Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 13 tháng 10 năm 2017 | 1:53

Ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp đô thị: Hiệu quả nhiều mặt

Phát triển nông nghiệp đô thị đang được nhiều địa phương quan tâm nhằm sản xuất, chế biến và cung ứng cho người dân lương thực, thực phẩm tươi sống, hoa, sinh vật và thực vật cảnh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển mô hình hiệu quả, cần áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ và công nghệ cao không cần nhiều đất đai, không gây ô nhiễm môi trường, từ đó tăng thêm không gian xanh và hỗ trợ cho du lịch phát triển.

Trồng hoa công nghệ cao tại huyện Đan Phượng - Hà Nội. Ảnh: Thiên Trường.

Nhiều tiềm năng

Với nhiều tiềm năng và lợi thế, những năm qua, TP.Hồ Chí Minh đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhằm phát triển nông nghiệp đô thị. Có thể thấy, “Chương trình phát triển hoa, cây cảnh, chim, cá cảnh” của thành phố cho hiệu quả kinh tế rất cao. Từ đầu năm 2008 đến nay, các doanh nghiệp và hộ nuôi cá cảnh đã xuất khẩu bình quân 1-2 triệu con cá cảnh các loại sang thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... với kim ngạch đạt 2-3 triệu USD, tăng bình quân 30%/năm. Hiện, thành phố đã và đang xây dựng các trung tâm nông nghiệp công nghệ cao như: Khu nông nghiệp công nghệ cao (Củ Chi), Trung tâm Công nghệ sinh học (quận 12), Trung tâm thủy sản (Cần Giờ), trại thực nghiệm bò sữa công nghệ cao - hợp tác Israel (Củ Chi),... nhằm tạo ra các giống cây trồng - vật nuôi chất lượng cao để cung cấp cho nhu cầu tại chỗ và thị trường.

Tại TP.Cần Thơ, hàng năm từ nguồn kinh phí địa phương, Trung tâm Khuyến nông thành phố xây dựng 10 - 12 mô hình trình diễn sản xuất áp dụng tiến bộ kỹ thuật thuộc các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Điển hình như mô hình trồng nấm bào ngư xám. Đây là loại thực phẩm sạch vì trong quá trình sản xuất, người trồng không sử dụng hóa chất hay thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời, nấm bào ngư xám tương đối dễ trồng, chi phí đầu tư ban đầu thấp, tận dụng thời gian nhàn rỗi để chăm sóc. Giá cả và đầu ra của nấm bào ngư xám khá ổn định, hiện các hộ nông dân cung cấp nấm bào ngư cho các quán ăn hoặc các chợ đầu mối  với giá dao động từ 30.000 - 35.000 đồng/kg.

Mô hình trồng hoa kiểng tập trung cho các hộ ở quận, huyện đô thị và ven đô thị của TP.Cần Thơ. Có 2 nhóm hoa kiểng là hoa phục vụ Tết Nguyên đán và nhóm hoa phong lan, kiểng lá, bonsai. Đây cũng là những địa điểm du lịch sinh thái được nhiều du khách tìm đến. Nông nghiệp đô thị không những tạo thu nhập ổn định cho người dân mà còn góp phần tạo nên cảnh quan xanh cho các vùng ven đô, nhiều nơi đã trở thành địa chỉ du lịch nổi tiếng.

Sản xuất theo chuỗi

Các nhà nghiên cứu về nông nghiệp đô thị đã đưa trên 15 tiêu chí để phân biệt sự khác nhau giữa sản xuất nông nghiệp đô thị với nông nghiệp nông thôn (nông nghiệp thuần túy); nhưng dựa vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp vùng đô thị và ven đô trong thời gian qua, có thể cho thấy những đặc điểm chính của nông nghiệp đô thị, đó là: diện tích sản xuất nhỏ, phù hợp với điều kiện ở thành thị; đối tượng sản xuất và giải pháp kỹ thuật áp dụng không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sống như sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật hoặc chất thải quá mức trong quá trình chăn nuôi; để phát triển thành công nông nghiệp đô thị phải gắn liền với khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, hiện đại hay còn gọi là nông nghiệp công nghệ cao; các sản phẩm sản xuất ra tập trung phục vụ ngay cho nhu cầu của khu vực đô thị như: rau xanh, hoa lan, cây cảnh, cá cảnh, nuôi trồng các loại đặc sản, cao sản…, ngoài giá trị trong sinh hoạt còn góp phần tạo mỹ quan đô thị, tạo nét văn hóa đô thị và cải thiện môi trường sinh thái theo hướng xanh- sạch- đẹp, hài hòa giữa thiên nhiên với con người.

Tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chuyên đề: “Giải pháp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đô thị” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tại Vĩnh Long mới đây, TS.Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho rằng, nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu để phục vụ cho đời sống của người dân vùng đô thị và ven đô. Phát triển nông nghiệp đô thị còn góp phần tạo cảnh quan đô thị và phát triển du lịch của địa phương. Tuy nhiên, nông nghiệp đô thị đang bị cạnh tranh bởi các lĩnh vực khác của khu vực đô thị, do đó đặt ra nhiều thách thức, dễ bị tác động xấu của môi trường đô thị. Mặc dù, sản xuất nông nghiệp đô thị hiện nay còn nhỏ lẻ về quy mô nhưng khả năng tiếp cận của người dân tốt hơn. Đây cũng là một lợi thế để nông nghiệp đô thị có thể phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.

Sử dụng công nghệ SmartAgri trong trồng dưa lưới tại Khu nông nghiệp công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Hùng Khoa.

Từ ý kiến đóng góp của người dân, các chuyên gia tham gia Diễn đàn, ông Khởi đã tổng kết một số giải pháp phát triển nông nghiệp đô thị như sau:

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp phải gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên cơ sở hình thành các HTX kiểu mới vùng ngoại thành. Đề xuất loại hình công nghệ cao vào từng nhóm đối tượng, điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của vùng sản xuất.

Mặc dù dễ biến động nhưng nông nghiệp đô thị cần được quy hoạch rõ ràng, cụ thể để tạo ra các vùng sản xuất tập trung, thực hiện chỉ dẫn địa lý, tạo dựng cơ sở hạ tầng, nguồn nước tưới tiêu, xử lý môi trường…

Nâng cao năng lực và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khuyến nông theo hướng phát triển công nghệ cao như cung cấp kiến thức về giống cây, con, kỹ thuật nuôi trồng, bảo vệ thực vật, phòng tránh dịch bệnh, công nghệ sau thu hoạch, quảng bá sản phẩm, đặc biệt củng cố và nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống khuyến nông các cấp tại vùng nông nghiệp ngoại thành.

Sản xuất nông nghiệp cùng với quản lý, kiểm soát nguồn tài nguyên, môi trường, đặc biệt điều kiện môi trường để phục vụ cho sinh hoạt của người dân và hạn chế ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp.

Xây dựng và thực thi chính sách (kể cả trung ương và địa phương) để hỗ trợ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp đô thị như: hạ tầng sản xuất, tín dụng, cơ giới hóa, tự động hóa, xây dựng và chứng nhận chất lượng, thương hiệu nông sản, hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp, hình thành hợp tác xã kiểu mới, đất đai…

TS. Trần Văn Khởi đề nghị, sau diễn đàn, trung tâm khuyến nông các tỉnh tiếp tục giải đáp thắc mắc, tư vấn cho nông dân những vấn đề về sản xuất nông nghiệp đô thị, kể cả tiến bộ khoa học kỹ thuật, chính sách, mô hình tổ chức sản xuất hiệu quả cao… Đề xuất với tỉnh, thành phố tăng cường nguồn lực cho hoạt động khuyến nông, đặc biệt hoạt động về tập huấn cho nông dân, xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao vùng ngoại thành để tăng cường năng lực sản xuất của nông dân, khuyến cáo nhân rộng những kỹ thuật, công nghệ mới có hiệu quả và khả thi.

“Thời gian tới cần đẩy mạnh chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất nông nghiệp đô thị. Có quy hoạch cụ thể về vùng sản xuất chỉ dẫn địa lý, từng nhóm đối tượng được ưu tiên. Nâng cao năng lực tiếp cận của nông dân về lựa chọn cây, con giống, công nghệ. Năm 2018 sẽ là năm tăng cường công tác khuyến nông nhằm đưa công nghệ cao vào  sản xuất để người dân được hưởng lợi nhiều hơn”, ông Khởi chia sẻ.

 

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, sẽ hình thành khoảng 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm, trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có năng suất cao, chất lượng, an toàn và có sức cạnh tranh, từ đó đưa tỷ trọng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp cả nước.

Khánh Nguyên

 

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

    Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

    Theo đó, tại Kế hoạch số 145 ngày 17/4/2024 về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tỉnh Đồng Nai năm 2024, nhằm thực hiện việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, không đảm bảo nước tưới, năng suất thấp sang trồng các loại cây hàng năm, lâu năm và nuôi trồng thuỷ sản để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.

  • Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã và đang nỗ lực triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế, bước đầu đạt kết quả khả quan, tạo động lực cho người dân trong hành trình thoát nghèo.

  • Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị triển khai đề án sản xuất trồng trọt vụ hè thu-mùa năm 2024.

Top