Ngày 13/1 của 38 năm trước (13/1/1986), tại Hà Nội, được sự đồng ý của Bộ trưởng - Tổng thư ký Hội đồng Bộ trưởng (nay là Văn phòng Chính phủ), Ban trù bị Đại hội Hội Những người Làm vườn Việt Nam, viết tắt là VACVINA (nay là Hội Làm vườn Việt Nam), tổ chức Đại hội thành lập kết hợp Tổng kết 5 năm phát động phong trào Vườn cây - Ao cá Bác Hồ.
Hội Làm vườn Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp ra đời đầu tiên trong thời kỳ đổi mới do Đảng khởi xướng, chỉ đạo, lãnh đạo.
Trong 38 năm qua, Hội Làm vườn Việt Nam không ngừng phát triển về tổ chức. Hoạt động của Hội đồng hành cùng nhịp với sự phát triển phong trào Kinh tế VAC – Kinh tế vườn, đưa kinh tế Vườn – VAC trở thành thành phần trọng yếu của kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn, góp phần tạo dựng tư duy kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn xanh - sạch - đẹp, nông dân tiến bộ, tiếp cận khoa học kỹ thuật, phương thức quản trị mới, tạo nên những kỷ lục mới trong sản xuất và xuất khẩu nông sản. Trở thành một nguồn lực trong thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia (Xây dựng nông thôn mới, Xóa đói giảm nghèo bền vững và Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi), cũng như Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam Lê Quốc Doanh (thứ 3 từ trái sang) thăm vườn cam Xã Đoài của gia đình ông Phạm Đinh Tiến (xóm Phượng Sơn, xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An).
Những thành tựu tiêu biểu
38 năm qua, hệ sinh thái VAC và Kinh tế VAC trở thành lĩnh vực vừa thiết thực, cụ thể lại có ý nghĩa bao quát rộng lớn, đã vượt qua biên giới, thu hút sự chú ý của nhiều tổ chức quốc tế, nhiều quốc gia, trở thành mô hình kinh tế vừa mang tính truyền thống, vừa mang tính hiện đại.
Từ VAC truyền thống, quanh nhà của gia đình ở nông thôn, mang tính tự cung tự cấp, Hội Làm vườn Việt Nam đã tổng kết và nâng tầm ý nghĩa thành mô hình kinh tế VAC - hệ sinh thái bền vững, hoạt động tuần hoàn trên cơ sở tái sinh năng lượng mặt trời với chu trình khép kín (đầu ra của hoạt động kinh tế này là đầu vào của hoạt động kinh tế khác).
Khởi đầu bằng phong trào phát triển VAC tham gia phòng chống suy dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và trẻ dưới 5 tuổi thông qua các Ô dinh dưỡng (khu vực trồng rau mùa nào rau nấy, khu vực chuồng nuôi dăm gà mái, vịt đẻ lấy trứng, khu ao thả cá đánh tỉa thả bù, khu vườn cây ăn quả với chuối, đu đủ…) nhằm cung cấp thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày, VAC dinh dưỡng dần trở thành phong trào quần chúng rộng khắp bởi ý nghĩa, kết quả mà nó mang lại (tỷ lệ suy dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em giảm nhanh, bền vững).
Trong hành trình 38 năm hoạt động tận tụy của cán bộ Hội Làm vườn các cấp, VAC từ mô hình kinh tế hộ gia đình đã trở thành mô hình kinh tế quan trọng ở nông thôn, giúp cho hộ gia đình tăng thu nhập (theo điều tra của nhiều địa phương, kinh tế VAC đóng góp 60 -70% thu nhập của nông hộ), nông thôn xanh hơn, giàu hơn, đẹp hơn.
