Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 15 tháng 9 năm 2022 | 15:7

Vì sao nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao chậm tiến độ?

Phát triển NNCNC đang là xu thế tất yếu trong bối cảnh diện tích đất canh tác giảm dần và điều kiện khí hậu ngày càng khắc nghiệt, cực đoan. Đây cũng là giải pháp nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nông sản và giá trị sản xuất nông nghiệp.

Mặc dù được các địa phương tạo điều kiện về chính sách, đất đai để xây dựng khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), thế nhưng, sau khi được giao đất, nhiều doanh nghiệp lại không triển khai xây dựng hoặc làm dở dang, dẫn đến đất đai bị bỏ hoang, gây lãng phí rất lớn về đất đai.

Lãng phí vì chậm tiến độ

Phát triển NNCNC đang là xu thế tất yếu trong bối cảnh diện tích đất canh tác giảm dần và điều kiện khí hậu ngày càng khắc nghiệt, cực đoan. Đây cũng là giải pháp nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nông sản và giá trị sản xuất nông nghiệp.

 

z3722971746446_a81dc1e25e82e185608f02cdf72ec6ec.jpg
Dự án Nông nghiệp công nghệ cao trên 240ha ở Hà Tĩnh đi vào tháng hoạt động tháng 1/2018, từ đó tới nay dự án này sản xuất không hiệu quả, nhiều diện tích bị bỏ hoang.

 

Hầu hết các nước trên thế giới đều đã khuyến khích đầu tư vào NNCNC.

Tuy nhiên, tại nước ta, đang tồn tại một thực trạng đáng buồn, đó là nhiều dự án được đầu tư hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng để xây dựng khu nông nghiệp sạch, NNCNC nhưng đã trải qua nhiều năm, các dự án này chưa mang lại bất kỳ hiệu quả nào.

Đơn cử, dự án NNCNC Hoàng Mai xanh (Dự án Hoàng Mai xanh) được kỳ vọng trở thành mô hình điểm về phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái đầu tiên của Thủ đô, tại khu vực ven sông Hồng thuộc phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai.

Thế nhưng, gần 20 năm qua, dự án này vẫn chỉ là bãi đất hoang; khu vực văn phòng, nhà giàn bị bỏ hoang, một phần đất bị chiếm dụng làm bãi xe; khu vực gần sông bị bỏ hoang gây khó khăn cho Hợp tác xã rau Lĩnh Nam mỗi khi mưa lớn.

Không chỉ ở Hà Nội, một dự án NNCNC khác trên địa bàn Hà Tĩnh có diện tích 240ha, tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng, thời gian hoạt động 50 năm.

Mục tiêu của dự án này là tổ chức trồng trọt, sản xuất rau củ đạt tiêu chuẩn sạch, chất lượng, an toàn và giàu dinh dưỡng thông qua ứng dụng công nghệ cao, nhằm đáp ứng các sản phẩm chất lượng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Tháng 1/2018, UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư ở địa bàn 2 xã Thạch Văn, Thạch Trị (huyện Thạch Hà) nhưng từ đó tới nay dự án này sản xuất không hiệu quả, nhiều diện tích bị bỏ hoang.

Hay như ở Thái Nguyên, dự án Trung tâm NNCNC có số vốn đầu tư lên tới 100 tỷ đồng cũng đang bị bỏ hoang, chưa hẹn ngày hoạt động trở lại.

Năm 2018, tỉnh Thái Nguyên giao 5 ha đất ở phường Đồng Bẩm (thành phố Thái Nguyên) cho Công ty cổ phần Công nghệ cao Trung Anh (Hà Nội) thực hiện Dự án Trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, sau bốn năm, trên diện tích rộng lớn này là nhà xưởng bỏ hoang, cỏ dại mọc ùm tùm, không một bóng người lao động.

Nguyên nhân “vỡ” tiến độ

Trên thực tế, có 2 nguyên nhân chính gây ra tình trạng chậm tiến độ là do không phù hợp quy hoạch, vướng mắc về mặt bằng.

Cụ thể, mới đây nhất, Công ty cổ phần Tập đoàn T&T đã “xin rút” 2 dự án ngàn tỷ về NNCNC trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Theo đó, năm 2018, Công ty cổ phần Tập đoàn T&T (Tập đoàn T&T) được UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận chủ trương đầu tư 2 dự án NNCNC: Khu công viên NNCNC Điện Hòa, thị xã Điện Bàn và dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao Đông Quảng Nam xã Bình Dương, huyện Thăng Bình.

