể, lực lượng PC08 Đồng Nai phối hợp cùng lực lượng Cảnh sát môi trường phát hiện một vụ bơm hút cát lậu trên sông Cái (một nhánh sông Đồng Nai, đoạn thuộc phường Thống Nhất, TP Biên Hòa).
 
Khi phát hiện lực lượng chức năng, lái tàu lái ghe bỏ trốn liền bị công an truy đuổi. Thấy khó chạy thoát, nhóm “cát tặc” nhảy xuống sông bơi vào bờ. Trên thuyền có trang bị hệ thống máy bơm công suất lớn, ống bơm và nhiều dụng cụ khác.
cat-lau-1-9259.jpg
Phương tiện hút cát lòng sông Đồng Nai bị công an bắt giữ. Ảnh: CA.
Cùng thời điểm, tổ công tác bắt giữ tàu chở khoảng 60m3 cát lẫn nước do ông Nguyễn Minh Mẫn (52 tuổi, ngụ Long An) điều khiển đang trên đường bỏ trốn. Qua kiểm tra, ông Mẫn không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số cát trên tàu.
 
Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát giao thông Đồng Nai tiếp tục bắt giữ thêm 1 thuyền gỗ và 1 sà lan chở cát không rõ nguồn gốc trên sông Đồng Nai (đoạn thuộc phường Long Bình Tân, TP. Biên Hòa).
 
Tạm dừng khai thác cát để thanh tra, kiểm tra
 
Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng vừa yêu cầu Công ty TNHH Khánh Luân Gia, Công ty TNHH Sơn Phú Hưng Lâm Đồng, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Nam Hoàng Thịnh, Công ty TNHH Tuấn Vượng 68 tạm dừng mọi hoạt động khai thác cát xây dựng theo giấy phép đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp để tiến hành thanh tra, kiểm tra; các công ty này chỉ được tiếp tục khai thác trở lại khi có thông báo của cơ quan có thẩm quyền.
 
Qua đó, 4 công ty nêu trên cần đưa các phương tiện khai thác gồm tàu, thuyền… tập trung neo đậu trong thời gian tạm dừng hoạt động khai thác cát, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
 
Đồng thời, phải báo cáo việc thực hiện các nội dung theo giấy phép được cấp gồm khối lượng đã khai thác và chưa khai thác; việc thực hiện các nội dung theo chủ trương đầu tư, giấy phép, hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường sau khi giấy phép được cấp; nghĩa vụ tài chính, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; lắp đặt trạm cân, camera giám sát, thông báo giám đốc điều hành mỏ, cắm mốc… về Sở Tài nguyên và Môi trường.
khai-thac-cat-trai-phep.jpg
"Cát tặc" khai thác cát trái phép tỉnh Lâm Đồng.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các huyện Đam Rông, Lâm Hà và Bảo Lộc chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát việc tạm dừng khai thác của doanh nghiệp; nếu vi phạm kiên quyết xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp thẩm quyền tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn, thu hồi giấy phép theo quy định.
 
Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng có công văn chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương và Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh tiến hành thanh tra toàn diện các tổ chức, cá nhân đang hoạt động khai thác cát trên địa bàn tỉnh.
 
“Thời gian qua hoạt động khai thác, nạo vét kết hợp thu hồi khoáng sản là cát xây dựng tại lòng sông, suối, hồ thủy lợi, thủy điện… trên địa bàn để xảy ra nhiều vi phạm, chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Phổ biến nhất là tình trạng khai thác khoáng sản không phép, trái phép, trá hình chưa được ngăn chặn triệt để gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng tới môi trường, gây bức xúc dư luận”, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết.
 
UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu tạm dừng toàn bộ các giấy phép khai thác khoáng sản là cát xây dựng, các giấy phép hoạt động trong phạm vi lòng hồ thủy điện, thủy lợi để thực hiện nạo vét kết hợp thu hồi cát trên địa bàn toàn tỉnh đã được cấp từ năm 2021 tới nay.
 
Đoàn thanh tra có trách nhiệm tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi giấy phép của các đơn vị không chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không lắp camera, trạm cân giám sát, có các hành vi gian lận, khai báo sản lượng khoáng sản không đúng thực tế…
 
Địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện nay có 99 giấy phép khai thác khoáng sản đang còn hiệu lực, trong đó, 93 giấy phép do UBND cấp và 6 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp. Căn cứ các quyết định của UBND tỉnh Lâm Đồng về phê duyệt danh sách các doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra năm 2021 và 2022, đã có 60 đơn vị được thanh tra, kiểm tra.
 
