Đưa chương trình nông thôn mới vào bên trong cổng của nhà nông dân, phát triển mạnh kinh tế VAC-kinh tế vườn, vừa để cải thiện đời sống vật chất, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, môi trường sinh thái nông thôn.
Mô hình vườn mẫu ở xã Tượng Sơn (Thạch Hà - Hà Tĩnh).
Xuất xứ của vườn mẫu
Phát biểu về Chương trình xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: Mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 là xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người nông dân; không phải chỉ là công trình xây dựng cơ bản mà phải quan tâm xây dựng các mô hình sản xuất gắn với tạo việc làm tăng thu nhập, tăng ít nhất là 1,8 lần so với năm 2015.
Từ chỉ đạo của Thủ tướng, Hội Làm vườn Việt Nam nêu ra ý tưởng vườn mẫu để góp phần thực hiện những điều Thủ tướng nêu ra, đưa chương trình nông thôn mới vào bên trong cổng của nhà nông dân, phát triển mạnh kinh tế VAC-kinh tế vườn, vừa để cải thiện đời sống vật chất, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, môi trường sinh thái nông thôn.
Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh là đơn vị sớm nhận ra vấn đề này và làm thử nghiệm thành công.
Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam kịp thời tổ chức tổng kết đúc rút và đề xuất với Ban Chủ nhiệm Chương trình mục tiêu quốc Gia xây dựng nông thôn mới.
Tại Hội nghị toàn quốc tháng 04 năm 2018, Tổng kết 7 năm triển khai chương trình này do Ban Chủ nhiệm Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới tổ chức ở Hà Tĩnh, Hội Làm vườn Việt Nam đã trình bày báo cáo các giải pháp xây dựng vườn mẫu.
Báo cáo của Hội được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (nay là Bí thư Thành ủy Hà Nội) và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường hoan nghênh và chấp nhận đưa vườn mẫu vào nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn phát triển tiếp theo.
Sau Hội nghị trên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường có thư gửi các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, đề nghị quan tâm triển khai xây dựng vườn mẫu ở địa phương mình.
Thư của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường có đoạn viết: Từ thực tiễn xây dựng mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu tại các địa phương, nhất là ở Hà Tĩnh, Hội nghị đã thống nhất đánh giá nội dung khu dân cư kiểu mẫu và vườn mẫu chính là giải pháp quan trọng nhằm trực tiếp nâng cao chất lượng đời sống vật chất và giá trị hưởng thụ tinh thần của người dân nông thôn, làm rõ hơn nội hàm về xây dựng nông thôn mới ở cấp cộng đồng khu dân cư cũng như từng hộ dân, góp phần khẳng định vai trò chủ thể của người dân cộng đồng và nâng cao chất lượng, tính bền vững, hiệu quả xây dựng nông thôn mới. Do vậy, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu các địa phương chủ động học tập kinh nghiệm của Hà Tĩnh để nhân rộng phù hợp với điều kiện của từng nơi… Đề nghị các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo triển khai…
Vườn mẫu, ý nghĩa và vai trò
Vườn mẫu, tạm hiểu là vườn có quy hoạch, thiết kế hợp lý giữa không gian để sản xuất vườn, ao, chuồng (VAC) và không gian sống của gia đình trong khuôn viên hộ, tạo ra cảnh quan “Nhà sạch, vườn đẹp, môi trường sống trong lành, văn hóa, văn minh”. Theo đó, vườn mẫu có vai trò khá toàn diện.
Thứ nhất, vườn mẫu là tiền đề để xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, là cốt lõi của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn tiếp theo - giai đoạn xây dựng vườn mẫu, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu
Việc tạo ra vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu sẽ tạo ra diện mạo mới cho khu vực nông thôn và cộng đồng dân cư, tạo ra xã chuẩn nông thôn mới bền vững.
Thứ hai, vườn mẫu tạo động lực trực tiếp cho người dân và cộng đồng dân cư, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, gia đình nào cũng có thể làm được. Chính vì vậy, sẽ huy động được tối đa sự vào cuộc của người dân, từ đó quyền chủ thể người dân và cộng đồng được phát huy cao nhất.
Xây dựng vườn mẫu tạo ra hướng phát triển kinh tế hộ gia đình, thực hiện mục tiêu phát triển sản xuất hàng hóa, đa dạng hóa thu nhập và tăng thu nhập cho hộ nông dân.
Thứ ba, việc xây dựng vườn mẫu, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu có quan hệ khăng khít với việc phấn đấu thực hiện các tiêu chí nông thôn mới như tiêu chí môi trường, tiêu chí thu nhập, tiêu chí cảnh quan “Nhà sạch, vườn đẹp”, hình thành những vùng quê đáng sống.
Thứ tư, trình độ dân trí, ý thức nhận thức chấp hành luật, quy ước, hương ước làng quê được nâng cao, xã hội nông thôn tiến gần tới xã hội đô thị văn hóa văn minh.
Thứ năm, từ xây dựng vườn mẫu, khu dân cư mới kiểu mẫu sẽ nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả hoạt động chính quyền, đoàn thể, củng cố lòng tin của dân vào Đảng và Chính quyền.
Thứ sáu, thúc đẩy tiến độ Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới sớm cán đích.
