Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 24 tháng 11 năm 2023 | 22:19

Bàn giải pháp phục hồi và phát triển bền vững cây có múi ở Việt Nam

Ngày 24/11, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp cùng Hội Làm vườn Việt Nam, UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội thảo "Giải pháp phục hồi và phát triển bền vững cây có múi ở Việt Nam”.

Những bước chuyển mình của cây có múi Việt Nam 

Phát biểu tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Nguyễn Như Cường cho biết, Việt Nam là quốc gia có điều kiện thuận lợi để phát triển nhiều chủng loại cây ăn quả, với nhiều cây ăn quả đặc sản từ ôn đới, cận nhiệt đới và nhiệt đới tại các vùng miền khác nhau. Trong những năm gần đây, sản xuất cây ăn quả có sự phát triển mạnh mẽ, vươn lên trở thành một trong những ngành hàng chủ lực của nông nghiệp Việt Nam. Nhờ việc nghiên cứu áp dụng các quy trình kỹ thuật canh tác tiến bộ, chọn tạo giống tốt, đến nay, cả nước đã có khoảng 50 chủng loại cây ăn quả, quy mô diện tích trên 1,2 triệu hecta, tổng sản lượng hàng năm hơn 13,5 triệu tấn; đã và đang phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước, phục vụ xuất khẩu.

Toàn cảnh Hội thảo.

Giá trị xuất khẩu rau quả bắt đầu vượt mốc 1 tỷ USD từ năm 2013, liên tục nhiều năm gần đây đã vượt mức 3 tỷ USD/năm. Nhờ đẩy mạnh công tác mở cửa thị trường, năm 2023, ngành hàng rau quả dự kiến đạt mức tăng kỷ lục, trên 5 tỷ USD. Có thể nói, cây ăn quả đã trở thành một ngành kinh tế, góp phần cải thiện đời sống người sản xuất, nhiều nông dân đã vươn lên làm giàu từ sản xuất cây ăn quả.

Ở Việt Nam, nhóm cây ăn quả có múi luôn được coi là nhóm cây ăn quả chủ đạo, có vị trí quan trọng trong phát triển ngành cây ăn quả và trong đời sống kinh tế- xã hội. Tính đến năm 2022, trên phạm vi cả nước, diện tích cam đạt 90,79 nghìn hecta với sản lượng đạt gần 1,8 triệu tấn; diện tích bưởi đạt 110,26 nghìn hecta với sản lượng đạt gần 1,1 triệu tấn; diện tích quýt đạt 18,2 nghìn hecta với sản lượng đạt gần 202 nghìn tấn; diện tích chanh đạt 42,9 nghìn hecta với sản lượng đạt gần 526 nghìn tấn. 

Gian trưng bày cam, quýt tại Hội nghị.

Cây có múi (cam, bưởi, chanh, quýt) hiện là nhóm cây có diện tích, sản lượng lớn nhất trong sản xuất cây ăn quả nước ta với tổng diện tích đến hết năm 2022 đạt 262 nghìn hecta, chiếm 21,47% tổng diện tích cây ăn quả; Tổng sản lượng đạt hơn 3,67 triệu tấn chiếm 28,2% tổng sản lượng quả của cả nước.

Sản xuất quả có múi đã đóng vai trò rất quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần ổn định sinh kế và tăng thu nhập cho người nông dân đặc biệt là ở vùng trung du, miền núi. Trong những năm gần đây, tổng giá trị xuất khẩu quả có múi liên tục tăng từ 16,5 triệu USD (năm 2015) lên 72,9 triệu USD (năm 2022). Xuất khẩu quả có múi tiếp tục có xu hướng tăng cao trong năm 2023, đến hết tháng 9/2023 đạt hơn 81 triệu USD trong đó bưởi đạt 34,4 triệu USD tăng trên 200% so với cùng kỳ năm 2022.