Vẫn còn 35 tổ chức, cá nhân chưa được thực hiện thanh tra, kiểm tra, trong đó có 3 tổ chức, cá nhân đã ngừng hoạt động, thực hiện đóng cửa mỏ để trả lại giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định. Qua theo dõi thực tế và nắm bắt thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng, thời gian qua, địa bàn nổi lên một số điểm nóng về khai thác khoáng sản trái phép. Điển hình trong đó là tình trạng khai thác cao lanh ở thành phố Bảo Lộc, khai thác cát, sét, đất san lấp ở các huyện Lâm Hà và Di Linh…
 
Ban hành nhiều qui định về quản lý khoáng sản
 
Để quản lý hoạt động khai thác khoáng sản, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Cụ thể, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Lai Châu đã tham mưu cho UBND tỉnh Lai Châu ban hành nhiều qui định về quản lý khoáng sản. Cùng với đó, địa phương cũng đã ký qui chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ cát sỏi lòng sông, suối tại khu vực giáp ranh với các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Điện Biên; hướng dẫn đôn đốc chủ mỏ thực hiện các qui định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản.
 
Theo đó, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Kế hoạch số 516/KH-UBND ngày 24/02/2022 trong đó giao công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở ngành trong tỉnh và UBND các huyện mở các đợt tấn công trấn áp tội phạm trong trong hoạt động khoáng sản… Sau thời gian tăng cường triển khai, theo báo cáo số 188 của UBND tỉnh Lai Châu, gần 5 tháng triển khai thực hiện Kế hoạch 516, tình hình vi phạm về khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép vẫn diễn ra ở một số địa phương. Như khai thác vàng trái phép tại xã Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ; xã Vàng San, khu vực Nậm Kha Á huyện Mường Tè; xã Pắc Ta huyện Tân Uyên. Khai thác khoáng sản trái phép làm vật liệu xây dựng như cát, đá, sỏi tại một số sông, suối trên địa bàn… Công an tỉnh Lai Châu và UBND các huyện đã kiểm tra, giải tỏa, xử lý 12 vụ khai thác khoáng sản trái phép và xử phạt vi phạm hành chính trên 600 triệu đồng.
5cb8bf4288f1673ef6a98224f85ed0ab.jpg
Khai thác khoáng sản trái phép còn xảy ra ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Lai Châu
Trước thực trạng khai thác khoáng sản trái phép xảy ra, vào giữa tháng 8, UBND tỉnh Lai Châu đã tổ chức cuộc họp về giải tỏa tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn với các ngành, lực lượng và chính quyền các địa phương. ​Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo Công an tỉnh Lai Châu đã báo cáo tình hình khai thác trái phép khoáng sản vàng trong tỉnh. Bên cạnh những kết quả đạt được trong đấu tranh, lực lượng Công an nhận định, tình hình vi phạm pháp luật về khoáng sản còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, tình trạng khai thác vàng trái phép còn xảy ra ở một số huyện như Mường Tè, Sìn Hồ, Tân Uyên, chủ yếu do người dân địa phương khai thác.
 
Tại cuộc họp, ông Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đề nghị lực lượng Công an tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch 516/KH-UBND về tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh; chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch cụ thể thực hiện giải tỏa các điểm khai thác trái phép; giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát, đánh giá các điểm mỏ khoáng sản trên địa bàn, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh để làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường có phương án quản lý cho phù hợp.
 
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lai Châu, UBND các huyện tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành luật về môi trường, đồng thời thông tin các vụ việc vi phạm nhằm răn đe, phòng ngừa chung; thường xuyên kiểm tra 1-2 lần/tuần tại các điểm khai thác khoáng sản. Sau khi giải tỏa các bãi vàng hoạt động trái phép các huyện phải tiến hành lập chốt và lấy lực lượng Công an các huyện, xã làm nòng cốt, tăng cường tuần tra, kiểm soát việc khai thác khoáng sản cũng như việc tiêu thụ khoáng sản.
 
 
 
 
Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Top