Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 2 tháng 8 năm 2022 | 23:55

Xử phạt nhiều trường hợp khai thác cát trái phép ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp

Trước tình trạng khai thác cát trái phép hoặc khai thác quá mức tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, môi trường sinh thái. Việc hút cát, sỏi theo kiểu tận thu, bừa bãi khiến đáy sông bị hạ thấp, làm dòng chảy biến dạng kéo theo hàng loạt sự cố...

Chưa có quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất
 
Mới đấy, sở Tài nguyên và Môi trường vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh Lâm Đồng về kết quả kiểm tra việc khắc phục các tồn tại, vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Nam Tiến (Công ty Nam Tiến) tại huyện Lạc Dương.
 
Theo kết quả kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường, đến ngày 28/7/2022, Công ty Nam Tiến đã khắc phục được các nội dung tồn tại, sai phạm nêu tại Kết luận thanh tra số 505 ngày 21/1/2022 của UBND tỉnh Lâm Đồng.
 
Cụ thể, Công ty Nam Tiến đã khắc phục gần xong các nội dung gồm tạm dừng hoạt động khai thác; điều chỉnh lại hồ sơ thiết kế mỏ; lắp đặt trạm cân; nộp số tiền thuế phí còn thiếu; chấp hành xong quyết định xử phạt; thực hiện thỏa thuận với các hộ dân để được sử dụng đất; đăng ký nhu cầu thuê đất; nộp hồ sơ để điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư…
 
Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cho rằng, diện tích đất 15.600 m2 sử dụng vào mục đích làm bãi chứa cát, làm văn phòng điều hành, đường vận chuyển cần phải có quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất của UBND tỉnh Lâm Đồng.
nam-tien.jpg
Công ty Nam Tiến (Lâm Đồng) chưa được hoạt động khai thác trở lại vì chưa có quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất (Ảnh minh hoạ).
“Do Công ty Nam Tiến nộp văn bản đăng ký nhu cầu thuê đất vào ngày 23/3/2022 (tại UBND huyện Lạc Dương) chậm về thời gian nên đến nay chưa được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt. Nội dung thuê đất này lẽ ra Công ty Nam Tiến phải thực hiện từ năm 2013 ngay sau khi được UBND tỉnh cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 10 ngày 16/7/2013”, Sở Tài nguyên và Môi trường ý kiến.
 
Từ đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng chưa chấp nhập đề nghị hoạt động khai thác khoáng sản cát xây dựng trở lại của Công ty Nam Tiến.
 
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Công ty Nam Tiến chấp hành nghiêm túc việc tạm ngưng hoạt động khai thác khoáng sản; bổ sung các nội dung điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư; nộp hồ sơ xin thuê đất 15.600 m2 khi có quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất.
 
Trước đó, tại các báo cáo ngày 5/5/2020 và 29/6/2022, Công ty Nam Tiến báo cáo đã khắc phục được các tồn tại, vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản nên đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét cho công ty được phép hoạt động khai thác khoáng sản trở lại tại Dự án Khai thác khoáng sản (cát xây dựng) tại xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương.

Bắt quả tang sà lan khai thác cát trái phép

Vừa qua, Đội Cảnh sát đường thủy, Phòng CSGT (Công an Hà Tĩnh) đã bắt giữ một sà lan mang biển kiểm soát NA 2500 có trọng tải 280 tấn đang có hành vi hút cát trái phép trên sông Lam, đoạn qua địa phận thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân.

Cụ thể, Trung tá Nguyễn Nam Đông - Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy - Phòng CSGT (PC08) Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa cho biết: Vào hồi 0h10 phút ngày 1/8, trên sông Lam đoạn qua địa phận thị trấn Xuân An (Nghi Xuân), Đội Cảnh sát đường thủy (PC08) chủ trì phối hợp với Công an huyện Nghi Xuân phát hiện, bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Hòa (SN 1982) trú tại xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) sử dụng sà lan, mang biển kiểm soát NA 2500 có trọng tải 280 tấn đang có hành vi hút cát trái phép từ lòng sông. Tại thời điểm bị phát hiện và bắt giữ, sà lan nói trên đã khai thác được gần 20 m3 cát.

 

80d2101558t92909l0.jpg
Sà lan khai thác cát trái phép bị lực lượng cảnh sát đường thủy bắt giữ.

Quá trình đấu tranh tại chỗ của lực lượng chức năng, đối tượng Hòa không xuất trình được các loại giấy tờ liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện, hóa đơn chứng minh nguồn gốc số cát trên sà lan.

Tổ công tác đã lập biên bản bàn giao đối tượng, phương tiện cho Công an huyện Nghi Xuân xử lý theo quy định.

Bị phạt và phải nộp lại hơn 1 tỷ đồng vì khai thác cát trái phép

Thông tin từ sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình cho biết, UBND tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với Công ty TNHH xây dựng tổng hợp Tâm Anh (có trụ sở ở xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) vì có hành vi vi phạm trong khai thác khoáng sản (cát hạt mịn làm vật liệu xây dựng).

Theo đó, Công ty TNHH xây dựng tổng hợp Tâm Anh đã khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác với diện tích bề mặt là 4.669 m2 tại mỏ cát hạt mịn làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc thôn Thanh Mỹ, xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy với khối lượng 34.215 m3.

 

mo_cat-1659342703206.jpg
Với hành vi khai thác cát trái phép Công ty TNHH xây dựng tổng hợp Tâm Anh bị xử phạt và buộc phải nộp lại hơn 1 tỷ đồng.

