Hộ ông Nguyễn Thành Long ở thôn Kim Xuyên, xã Hồng Lạc (Sơn Dương - Tuyên Quang) đã đổ nhiều nghìn m3 đất sát mép sông Lô, nhồi cọc, xây dựng Trung tâm tổ chức sự kiện rộng hơn 1.000m2 khi chưa được các cơ quan chức năng cho phép.
Nhìn từ cầu Kim Xuyên thấy rất rõ, khu đất ông Long san lấp sát mép sông Lô, xây dựng công trình kiên cố rộng hơn 1.000m2, khi mưa lớn, lũ sẽ gây cản trở dòng chảy.
Kinh tế nông thôn nhận được thông tin của bạn đọc phản ánh về việc gia đình ông Nguyễn Thành Long, ở thôn Kim Xuyên, xã Hồng Lạc (Sơn Dương - Tuyên Quang) tự ý đổ hàng chục nghìn m3 đất ra mép sông Lô rồi nhồi cọc bê tông, xây dựng công trình rộng hơn 1.000m2 khi chưa được các cơ quan chức năng cho phép.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 28/10/2016, UBND huyện Sơn Dương có quyết định cho hộ ông Nguyễn Thành Long thuê 4.943m2 đất tại thôn Kim Xuyên, xã Hồng Lạc để sử dụng vào mục đích làm mặt bằng sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Thời gian thuê 50 năm kể từ ngày ký quyết định.
Sau khi nhận được phản ánh của nhân dân về việc gia đình ông Long đổ đất lấn sông Lô, ngày 3/8/2020, UBND xã Hồng Lạc đã lập biên bản làm việc.
Khu vực đất đổ lấn ra mép sông Lô có dấu hiệu sạt lở.
Biên bản làm việc xác định, tại vị trí đổ đất nằm trong phạm vi đất được huyện Sơn Dương cho thuê, ý kiến ông Long cho biết, gia đình phải đổ đất để đảm bảo mặt bằng cho việc sản xuất, kinh doanh. Vị thế đất giáp sông nên gia đình phải đóng cọc để bảo vệ đất không bị sạt lở.
Ngày 10/9/2020, UBND xã Hồng Lạc tiếp tục lập biên bản làm việc, nội dung theo phản ánh của quần chúng nhân dân về việc gia đình ông Long xây dựng công trình trên đất nông nghiệp.
Biên bản làm việc cho thấy, vị trí lô đất ông Long xây dựng đã được cấp có thẩm quyền cho thuê. Hiện trạng trên đất ông Long đang xây dựng làm hội trường có kích thước 48x23,5m (tổng 1.128m2 - PV).
Công trình rộng hơn 1.000m2 được xây dựng kiên cố.
Ý kiến ông Long cho biết, phần đất phía ngoài hội trường gia đình đổ để bảo vệ phần diện tích xây hội trường khỏi sạt lở. Hội trường xây dựng đúng với ranh giới diện tích được UBND huyện Sơn Dương cho thuê. Phần ngoài ranh giới tôi đổ đất để bảo vệ công trình của gia đình không bị sạt lở, ngoài ra không xây dựng gì thêm.
Nói như ông Long (trong biên bản) thì phần đất gia đình ông đang xây dựng hội trường đã được UBND huyện Sơn Dương cho thuê; còn phần đất bên ngoài giáp ranh giữa sông Lô với hội trường gia đình ông đổ đất để bảo vệ công trình không nằm trong diện tích đất được thuê.
Có mặt tại hiện trường, phóng viên ghi nhận, hội trường rộng hơn 1.000m2 đã cơ bản xây xong phần khung tường. Công trình được xây dựng trên khu đất mới được san lấp. Bên ngoài công trình (hướng ra sông Lô) còn diện tích đang tập kết một khối lượng lớn cọc bê tông, phía ngoài sông Lô do đất mới san lấp nên đang có hiện tượng sạt lở.
Nói một cách dễ hiểu, 1/2 khu đất gia đình ông Long đổ, san lấp nhìn theo hiện trạng xung quanh thì diện tích này thuộc đất soi bãi đang trồng keo; khoảng 1/2 khu đất còn lại (hướng ra sông Lô), ông Long đã đổ đất lấn ra sông Lô.
Liên quan tới việc này, cần làm rõ một số vấn đề sau:
Một, UBND huyện Sơn Dương cho hộ ông Long thuê đất vào mục đích làm mặt bằng sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Đất được thuê để sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, trong trường hợp này, ông Long san lấp, xây hội trường kiên cố rộng hơn 1.000m2 có đúng không?
Hai, nếu gia đình ông Long được phép san lấp (san lấp lấn ra cả mép sông) xây hội trường kiên cố thì cơ quan nào cấp phép và giám sát?
Ba, cần làm rõ việc ông Long đổ nhiều nghìn m3 đất san lấp, khoảng 1/2 khu đất bị lấp (nhìn theo hiện trạng xung quanh- PV) thuộc đất soi bãi, 1/2 khu đất đổ lấn ra mép sông Lô, rồi xây dựng công trình kiên cố rộng hơn 1.000m2 có đúng quy định? Đặc biệt, phần đất đổ lấn ra sông, rồi cho nhồi cọc bê tông để chống sạt lở có gây cản trở dòng chảy, hướng xử lý ra sao?
Phóng viên đã trao đổi lại nội dung với ông Phạm Văn Lương, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương. Ông Lương cho biết, huyện sẽ xuống kiểm tra.
Ngày 23/9, đặt lịch làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang, ông Nguyễn Mạnh Tiến, Chánh văn phòng Sở tiếp nhận nội dung nhưng đến nay vẫn chưa phản hồi đến Kinh tế nông thôn.
Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và PTNT và UBND huyện Sơn Dương kiểm tra việc gia đình ông Long đổ nhiều nghìn m3 đất san lấp lấn sông Lô, rồi nhồi cọc bê tông, xây dựng công trình kiến cố rộng hành nghìn m2; kiên quyết tháo dỡ công trình, xúc đất trả lại hiện trạng và xử lý nghiêm tập thể, cá nhân liên quan, nếu có vi phạm.
Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.