Theo đánh giá của tất cả các tổ chức quốc tế, trong hơn 30 năm qua, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong xóa đói giảm nghèo.
Rất nhiều gia đình Việt Nam đã thoát nghèo, số hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn giảm sâu, tỷ lệ tái nghèo thấp. Tiến bộ có thể quan sát được ở nhiều lĩnh vực: thu nhập tăng, số học sinh đến trường tăng, xóa xong nạn mù chữ, hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học trước Mục tiêu thiên niên kỷ hơn 10 năm, tỷ lệ hộ được tiếp cận nước sạch, vệ sinh môi trường tăng,… Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam thuộc nhóm trung bình cao (đứng thứ 118/189 quốc gia, năm 20219). Nhìn chung, sự cải thiện trong đời sống của mọi người dân, nhất là những hộ nghèo ở vùng nghèo, vùng dân tộc thiểu số rất rõ rệt. Họ nhận định, thành tựu đạt được trong giảm nghèo của Việt Nam khá bền vững.
Họ đưa ra nhận định trên vì, những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, tỷ lệ người nghèo, tính theo chuẩn nghèo quốc tế của chúng ta rất cao, khoảng 60%. Bằng nhiều chính sách phát triển kinh tế và thực hiện công bằng xã hội, từ năm 1990 đến năm 2002, tỷ lệ người nghèo theo chuẩn nghèo quốc tế giảm liên tục, còn 29% vào năm 2002.
Từ năm 2002 đến nay, bằng việc tiếp tục mở rộng, nâng tầm và đồng bộ các chính sách giảm nghèo, chúng ta đã liên tục giảm số hộ nghèo, người nghèo dù chuẩn nghèo của ta đã tiếp cận chuẩn quốc tế. Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, kết thúc năm 2020, nước ta còn 761.322 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,75% và 986.658 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,71%.
Để có được kết quả đó là một hành trình gian khó. Là sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn Dân, của cả hệ thống chính trị, nhất là cố gắng vượt qua chính mình của chính những người nghèo. Đó còn là sự nhiệt huyết của những chiến sĩ “áo hồng” (Ngân hàng Chính sách xã hội thành lập ngày 4/10/2002, có áo đồng phục màu hồng) trong việc đưa đồng vốn chính sách của Đảng, Nhà nước, cộng đồng xã hội đến với người nghèo, vùng nghèo và góp phần hoàn thiện chính sách tín dụng giảm nghèo, an sinh xã hội, không để người nghèo và các đối tượng yếu thế bị bỏ lại phía sau suốt 19 năm qua.
“Không để người nghèo, đối tượng chính sách xã hội có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn mà không tiếp cận được nguồn vốn từ chính sách của Đảng và Chính phủ” là quan điểm xuyên suốt, luôn được Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng cùng lãnh đạo ngân hàng chỉ đạo, nhắc nhở hơn 10.000 cán bộ của mình.
Trên tinh thần “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, với mạng lưới xuống tận xã và những cánh tay nối dài – hàng vạn Tổ Tiết kiệm và Vay vốn tại tổ dân cư, cơ sở hội các tổ chức nhận ủy thác - nguồn vốn ưu đãi được triển khai rộng rãi, đến đúng đối tượng thụ hưởng và còn giúp bà con biết tính toán làm ăn, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, cách sử dụng vốn vay hiệu quả, hỗ trợ nhau lúc khó khăn, thực hành tiết kiệm, góp phần nâng cao chất lượng nguồn tín dụng chính sách. Nhờ đó, các hộ nghèo và đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn vay ngày càng tăng, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, phát triển kinh tế, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội vì mục tiêu Dân giàu, Nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Hành trình 19 năm hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội là đặc sắc, riêng có của Việt Nam, là điểm sáng nhân văn, là trụ cột chính trong các chính sách giảm nghèo bền vững. Ghi nhận sự đóng góp của cả hệ thống trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo và phát triển bền vững, Ngân hàng Chính sách xã hội đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” thời kỳ đổi mới. Cùng với ghi nhận của Đảng, Nhà nước, những chiến sĩ “áo hồng” được nhân dân, những người nghèo, đối tượng chính sách tin yêu, coi là người bạn đồng hành, “bà đỡ” những khát vọng trong hành trình vươn lên của họ, con em họ.
Đất nước đã và đang bước vào giai đoạn mới, giai đoạn thực hiện mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ XIII: Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đó, nhiệm vụ của chiến sĩ “áo hồng” là rất nặng nề bởi giảm nghèo đã khó, giúp họ không tái nghèo, từng bước tiếp cận mục tiêu của Đảng và Nhà nước còn khó hơn nhiều. Tuy vậy, chúng ta tin rằng, không có khó khăn, thách thức nào là không thể vượt qua. Bởi họ - những chiến sĩ “áo hồng” có sự nhiệt huyết của “trái tim hồng” ấm áp, nghĩa tình cùng những chủ trương, chính sách tiếp sức từ sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và sự tin yêu của người dân.