Kinh nghiệm xây dựng vườn mẫu ở Hà Tĩnh
Vườn mẫu cũng như khu dân cư mới kiểu mẫu là những khái niệm hoàn toàn mới, chưa hề có tài liệu tham khảo, vì thế, để xây dựng vườn mẫu, Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh đã phải xin lập một dự án khoa học trình Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh phê duyệt và cấp kinh phí. Trong 2 năm 2012 -2013, dự án đã khảo sát 10 vườn, biên soạn ra bộ tiêu chí vườn mẫu, tổ chức hội thảo lấy ý kiến và đến năm 2013 làm thử tại huyện Cẩm Xuyên, xây dựng 28 vườn mẫu tại 3 xã (Cẩm Bình, Cẩm Thành, Cẩm Yên).
Trong quá trình hội thảo với khoảng 900 nông dân chủ hộ cho thấy, người dân rất đồng tình và từ đó trở thành phong trào quần chúng rộng rãi.
Điểm nổi bật là cuộc vận động không đốt rơm rạ ở ngoài đồng mà dành rơm rạ để ủ phân bón ruộng vườn, tránh được ô nhiễm không khí sau vụ gặt.
Từ 2014, UBND tỉnh có văn bản giao nhiệm vụ cho Hội Làm vườn và Trang trại phối hợp với Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Tĩnh trong 3 năm 2014-2016 xây dựng 710 vườn mẫu ở 142 xã trong tỉnh, các chủ vườn khác cũng làm theo khoảng 3.000 vườn.
Không chỉ đạo chung chung, Tỉnh ủy và UBND tỉnh kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ và cơ chế thưởng cho những tổ chức, cá nhân xuất sắc.
Giai đoạn 2014-2016, tỉnh hỗ trợ ngân sách 300 triệu đồng/khu nông thôn mới kiểu mẫu, 20 triệu đồng/vườn mẫu, mỗi xã 10 vườn.
Phần vốn hỗ trợ tập trung vào các hạng mục: quy hoạch, làm hàng rào xanh, hỗ trợ giống cây và ứng dựng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất VAC (hệ thống tưới tiết kiệm nước, chế phẩm sinh học để chế biến phân hữu cơ, khử mùi hôi và sản xuất nông nghiệp hữu cơ nói chung…).
Ngoài ra, mỗi khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu đạt chuẩn được thưởng 300 triệu đồng, vườn mẫu thưởng 5 triệu đồng cho đại trà.
Kết quả là, trong thời gian không dài, nhiều địa phương ở Hà Tĩnh đã xây dựng xong phương án và dự toán xây dựng vườn mẫu và khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu (1.656 thôn, 100% số thôn đã xây dựng xong).
Trong đó, 428 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và 5.224 vườn mẫu đạt chuẩn.
Tạo ra phong trào thi đua nhà nhà với nhau, tổ liên gia với nhau, thôn nọ với thôn kia, tự giám sát đánh giá công nhận nhau, định kỳ tổ chức các cuộc thi để phong trào thi đua rộng khắp.
Bộ tiêu chí vườn mẫu áp dụng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh do UBND tỉnh phê duyệt gồm 5 tiêu chí:
Tiêu chí thứ nhất là quy hoạch và thực hiện quy hoạch gồm 2 nội dung: có bản vẽ hoặc sơ đồ quy hoạch, thiết kế vườn hộ được UBND xã xác nhận; thực hiện đúng quy hoạch, thiết kế được UBND xã xác nhận.
Ở tiêu chí thứ 2, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật - quy định có hệ thống tưới tiêu khoa học và ít nhất có áp dụng một trong các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến khác vào sản xuất, thu hoạch, bảo quản và chế biến.
Sản phẩm vườn là tiêu chí thứ 3 với 2 nội dung: sản phẩm hàng hóa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; giá trị sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của tỉnh chiếm tỷ lệ tối thiểu 75% tổng giá trị sản phẩm từ vườn.
Tiêu chí thứ 4 là môi trường - cảnh quan, cần thực hiện 4 nội dung: tỷ lệ hàng rào xanh đạt 80%; tỷ lệ cây xanh trong diện tích đất ở của hộ gia đình 20%; chuồng trại chăn nuôi phải đảm bảo đúng quy cách kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh môi trường (có sử dụng bể biogas hoặc chế phẩm sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường...); có hệ thống mương thoát nước thải đảm bảo vệ sinh, không ô nhiễm môi trường, chất thải rắn hộ gia đình trước khi tập kết tại điểm thu gom phải được phân loại.
Cuối cùng là tiêu chí số 5 với 2 nội dung: thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích đối với cây trồng trong vườn so với thu nhập từ trồng lúa trong xã; tổng thu nhập tối thiểu từ kinh tế vườn trong một năm (bao gồm tất cả các sản phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cụ thể: đối với vườn có diện tích <= 1.000m2 đạt >= 60 triệu đồng; đối với vườn có diện tích 1.000 - 2.000m2 đạt >= 80 triệu đồng; đối với vườn có diện tích 2.000 - 3.000m2 đạt >= 120 triệu đồng; đối với vườn có diện tích >= 3.000m2 đạt >= 150 triệu đồng.
Lời kết
Kinh nghiệm xây dựng vườn mẫu của Hà Tĩnh có thể áp dụng cho các tỉnh miền Trung và những tỉnh có khuôn viên vườn hộ rộng rãi; còn những tỉnh ở Đồng bằng sông Hồng, làng mạc khuôn viên vườn hộ thường bé “đất chật người đông”, nhà ở tường bao quanh đã xây kiên cố, chuẩn vườn mẫu tất nhiên phải xây dựng theo chuẩn khác..
GS.TS Ngô Thế Dân, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.