Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 16 tháng 3 năm 2017 | 10:29

Dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Thái Bình: Doanh nghiệp là trụ cột tạo sự đổi thay trên quê lúa

Tập đoàn TH vừa tổ chức Lễ Khởi công Dự án nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau củ quả hữu cơ và lúa chất lượng cao tại xã Dũng Nghĩa (Vũ Thư- Thái Bình). Với nhiều nông dân xã Dũng Nghĩa, Dự án này thực sự tạo ấn tượng về quy mô và cách làm, gợi cho họ những kỳ vọng về sự đổi thay.

>> Dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Thái Bình: Kết hợp giữa sản xuất và du lịch

>> Tập đoàn TH khởi công Dự án nông nghiệp công nghệ cao 3.000 tỷ đồng tại Thái Bình

Lễ khởi công Dự án tại Thái Bình

Nối liền những bờ vùng, bờ thửa

Triền đê bờ sông Thái Bình, ngay cầu Tân Đệ những ngày đầu xuân vẫn còn rơi rớt gió mùa đông bắc và cái lạnh se sắt, nhưng ông Đinh Văn Tuấn vẫn đứng cùng bà con nhìn xuống Lễ khởi công Dự án với con mắt tò mò.

Chưa trò chuyện, ông đã kể, mảnh đất ngoài bờ sông này trước cho một đơn vị lớn chuyên khai thác bến bãi thuê, rồi bỏ hoang. Dân ở đây sau đó ra trồng ngô, lạc, mùa được mùa không. Vì thế, ông có chút lo lắng “hộ” cho nhà đầu tư tới đây trồng rau, củ quả vì sợ “giá rau cỏ lúc lên lúc xuống, nông dân chúng tôi trồng một vài sào thì không lo, chứ trồng cả vài ngàn ha thì vất vả đấy”.

Ông Tuấn cũng là người đang hưởng ứng chủ trương cho thuê đất của huyện. Ông kể: “Nhà tôi 3 đứa con, 2 đứa đã ở Hà Nội, còn một đứa ở quê thì không làm ruộng. Ruộng giờ chỉ còn 2 thân già làm, mỗi năm thu 1-2 triệu đồng. Giờ cho thuê 1 năm cũng được chừng đó, tôi cho thuê luôn, khỏi làm nữa”.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tìm hiểu về quy trình sản xuất rau của TH.

Khi biết về Dự án nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau củ quả hữu cơ và lúa chất lượng cao, ông Tuấn và nhiều người dân ở đây không khỏi ngạc nhiên vì cách làm táo bạo.  Dự án nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau củ quả hữu cơ và lúa chất lượng cao tại Thái Bình được tư vấn đầu tư bởi Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á và vận hành bởi Công ty cổ phần sản xuất và cung ứng rau quả sạch quốc tế (FVF) có quy mô đầu tư trên 3.000 tỷ đồng, diện tích sản xuất khoảng 3.000ha. Trong đó diện tích sản xuất rau, củ quả sạch dự kiến sử dụng khoảng 1.000ha; diện tích trồng lúa và sản xuất dầu gạo dự kiến sử dụng khoảng 2.000ha. Tập đoàn đầu tư sản xuất theo chuỗi từ xây dựng vườn ươm, trồng trọt, chiết xuất, thu hái thành phẩm, xử lý và đóng gói, phân phối sản phẩm.

Với nhiều người dân nơi đây, cái khó nhất là bán nông sản thành phẩm. Và không có gì giá rẻ hơn rau. Khi biết mô hình trồng khép kín và tiêu chuẩn cao như vậy (Global Gap, Organic) để bán trong nước và cả nước ngoài chứ không chỉ bán ở cái chợ làng, bà con đánh giá là “mới, có hiệu quả” và hy vọng “có thể học tập”.

Ông  Đinh Vĩnh Thụy, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư, chia sẻ, nếu như trước đây, người dân thường có tâm lý sợ “mất đất” thì nay bà con đã cởi mở hơn nhiều vì cũng đã hiểu muốn làm lớn thì phải có cánh đồng lớn. Thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất của tỉnh, UBND huyện cũng đã vận động người dân dồn điền đổi thửa để có những mảnh đất liền thửa rộng tới 500ha mời gọi các nhà đầu tư.

“Người nông dân Thái Bình rất chăm chỉ và sáng tạo, trong địa bàn huyện Vũ Thư cũng có nhiều trang trại, gia trại làm ăn tốt, nhưng ứng dụng công nghệ cao để đưa nông sản Việt Nam ra thế giới là việc rất khó, không có trang trại hay gia trại nhỏ nào làm được, phải có nòng cốt là doanh nghiệp lớn, như mô hình của TH”, ông Thụy chia sẻ.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và bà Thái Hương trò chuyện, động viên những công nhân đầu tiên của Dự án.

Doanh nghiệp là trụ cột

GS.TSKH Trần Duy Quý, Viện trưởng Viện Nông nghiệp hữu cơ TH, nêu thực tế: “Cả nước chưa có nhiều mô hình công nghệ cao trong nông nghiệp và mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn tại Việt Nam. Đặc biệt là công nghệ sản xuất hữu cơ, sạch 100%, quy mô lớn. Vì vậy, sản phẩm rất khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế”.

Với những khu vực sản xuất nông nghiệp như ở Thái Bình, nếu còn manh mún thì còn khó tuân thủ các tiêu chuẩn sản xuất quốc tế. Bài toán này chỉ được giải khi có bày tay của doanh nghiệp đủ Tâm- Trí- Lực trong lĩnh vực này.

