Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 29 tháng 1 năm 2021 | 15:13

Tư duy làm kinh tế nông nghiệp phải được lan tỏa rộng khắp

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong bối cảnh nhiều khó khăn càng cho thấy 2020 là năm đầy bản lĩnh và thắng lợi toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp, nông thôn.

Trong suốt 5 năm qua, lãnh đạo Chính phủ luôn dành nhiều thời gian cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn trên tinh thần chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp.

 

t5.JPG
Thủ tướng tham quan triển lãm thành tựu phát triển KTTT, HTX và hoạt động của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Ảnh:VGP/Quang Hiếu.

 

Để đạt mục tiêu trong năm 2021, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các bộ, ngành cần tiếp tục tháo gỡ những nút thắt về chính sách như chính sách về đất đai, tín dụng, liên kết,… nhằm thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM). Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đặc biệt, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Tập trung thực hiện “mục tiêu kép”

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành Nông nghiệp và PTNT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, trên thế giới, có khoảng 1 tỷ người thiếu đói, một số nước công nghiệp phải cứu trợ hàng triệu người với dòng xe xếp hàng nhiều cây số. Cảnh xếp hàng chờ lương thực ở một số nước như vậy khiến chúng ta suy ngẫm, tự hào về phát triển nông nghiệp Việt Nam.

Thủ tướng cho rằng, trong đại dịch của thế giới, nông nghiệp Việt Nam vừa bảo đảm an ninh lương thực trong nước, vừa trở thành điểm tựa an ninh lương thực cho nhiều quốc gia, xuất khẩu nông nghiệp đạt rất cao, đặc biệt là sự lên ngôi của lúa gạo Việt Nam, vượt cả Thái Lan, Ấn Độ, soán ngôi số 1 thế giới về giá bán. Đó là một thành tích.

Nông nghiệp Việt Nam trong khó khăn một lần nữa cho thấy vai trò sống còn trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, một lần nữa khẳng định tiếp tục làm bệ đỡ của nền kinh tế quốc dân.

Năm 2020, ngành nông nghiệp đã thích ứng tốt với đại dịch, với thiên tai, sản xuất nông, lâm, thủy sản vẫn duy trì, phát triển, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho tiêu dùng của gần 100 triệu dân và phục vụ xuất khẩu.

Thủ tướng đánh giá cao ngành nông nghiệp hoàn thành 4 chỉ tiêu quan trọng: Tăng trưởng GDP toàn ngành trên 2,65%. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 41,2 tỷ USD (tăng 2,5% so với năm 2019), thặng dư thương mại toàn ngành đạt 10,4 tỷ USD, 5 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Tỷ lệ che phủ của rừng đạt 42%. Tỷ lệ xã đạt NTM  trên 62%, vượt xa mục tiêu đề ra (mục tiêu đến năm 2020 là 50%).

Thủ tướng cho rằng, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, nhiều nơi “phố trong làng” đã xuất hiện, quan trọng hơn nữa là đời sống nhân dân được cải thiện rõ nét. Kể lại câu chuyện đến Hải Dương dự ngày hội đại đoàn kết dân tộc vừa qua, Thủ tướng chia sẻ, “thấy nông thôn mà toàn nhà lầu xe hơi”.

Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ ra một số tồn tại, “thấy mừng mà cũng thấy lo” là tăng trưởng ngành nông nghiệp chưa thực sự bền vững, nhất là khi chịu tác động của các cú sốc thiên tai, dịch bệnh. Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, thủy lợi, thủy sản, giao thông nông thôn còn nhiều bất cập so với yêu cầu. Thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân còn thấp so với khu vực thành thị. Lao động nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lao động xã hội. Cho rằng tình trạng phá rừng tự nhiên còn diễn ra, Thủ tướng nêu rõ, phải xử lý nghiêm hành vi này, bất kể là ai, không có vùng cấm.

Năm 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu toàn ngành nông nghiệp tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Tư duy làm kinh tế nông nghiệp cần thay đổi

Về kế hoạch năm 2021, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần, biến nguy cơ thành thời cơ, nguy cơ là sự cực đoan của khí hậu, nhưng chúng ta có kinh nghiệm chống chọi lại với thiên nhiên và đặc biệt thời cơ rất lớn, đó là thị trường được mở ra với việc tham gia 14 hiệp định tự do (FTA), trong đó, có 3 hiệp định ký trong nhiệm kỳ này là CPTPP, EVFTA, RCEP.