Trong 38 năm khởi xướng, vận động, tổ chức phong trào phát triển VAC, kinh tế VAC, điển hình làm kinh tế VAC giỏi xuất hiện ở khắp mọi vùng, miền, địa phương, trở thành hạt nhân cho phong trào xóa đói, giảm nghèo và làm giàu từ nguồn lực của gia đình, địa phương và lan tỏa, truyền cảm hứng cho cộng đồng. Sự tham gia phát triển kinh tế Vườn – VAC của mọi tầng lớp nhân dân, mọi dân tộc, thành phần xã hội là minh chứng rõ nét về sự lan tỏa của Kinh tế Vườn –VAC.
Không chỉ là mô hình kinh tế góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn, Kinh tế Vườn - VAC do Hội Làm vườn Việt Nam khởi xướng còn có ý nghĩa sâu sắc về chính trị, xã hội và nhân văn với phong trào VAC tình nghĩa, Vườn tình nghĩa,…
Trong hành trình 38 năm qua, hoạt động đưa tiến bộ kỹ thuật, kỹ năng quản trị, kỹ năng tổ chức sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế của VAC là điểm nhấn tiêu biểu của Hội Làm vườn Việt Nam từ Trung ương đến cơ sở. Hàng vạn lớp đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật làm vườn rau, vườn cây ăn quả, chăn nuôi trâu, bò, gà, vịt, các loại thủy sản, con nuôi đặc sản được tổ chức tại thôn, bản với hàng triệu lượt người tham gia đã giúp nhà nông, nhà vườn nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, góp phần xây dựng nông thôn thành những miền quê đáng sống, nơi để trở về. Trong hành trinh nâng tri thức mọi mặt cho nhà nông, nhà vườn, với Tiêu chí “Cùng bạn đọc làm giàu”, Tạp chí Kinh tế nông thôn, cơ quan tuyên truyền của Hội Làm vườn Việt Nam (tiền thân là Tạp chí Người Làm vườn, Báo Người Làm vườn, Báo Kinh tế VAC, Báo Kinh tế nông thôn) đã có những đóng góp không nhỏ, được nhiều nhà nông, nhà vườn coi là cẩm nang, là người bạn tri kỷ trong thực hiện xóa nghèo, làm giàu. Nhiều nhà nông khởi nghiệp thành công từ những bài báo của Kinh tế nông thôn. Kinh tế nông thôn đã truyền cảm hứng và lan tỏa những gương điển hình tiên tiến, những sáng tạo trong sản xuất kinh doanh đến mọi vùng, mọi miền mọi địa phương.
Những cột mốc và dấu ấn
Hành trình 38 năm xây dựng và phát triển của Hội Làm vườn Việt Nam có thể chia 3 giai đoạn.
Giai đoạn đầu (từ năm 1986 đến năm 1990), là giai đoạn phát triển VAC dinh dưỡng. Trọng tâm hoạt động Hội thời kỳ này là vận động hội viên, nông dân tạo Ô dinh dưỡng, trồng thêm rau trong vườn nhà, nuôi gà vịt lấy trứng, thả cá, nuôi tôm trong ao nhà để bổ sung dinh dưỡng cho bũa ăn gia đình. Phong trào phát triển nhanh chóng, được nông dân hưởng ứng nhiệt tình, được lãnh đạo Đảng và Nhà nước hoan nghênh, được các tổ chức quốc tế quan tâm, đánh giá cao.
Giai đoạn hai (từ sau năm 1990 đến khoảng năm 2010), là giai đoạn Kinh tế Vườn – VAC phát triển mạnh mẽ với phong trào cải tạo vườn tạp, ao hoang, chuồng trống nhằm tăng hiệu quả kinh tế, thực hiện giảm nghèo. Trong giai đoạn này, không chỉ vườn nhà được cải tạo mà nhiều diện tích đất trũng, vùng đất cát ven biển miền Trung, vùng gò đồi đất trống đồi núi trọc ở trung du miền núi được hội viên, nông dân cải tạo lập vườn – VAC, vừa đem lại hiệu quả kinh tế vừa đánh thức những vùng đất cằn cỗi, hoang hóa, đem lại nguồn thu kinh tế lớn cho gia đình và địa phương.