Đến nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã hoàn tất việc mở cửa thị trường cho quả bưởi đi Hoa Kỳ, New Zealand...; đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường đối với các sản phẩm quả có múi sang thị trường Trung Quốc - một thị trường tỷ dân có mức thu nhập trung bình cao rất tiềm năng; mở cửa thị trường Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc...; dự kiến, đến năm 2024, có thể mở cửa thành công các thị trường này. Đây là cơ hội, là động lực rất tốt để phát triển sản xuất cây ăn quả có múi theo hướng chuyên nghiệp hơn, bền vững hơn nhằm phục vụ tiêu thụ nội địa cũng như đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Gian trưng bày của doanh nghiệp phân bón Bình Điền

Tuy nhiên, việc phát triển bền vững cho cây có múi đang gặp nhiều rào cản. Nhằm tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, ông Cường hy vọng rằng, hội thảo sẽ là nơi để kết nối, trao đổi giữa nông dân, doanh nghiệp và chuyên gia, từ đó đưa ra các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững cây có múi tại nước ta.

Còn nhiều hạn chế

Cùng với sự biến động về diện tích, sản lượng trong những năm gần đây, sản xuất và phát triển cây có múi của nước ta đang gặp một số hạn chế, thách thức: Cơ cấu giống địa phương là chủ yếu, trong đó nhiều giống có mẫu mã, chất lượng chưa cao, giống thoái hóa, có nhiều hạt,… Chi phí, giá thành cao làm giảm sức cạnh tranh sản phẩm ăn tươi, khó khăn cho công nghiệp chế biến.

Đặc biệt,  gần đây, nhiều vùng trồng cây có múi trên khắp cả nước có biểu hiện suy thoái, chủ yếu do bệnh vàng lá thối rễ; ngoài ra có diện tích do già cỗi, vùng trồng không thích hợp, không đầu tư thâm canh…, người sản xuất phải phá bỏ, trồng thay thế mới bằng các giống cây ăn quả khác hiệu quả hơn, dẫn tới diện tích cây có múi suy giảm. Tổng diện tích suy thoái qua tổng hợp tại 19 tỉnh chủ yếu là hơn 16500 ha, nhất là diện tích cam giảm mạnh tại các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Nghệ An…

Cụ thể, theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hòa Bình, diện tích cây có múi tại địa phương bị suy thoái diễn ra mạnh trong giai đoạn 2018 - 2021. Từ năm 2022 đến nay, mức độ suy thoái đã giảm nhiều do một số tiến bộ kỹ thuật mới được đưa vào sản xuất, diện tích suy thoái chủ yếu trên cây cam, quýt.

Tại vùng sản xuất cam huyện Cao Phong, năm 2020 có diện tích 2.330 ha, trong đó 1.813 ha giai đoạn kinh doanh nhưng đến hết năm 2022  còn 1.357 ha, trong đó 1.328 ha giai đoạn kinh doanh (tổng diện tích giảm 973 ha và giảm 485 ha diện tích kinh doanh). 50% diện tích cam thời kỳ kinh doanh tại huyện Kim Bôi phát triển kém, bị suy thoái, chất lượng quả giảm. Một số vùng trồng quýt bản địa tại các huyện Lạc Sơn, Mai Châu, Tân Lạc, Đà Bắc chưa được chú trọng chăm sóc, phòng trừ dịch hại nên năng suất, chất lượng quả giảm, người dân chặt bỏ chuyển sang trồng cây trồng khác.

Qua đánh giá sơ bộ của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hòa Bình được biết, một số địa phương xảy ra tình trạng phát triển cây có múi không nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt; một số diện tích trồng mới không đủ điều kiện về đất.

Bên cạnh đó, qua quá trình canh tác lâu năm, sử dụng nhiều phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật... dẫn đến đất bị chai cứng, nhiễm dịch hại nguy hiểm như vàng lá thối rễ, tuyến trùng, rệp sáp hại rễ..., gây suy tàn, thoái hóa nhanh chóng vườn cây, ngay cả những vườn tái canh trong giai đoạn kiến thiết.

Ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ

Đưa ra giải pháp để phát triển cây có múi một cách căn cơ và bền vững, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho rằng, các cơ quan ban ngành các địa phương cần rà soát lại các vùng sản xuất cam, bưởi hàng hóa theo định hướng phát triển tập trung, tại các vùng có điều kiện sinh thái phù hợp, có khả năng đầu tư thâm canh.