UBND tỉnh Quảng Bình đã quyết định xử phạt Công ty TNHH xây dựng tổng hợp Tâm Anh 120 triệu đồng, và buộc công ty này nộp lại số tiền bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm khai thác cát với số tiền gần 900 triệu đồng. Ngoài ra, công ty này còn bị buộc trồng cây phục hồi môi trường toàn bộ khu vực đã khai thác ngoài phạm vi khi mùa mưa đến.

Không chủ quan, xử lý nghiêm vi phạm

Ở góc nhìn khác, đại diện Bộ Công an cho rằng, nạn khai thác cát, sỏi diễn biến nghiêm trọng một phần do việc xử phạt đang gặp nhiều khó khăn. Bất cập đầu tiên là hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép diễn ra bất kể ngày đêm, kể cả những ngày lễ, gây khó khăn cho cơ quan chức năng. Nhiều khi lực lượng chức năng kiểm tra lại không thể xử lý do thiếu văn bản pháp lý để xác định khối lượng, phạm vi vi phạm.

Ngoài ra, theo Bộ Công an, đối tượng khai thác cát, sỏi trái phép chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi xác định thu lợi bất chính trên 100 triệu đồng hoặc giá trị tang vật cát, sỏi trên 500 triệu đồng. Vì vậy hiện nay, hầu hết các vụ khai thác cát, sỏi trái phép khi phát hiện không đủ định lượng trong một lần vi phạm để khởi tố hình sự.

Với nạn khai thác cát, sỏi trái phép đang diễn ra ở nhiều khu vực giáp ranh, Bộ Công an đề xuất, sẽ xây dựng quy chế phối hợp để tăng cường phát hiện và xử lý vi phạm theo nguyên tắc phân cấp triệt để. Theo đó, nếu xảy ra vi phạm ở địa bàn giáp ranh xã thì cấp huyện chịu trách nhiệm, ở địa bàn giáp ranh huyện thì cấp tỉnh chịu trách nhiệm và nếu là giáp ranh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì hai địa phương phải chủ động phối hợp xử lý.

Khai thác khoáng sản trên sông không phép bị xử lý như thế nào?

Theo Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản (thay thế cho Nghị định 33/2017/NĐ-CP) có quy định cụ thể như sau:

- Tại Điều 25 quy định: Hành vi khai thác cát, sỏi trên sông, hồ không đúng phương án thực hiện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng; Hành vi không tạm dừng hoạt động khai thác cát, sỏi khi thấy có hiện tượng sạt, lở bờ tại khu vực trong quá trình hoạt động bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng; Hành vi khai thác cát, sỏi trên sông, hồ không đúng phương án thực hiện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận gây sạt, lở lòng, bờ, bãi sông hoặc gây ngập úng nặng vùng đất ven sông bị phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng (Hình thức phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng).

- Tại Khoản 8, Điều 37 quy định: Hành vi khai thác cát, sỏi lòng sông, suối, hồ vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) hoặc vượt quá độ sâu cho phép khai thác, bị xử phạt cụ thể như sau:

+ Phạt từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với trường hợp khai thác vượt ra ngoài điểm gần nhất của ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) đến dưới 100m hoặc vượt quá độ sâu cho phép đến dưới 02m. Tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản từ 06 tháng đến dưới 09 tháng trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần.

+ Phạt từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp khai thác cát; sỏi vượt ra ngoài điểm gần nhất của ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) từ 100m đến dưới 200m hoặc vượt quá độ sâu cho phép từ 02 m đến dưới 05 m. Tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản  từ 09 tháng đến 12 tháng trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần.

- Trường hợp khai thác vượt ra ngoài điểm gần nhất của ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) từ 200m trở lên hoặc vượt quá độ sâu cho phép từ 05m trở lên được coi là hành vi khai thác khoáng sản mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì bị áp dụng mức phạt tiền cao nhất tương ứng quy định tại điểm e khoản 1 và điểm e khoản 2 Điều 48 Nghị định này. Tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản  từ 12 tháng đến 15 tháng trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần.

- Ngoài ra, hành vi khai thác cát, sỏi lòng sông, suối, hồ vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) hoặc vượt quá độ sâu cho phép khai thác còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là: Buộc cải tạo, phục hồi môi trường; thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép khai thác về trạng thái an toàn. Đối với trường hợp khai thác cát, sỏi lòng sông, suối, hồ còn phải đền bù, trả kinh phí khắc phục, sửa chữa những hư hỏng của công trình đê điều, công trình hạ tầng kỹ thuật khác, công trình dân dụng do hành vi vi phạm gây ra. Buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp trong lĩnh vực khoáng sản do thực hiện vi phạm hành chính. Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định và đo đạc.

- Tại Điều 48 quy định: Hành vi vi phạm về khai thác cát, sỏi lòng sông, suối, hồ mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bị xử phạt từ 20.000.000 đồng – 200.000.000  đồng (tương ứng khoáng sản đã khai thác trái phép dưới 10m3 đến trên 50m3).

Đồng thời, tịch thu toàn bộ khoáng sản được quy đổi bằng tiền; tịch thu phương tiện sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Buộc cải tạo, phục hồi môi trường; thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác về trạng thái an toàn; đền bù, trả kinh phí khắc phục, sửa chữa những hư hỏng của công trình dân dụng do hành vi vi phạm gây ra...

Ngoài những mức xử phạt vi phạm hành chính như trên, hành vi khai thác cát, sỏi trái phép có thể bị xử lý hình sự. Tại điều 227 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên cụ thể:

- Người nào vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác 500.000.000 đồng trở lên; khoáng sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; có tổ chức; Gây sự cố môi trường; làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;

- Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc khoáng sản trị giá từ 700.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm.

 

 

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top