Đại diện Tập đoàn T&T cho rằng, trong quá trình triển khai các dự án trên, Tập đoàn gặp rất nhiều vướng mắc, khó khăn về quy định pháp luật, đặc biệt, về hình thức thu hồi đất, giao đất đối với các dự án.

Tại dự án Khu công viên NNCNC Điện Hoà, căn cứ theo quy định tại Điều 62, Luật Đất đai năm 2013, dự án không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất. Do đó, nhà đầu tư phải tự thoả thuận với dân, tuy nhiên, phương án này lại vướng bởi các quy định chưa được làm rõ như: khung đơn giá cho việc thoả thuận, quy chủ và xét nguồn gốc đất, phương án khấu trừ và số tiền được khấu trừ đã thoả thuận vào tiền sử dụng đất, cơ chế giao đất, sang tên giấy chuyển nhượng…

Do đó, phương án chủ đầu tư tự thoả thuận với dự án có diện tích lớn là không khả thi để thực hiện phát triển dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đại diện doanh nghiệp cho hay.

Ngoài khó khăn liên quan đến chính sách pháp luật về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất như dự án Khu công viên NNCNC Điện Hòa, dự án Khu NNCNC Đông Quảng Nam còn có một vướng mắc về quy hoạch.

Căn cứ Nghị quyết 64/NQ-HĐND ngày 29/9/2021 của HĐND tỉnh Quảng Nam, vùng Đông huyện Thăng Bình nói chung và xã Bình Dương nói riêng được định hướng quy hoạch chung là đất thương mại, dịch vụ. Do đó, mục tiêu dự án Khu NNCNC Đông Quảng Nam không còn phù hợp với quy hoạch chung của khu vực.

Trong tình trạng tương tự, một công ty có dự án phát triển NNCNC trên địa bàn TP. Hà Nội cũng đang vướng về vấn đề giải phóng mặt bằng.

“Công ty đang gặp nhiều khó khăn trong công tác đền bù, hỗ trợ người dân, một số hộ không đồng ý đền bù với mức giá chủ đầu tư đưa ra. Vì vậy, công ty chỉ còn cách vừa triển khai nuôi trồng vừa giải phóng mặt bằng. Điều này dẫn đến việc sản xuất chưa được đồng bộ”, vị đại diện này nói.

Giải pháp?

Để góp phần “gỡ khó” cho doanh nghiệp đang phát triển NNCNC, một số chuyên gia cho rằng, trước mắt, các bộ, ban, ngành cần tập trung tháo gỡ vướng mắc, hoàn thành phương án bàn giao quỹ đất cho các công ty nông nghiệp, đồng thời, rà soát đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư hấp dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhất là các dự án liên kết cùng nông dân, hình thành chuỗi liên kết sản xuất NNCNC bền vững.

Bà Nguyễn Thị Thoa, nguyên Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội), chia sẻ, vì sản xuất nông nghiệp mang tính rủi ro cao, lợi nhuận thấp nên cần thực hiện các chính sách ưu đãi cao nhất theo quy định của Nhà nước để thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp.

Cụ thể, gồm: hỗ trợ hạ tầng, đất đai, thuế đối với các doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản có sử dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, cần đảm bảo quỹ đất ổn định để thu hút các doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào sản xuất, chế biến và những dịch vụ mang tính hỗ trợ. Tích tụ ruộng đất để tạo vùng tập trung, phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã để tránh chuyện manh mún, nhỏ lẻ, thực hiện sản xuất theo đơn đặt hàng, theo chuỗi giá trị.

Để không lặp lại tình trạng “vỡ tiến độ”, các cơ quan quản lý Nhà nước cần kiểm tra nghĩa vụ tài chính, năng lực thực tế của các nhà đầu tư để có hướng giải quyết phù hợp. Riêng nhà đầu tư chây ì, không thực hiện dự án đúng cam kết ban đầu, hoặc năng lực tài chính kém thì kiên quyết thu hồi...

Đứng trên góc độ doanh nghiệp, chị Nguyễn Thị Trâm, Giám đốc Công ty TNHH xuất, nhập khẩu nông sản Hải Phong (Bắc Ninh), cho rằng, trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư thì các cơ quan quản lý cần thẩm định và đánh giá dự án một cách chặt chẽ, kỹ càng hơn.

Còn đối với các dự án vướng quy hoạch, địa phương cần cùng doanh nghiệp bàn bạc lại việc điều chỉnh quy hoạch theo đúng mục tiêu chung, phù hợp với quy hoạch và quy định của pháp luật hiện hành.

 

 

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
Top