Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 17 tháng 7 năm 2020 | 9:36

Tùy tiện chuyển nhượng, biến tướng tích tụ đất đai tại Cấn Hữu: Dấu hiệu sai phạm và bài học quản lý đất nông nghiệp ở Quốc Oai

Nhiều năm nay, lợi dụng danh nghĩa chuyển đổi cơ cấu vật nuôi - cây trồng, hàng nghìn mét vuông đất lúa ở xã thuần nông Cấn Hữu (Quốc Oai - Hà Nội) bị sử dụng biến tướng, cùng với đó một lượng lớn đất đai bị tích tụ có dấu hiệu trái pháp luật.

qo1.jpg

Công trình của bà Nguyễn Thị Vân Thùy tại thửa đất số 1316 tờ bản đồ số 4, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai.

Vùng ruộng Voi Trên (thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu) là vùng đất giao ổn định trồng lúa. Tuy nhiên, từ những năm 2017, núp dưới Quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi được UBND huyện Quốc Oai phê duyệt, UBND xã Cấn Hữu ồ ạt cho phép chuyển đổi hàng ngàn mét vuông đất giao trồng lúa lâu dài sang mô hình trồng cây lâu năm kết hợp nuôi trồng thủy sản. Đáng nói hơn, việc chuyển dịch cơ cấu vật nuôi - cây trồng này diễn ra rất dễ dàng và tùy tiện, làm nảy sinh nhiều hậu quả nhãn tiền, xuất hiện các dấu hiệu sai phạm trong quản lý đất đai, chuyển nhượng đất nông nghiệp, phát sinh các sai phạm về trật tự xây dựng, gây bức xúc trong cử tri và dư luận. 

Cụ thể, vào tháng 12/2017, chỉ bằng một Kế hoạch thực hiện dự án chuyển đổi từ đất trũng thấp trồng cây hằng năm kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả kết hợp nuôi trồng thủy sản rất sơ sài, chỉ bằng 2 mặt giấy, hộ ông Dương Thanh Nghị (HKTT tại xã Cấn Hữu) đã được UBND xã Cấn Hữu đồng ý.

Theo đó, tại Quyết định số 443/QĐ-UBND ngày 31/12/2017, Chủ tịch UBND xã Cấn Hữu khi đó là ông Vũ Văn Lợi đã cho phép hộ ông Dương Thanh Nghị được chuyển đổi 2.304,4m2 tại thửa số 1316, tờ bản đồ số 4, đất chuyên trồng lúa nước sang trồng cây ăn quả kết hợp nuôi trồng thủy sản với quy mô phân ra như sau: Diện tích đất làm nhà tạm để trông nom là 20m2; diện tích trồng cây ăn quả 1.577,68m2; diện tích đào ao nuôi trồng thủy sản 422,10m2; diện tích đường đi để trông nom 284,62m2. Cổng vào có chiều rộng 5m, chiều cao 3m (không xây bằng tường gạch, đổ bê tông). Bờ ngăn bảo vệ được làm bằng lưới thep B40, cột bê tông cao 1,5m.

Đáng nói hơn, chỉ hơn 10 tháng sau khi được UBND xã Cấn Hữu cho phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ông Dương Thanh Nghị đã chuyển nhượng khu đất nông nghiệp nêu trên sang cho bà Nguyễn Thị Vân Thùy.

Về tay chủ mới, khu đất trên đã phát sinh vi phạm. Báo cáo số 04/BC-UBND ngày 14/01/2020 do Chủ tịch UBND xã Cấn Hữu Nguyễn Quang Khải ký nêu rõ: “Ngày 25/12/2019, hộ bà Nguyễn Thị Vân Thùy đã xây dựng tường bao xung quanh khu đất có quy mô kết cấu như sau:

- Tường xây 110mm gạch chỉ đặc, có bổ trụ 220;

- Chiều dài cạnh 1: 46,2m; tường cao 1,95m; giằng móng 1,15m; tường 0,8m;

- Chiều dài cạnh 2: 12,8m, giằng móng 1,15m; tường cao 0,5m;

- Chiều dài cạnh 3: 39,7m; phần móng cao 1,15m, tường cao 0m;

- Chiều dài cạnh 4: 70,4m; phần móng tường cao: 1,15m; tường cao 1,85m;

Quan sát tại thực địa tại thửa đất số 1316, tờ bản đồ số 4, các sai phạm về trật tự xây dựng của hộ bà Nguyễn Thị Vân Thùy vẫn tồn tại và chưa được xử lý dứt điểm.

Xung quanh khu đất của bà Nguyễn Thị Vân Thùy được bao quanh bởi lớp tường gạch và lớp hàng rào dây thép vượt quá đầu người. Bên trong khu đất, mật độ cây trồng ở mức rất thấp và có nhà lợp mái tôn, có diện tích khá lớn và được xây dựng khá kiên cố, đủ phục vụ việc sinh hoạt cho cả một gia đình.

Bờ ngăn bảo vệ công trình theo quyết định của UBND xã Cấn Hữu chỉ được ngăn bằng lưới bê thép B40, cột bê tông có 1,5m, không hề được phép xây tường bao như thực trạng tại công trình.

Bên cạnh đó, theo Kế hoạch thực hiện dự án chuyển đổi cơ cấu vật nuôi - cây trồng tại thửa đất nêu trên đã UBND xã Cấn Hữu phê duyệt, đối với khu nhà tạm chỉ để làm chỗ nghỉ cho người lao động phục vụ sản xuất với diện tích 20m2, là loại nhà không đảm bảo mức độ sử dụng tiện nghi tối thiểu, thiếu các diện tích đảm bảo nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, có niên hạn sử dụng dưới 5 năm. Thì đến nay, dù được lợp tôn, công trình nêu trên có diện tích khá lớn, được xây dựng khá kiên cố.

