Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 16 tháng 7 năm 2020 | 14:0

Tuyên Quang: Người dân đề nghị bán đất nhà văn hóa cũ để xây nhà văn hóa mới

Phải đóng nhiều tiền để mua đất, xây dựng nhà văn hóa mới, nhiều người dân ở thôn 11, xã Tứ Quận (Yên Sơn - Tuyên Quang) đã làm đơn đề nghị chính quyền bán đất nhà văn hóa cũ để lấy kinh phí xây dựng nhà văn hóa mới.

tr46.jpg
Người dân làm đơn đề nghị bán đất nhà văn hóa cũ để lấy tiền làm nhà văn hóa mới nhằm giảm bớt gánh nặng đóng góp của người dân.

 

Gánh nặng mang tên "đóng góp"

Kinh tế nông thôn nhận được đơn của nhiều người dân thôn 11, xã Tứ Quận phản ánh việc, thôn đang sử dụng nhà văn hóa với diện tích 198m2 (giá trị chuyển nhượng khoảng 700 triệu đồng), nay huyện và xã có chủ trương xây dựng nhà văn hóa mới cần diện tích rộng hơn nên phải mua đất ở vị trí khác.

Theo người dân, đất nhà văn hóa cũ do ông Tòng hiến tặng, sao xã không bán lấy tiền xây nhà văn hóa mới? Ngược lại, Chủ tịch xã chỉ đạo hai đời trưởng xóm đến từng nhà, thu 2-3 lần khiến người dân bức xúc.

Anh Lê Tiến Dương cho biết, diện tích đất nhà văn hóa mới rộng hơn 500m2, mua với giá 448 triệu đồng. Số tiền này do nhân dân đóng góp với mức 600.000 đồng/khẩu. Khi tiến hành xây dựng, thôn thu tiếp 1 triệu đồng/hộ. Nhiều hộ định không đóng nhưng xã, xóm "dọa" nếu không đóng tiền sẽ không xác nhận đơn từ.

Vì phải đóng góp nhiều tiền nên trong thôn còn khoảng 40% số hộ chưa đóng 1 triệu đồng. Người dân làm đơn đề nghị xã bán nhà văn hóa cũ lấy tiền xây dựng nhà văn hóa mới nhưng xã cho biết, đất này không bán được, nếu bán được thì tiền cũng bị thu công quỹ.

Ông Đỗ Xuân Bốn tâm sự, nhà tôi có 3 khẩu đóng 2 đợt tổng 2,8 triệu đồng. Trưởng xóm khi thu tiền đợt 2 có hứa bán được nhà văn hóa sẽ trả lại tiền. Nhưng Chủ tịch xã nói có bán được cũng bị thu vào công quỹ làm chúng tôi không biết tin ai?

Chị Nguyễn Thị Xuyến bức xúc, nhà có 2 mẹ con, tôi đóng đợt 1 là 1,2 triệu đồng, đợt 2 chưa đóng. Tối ngày 5/6/2020, tôi đến Trưởng xóm xin xác nhận để vay vốn ngân hàng, lúc đầu ông Sơn (Trưởng xóm) nói không đóng tiền xây dựng nên không xác nhận. Tôi yêu cầu, nếu không xác nhận thì ghi rõ lý do vào giấy. Về sau ông Sơn vẫn ký. 

tr47.jpg
Nhiều người dân thôn 11, xã Tứ Quận búc xúc vì phải đóng góp nhiều lần.

 

Bà Phạm Thị Sơn thắc mắc, nhà tôi có 6 khẩu đóng 2 đợt tổng 4,6 triệu đồng, xót ruột lắm nhưng vẫn phải đóng. Tại sao chính quyền không bán đất nhà văn hóa cũ đi để xây dựng nhà văn hóa mới, giảm bớt khó khăn của nhân dân?

Chính quyền kêu khó

Trao đổi với phóng viên, ông Hà Xuân Tiệp, Chủ tịch UBND xã Tứ Quận, cho biết, xóm 11 có 224 hộ với 851 khẩu, diện tích đất ở nhà văn hóa cũ là 198m2, có giấy chứng nhận quyền SDĐ. Theo tiêu chí mới, nhà văn hóa gắn với sân thể thao, khuôn viên phải có diện tích tối thiểu 500m2. Năm 2016, xã báo cáo huyện Yên Sơn, Sở TN&TM  để đổi đất nhưng Sở TN&MT không đồng ý.

