Vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM, xã Liên Minh (Sapa, Lào Cai) đã được đón bằng công nhận đạt chuẩn NTM trong niềm phấn khởi, tự hào khi những đổi thay đang ghi dấu từng ngày trong cuộc sống của đồng bào vùng cao.
Trao đổi với PV Tạp chí Kinh tế nông thôn một ngày cuối năm, Chủ tịch UBND xã Liên Minh, ông Phàn Phủ Seng, vẫn canh cánh một niềm trăn trở: Làm sao để tiêu chí thu nhập được bền vững?
Xin ông chia sẻ một chút về hành trình vượt khó để về đích NTM?
Sau khi sáp nhập hai xã Nậm Cang và Nậm Sài (thuộc huyện Sapa cũ) thành xã Liên Minh (thị xã Sapa) thì xã mới chỉ hoàn thành 11/19 tiêu chí NTM, vẫn còn 8 tiêu chí chưa đạt, đó là: tiêu chí 1 về quy hoạch; tiêu chí 5 về hệ thống trường lớp, toàn xã có 4/6 trường đạt trường chuẩn, còn thiếu 2 trường là Mầm Non Nậm Sài, THCS Nậm Sài; tiêu chí 6 về cơ sở vật chất văn hóa, toàn xã có 5/8 thôn chưa có nhà văn hóa thôn; tiêu chí 9 về nhà ở dân cư, toàn xã có 101 nhà dột nát và nhà tạm chưa đạt yêu cầu theo tiêu chí của bộ xây dựng, trong đó có 45 nhà làm mới, 57 nhà thuộc diện sửa chữa, chủ yếu ở hai thôn Nậm Sang và Nậm Kéng thuộc dân tộc ít người của thị xã Sa Pa; tiêu chí 10 về thu nhập, toàn xã đạt 32,4 triệu đồng/người/năm; tiêu chí 11 về hộ nghèo, toàn xã có 155 hộ nghèo, chiếm 20,4%, đại đa số hộ nghèo ở hai thôn Nậm Sang (38/58 hộ), Nậm Kéng (45/68 hộ); tiêu chí 15 y tế, chủ yếu về tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi phải dưới 26,7% nhưng toàn xã là 31,8%; tiêu chí 17 về môi trường, chủ yếu ở hai thôn thuộc dân tộc ít người chưa có nhà vệ sinh, bể chứa nước theo chuẩn của bộ y tế.
Nậm Sài cũ là xã có tỷ lệ tiêu chí đạt thấp nhất so với mặt bằng chung của thị xã Sapa, chỉ đạt 8/19 tiêu chí; các tiêu chí chưa đạt hầu hết là tiêu chí khó như: nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo y tế, môi trường… Bên cạnh đó, người dân chủ yếu thu nhập từ trồng lúa, hệ số sử dụng đất chưa cao, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật, chưa có hợp tác xã, chưa có mô hình kinh tế tập thể. Đặc biệt, một bộ phận dân cư có tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, có thì hưởng không có thì thôi nên việc huy động người dân tham gia vào XD NTM là điều hết sức khó khăn.
Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện XD NTM, tập thể lãnh đạo xã đã xác định được những điều này để cùng nhau tìm cách khắc phục. Cùng với đó, tận dụng thế mạnh của xã Nậm Cang cũ, về đích NTM năm 2013, có nhiều kinh nghiệm về XD NTM. Đặc biệt, thị xã và các cấp các ngành đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho các thôn bản còn thiếu về cơ sở vật chất như đường, điện, trường, nhà văn hóa. Diện mạo bản làng thay đổi khang trang, to đẹp hơn thì ý thức người dân càng được khơi dậy khi có chủ trương nhà nước và nhân dân cùng xóa nhà tạm và nhà dột nát, được triển khai toàn diện.
Trở thành xã đạt chuẩn NTM, diện mạo Liên Minh đã thay đổi như thế nào, đời sống người dân chuyển biến ra sao, thưa ông?
Sau khi chủ trương của thị xã được triển khai, 100% người dân đồng tình ủng hộ, sự thay đổi rõ nhất từ khi XD NTM khiến đời sống của người dân được nâng cao là đường giao thông liên thôn, xã được bê tông hoá toàn bộ, không còn cảnh lầy lội vào mùa mưa. 740/742 hộ được sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn, đạt 99,7% với 6 trạm biến áp đang vận hành đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật.
Đặc biệt, khu dân cư, khu nghĩa trang được quy hoạch tập trung, có quy chế quản lý. Hệ thống trường lớp, được đầu tư đồng bộ và đạt trường chuẩn. 8/8 thôn có nhà văn hóa. Liên Minh đã xóa 101 nhà dột nát và nhà tạm chưa đạt yêu cầu theo tiêu chí của Bộ Xây dựng, trong đó có 45 nhà làm mới, 57 nhà thuộc diện sửa chữa. Thu nhập của người dân đã đạt 36,2 triệu đồng/người /năm. Hộ nghèo giảm còn 77 hộ, chiếm 10,38%. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi còn 26,7%. Môi trường được cải thiện, tỷ lệ nhà dân có vệ sinh đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Chưa bao giờ sức dân được phát huy mạnh mẽ như hiện nay, nhìn lại một năm sau sáp nhập xã, điều tôi cảm thấy rõ nhất là sự an dân, dân phấn khởi, tin tưởng, một lòng dốc sức chung tay XD NTM nên xã Liên Minh đã đạt được những kết quả hơn cả mong đợi. Bà con đã thay đổi tư duy, tự tin phát triển sản xuất, nhiều dự án được triển khai thực hiện như: Phát triển bò hàng hóa, các mô hình kinh tế tập thể, HTX… Sự đồng thuận của người dân còn góp phần xây dựng nhiều công trình đường giao thông khi nhiều hộ dân chủ động hiến đất, ruộng cho thi công mà không đòi đền bù như gia đình bà Nhiều Khủ Khá, ông Nhiều Văn Sinh hiến ruộng và tháo dỡ nhà để làm đường.
Từ thực tiễn, tôi cũng nhận ra rằng, muốn phát huy sức dân là phải hiểu dân. Muốn hiểu dân thì cán bộ làm gương vì dân, gần dân, thì việc khó mấy cũng thắng lợi.
Để duy trì và giữ vững danh hiệu đã đạt và tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí thì điều gì khiến ông trăn trở nhất?
Những tiêu chí mà tôi luôn trăn trở để NTM được bền vững và là đòn bẩy để Liên Minh tiếp tục nâng cao các tiêu chí đó là làm sao để kinh tế hộ dân phát triển, tạo thu nhập ổn định, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Thực tế ở nhiều thôn bản, kinh tế tập thể chưa phát triển mạnh và ổn định, liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn hạn chế. Việc áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất chưa nhiều; nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chậm phát triển. Việc duy trì các làng nghề truyền thống còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể như sản phẩm thêu thổ cẩm của dân tộc Xa Phó mặc dù rất đẹp, mang đậm văn hoá bản địa nhưng khó tiêu thụ, rất cần sự hỗ trợ giúp đỡ từ các ban ngành đoàn thể, doanh nghiệp... để bà con được bồi dưỡng nâng cao tay nghề, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Tiêu chí thu nhập không tháo gỡ được thì sẽ kéo theo hộ nghèo, đây là vấn đề khó khăn. Cần có sự đầu tư bước đầu cho người dân để bà con chủ động làm quen với mô hình kinh tế tập thể, cũng như cần cơ chế chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc xã Liên Minh phát triển kinh tế...
Xin cảm ơn ông!
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.