Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 17 tháng 7 năm 2019 | 9:48

TP. HCM: Doanh nghiệp không đủ năng lực vẫn trúng các gói thầu lớn?

Việc đánh giá, lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu có năng lực sẽ quyết định chính đến việc triển khai dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, phát huy hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên, nhiều dự án tại TP. HCM lại được giao cho doanh nghiệp không đủ năng lực...

Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận - IPC bị đình chỉ công tác

Ảnh Internet.

Doanh nghiệp “dính” sai phạm

Công ty TTHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (gọi tắt là IPC) là doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND TP. Hồ Chí Minh. Mặc dù được hưởng nhiều chính sách ưu đãi nhưng tại IPC xảy ra nhiều sai phạm, trong đó hồ sơ vụ việc đã được chuyển qua Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TP. Hồ Chí Minh.

Đáng chú ý là việc UBND thành phố mới đây đã chuyển chủ đầu tư 2 dự án xây dựng hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) và dự án cầu Rạch Đỉa giai đoạn 3 từ  IPC sang Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố.

Đồng thời, UBND thành phố cũng chuyển chủ đầu tư dự án bồi thường giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng hoàn thiện 2 dự án xây dựng nói trên từ IPC sang Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 7.

Theo Thanh tra TP. Hồ Chí Minh, mặc dù được hưởng nhiều chính sách ưu đãi nhưng do buông lỏng quản lý nên đã để xảy ra nhiều vi phạm nghiêm trọng trong quản lý và đầu tư dự án bất động sản, hạ tầng giao thông; trong đó, có dự án nút giao thông đường Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ do IPC làm chủ đầu tư.

Dự án này có tổng mức đầu tư 3.834 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện được cấp từ ngân sách thành phố thông qua IPC, tuy nhiên, vì công ty hạch toán khoản tiền lãi vay vào chi phí đã làm tăng chi phí, giảm lợi nhuận phải nộp cho ngân sách.

Mặc dù chủ trương ngân sách không chi trả lãi vay thực hiện dự án nhưng thực tế đã phát sinh tiền lãi vay làm tổng chi phí thực tế lớn hơn tổng mức đầu tư được phê duyệt là không đúng quy định. 

Trong khi đó, IPC không có kinh nghiệm làm dự án giao thông quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp. Vì thế, đến nay, IPC chưa có biện pháp xử lý di dời các công trình ngầm phức tạp, chưa chọn được đơn vị thi công công trình chính, làm giảm tiến độ dự án.

Thậm chí, việc UBND thành phố chủ trương cho IPC làm chủ đầu tư dự án nói trên bằng Thông báo số 334/TB-VP ngày 28/6/2016 là không phù hợp với Luật Xây dựng 2014.

 

Vốn 20 tỷ đồng vẫn trúng gói thầu hàng trăm tỷ đồng!

Chuyện thật như đùa xảy ra tại Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xây dựng Hưng Việt (địa chỉ tại B45 Tạ Quang Bửu, phường 4, quận 8, TP. Hồ Chí Minh).

Theo Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đăng ký thay đổi lần thứ 11 năm 2010 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh  cấp, vốn điều lệ của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xây dựng Hưng Việt chỉ có 20 tỷ đồng. Vậy nhưng chỉ tính từ năm 2011 – 2014, công ty này đã trúng thầu nhiều dự án với giá trị hợp đồng lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xây dựng Hưng Việt liên tục trúng nhiều gói thầu vượt gấp hàng chục lần so với vốn điều lệ của công ty.
Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xây dựng Hưng Việt liên tục trúng nhiều gói thầu vượt gấp hàng chục lần so với vốn điều lệ.

Cụ thể, công trình Trường tiểu học Phạm Thế Hiển (quận 8) với giá trị hợp đồng 64,7 tỷ đồng (năm 2011 – 2012), Nhà thi đấu đa năng quận 7 với giá trị hợp đồng 64,7 tỷ đồng (năm 2012 – 2013), Trường THPT Ngô Gia Tự (quận 10, năm 2013 – 2014) với giá trị hợp đồng 51,4 tỷ đồng. Hay như công trình Trường mầm non xã Phước Kiển cơ sở 2 (huyện Nhà Bè) với giá trị hợp đồng 23,5 tỷ đồng (năm 2013 – 2014), Trường THCS Phước Bình, quận 9 với giá trị hợp đồng 60,8 tỷ đồng (năm 2013 – 2014)…

Cập nhật tiến độ một số dự án do Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xây dựng Hưng Việt trúng thầu, đại diện Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình quận 9 cho hay, dự án Trường THPT Hưng Bình quận 9 do Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xây dựng Hưng Việt thi công chỉ đưa vào sử dựng được 25/45 phòng học. Trong khi đó dự án Trường Giáo dục trẻ em chuyên biệt quận 9 cũng do Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xây dựng Hưng Việt trúng thầu đang bị “ách” về giải phóng mặt bằng!

Qua tìm hiểu, chúng tôi còn được biết, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xây dựng Hưng Việt đã “song hành” cùng với nhiều “đối tác” để trúng thầu khó hiểu các dự án lớn.

Đơn cử, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xây dựng Hưng Việt trúng gói thầu xây lắp thuộc dự án Xây dựng Trường mầm non Thanh Xuân, TP. Hồ Chí Minh. Tại dự án này, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xây dựng Hưng Việt đã được chủ đầu tư là Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Thiên Lộc Gia thuê làm bên mời thầu chuẩn bị các công việc mời thầu, thẩm định, đánh giá hồ sơ, chấm thầu…

Hoặc vào thời điểm tháng 3/2018, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xây dựng Hưng Việt trúng gói thầu xây lắp thuộc dự án Xây dựng Trường mầm non Tân Phong, TP. Hồ Chí Minh, được Công ty Thương mại Dịch vụ Tư vấn Xây dựng Bửu Thành mời thầu và trúng 7 gói thầu với tổng giá trị lên tới hơn 400 tỷ đồng…(!)

Dư luận hoàn toàn có quyền nghi ngờ với với tiềm lực tài chính như vậy, tại sao Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xây dựng Hưng Việt lại có thể trúng thầu các dự án có số vốn cao hơn nhiều vốn điều lệ và lại trúng nhiều dự án trong cùng thời gian? Với năng lực hạn chế đó, liệu rằng các gói thầu mà Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xây dựng Hưng Việt triển khai có đáp ứng được đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình các dự án trúng thầu?

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục làm rõ ai đứng đằng sau thao túng các gói thầu, để công ty này đã “ẵm” được trong thời gian qua?

 

 

 

Lại Hùng
Ý kiến bạn đọc
Top