Nhận thấy vùng đất cát làng Thành Tín, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) có nhiều diện tích bỏ hoang, trong khi người dân tộc Chăm nơi đây bỏ quê đi thành phố để làm thuê, bà Châu Thị Xéo không ngừng tìm hiểu, xây dựng mô hình trồng cây măng tây cho thu lợi nhuận cao, đồng thời giúp đỡ nhiều hộ đồng bào phát triển kinh tế gia đình.
Nhìn những cánh đồng hơn 15ha thảm xanh ngắt trải dài với hàng hàng, lớp lớp cây măng tây như bây giờ ít ai biết được rằng, chưa đầy vài năm trước, xã Phước Hải toàn một màu nắng, cát bay mù trời... Là người tiên phong trong phát triển mô hình măng tây, bà Châu Thị Xéo (dân tộc Chăm) say sưa kể về câu chuyện tiên phong trong phát triển loại cây trồng mới này.
Bà Châu Thị Xéo, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế (huyện Ninh Phước) chia sẻ, đầu năm 2016, bà bắt đầu tìm hiểu về các giống cây trồng mới trong đó có cây măng tây ở khắp các địa phương để học tập kinh nghiệm. Nhận thấy cây măng tây phù hợp với quê mình, bà tiên phong cải tạo vùng đất bán sa mạc của gia đình để đầu tư trồng thử nghiệm 1 sào (1.000 m2). Nhờ áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm và tuân thủ quy trình kỹ thuật chăm sóc nên cây măng tây phát triển tốt, cho năng suất cao. Từ hiệu quả kinh tế mang lại, bà Xéo mở rộng lên 5 sào trồng măng tây, mỗi tháng cho thu nhập hơn 40 triệu đồng.
Các thành viên HTX chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng cây măng tây với nhau.
“Trồng cây măng tây đầu tư vốn ít nhưng cho thu nhập rất cao. Trong khi bà con ở đây có đất nhiều mà lại bỏ đi thành phố để đi làm thuê nên tôi muốn trồng cây này để tạo thu nhập cho bà con và kéo bà con trở về”, bà Xéo nói. Nghĩ vậy, bà bắt đầu vận động bà con tham gia, cùng nhau làm giàu. Đến nay, ngày càng nhiều gia đình người Chăm chuyển đổi hoàn toàn diện tích các cây trồng khác sang trồng măng tây. Trong đó có hàng chục hộ nộp đơn xin gia nhập HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế, nâng tổng số xã viên HTX lên trên 70 thành viên với 100% thành viên là người Chăm.
Với sự năng động và ý chí quyết tâm, năm 2018, bà Châu Thị Xéo được bầu làm Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế. HTX liên kết với doanh nghiệp ở địa phương trồng măng tây. Để giúp thành viên phát triển kinh tế, HTX hỗ trợ tiền giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật trồng măng tây theo tiêu chuẩn VietGAP, kiểm tra, giám sát và thu mua toàn bộ sản phẩm đầu ra.
Định kỳ hàng tháng, bà Châu Thị Xéo, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tổ chức sinh hoạt đối thoại cho các hộ gia đình nòng cốt của hợp tác xã, giúp các thành viên chia sẻ kinh nghiệm làm ăn.
Chúng tôi đến thăm vườn măng tây của gia đình ông Ba Điểm ở làng Thành Tín, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước. Chỉ với diện tích 2 sào, hàng ngày mảnh vườn này cho gia đình ông thu hoạch từ 5-10 kg măng tây. Với giá hiện tại là 50.000 đồng/kg thì đây là nguồn thu nhập khá ổn định. Ông Bá Điểm phấn khởi cho biết, từ khi trồng măng tây, kinh tế của gia đình tôi phát triển rõ rệt, con cái học hành đầy đủ. Măng tây cho năng suất cao, bán có giá nữa. Cây măng tây khá dễ trồng, người trồng bón phân theo định kỳ còn hàng ngày chỉ cần tưới nước, kiểm tra sâu bệnh, buổi sáng hái măng, thu hoạch liên tục trong vòng ba tháng, nghỉ một tháng để dưỡng cây rồi tiếp tục quy trình như thế.
Theo ông Trương Khắc Trí, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, thời gian qua, HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế đã tạo điều kiện cho các thành viên phát triển kinh tế gia đình, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động ở địa phương. Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc lồng ghép các nguồn vốn đang được tỉnh chỉ đạo sát sao và được các sở ngành phối hợp để tăng cường hỗ trợ cho đồng bào. Qua đó giúp tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Giờ đây, trên khắp cánh đồng làng Thành Tín đã phủ kín một màu xanh, thể hiện ước mơ đã thành hiện thực của bao thế hệ người Chăm nơi này khát khao vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.