Lao động trong lĩnh vực nông nghiệp của ta có năng suất lao động thấp, chỉ đạt khoảng 900 đô la Mỹ/ người/ năm (năm 2014), trong khi đó năng suất nông nghiệp của Thái Lan 1.300 USD, Hàn Quốc là 17.000 USD, gấp khoảng 11 lần VN, Hà Lan cũng 70.000 USD gấp 75 lần VN và thu nhập bình quân đạt 83 triệu đồng/1ha trồng trọt năm 2015. Đời sống đại bộ phận người dân còn nhiều khó khăn, đặc biệt nông dân. Đặc biệt sản xuất nông nghiệp còn sản xuất nhỏ lẻ, kinh tế hộ vẫn là phổ biến, bởi vậy, cần có các doanh nghiệp dẫn đầu. Tôi đánh giá cao Tập đoàn TH, một tập đoàn có năng lực, có uy tín, có kinh nghiệm, có tâm huyết, và là tập đoàn hàng đầu tạo ra những sản phẩm nông sản không chỉ trong nước mà toàn cầu, một tập đoàn có năng lực, có trách nhiệm, có uy tín và có bản lĩnh để đầu tư một dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Thái Bình

Trích phát biểu của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Lễ khởi công.

Với Tập đoàn TH, quy mô sản xuất, quy trình sản xuất đều được tiêu chuẩn hóa. Sản phẩm của Dự án được sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP và tiêu chuẩn Organic (hữu cơ) (chứng nhận EC 834-2007, EC 889-2008 của Châu Âu và USDA-NOP của Mỹ) theo hướng “5 không”: Không phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không kích thích tăng trưởng, không chất bảo quản và không giống biến đổi gen... Tiến trình sản xuất áp dụng quy trình kiểm soát dịch hại tổng hợp (nguồn giống được lựa chọn kỹ càng có sức đề kháng cao và không mang mầm bệnh; đất trồng, nước tưới an toàn; phương pháp canh tác khoa học có nhật ký hành trình theo dõi sát sao quá trình phát triển của cây cũng như thu hoạch, sơ chế, bảo quản và phân phối, luôn đạt yêu cầu cao về tính kỷ luật và tuân thủ). Trên mỗi sản phẩm đều có cam kết về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm rõ ràng.

Trên đồng đất Thái Bình sẽ sớm thành hình những cánh đồng mẫu lớn trồng rau, củ quả và gạo chất lượng cao của TH.

Bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH, cho biết, ngay từ khi triển khai Dự án sữa tươi sạch TH true MILK, Tập đoàn TH đã xác định: “Công nghệ cao là chìa khóa vàng cho phát triển nông nghiệp Việt Nam. Trong nông nghiệp công nghệ cao, không thể lấy trụ cột là nông dân mà phải bằng chính sách để lôi kéo những doanh nhân có đủ Tâm - Trí - Lực vào lĩnh vực này. Chính doanh nghiệp mới là trụ cột, tạo hiệu ứng để định hướng cho nông dân đi cùng”. 

Trên con đường này, trong tương lai, những người nông dân như ông Đinh Văn Tuấn sẽ sát cánh bên doanh nghiệp, nhưng không phải bằng cái cày, cái cuốc mà bằng máy móc và tư duy làm ăn bài bản, khoa học để tạo ra những sản phẩm nông sản mang lại niềm tự hào cho người Việt trên thị trường quốc tế.

Công nhân Tập đoàn TH cày những đường cày đầu tiên tại Dự án nông nghiệp CNC Thái Bình.

Trên những cánh đồng của TH bên bờ sông Thái Bình sẽ trồng các loại giống rau củ và gạo có chất lượng tốt nhất bởi theo bà Thái Hương: “Về sản lượng, chúng ta có thể can thiệp bằng công nghệ nhưng chất lượng mới là cái quan trọng để gây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế”.

Với tư duy vượt trội áp dụng khoa học quản trị, công nghệ đầu cuối của thế giới, bà Thái Hương tự tin Tập đoàn TH sẽ là đơn vị đủ Tâm - Trí - Lực để dẫn dắt người nông dân, mở ra một cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp: cách mạng làm nông nghiệp sạch bằng công nghệ cao trên quy mô lớn, viết tên Việt Nam trên bản đồ rau củ quả thế giới, tạo thương hiệu, tạo niềm tin về chất lượng nông sản Việt Nam trong nước và quốc tế, để mỗi người nông dân tự hào về mảnh đất thiêng liêng của mình.

Lễ khởi công dự án nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn tại Thái Bình mở đầu một loạt dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tập đoàn TH ở khu vực phía Bắc. Trong dài hạn, Tập đoàn TH sẽ phối hợp với chuyên gia của Viện Nông nghiệp hữu cơ, Hiệp hội Nông nghiệp Công nghệ cao cùng với các chuyên gia quốc tế (Mỹ, Hà Lan, Israel, New Zealand…) nghiên cứu triển khai dự án theo 10 nhóm sản phẩm: Sữa và các sản phẩm từ sữa kết hợp với các cây thảo dược Việt Nam; Nhóm Dược liệu quý hiếm Việt Nam như Lan Thạch Hộc (trồng tại Hà Giang, Yên Bái…); Chè và các sản phẩm từ chè theo các phong cách Cung Đình Việt Nam và Nhật Bản; Các giống gạo có chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng được đánh giá cao hơn gạo Nhật (như gạo Nang Oi-Mường Lống, nếp Rồng-Đô Lương, Nghệ An); lạc; vừng; nhãn lồng Hưng Yên; sầu riêng; bơ; cam.

Quang Anh

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top