Là cửa ngõ phía Tây của Thái Bình, nơi tiếp giáp với nhiều vùng kinh tế năng động, huyện Vũ Thư có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.
Sau 7 năm triển khai Chương trình MTQG XDNTM, Vũ Thư đã chuyển mình tích cực, bức tranh NTM được được tô thêm những gam màu tươi sáng. 21/30 xã, thị trấn về đích NTM.
Có được thành quả đó là nhờ sự lãnh đạo, điều hành của Huyện ủy, UBND huyện cùng sự hỗ trợ tích cực từ phía tỉnh và sự đồng lòng nhất trí cao của người dân trong địa bàn.
Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Vĩnh Thụy, Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư, cho biết: “Bắt tay XDNTM, việc đầu tiên huyện ưu tiên là chỉnh trang giao thông, thủy lợi nội đồng. Sau đó tiến hành công tác dồn điền đổi thửa, đầu tư các công trình phúc lợi; song song đó là tập trung phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ”.
Dẫn đầu tỉnh về tỷ lệ sử dụng nước sạch
Tại Vũ Thư, các công trình thuộc nhóm I đã được nhân dân chủ động thực hiện theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân tự đóng góp”. Nhờ vậy, 100% số xã, bao gồm cả thị trấn, đạt tiêu chí giao thông. Chỉ tính tiêng năm 2017, toàn huyện nâng cấp cải tạo được 15,4km đường với tổng kinh phí lên đến 115 tỷ đồng; trên 55km đường xã quản lý với tổng kinh phí đầu tư trên 120 tỷ đồng; các công trình phúc lợi như: trường học, trạm y tế… cũng được đầu tư đồng bộ.
Đồng thời, huyện triển khai, thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với XDNTM. Đến nay, số hộ sử dụng nước sạch nông thôn lên đến 95%, dẫn đầu toàn tỉnh về tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch. Đã có 162 tổ tự quản tại 28 xã, thị trấn được thành lập và 14 khu xử lý bãi rác thải tập trung tại các xã được hình thành với 10 lò đốt rác đã đi vào hoạt động. Đối với xã thực hiện khu xử lý rác thải tập trung, huyện hỗ trợ 500 triệu đồng, hỗ trợ cho các hộ trên địa bàn từ 15 - 20 nghìn đồng/năm/hộ cho việc thu gom, xử lý rác thải.
Khuyến khích tích tụ ruộng đất
Vũ Thư là huyện đầu tiên của tỉnh Thái Bình thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, 14 cánh đồng mẫu lớn (từ 15 - 20ha trở lên/cánh đồng) được hình thành với tổng diện tích 455,41ha.
Bên cạnh đó, Vũ Thư áp dụng nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao. Toàn huyện hiện trồng được 300ha rau an toàn tại các xã Dũng Nghĩa, Hòa Bình, Việt Thuận…; kèm theo đó là hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng được hoàn thiện đồng bộ, giúp cho sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả, mở ra hướng đi mới.
Ông Đỗ Xuân Thưởng, Chủ tịch UBND xã Tân Lập, chia sẻ: Xã về đích NTM năm 2014. Bên cạnh sự thay đổi của bộ mặt nông thôn, Tân Lập còn là xã thuần nông “đất chật, người đông”, bình quân 288m2/nhân khẩu (thực hiện chia đất theo Quyết định số 652 của UBND tỉnh Thái Bình), do đó, đất canh tác manh mún, xen canh, xen cư. Đứng trước thực tế này, Đảng ủy, chính quyền xã đã thực hiện quyết liệt việc dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp một cách hiệu quả.
Theo đó, diện tích đất trồng lúa có năng suất thấp, vườn tạp, ruộng trũng được chuyển sang trồng dược liệu, cây cảnh và các cây có giá trị kinh tế cao. Từ đó, người nông dân gắn với nghề làm vườn, trồng hoa, cây cảnh; tạo việc làm và thu nhập khá cho hầu hết lao động tại địa phương. Trung bình thợ cắt tỉa có thu nhập từ 300 - 500 ngàn đồng/ngày; thợ khác là 180.000 đồng/ngày; nhiều nhà vườn có thu nhập 250 - 300 triệu đồng/năm. Người dân Tân Lập nay đã có đời sống sung túc nhờ chuyển đổi mô hình kinh tế.
Nghề trồng cây cảnh không chỉ phát triển ở Tân Lập mà còn lan sang các xã Bách Thuận, Trung An, Tự Tân… Ngoài ra, các nghề tiểu thủ công nghiệp và làng nghề như: thêu Minh Lãng, cốm Đồng Thanh, miến dong Vũ Hội, mộc mây tre đan Nguyên Xá… cũng được huyện quan tâm, chú trọng phát triển.
Thời gian qua, Vũ Thư thực hiện nhiều chính sách, tích cực mời gọi các doanh nghiệp về đầu tư trên địa bàn, nhờ vậy, nhiều ngành phát triển, đặc biệt là may mặc, bông vải sợi…; đóng góp cho ngành công nghiệp, xây dựng tăng trưởng 17,28%/năm, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, nâng tỷ lệ lao động có việc làm trên địa bàn toàn huyện đạt 95,4%.
Năm 2018, Vũ Thư phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,91%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,5%; 100% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh.
“Để đạt mục tiêu đề ra, huyện chỉ đạo các địa phương tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp ngay từ đầu năm theo các đề án được phê duyệt, khuyến khích nhân dân tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp theo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho chăn nuôi, khuyến khích phát triển chăn nuôi nông hộ, kết hợp với phát triển chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi an toàn VietGAP. Với các xã đã về đích NTM, huyện yêu cầu giữ vững và nâng cao các tiêu chí, phấn đấu từ nay đến cuối năm có thêm 4 xã về đích NTM”, ông Đinh Vĩnh Thụy nhấn mạnh.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.