Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 24 tháng 2 năm 2017 | 8:10

Tập đoàn TH khởi công Dự án nông nghiệp công nghệ cao 3.000 tỷ đồng tại Thái Bình

Ngày 24/2, tại xã Dũng Nghĩa (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), Tập đoàn TH tổ chức Lễ Khởi công Dự án nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau củ quả hữu cơ và lúa chất lượng cao.

Lễ Khởi công vinh dự có sự tham gia của ông Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Nguyễn Hạnh Phúc- Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng thư ký Quốc hội; ông Phan Xuân Dũng- Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Nguyễn Xuân Cường- Ủy viên Trung ương Đảng - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng lãnh đạo các Bộ, ban ngành đoàn thể Trung ương; Lãnh đạo Đảng ủy, UBND tỉnh Thái Bình, các tổ chức quốc tế cùng lãnh đạo nhiều tỉnh thành quan tâm tới lĩnh vực đầu tư nông nghiệp công nghệ cao.

Lễ khởi công dự án.

Sau thành công vang dội với Dự án sữa tươi sạch TH true MILK, Dự án rau sạch FVF, Dự án dược liệu sạch TH Herbals và một số Dự án nông nghiệp khác, Tập đoàn TH mở rộng các hạng mục sản xuất nông sản, trong đó đầu tư mạnh mẽ sản xuất rau củ quả và gạo sạch.

Dự án nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau củ quả hữu cơ và lúa chất lượng cao tại Thái Bình được tư vấn đầu tư bởi Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á và vận hành bởi Công ty cổ phần sản xuất và cung ứng rau quả sạch quốc tế (FVF) có quy mô đầu tư trên 3.000 tỷ đồng, diện tích sản xuất khoảng 3.000ha. Trong đó diện tích sản xuất rau, củ quả sạch dự kiến sử dụng khoảng 1.000ha; diện tích trồng lúa và sản xuất dầu gạo dự kiến sử dụng khoảng 2.000ha. Tập đoàn đầu tư sản xuất theo chuỗi từ xây dựng vườn ươm, trồng trọt, chiết xuất, thu hái thành phẩm, xử lý và đóng gói, phân phối sản phẩm.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi lễ 

Toàn bộ diện tích đất của Dự án được thuê lại của nông dân. Mỗi hộ gia đình có diện tích đất cho thuê sẽ được tạo điều kiện cho 1 lao động tham gia sản xuất tại các Dự án do Tập đoàn đầu tư và được hưởng thu nhập theo mức quy định của Tập đoàn. Sản phẩm của Dự án được sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP và tiêu chuẩn Organic (hữu cơ) (chứng nhận EC 834-2007, EC 889-2008 của Châu Âu và USDA-NOP của Mỹ) theo hướng “5 không”: Không phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không kích thích tăng trưởng, không chất bảo quản và không giống biến đổi gen... Tiến trình sản xuất áp dụng quy trình kiểm soát dịch hại tổng hợp (nguồn giống được lựa chọn kỹ càng có sức đề kháng cao và không mang mầm bệnh; đất trồng, nước tưới an toàn; phương pháp canh tác khoa học có nhật ký hành trình theo dõi sát sao quá trình phát triển của cây cũng như thu hoạch, sơ chế, bảo quản và phân phối, luôn đạt yêu cầu cao về tính kỷ luật và tuân thủ). Trên mỗi sản phẩm đều có cam kết về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm rõ ràng.

Điểm nhấn mới của Dự án là kết hợp sản phẩm nông nghiệp và du lịch. Đây sẽ là Dự án đầu tiên của Tập đoàn TH thiết kế  theo chiến lược đầu tư vào nông nghiệp sạch, hữu cơ ứng dụng công nghệ cao đưa tới tay người tiêu dùng những sản phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên, vì sức khỏe cộng đồng kết hợp với du lịch sinh thái văn hóa, làng nghề trên nền tảng bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa, bản sắc của dân tộc; đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng GDP cho ngành nông nghiệp.

Bà Thái Hươn,g- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH phát  biểu.

Bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH cho biết, ngay từ khi triển khai Dự án sữa tươi sạch TH true MILK, Tập đoàn TH đã xác định: “Công nghệ cao là chìa khóa vàng cho phát triển nông nghiệp Việt Nam. Trong nông nghiệp công nghệ cao, không thể lấy trụ cột là nông dân mà phải bằng chính sách để lôi kéo những doanh nhân có đủ Tâm - Trí - Lực vào lĩnh vực này. Chính doanh nghiệp mới là trụ cột, tạo hiệu ứng để định hướng cho nông dân đi cùng”.  Con đường mà Tập đoàn TH theo đuổi cũng vô cùng khác biệt với việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp khoa học quản trị tiên tiến của thế giới với tài nguyên Việt và trí tuệ Việt để tạo ra những sản phẩm nông sản mang lại niềm tự hào cho người Việt trên thị trường quốc tế.

