Chính quyền địa phương đã xử phạt "mạnh tay" tình trạng san gạt đất khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, tự ý san lấp đất trồng lúa, đất phi nông nghiệp..., gây bức xúc dư luận.
San lấp làm sân tập bóng đá
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo UBND quận Lê Chân (TP Hải Phòng) cho biết, liên quan hành vi san lấp bãi bồi tả sông Lạch Tray, quận đã yêu cầu một số cá nhân dừng toàn bộ hoạt động san lấp trái phép.
Quận Lê Chân giao UBND phường Vĩnh Niệm thu giữ máy móc phục vụ việc san lấp bãi bồi và dựng rào chắn ngăn chặn hành vi san lấp. Đồng thời xác minh, làm rõ cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi san lấp bãi bồi khi chưa có phép.
“Khu vực diễn ra việc san lấp bãi bồi ven sông Lạch Tray này rộng khoảng 5ha. Đến thời điểm hiện tại, UBND quận Lê Chân chưa nhận được phương án xây dựng và bãi đất này chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng sân tập bóng đá”, lãnh đạo UBND quận Lê Chân nói.
Được biết, trước đó Công ty cổ phần Sông Hồng (Đơn vị quản lý CLB bóng đá Hải Phòng) do ông Văn Trần Hoàn làm Giám đốc đã xin thuê 5ha bãi bồi ven sông Lạch Tray để xây dựng sân tập luyện cho cầu thủ bóng đá.
Thông tin từ Sở TN&MT TP Hải Phòng, khu đất này thuộc quỹ đất nuôi trồng thủy sản do UBND quận Lê Chân quản lý, ký hợp đồng cho thuê với một số hộ dân sử dụng nuôi trồng thủy sản, thời hạn 5 năm. Đến nay, thời hạn thuê đất đã hết, quận Lê Chân chưa thanh lý, gia hạn hợp đồng.
Hiện trạng khu đất này không còn sử dụng nuôi trồng thủy sản, đã được san lấp mặt bằng, trồng một số loại cây. Theo đồ án quy hoạch của thành phố được Thủ tướng phê duyệt, vị trí bãi bồi này nằm trong quy hoạch đất cây xanh ngoài đê sông Lạch Tray.
Sở TN&MT TP Hải Phòng nhận định, trong thời gian sân vận động Lạch Tray cải tạo, sửa chữa, Công ty cổ phần Sông Hồng đề xuất thuê bãi bồi này để làm khu tập luyện cho các cầu thủ là cần thiết.
Tuy nhiên, địa điểm này nằm ngoài đê, giáp sông Lạch Tray, thuộc khu vực thoát lũ, không phù hợp quy hoạch chung theo Quyết định 1448 của Thủ tướng và quy hoạch quận Lê Chân của thành phố.
Do đó, việc Công ty Sông Hồng xin lập dự án đầu tư làm cơ sở để được thuê đất tại khu vực này là không phù hợp.
Sở TN&MT TP Hải Phòng cho rằng UBND quận Lê Chân có thể cho cá nhân ông Văn Trần Hoàn thuê tạm thời, có thời hạn để làm sân tập luyện bóng đá cho các cầu thủ theo hướng không thay đổi mục đích sử dụng đất, giữ nguyên hiện trạng, chỉ được trồng cây, thảm cỏ làm sân tập cho cầu thủ bóng đá. Việc làm sân tập phải tuân thủ đúng quy định về đảm bảo thoát lũ, an toàn đê điều.
Đồng thời, yêu cầu ông Văn Trần Hoàn phải lập phương án sân tập luyện, hoàn tất thủ tục, chỉ được phép làm sân tập luyện theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT.
Khi Nhà nước có nhu cầu sử dụng đất, phải nhanh chóng bàn giao, không được xét bồi thường, hỗ trợ.
Đất "tặc" lộng hành
Theo phản ánh của người dân xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), thời gian gần đây, trên địa bàn xuất hiện tình trạng khai thác đất trộm với khối lượng rất lớn. Khu vực bị khai thác trộm là mỏ đất ở thôn Yên Hải, gần đền Cao Sơn.
"Tầm từ khoảng 20h cho đến đêm, từng đoàn xe tải vào mỏ đất thôn Yên Hải lấy đất rồi chạy ra ngoài khu vực dự án bến xe điện của Công ty Thẩm Gia đổ xuống đây để san nền cho dự án", anh Hưng, một người dân địa phương thông tin. "Chướng mắt" trước việc đất "tặc" lộng hành về đêm, người dân còn quay lại video, phản ánh cho nhiều cơ quan báo chí.
