Do không được ngân hàng cho vay vốn nên giờ đây Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế đang phối hợp với Chủ đầu tư một dự án gần đó để thực hiện việc lắp đặt đường dây điện và cho người dân sử dụng... ké.
Trước đó, Kinh tế nông thôn đã có bài viết “TT - Huế: Nhiều hộ dân của xã đạt nông thôn mới chưa có điện sáng, nước sạch” phản ánh về thực trạng hàng chục hộ dân sống tại xã Hương Bình (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đến nay vẫn chưa có đường điện sáng và nước sạch.
Lắp đặt đường dây điện, điện lực bị động và phải phụ thuộc vào dự án… rác?
Trao đổi với PV Kinh tế nông thôn về vấn đề này, ông Nguyễn Đại Phúc, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế cho biết, đơn vị đã nắm được thông tin nhiều hộ dân tại xã Hương Bình chưa có điện sáng.
Vị Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế lý giải rằng, để có thể lắp đặt đường điện sáng cho các hộ dân tại khu vực thôn Bình Sơn, xã Hương Bình ước tính chi phí khoảng 5,5 tỷ đồng, tương ứng với 850 – 900 triệu đồng/km đường dây điện.
Cũng theo ông Phúc, toàn bộ chi phí này phía Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế phải vay ngân hàng. Tuy nhiên, nhận thấy nhu cầu sử dụng điện của người dân tại đây ít nên khả năng thu hồi vốn sẽ có thể kéo dài hàng chục năm, vì vậy, phía ngân hàng đã không cho vay để đầu tư mở đường dây điện nói trên.
Về phương án xử lý, đại diện của Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế cho biết, đơn vị này đang liên hệ với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế - Chủ đầu tư dự án Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế để lắp đặt đường dây điện phục vụ dự án kết hợp phục vụ cuộc sống của người dân.
Được biết, về cơ bản, phương án này đã được các bên liên quan thống nhất. Ngay sau khi chủ đầu tư lắp đặt xong đường điện, Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế sẽ tiến hành các bước tiếp theo (dự kiến trong vòng 01 tháng) để cấp điện cho người dân.
“Khi nào họ (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế) thực hiện đường dây điện xong thì chúng tôi cần thêm 01 tháng để lắp đặt trạm biến áp và các công việc khác là bà con có thể sử dụng điện rồi… Nếu tháng 7 họ hoàn thành thì tháng 8 bà con có điện dùng, nếu tháng 8 họ xong thì tháng 9 dân có điện dùng, nói chung là cứ theo công thức n+1”, ông Phúc trao đổi với PV.
Hơn 10 năm qua, cứ “ngỡ” dân đã có đường dây điện?
Cũng tại cuộc trao đổi với PV, ông Nguyễn Đại Phúc, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế cho biết, qua khảo sát đơn vị này nhận thấy tất cả người dân tại xã Hương Bình đã có điện sáng để sử dụng. Những hộ dân mà Kinh tế nông thôn đề cập trước đó cũng đã có điện sáng nhưng do họ tự kéo một đường dây dẫn dài nhiều km. Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế cũng đã khảo sát được 25 hộ đang sử dụng đường điện tự kéo này.
Để rõ ràng hơn về vấn đề này, PV đã cho ông Phúc nghe cuộc trò chuyện giữa PV với người dân sống tại thôn Bình Sơn nhưng đến nay vẫn chưa có điện sáng và đang phải dùng bình ắc quy. Trong cuộc trò chuyện, người dân này cho biết, họ đến sinh sống tại thôn Bình Sơn, xã Hương Bình từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn chưa có đường điện sáng, giờ đây họ phải sử dụng điện từ bình ắc quy. Người dân này cung cấp thêm rằng nhiều hộ khác tại khu vực này cũng chưa có điện sáng, nhiều hộ đã chuyển đi nơi khác sống.
Trước những phản ánh này, Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế đã cho người đi khảo sát lại và kết quả, ông Phúc xác nhận đúng là nhiều hộ dân tại xã Hương Bình chưa có đường điện sáng như Kinh tế nông thôn đã phản ánh trước đó.
Tiếp tục trao đổi ông Phúc cho rằng, hiện tại mặt bằng (đặc biệt là cây cối) vẫn chưa đảm bảo cho việc lắp đặt đường điện sáng tại xã Hương Bình, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Liên quan đến vấn đề này, người đại diện Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế cho biết sẽ liên hệ với chính quyền địa phương để khắc phục.
Về phía địa phương, Chủ tịch UBND xã Hương Bình Trần Viết Tuấn thì khẳng định, tuyến đường đang nói tới đã được phát quang và sẵn sàng cho việc lắp đặt đường dây điện. Người đứng đầu chính quyền xã Hương Bình thể hiện sự trăn trở và mong muốn toàn bộ người dân của địa phương sớm có điện sáng và nước sạch để sinh hoạt.
Cấp nước: Dự kiến 15/5 sẽ có thiết kế, dự toán… cụ thể để trình lãnh đạo duyệt
Trao đổi với PV Kinh tế nông thôn, ông Trần Văn Phong, Giám đốc Xí nghiệp Cấp nước Hương Điền, thuộc Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên - Huế cho biết, vừa qua đơn vị đã liên hệ với xã Hương Bình và thống kê được tình hình cần cấp nước tại đây là: Khu quy hoạch thôn Bình Sơn, 64 lô, hiện nay có 7 nhà.
Theo khảo sát, vị trí cần cấp nước nói trên có cao trình 84m, cao hơn điểm có nguồn nước Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên - Huế là 30m, cách điểm có nguồn nước là 1.110m. Với cao trình này thì nguồn nước của Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên - Huế hiện tại sẽ không cấp lên được.
Từ thực tế này, Xí nghiệp Cấp nước Hương Điền đã đề ra giải pháp là sẽ thi công tuyến ống dài 1.110m ống D75, lắp bơm tăng áp để bơm lên bồn chứa, sau đó dùng bồn chứa để cấp cho các hộ.
Song song với đó, hiện nay, Xí nghiệp Cấp nước Hương Điền cũng đang cho thiết kế, lập dự toán để trình lãnh đạo phê duyệt và dự kiến hoàn thành vào ngày 15/5/2020.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.