Những năm qua, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tiêu biểu là mô hình trồng ổi lê Đài Loan, cây rau màu ngắn ngày xen cây cam Vinh của gia đình anh Nguyễn Văn Xuân và chị Nguyễn Thị Quý ở thôn Bình Ca 1, xã Tứ Quận.
Vườn cây “3 trong 1”
Trước đây, gia đình anh Xuân trồng chè trên diện tích 7.000m2 vườn, nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Qua tìm hiểu và những kinh nghiệm từ thực tế trong sản xuất, vợ chồng anh nhận thấy xen canh cây trồng là giải pháp hữu hiệu, vừa tận dụng được quỹ đất để quay vòng cây trồng nhanh, vừa lấy thu nhập từ cây trồng ngắn ngày để có nguồn vốn đầu tư chăm sóc cho cây trồng lâu năm.
Năm 2015, để thuận lợi cho việc canh tác, anh chị chia đất ra làm 3 khu, trong đó dành riêng một khu đất với diện tích gần 0,4ha, có lợi thế hơn trong việc tưới, tiêu nước để thiết kế vườn cây “3 trong 1”.
Anh chị chia luống chọn giống cam Vinh làm cây lâu năm chính; giữa khoảng cách 2 cây cam, trồng xen ổi (giống ổi lê Đài Loan) nhằm mục đích tăng thu nhập và xua đuổi rầy, đồng thời hạn chế việc lây truyền bệnh vàng lá do virus cho cây cam.
Với khoảng đất trống còn lại hai bên rãnh luống, anh tính toán chọn loại cây rau màu ngắn ngày phù hợp với điều kiện về không gian và thời vụ để trồng xen.
Tăng thu nhập
Năm 2017, gia đình anh Xuân bố trí giống và thời vụ trồng xen rất cụ thể: Từ tháng 2 - 4, trồng và thu hoạch vụ dưa lê; từ tháng 5 - 7, trồng và thu hoạch vụ bí đỏ; từ tháng 8 - 10, trồng cà chua và súp lơ; từ tháng 11 - 1 năm sau, trồng và thu hoạch su hào, bắp cải vụ muộn. Bốn vụ trồng cây rau màu xen canh/năm đã mang lại tổng thu nhập 160 triệu/năm/0,4ha.
Anh Xuân chia sẻ, để có được 4 vụ trồng xen thì ngay từ khâu thiết kế, cải tạo vườn, mỗi hộ gia đình cần thiết kế đất sao cho phù hợp và thuận lợi cho việc canh tác; chọn loại giống cây trồng chính phù hợp với chất đất và điều kiện kinh tế gia đình; cây giống được gieo ươm trên khay bầu, sử dụng máy nông nghiệp cầm tay để đẩy nhanh khâu làm đất, chuẩn bị đủ phân chuồng ủ hoai mục thì mới kịp thời vụ.
Ông Hán Quang Thái, Phó chủ tịch UBND xã Tứ Quận, cho biết, mô hình xen canh “3 trong 1” của gia đình anh Xuân – chị Quý đã khẳng định được hiệu quả kinh tế vượt trội. Với cách làm này, diện tích đất được tận dụng tối đa, việc xen gối vụ vừa tăng thu nhập trên cùng 1 diện tích canh tác, vừa tiết kiệm công làm cỏ, cải tạo đất. Đây là mô hình bà con nông dân có thể học tập làm theo trong thời gian tới.
Mặc dù có thu nhập tương đối cao từ việc áp dụng sản xuất mô hình “3 trong 1”, nhưng anh Xuân vẫn chưa hài lòng và mục tiêu trong những năm tới sẽ duy trì và tiếp tục đầu tư, chăm sóc cây trồng để đạt được thu nhập trung bình 100.000 đồng/m2 (tương đương 1 tỷ đồng/ha).
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.