Bên cạnh đó, tăng cường phát triển các giống cây có múi đặc sản địa phương có lợi thế cạnh tranh; ưu tiên công tác bình tuyển, phục tráng giống. Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu chọn tạo, phát triển các giống cây có múi mới, có năng suất, chất lượng, không hạt hoặc có ít hạt, rải vụ thu hoạch, thích ứng biến đổi khí hậu, chống chịu sâu bệnh,... để kịp thời bổ sung cho sản xuất (trồng mới hoặc tái canh).

Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, các biện pháp sinh học trong phòng trừ sâu bệnh hại; khắc phục, giảm thiểu tình trạng canh tác thiếu bền vững, lạm dụng sử dụng phân bón vô cơ và thuốc BVTV hóa học, làm ảnh hưởng tuổi thọ vườn cây, chất lượng và ATTP.

Đồng thời, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ; Phát triển công nghiệp chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu.

Ông Phan Huy Thông, Phó chủ tịch Thường trực Hội Làm vườn Việt Nam chia sẻ, để sản xuất cây có múi hướng đến xuất khẩu, đơn cử cây cam, cần phải chọn cơ cấu giống theo hướng rải vụ thu hoạch như: Giống sớm, giống chính vụ, giống muộn, rải vụ thu hoạch theo vùng sinh thái và sử dụng các biện pháp xử lý trái vụ.

Đồng thời, phải căn cứ vào thị trường để định hướng giống phục vụ nội tiêu, xuất khẩu, ăn tươi, vắt nước cho phù hợp và hiệu quả. Từng bước có giải pháp trồng tái canh vùng cam đang bị suy thoái, già cỗi hiệu quả sản xuất không cao, trên cơ sở luân canh cải tạo đất, trồng đúng kỹ thuật và sử dụng giống đảm bảo chất lượng, rõ nguồn gốc và sạch bệnh.

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Lê Quốc Doanh, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam đánh giá cao nhiều địa phương đã có nhiều giải pháp để xứ lý tình trạng thoái hóa vườn cây, đặc biệt là Hòa Bình.

Ông Lê Quốc Doanh, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam phát biểu kết luận hội thảo.

“Việc suy thoái đất canh tác có rất nhiều nguyên nhân, do giống, do canh tác, do phân bón, nhưng có cả do chính chúng ta. Từ đây chúng ta cần nhìn nhận lại và xác định giải pháp căn cơ bền vững đưa cây có múi phát triển bền vững. Câu chuyện từ Hòa Binh, chúng ta cần tiến hành, rà soát đánh giá phân loại từng vấn đề một. Từ phân loại mới áp dụng được các nhóm giải pháp hiệu quả”, ông Doanh nhấn mạnh.

Để phát triển bền vững, hiệu quả theo đúng định hướng sinh thái, nâng cao giá trị, đảm bảo xây dựng được thương hiệu quả có múi của Việt Nam, ông Doanh cho rằng, công việc đầu tiên các địa phương cần làm là cải thiện môi trường đất cho cây, từ hệ vi sinh, rễ cây, chất dinh dưỡng.

Đồng thời đề nghị Cục Trồng Trọt xem xét kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng đề án tái canh cây có múi, từ đẩy mạnh công tác cây giống mới, xây dựng mô hình canh tác đến con giống một cách bài bản, chuyên nghiệp.

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
  • Cà Mau: 1.860ha tôm-rừng đạt chứng nhận ASC Group

    Cà Mau: 1.860ha tôm-rừng đạt chứng nhận ASC Group

    Tổ chức chứng nhận Bureau Veritas trao chứng nhận ASC Group mô hình tôm - rừng ở xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Đây là chứng nhận ASC Group mô hình tôm - rừng đầu tiên lớn nhất ở Việt Nam và thế giới.

  • “Quả ngọt” từ cây riềng đỏ trên đất bazan

    “Quả ngọt” từ cây riềng đỏ trên đất bazan

    Trải rộng cả một vùng đất đỏ bazan gần 100 ha là màu xanh của riềng đỏ, loại cây dễ trồng, dễ tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tiêu chí tổ chức sản xuất và thu nhập của xã nông thôn mới Công Liêm (Nông Cống - Thanh Hóa).

  • Kỳ Sơn phát triển trồng dược liệu quý: Cơ hội và thách thức

    Kỳ Sơn phát triển trồng dược liệu quý: Cơ hội và thách thức

    Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.

  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top