Tại Thái Bình, Tập đoàn TH sẽ tiếp tục theo đuổi con đường này. Trên những cánh đồng của TH bên bờ sông Thái Bình sẽ trồng các loại giống rau củ và gạo có chất lượng tốt nhất bởi theo bà Thái Hương: “Về sản lượng, chúng ta có thể can thiệp bằng công nghệ nhưng chất lượng mới là cái quan trọng để gây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế”.

Cùng với đó, Tập đoàn TH đã thành lập Viện Nông nghiệp hữu cơ; sáng lập Hiệp hội Nông nghiệp công nghệ cao, tạo môi trường cho các nhà khoa học “xắn tay” vào giúp nông dân. Các nhà khoa học của Viện đang có ý tưởng xây dựng dự án thành Khu nông nghiệp công nghệ cao kiểu mẫu tại Thái Bình, tạo mô hình để cho nông dân tham quan, học tập nắm bắt được cách sản xuất nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, đưa hàm lượng chất xám cao vào sản xuất nông nghiệp.

Về phía tỉnh Thái Bình, ngành nông nghiệp có nhận định, so với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng, Thái Bình là tỉnh duy nhất có tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ lệ cao nhất so với tổng tỷ trọng cơ cấu kinh tế chung. Trong tương lai những năm tới, dù diện tích dành cho nông nghiệp không tăng nhưng hiệu quả kinh tế phải tăng và áp dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất là con đường duy nhất thực hiện được mục tiêu này.

Hiện UBND tỉnh đã chủ động quy hoạch những khu đất liền vùng liền thửa có diện tích lớn. Riêng tại huyện Vũ Thư, chính quyền địa phương đã sẵn sàng bàn giao những khu đất nông nghiệp sạch liền vùng, liền thửa rộng tới 500 ha.

Sản phẩm được đánh giá theo tiêu chuẩn Global GAP và tiêu chuẩn Organic.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp hiện đang là hoạt động được Chính phủ và ngành nông nghiệp dốc sức triển khai; coi công nghệ cao là khâu đột phá tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng xây dựng những nhóm sản phẩm quốc gia, chủ lực của các tỉnh, thành phố và địa phương.

Về mặt chính sách, tại Lễ Khởi công, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Chính phủ đã thể hiện sự quyết liệt trong lĩnh vực này khi phê duyệt gói tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao là 100.000 tỷ đồng và xem xét kiến nghị Quốc hội sửa đổi một số điều của Luật Đất đai để đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, xóa đi sự manh mún, nhỏ lẻ của nền nông nghiệp”. Ông biểu dương Tập đoàn TH là doanh nghiệp đầu tiên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp chứng nhận ứng dụng công nghệ cao trong nông  nghiệp và là doanh nghiệp duy nhất trong chăn nuôi bò sữa được cấp chứng nhận này. Với xu hướng đầu tư mạnh mẽ vào nông nghiệp công nghệ cao, Tập đoàn TH sẽ vươn lên trở thành doanh nghiệp số 1 tại Việt Nam sản xuất nông sản, thực phẩm sạch, xây dựng thương hiệu đồng bộ cho sản phẩm nông sản Việt Nam.

Lễ khởi công dự án nông nghiệp Công nghệ cao của Tập đoàn tại Thái Bình mở đầu một loạt dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tập đoàn TH ở khu vực phía Bắc. Trong dài hạn, tập đoàn TH sẽ phối hợp với chuyên gia của Viện Nông nghiệp hữu cơ, Hiệp hội Nông nghiệp Công nghệ cao cùng với các chuyên gia quốc tế (Mỹ, Hà Lan, Israel, New Zealand…) nghiên cứu triển khai dự án theo 10 nhóm sản phẩm: Sữa và các sản phẩm từ sữa kết hợp với các cây thảo dược Việt Nam; Nhóm Dược liệu quý hiếm Việt Nam như Lan Thạch Hộc (trồng tại Hà Giang, Yên Bái…); Chè và các sản phẩm từ chè theo các phong cách Cung Đình Việt Nam và Nhật Bản; Các giống gạo có chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng được đánh giá cao hơn gạo Nhật (như gạo Nang Oi-Mường Lống, nếp Rồng-Đô Lương, Nghệ An); Lạc; Vừng; Nhãn lồng Hưng Yên; Sầu riêng; Bơ; Cam.

Song song với việc triển khai các Dự án nông nghiệp công nghệ cao, bà Thái Hương dự kiến nghiên cứu mở các chợ nông sản, thực phẩm sạch trong nước và nước ngoài. Tâm niệm của bà là sẽ trở thành “người nội trợ tử tế cho cộng đồng”, để người Việt tự tin, tự hào về những sản phẩm nông sản trồng trên chính đồng đất Việt Nam.

Một số hình ảnh tại buổi lễ:

P.V

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Từ những cây trồng áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, người dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực tham gia hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

Top