Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 4 tháng 1 năm 2023 | 13:39

Bắc Mê chú trọng xây dựng vườn ươm và hỗ trợ phát triển cây trồng đặc trưng

Huyện Bắc Mê (Hà Giang) đã và đang triển khai nhiều giải pháp, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong việc phát triển cây trồng, đặc biệt chú trọng hình thành các vườn ươm nhằm chủ động nguồn giống gắn với phát triển cây trồng đặc trưng của huyện.

Huyện Bắc Mê đặt mục tiêu đến năm 2025 trồng mới 3.050 ha rừng kinh tế; 150 ha cây hồi, nâng tổng diện tích cây hồi đến năm 2025 đạt 415 ha; 300 ha cây quế, đồng thời thực hiện thí điểm việc liên kết trồng quế với mật độ từ 5.000 - 10.000 cây/ha để chiết xuất tinh dầu.

Ông Lý Hải Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê cho biết: “Nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra, huyện đã triển khai các giải pháp, như: Phát huy vai trò, trách nhiệm của lực lượng khuyến nông từ huyện đến thôn bản trong việc chuyển giao khoa học, kỹ thuật, hướng dẫn nhân dân trồng, chăm sóc, quản lý tốt diện tích rừng trồng; bố trí nguồn lực từ các chương trình, dự án để đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó ưu tiên đào tạo các ngành nghề về trồng rừng, dược liệu tại các xã, thị trấn...

Tạo cơ sở giúp người dân nâng cao năng lực tổ chức sản xuất, bổ sung kiến thức, quy trình kỹ thuật về nông, lâm nghiệp, áp dụng vào sản xuất thực tiễn. Ban hành Phương án xây dựng vườn ươm, giao cho Phòng Nông nghiệp, phối hợp với UBND các xã, thị trấn hướng dẫn các hộ chuẩn bị điều kiện về đất đai, vật tư theo nội dung phương án; đồng thời tăng cường đôn đốc, hướng dẫn các hộ thực hiện gieo ươm, mua hạt giống tại các cơ sở đủ điều kiện kinh doanh đưa vào sản xuất”.

Ông Lý Hải Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê (Áo trắng, đứng giữa).

Với những nỗ lực đó, năm 2022 huyện Bắc Mê đã hoàn thành xây dựng 10 vườn tại các xã: Yên Cường, Đường Âm, Đường Hồng, Yên Phong, Lạc Nông, Phú Nam, Minh Sơn, thị trấn Yên Phú. Trong 2 năm các hộ đã tổ chức gieo ươm và xuất được 118 vạn cây, cụ thể: Năm 2021, xuất bán được 35,2 vạn cây cây mỡ; 19,6 vạn cây keo; 6 vạn cây sa mộc; 1,5 vạn cây hồi; 11 vạn cây quế. Năm 2022, xuất bán 14,8 vạn cây mỡ; 5 vạn cây keo; 10,5 vạn cây sa mộc; 2,45 vạn cây hồi; 12 vạn cây quế.

Từ việc chủ động được nguồn giống, chỉ đạo quyết liệt từ khâu khảo sát, thiết kế, thẩm định hiện trường, cung ứng giống, tổ chức trồng và thanh toán vốn đã giúp cho công tác trồng rừng của huyện có bước khởi sắc đạt và vượt kế hoạch đề ra, từng bước thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm, thúc đẩy nhân dân mở rộng diện tích trồng rừng và cây dược liệu, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, nâng tổng diện tích trồng rừng mới toàn huyện lên 2.065 ha, đạt 67,7% so với mục tiêu đề ra.

Sau khi được hỗ trợ phát triển thành công vườn ươm cây Hồi trên địa bàn xã, hiện nay đã có 46 hộ xây dựng vườn ươm. Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch UBND xã Đường Âm cho biết: “Từ việc không chủ động, khó khăn tìm mua giống. Hiện, xã đã nhân rộng, nâng tổng diện tích cây Hồi lên 200 ha và đã có trên 180 ha cho thu hoạch. Có được thành công đó là sự hỗ trợ của huyện trong việc xây dựng vườn ươm cây hồi, tạo bước đột phá cho việc phát triển cây trồng đặc trưng của xã, giúp người dân phát huy được lợi thế cây trồng địa phương và hướng đi giảm nghèo. Không chỉ vậy, sản phẩm cây giống của địa phương còn được xuất bán sang các xã trong huyện và các huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng; Na Hang, tỉnh Tuyên Quang…”.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Bắc Mê kiểm tra chất lượng các vườn ươm cây hồi trước khi xuất bán.

Tổ chức lại sản xuất, kinh doanh cây giống phục vụ nhu cầu trồng rừng trên địa bàn huyện đã hạn chế việc nhập cây giống từ ngoài vào. Tuy nhiên, các chủ vườn chưa thực hiện đầy đủ theo nội dung phương án; chủ yếu sản xuất 1 vụ/năm nên chưa có nguồn giống thường xuyên, chất lượng và chủng loại, số lượng còn ít; chưa chấp hành đúng các quy định theo Nghị định số 27 của Chính phủ về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp.

Để khắc phục hạn chế đó, UBND huyện Bắc Mê đã đưa ra phương hướng: Kiểm tra, đôn đốc các chủ vườn củng cố mở rộng diện tích và đầu tư các hạng mục theo nội dung phương án; tổ chức sản xuất cây giống có nguồn gốc, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu trồng rừng trên địa bàn huyện; chỉ đạo các ngành chuyên môn, các xã, thị trấn tăng cường hướng dẫn các chủ vườn chấp hành tốt quy định về sản xuất, kiểm soát chất lượng giống cây lâm nghiệp; hỗ trợ các chủ vườn kết nối thị trường tiêu thụ cây giống.

Vườn ươm giống cây của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Mê, cung ứng giống lâm nghiệp chất lượng cho người dân trồng rừng kinh tế.

Bên cạnh đó, dự án trồng rừng kinh tế theo giống tốt, cải tạo vườn tạp theo Nghị quyết số 86/NQ - HĐND tỉnh Hà Giang sẽ trồng khoảng 600 ha/năm, các loài cây keo, xoan, lát với nhu cầu giống hơn 1 triệu cây và thực hiện trồng rừng theo kế hoạch của UBND tỉnh giao hàng năm, trồng cây phân tán, trồng lại rừng sau khai thác...

Khi vườn ươm hình thành sẽ giúp cung cấp đủ số lượng cây giống phục vụ nhu cầu trồng rừng trên địa bàn, tiến tới cung cấp các loại giống cây lâm nghiệp chất lượng cao, phong phú về chủng loại để thực hiện và nâng cao hiệu quả công tác trồng rừng. Góp phần nâng cao độ che phủ của rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, chống xói mòn, rửa trôi đất, tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường sinh thái. Từ những mục đích và thành công trên, BQL rừng phòng hộ dự kiến sẽ mở rộng diện tích vườn ươm thêm 3.000m2 và đầu tư các trang thiết bị như: Làm nhà kho, xây dựng bể tích trữ nước, ống phun sương tự động, mái che...

 

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top