Sau khi có chủ trương xây dựng nhà văn hóa, Chi bộ thôn 11 thống nhất có Nghị quyết mỗi khẩu đóng 600.000 đồng để mua đất. Diện tích tại nhà văn hóa mới 518m2. Nhà nước hỗ trợ cấu kiện gồm: cột kèo sắt, mái tôn, trị giá 280 triệu đồng; nhân dân đóng góp 1 triệu đồng/hộ, được hơn 200 triệu đồng. Tổng xây nhà văn hóa 480 triệu đồng và 20 triệu đồng nhà vệ sinh. Hiện còn hơn 20 hộ chưa đóng đóng 1 triệu đồng.

“Bà con đề nghị bán nhà văn hóa cũ để mua đất, xây nhà văn hóa mới nhưng theo quy định đất đã cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ rồi nên không bán được, để bán được phải có sự đồng ý của UBND tỉnh. Về phía địa phương, tôi cũng ủng hộ, chuyển đổi để giảm bớt sự đóng góp của nhân dân. Xã cũng đang làm thủ tục trình UBND tỉnh cho phép đổi đất, sau đó bán để trả lại tiền cho dân”, ông Tiệp nói. 

tr47a.jpg
Nhà văn hóa mới xây cơ bản xong nhưng không nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đây là việc làm nóng vội, tiền trảm hậu tấu.

 

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Ninh Thái, Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn, cho biết, huyện đã nhận được đơn của người dân về việc đề nghị bán nhà văn hóa cũ. Tới đây, huyện sẽ cho kiểm tra xem đóng góp như người dân phản ánh có đúng không. Đất nhà văn hóa cũ, UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ, giao cho xã quản lý nên muốn bán phải qua đấu giá, phải được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đấu giá mới được đấu giá. Tới đây, tôi sẽ xuống đối thoại với người dân để có phương án giải quyết cụ thể.

Có thể nói, việc huy động nguồn lực của người dân để xây dựng NTM là chủ trương đúng, nhiều địa phương làm khá tốt việc này. Tuy nhiên, ở một số nơi lại có hiện tượng lạm thu, làm người dân phải gánh nhiều khoản đóng góp khiến bà con bức xúc.

Tại xã Tứ Quận, chính quyền đang thực hiện sai ý kiến của Sở TN&MT ký ngày 30/8/2016. Sở TN&MT cho biết, vị trí xây dựng nhà văn hóa thôn 11 (vị trí hiện nay) theo đề nghị của xã chưa phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất huyện Yên Sơn và quy hoạch xây dựng NTM xã Tứ Quận. Do đó, phải thực hiện điều chỉnh các quy hoạch có liên quan và báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến.

Tuy nhiên, hiện nhà văn hóa mới đã xây cơ bản xong nhưng không nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đây là việc làm nóng vội, tiền trảm hậu tấu.

Vấn đề đặt ra, nếu tới đây HĐND huyện Yên Sơn không duyệt, không bổ sung vị trí nhà văn hóa mới (đã xây xong) vào quy hoạch xây dựng nhà văn hóa thì chuyện gì sẽ xảy ra? Phải chăng lúc này, thôn 11, xã Tứ Quận sẽ phải phá nhà văn hóa mới để xây một nhà văn hóa ở vị trí nằm trong quy hoạch? Đề nghị UBND huyện Yên Sơn làm rõ vấn đề này. Đây là bài học cho các địa phương khác trong triển khai xây dựng NTM, tránh việc làm nóng vội.

Sở TN&MT đề nghị huyện Yên Sơn phối hợp với các cơ quan đề xuất phương án xử lý diện tích đất nhà văn hóa thôn 11 (nhà văn hóa cũ), báo cáo UBND tỉnh xem xét cho ý kiến chỉ đạo thực hiện. Sau gần 4 năm, huyện Yên Sơn đã có đề xuất phương án xử lý nhà văn hóa cũ gửi lên UBND tỉnh? UBND tỉnh Tuyên Quang xem xét giải quyết thế nào? Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top