Trao đổi với báo chí, một cán bộ xã Quan Lạn xác nhận có sự việc trên. Vị cán bộ cho hay, cách đây khoảng chục ngày, công an xã đã bắt được 3 chiếc xe tải của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng du lịch và thương mại Thẩm Gia (Công ty Thẩm Gia) đang chở đất "trộm" từ mỏ đất thôn Yên Hải.
Cũng theo vị này, trên địa bàn xã Quan Lạn có mấy mỏ đất nhưng đã dừng khai thác từ lâu. Mỏ đất thôn Yên Hải mà Công ty Thẩm Gia "trộm đất" trước kia dùng để lấy đất làm dự án tuyến đê Quan Lạn. Năm 2019, khi dự án đê Quan Lạn hoàn thành, mỏ đất cũng đóng cửa, song cho đến nay tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa bàn giao lại mỏ đất cho địa phương.
"Mỏ đất nằm trên địa bàn xã nhưng lại của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, việc này gây khó khăn cho công tác quản lý. Xã cũng đã có văn bản gửi đến cấp trên để sớm có phương án giải quyết, bảo vệ tài nguyên của địa phương", cán bộ xã Quan Lạn cho hay.
Theo tìm hiểu, tháng 7/2017, UBND tỉnh Quảng Ninh có quyết định thu hồi 24.699m2 đất bãi triều của xã Quan Lạn, cho Công ty Thẩm Gia thuê đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng bến xe khách, xe điện tại xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn.
Được biết, tại dự án, đoạn đối diện trụ sở Công an xã Quan Lạn, một lượng đất và cát ước tính hàng vạn khối không rõ lấy từ đâu được chủ đầu tư dùng để kè bờ, san lấp mặt bằng cho dự án.
Còn trong khu vực mỏ đất thôn Yên Hải (xã Quan Lạn) là cảnh tượng đất đai bị đào bới tan hoang, nham nhở.
Thông tin báo chí, người dân địa phương còn nghi ngờ Công ty Thẩm Gia ngoài khai thác đất trái phép còn lấy cát từ dự án nhà máy xử lý nước trên địa bàn xã Minh Châu, sau đó vận chuyển về khu vực dự án bến xe điện Quan Lạn để san lấp mặt bằng.
Nhà máy cấp nước và hệ thống phân phối nước sạch sinh hoạt tại đảo Minh Châu, Quan Lạn cũng do Công ty Thẩm Gia làm chủ đầu tư. Đây là dự án có tính chất đặc biệt nhằm sản xuất, cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt cho nhân dân, du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng trên địa bàn 2 xã Quan Lạn, Minh Châu; đồng thời khắc phục được tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng hiện nay, nhất là vào những ngày hè nắng nóng và mùa khô hạn hàng năm.
Theo tính toán, đến cuối năm 2017 nhà máy sẽ đi vào hoạt động nhưng đã bị chậm tiến độ cho đến giờ vẫn chưa hoàn thành. Điều đáng nói, dự án thì chậm tiến độ nhưng xung quanh nhà máy là những bãi cát rộng lớn có dấu hiệu đã bị khai thác tanh bành.
Cũng xin nhắc lại, vào năm 2017, trong quá trình triển khai dự án bến xe điện Quan Lạn, theo phản ánh của báo chí, Công ty Thẩm Gia đã hút cát trái phép ngày đêm tại bãi Trước - một trong hai bãi sá sùng lớn của Quan Lạn khiến dân địa phương bức xúc phải kéo lên UBND xã Quan Lạn, yêu cầu có biện pháp bảo vệ bãi sá sùng.
Với những việc làm "vô pháp" của Công ty Thẩm Gia tại huyện Vân Đồn, đề nghị Ủy Ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Công an địa phương và chính quyền cần sớm vào cuộc xác minh, làm rõ nguồn gốc, khối lượng đất, cát mà đơn vị này đang dùng để kè bờ, san nền cho dự án bến xe điện xã Quan Lạn.
Nếu sai phạm, cần xử lý nghiêm giống như vụ Công ty CP Đầu tư xây dựng đô thị Phương Đông đổ đất ra ngoài ranh giới dự án Khu đô thị Phương Đông Vân Đồn.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.