Thông tin với báo chí, ông Cấn Văn Luân, cán bộ Văn phòng - Thống kê UBND xã Cấn Hữu cho biết, bà Nguyễn Thị Vân Thùy có chồng là trưởng công an một  phường ở quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Điều này làm dấy lên nghi vấn, khu đất bà Nguyễn Thị Thùy Vân nhận chuyển nhượng có thực sự phục vụ mục đích nông nghiệp hay phục vụ vào mục đích nghỉ dưỡng của gia đình? Bà Vân có thực sự trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp hay không? Có hay không việc bao che về trật tự xây dựng của chính quyền xã Cấn Hữu đối với công trình trên đất nông nghiệp của bà Nguyễn Thị Vân Thùy? Trách nhiệm của UBND xã đến đâu khi để người dân vô tư xây dựng các công trình kiên cố trên đất nông nghiệp? Có hay không trong vụ việc này xuất hiện việc lợi dụng uy tín, chức vụ của người thân để thực hiện hành vi sai phạm, trái pháp luật, xây dựng trái phép các hạng mục công trình vi phạm trên đất nông nghiệp?.

Về mặt pháp lý, quyền chuyển từ đất nông nghiệp sang đất đào ao, hoặc trồng cây ăn quả của hộ gia đình được quy định tại Điều 57 Luật Đất đai 2013 như sau:

“Điều 57. Chuyển mục đích sử dụng đất

  1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm:
  2. a) Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối;
  3. b) Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm;
  4. c) Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp;
  5. d) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;

đ) Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất;

  1. e) Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;
  2. g) Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.
  3. Khi chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều này thì người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được áp dụng theo loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng.”

Tại Khoản 3, Điều 191 Luật Đất đai 2013 quy định các trường hợp không được nhận chuyển quyền đất nông nghiệp: “Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa”. 

Bày tỏ sự bức xúc, bất bình đối với vụ việc kể trên, một người dân địa phương cho biết: Chúng tôi là người dân sinh sống tại thôn Cấn Thượng. Từ nhiều đời nay, chưa thấy chính quyền địa phương “ưu ái” ai như trường hợp của bà Nguyễn Thị Vân Thùy này. Hàng nghìn mét vuông đất vốn dĩ là đất trồng lúa giờ trông như một khu sinh thái nghỉ dưỡng nằm giữa cánh đồng mà không hề thấy chính quyền xã ra tay xử lý, để “con voi chui lọt lỗ kim”, mặc cho sai phạm về trật tự xây dựng trơ gan cùng tuế nguyệt. Mong các cấp lãnh đạo thành phố quan tâm và làm rõ có hay không việc “chống lưng”, “bảo kê” để sai phạm xảy ra mà không bị xử lý, coi thường kỷ cương, phép nước.

Do vậy, với các dấu hiệu bất thường trong việc chuyển nhượng đất đai, trật tự xây dựng tại thửa số 1316 tờ bản đồ số 4 như đã nêu ở trên, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng Hà Nội, UBND huyện Quốc Oai thanh tra, kiểm tra, làm rõ có hay không việc mua bán trái pháp luật, hay không? Vi phạm về trật tự xây dựng đã được xử lý nghiêm hay chưa?

Hai là, khoản 8 Điều 3 Quy định số 08-QĐi/TW Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, Đảng viên ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành nêu rõ cán bộ đảng viên phải nghiêm khắc với bản thân kiên quyết chống: “Để vợ (chồng), bố, mẹ, con, anh, chị em ruột lợi dụng chức vụ quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi. Để vợ (chồng), bố, mẹ, con đẻ, con nuôi có lối sống xa hoa, phô trương lãng phí, sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật.

Rõ ràng, hoạt động của cán bộ, lãnh đạo ở đâu, như thế nào, nhân dân đều biết cả. Nếu ở cơ quan thì cấp dưới, những người ở cơ quan sẽ nắm được. Nếu ở địa phương thì nhân dân nơi cư trú người ta biết hết. Vậy trong trường hợp này, có hay không việc bà Nguyễn Thị Vân Thùy lợi dụng uy tín, chức vụ, quyền hạn của người thân, mà cụ thể là chồng bà Thùy để thực hiện các  hành vi sai phạm? Đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ vấn đề này.

Ba là, tình trạng vi phạm chính sách, pháp luật về đất đai vẫn diễn ra ở nhiều địa phương, đơn vị, đặc biệt, những nơi còn buông lỏng công tác quản lý đất đai; như tình trạng lấn chiếm đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, tự ý chuyển đất rừng nghèo sang trồng cao su, chuyển mục đích sử dụng đất có rừng, đất lúa sang trồng cây ăn quả, xây dựng nhà ở không theo quy định, thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không đăng ký với Nhà nước…

Để khắc phục tình trạng nêu trên, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra việc việc quản lý, sử dụng đất đai, việc chấp hành pháp luật về đất đai và việc tổ chức thi hành Luật Đất đai ở một số địa phương, trong đó có vụ việc nêu trên.

Bốn là, rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo hướng bổ sung và làm rõ thêm các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, tăng mức xử phạt đối với một số hành vi, quy định biện pháp khắc phục hậu quả để đảm bảo khả thi hơn, quy định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người đứng đầu trong việc để xảy ra vi phạm pháp luật đất đai.

Năm là, tăng cường việc thanh tra, kiểm tra thông qua đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh về các vi phạm pháp luật về đất đai, để có biện pháp chấn chỉnh, răn đe kịp thời.

 

 

 

Phan Anh
Ý kiến bạn đọc
Top