Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 14 tháng 4 năm 2017 | 3:5

Vài nét về “vua” trồng rừng

Một lần lầm lỡ khiến ông mang án 48 tháng tù. Sau vấp ngã đó, bản thân ông trưởng thành hơn rất nhiều và nhận ra rằng, chỉ có con đường làm ăn chân chính mới bền vững. Chính vì vậy, 20 năm qua, từ mồ hôi, công sức của ông, hàng chục hecta đất đồi hoang khô cằn sỏi đá đã thành những khu rừng. Đó là câu chuyện về tỷ phú trồng rừng Ngô Thanh Hổ ở thôn 1 Thuồng, xã Phúc Lợi (Lục Yên - Yên Bái).

Ông Ngô Thanh Hổ (ngoài cùng bên trái) chăm sóc đồi cây lâm nghiệp của gia đình.

Trưởng thành từ vấp ngã

Chúng tôi gặp ông Hổ vào một ngày cuối tháng 3, khi ông đang cùng trên chục công nhân chăm sóc, phát dọn chồi cho những khu rừng keo lai một năm tuổi đang lên xanh tốt. Đúng như chúng tôi hình dung, ông Ngô Thanh Hổ cao ráo, rắn rỏi cùng phong thái nhanh nhẹn, linh hoạt và khá gần gũi.

Nói về những thành quả có được ngày hôm nay, ông Hổ bộc bạch: “Sau khi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tổ quốc ở Lào Cai, năm 1985, tôi xuất ngũ, về quê, làm việc tại Hợp tác xã Thuồng Ngoài, sau đó là Phó ban Kinh tế xã Phúc Lợi. Do thiếu hiểu biết nên tôi đã mua bán trái phép thuốc nổ để đánh bắt thủy sản vùng hồ Thác Bà, bị phạt 48 tháng tù giam. Thời gian ở tù đã giúp tôi trải nghiệm cuộc sống nên bản thân luôn cố gắng rèn luyện để sớm được đoàn tụ với gia đình. Sau 26 tháng, tôi được ra tù trước thời hạn. Ban đầu, do không có nghề nghiệp ổn định nên cuộc sống của gia đình khá khó khăn. Đến năm 1997, nhận thấy đầu ra của thị trường gỗ nguyên liệu thuận lợi, trong khi trên địa bàn có nhiều quả đồi bỏ hoang, tôi tự nhủ, mình cần phải chọn nghề trồng rừng để vươn lên thoát nghèo”.

Trở về với cuộc sống của người tự do, không một chút vốn liếng, từ hai bàn tay trắng, ông Hổ mạnh dạn nhận 3ha rừng để khai hoang trồng keo và bồ đề. Được sự hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện của các cấp, ngành, ông Hổ tích cực tìm đến nhiều nơi, nhiều người đi trước để học hỏi cách trồng rừng; tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về trồng rừng...

“Vạn sự khởi đầu nan”, ông gặp không ít khó khăn ở bước đầu khởi nghiệp. Giống cây lâm nghiệp phải tự mua, tự vận chuyển về, đất đai cằn cỗi. Nhưng với khí chất của “anh bộ đội Cụ Hồ”, bằng quyết tâm thay đổi cuộc sống cũng như xóa đi sự hoài nghi về con đường làm giàu chính đáng trên vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, ông đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Đất không phụ công người, dần dà những khoảnh rừng keo, bồ đề đầu tiên cũng vượt lên trên sỏi đá, phát triển xanh tốt. Năm 2001, những nỗ lực của bản thân ông đã được đền đáp với số tiền 30 triệu đồng bán gỗ nguyên liệu, cộng với số vốn có được từ nuôi cá, ông tiếp tục mở rộng thêm quỹ đất để tăng thêm diện tích trồng rừng. Những năm qua, công việc trồng rừng của ông đã tạo việc làm theo mùa vụ cho gần 10 lao động với mức thu nhập từ 4-4,5 triệu đồng/người/tháng.

Thu tiền tỷ từ đồi rừng

Nhẩm tính về hiệu quả kinh tế của những rừng keo, bồ đề của mình, ông Hổ khẳng định chắc nịch, keo cho lãi từ 60 - 70 triệu đồng/ha sau 5-7 năm trồng, chăm sóc. Tuy nhiên, để duy trì hiệu quả, ông Hổ phân tích, bắt đầu từ năm 2001, mỗi năm gia đình ông khai thác vài hecta, rồi lại tiếp tục trồng mới trên diện tích vừa khai thác. Trong quãng thời gian trồng lại rừng, những diện tích rừng trồng các năm trước sẽ cho thu hoạch liền kề, cứ thế “gối đầu”, việc trồng mới, khai thác diễn ra liên tục trong các năm, không chỉ đảm bảo về công ăn việc làm mà còn ổn định cả thu nhập. Với cách làm này, chỉ trong 3 năm (2014 - 2016), ông  Hổ thu về trên 1,3 tỷ đồng. Từ đồi rừng, ông đã xây mới 2 ngôi nhà khang trang trị giá trên 1 tỷ đồng, dự kiến sắp tới mua một chiếc ô tô 7 chỗ phục vụ việc đi lại của gia đình.

Khi được hỏi về bí quyết phát triển kinh tế đồi rừng, ông Hổ vui vẻ cho biết: “Rất đơn giản, để làm kinh tế rừng thành công, đòi hỏi người nông dân phải dám nghĩ, dám làm; kiên trì, sáng tạo trong lao động, sản xuất. Bên cạnh đó, phải nhạy bén với thị trường, biết nhìn nhận và đánh giá thị trường để công việc mua bán diễn ra “thuận buồm xuôi gió”. Một vấn đề nữa là, các sản phẩm mình làm ra phải có nơi tiêu thụ cụ thể, rõ ràng, nếu không có sự tính toán, khả năng dự báo thị trường tốt, nguy cơ thất bại là rất cao”.

Chủ tịch UBND xã Phúc Lợi, ông Hoàng Văn Hộ, khẳng định: “Ông Hổ là tấm gương nông dân tiêu biểu của xã trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo với mô hình đồi rừng. Chúng tôi đang tuyên truyền, vận động bà con trong xã cùng học tập theo mô hình của ông Hổ để từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương”.

Khắc Điệp

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top