Đối với các mục tiêu ngành nông nghiệp năm 2021, Thủ tướng nhấn mạnh, phải đạt tăng trưởng khoảng 3%, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản hơn 3%. Thủ tướng mong muốn toàn ngành phấn đấu làm sao đạt kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 44 tỷ USD.

Tỷ lệ che phủ rừng ổn định mức 42% và tập trung nâng cao chất lượng rừng. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 70%; ít nhất 200 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh 91%. Thành lập mới 2.000 HTX nông nghiệp; cả nước có gần 20.000 HTX nông nghiệp, trong đó trên 16.500 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả.

Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập của người nông dân tăng gấp 1,5 lần hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo vùng nông thôn còn dưới 5%.

Thủ tướng đề nghị, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp. Phải chuyển từ đánh bắt thủy sản là chủ yếu sang chiến lược nuôi trồng, nhất là nuôi trồng biển.

Theo đó, thực hiện đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, trong đó ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ thông tin trong toàn bộ các khâu của chuỗi giá trị, kết nối đồng bộ với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành nền sản xuất nông nghiệp thông minh, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, giải phóng lao động, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng.

Phát triển thị trường, cần coi trọng cả xuất khẩu và thị trường trong nước, triển khai chương trình “Đưa hàng hóa từ nông thôn vào thành thị”. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai để chủ động chỉ đạo sản xuất.

Với truyền thống vượt khó của nông nghiệp, nông thôn, nông dân, Thủ tướng tin rằng chúng ta sẽ xây dựng một nước có nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Nông dân sẽ ngày càng giàu có hơn. Nông thôn sẽ ngày càng văn minh, phồn vinh, thân thiện và hiện đại hơn.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể

Phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam lần thứ VI, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trên thế giới, kinh tế hợp tác mà nòng cốt là hợp tác xã là mô hình kinh tế phổ biến, mang tính xã hội và nhân văn sâu sắc. Tại những quốc gia tiên tiến, hợp tác xã vẫn giữ một vai trò quan trọng.

Qua báo cáo và theo dõi tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Thủ tướng bày tỏ vui mừng thấy rằng: Giai đoạn 2016-2020, kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng, đến cuối năm 2020, có 26.040 hợp tác xã; thu hút 8,1 triệu thành viên, chủ yếu là đại diện hộ cá thể, cá nhân ở địa bàn nông thôn tham gia hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác (chiếm 31% tổng số hộ cá thể, cá nhân của cả nước); tăng 4,5% so với năm 2015; số hợp tác xã hoạt động hiệu quả chiếm 59% tổng số hợp tác xã (tăng 03 lần so với năm 2015); số hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị tăng 6,8 lần so với năm 2015.

Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đóng góp trực tiếp khoảng 4,8% GDP của cả nước; gián tiếp trên 30% GDP cả nước thông qua giá trị gia tăng của kinh tế hộ thành viên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Thủ tướng nêu rõ, bài học thực tiễn thành công trong nước và các nước phát triển trên thế giới đều chỉ ra rằng, liên kết giữa các hộ kinh doanh nhỏ lẻ để xây dựng hợp tác xã và trên cơ sở đó dần hình thành các liên hiệp hợp tác xã là con đường phù hợp nhất, hiệu quả nhất để cải thiện cuộc sống của hàng triệu hộ cá thể và nông dân.

Qua đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đổi mới tư duy và hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, tăng cường trách nhiệm của hệ thống Liên minh hợp tác xã các cấp.

Rà soát, hoàn thiện hệ thống quy định, cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển bền vững. Cân đối và bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước với kinh tế tập thể, hợp tác xã phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và điều kiện cụ thể của đất nước.

Thủ tướng nhấn mạnh, kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu hướng tất yếu trong hội nhập, mở cửa; là mô hình kinh tế của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; là con đường để đưa nhân dân đến gần hơn với lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa xã hội. Phát triển mạnh mẽ kinh tế tập thể, hợp tác xã chính là phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

 

 

Đăng Quang
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top