Giai đoạn 3 (từ sau 2010 đến nay), là giai đoạn vận động phát triển Kinh tế Vườn - VAC hàng hóa, hướng đến sản phẩm an toàn, minh bạch, đáp ứng yêu cầu thị trường quốc tế. Cả hệ thống Hội tham gia vận động thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP), xây dựng mã số vùng cho cả cây trồng, vật nuôi, nuôi thủy sản.
Có thể khẳng định, trong hành trình 38 năm qua của Hội Làm vườn Việt Nam, bằng những hoạt động thiết thực, hướng về cơ sở, Hội đã giúp nhà nông, nhà vườn thay đổi nhận thức về phương thức canh tác vườn – VAC từ tự cung tự cấp đến ra bán ở chợ làng, chợ huyện, bán ở trong nước, cả ở các siêu thị hiện đại, qua thương mại điện tử đến có mặt tại gần 100 quốc gia trên thế giới với chủng loại, số lượng, kim ngạch ngày càng tăng. Điều đó có nghĩa là, nhà nông, nhà vườn đã biết tổ chức sản xuất theo tín hiệu thị trường. Số liệu thống kê kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản và xuất khẩu rau quả (tính từ năm 2012) cho thấy rõ điều đó:
Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm- thủy sản đạt trên 27 tỷ USD, trong đó rau quả đạt 827 triệu USD.
Năm 2013, xuất khẩu rau quả đạt trên 1 tỷ USD/kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản 27,469 tỷ USD.
Năm 2014, xuất khẩu rau quả đạt 1,47 tỷ USD/30,8 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản.
Năm 2015: 1,8 tỷ USD/30,14 tỷ USD. Năm 2016: 2,4 tỷ USD/32,1 tỷ USD. Năm 2017: 3,5 tỷ USD/36,37 tỷ USD. Năm 2018: 3,81 tỷ USD/40 tỷ USD. Năm 2019: 3,74 tỷ USD/41,3 tỷ USD. Năm 2020: 3,25 tỷ USD/41,25 tỷ USD. Năm 2021: 3,52 tỷ USD/48,6 tỷ USD. Năm 2022: 3,34 tỷ USD/53,22 tỷ USD.
Năm 2023, xuất khẩu rau quả tăng gần 70% so với năm 2022, đạt 5,69 tỷ USD. Chỉ riêng trái sầu riêng, qua khoảng 9 tháng được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc đã đem về gần 2,5 tỷ USD. Một kỷ lục đáng ghi nhớ (kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2023 đã về đích 5 tỷ USD của năm 2025, trước 2 năm). Một kỳ tích. Rau quả Việt đã có mặt tại gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một nỗ lực vượt bậc của cả Nhà nước, Nhà nông, Nhà vườn và Doanh nghiệp.
Thay cho lời kết
Để nông - lâm - thủy sản Việt Nam nói chung, rau quả Việt nói riêng tiếp tục mở rộng và tiến sâu vào các thị trường, nhà nông, nhà vườn cần thực hiện quy trình canh tác an toàn, thân thiện với môi trường, giảm dùng hóa chất, giảm phát thải, tăng quy mô sản xuất hữu cơ, mở rộng sản xuất theo chuỗi liên kết tuần hoàn, đa giá trị; kết nối chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến, xuất khẩu (liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trên cơ sở hài hòa lợi ích và doanh nghiệp là đầu tàu dẫn dắt)… Đặc biệt, trong phát triển sản xuất, nhà nông, nhà vườn phải thay đổi tư duy trong việc tuân thủ quy hoạch của cơ quan chức năng, xây dựng mã số vùng nuôi trồng và quy trình sản xuất nghiêm ngặt mà các doanh nghiệp xuất khẩu (thị trường) yêu cầu cũng như hợp tác cùng nhau, liên kết cùng doanh nghiệp để đạt hiệu quả cao nhất. Đây cũng là những yêu cầu mới rất cần được Hội Làm vườn các cấp quan tâm triển khai trong năm 2024 và những năm sắp tới.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.