Những năm qua, báo chí đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của ngành Nông nghiệp khi đã kịp thời phổ biến tiến bộ kỹ thuật, bám sát, phản ánh nhanh chóng những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn...
Đặc biệt, báo chí đã góp phần xây dựng và bảo hộ thương hiệu nông sản của nước nhà.
Giúp nông dân bắt nhịp thời đại
Hiện nay, trong triển khai cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển bền vững, người nông dân được xem là chủ thể, được đặt vào vị trí trung tâm. Tuy nhiên, muốn thực hiện được vai trò chủ thể và tương xứng với vị trí trung tâm, điều cần làm và phải làm, cần thiết và cấp thiết, là nâng cao năng lực người nông dân qua tri thức hóa.
Muốn tri thức hóa nông dân phải thông qua nhiều giải pháp như: cấu trúc lại hệ thống giáo dục nghề từ bậc thấp tiến lên bậc cao, từ ruộng đồng tiến vào trường học, từ giáo trình cho người học đến phương pháp cho người dạy, từ hệ thống khuyến nông cơ sở đến đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, từ sách vở tài liệu cho đến các báo đài, các kênh truyền thông chuyên biệt dành cho nông dân.
Báo chí đã tích cực lan tỏa tri thức, kỹ năng có thể giúp nông dân tiếp cận cách thức sản xuất, kinh doanh hiệu quả, làm giàu bền vững, giúp họ - chủ thể của nền nông nghiệp - được tiếp cận tư duy mới, kiến thức mới, công nghệ mới, kỹ năng mới, trang bị mọi kiến thức và kỹ năng hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, thông minh, công nghệ cao.
Cụ thể, trên thị trường đã có nhiều sản phẩm tiên tiến, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất như: cảm biến quan trắc môi trường thông minh, thiết bị làm nông nghiệp đa chức năng, thiết bị bay không người lái chuyên dụng để phun thuốc bảo vệ thực vật… Tất cả những ưu việt này đã được báo chí tuyên truyền, phổ biến rộng rãi để người dân tiếp cận, nắm bắt, áp dụng vào thực tiễn sản xuất hiệu quả.
Ông Trần Văn Tuấn, ở xã Đắk Lao (Đắk Mil - Đắk Nông) cho biết, ban đầu khi nghe báo chí nói về nông nghiệp 4.0, tôi cảm thấy mơ hồ. Sau khi nghiên cứu, tôi đã hiểu được đó là vận dụng công nghệ số vào các khâu sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Tuấn, để hiểu sâu hơn về ứng dụng công nghệ số vào ngành nông nghiệp, ông đã nghiên cứu thêm các tài liệu, đặc biệt là qua kênh báo chí. Qua đó, ông đã hiểu được rằng, nông dân cần thay đổi từ cách làm truyền thống sang số hóa trong ngành Nông nghiệp.
Người sản xuất phải áp dụng công nghệ mới như điện toán đám mây (Cloud), dữ liệu lớn (Big data), Internet… để thay đổi phương thức điều hành, quản lý trong các hoạt động.
Đặc biệt, thông qua báo đài, người nông dân có thể nắm bắt nhu cầu của thị trường như: Chất lượng, khối lượng, thời gian để bắt tay vào sản xuất. Từ đó, bà con có cách tiếp cận thông minh với thị trường.
Đề cao vai trò của báo chí trong phát triển nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, sứ mệnh của báo chí không chỉ tuyên truyền một chiều mà là một kênh truyền dẫn thông tin, tương tác đa chiều.
“Chính nhà báo góp phần tạo giá trị gia tăng cho nền nông nghiệp từ việc truyền thông các mô hình mới, cách làm mới, sản phẩm mới. Giá trị của một sản phẩm bao gồm giá thành và các yếu tố vô hình như truyền thống địa phương, lịch sử, văn hóa...”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Lan tỏa thương hiệu nông sản
Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, nhất là sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, báo chí là một phần không thể thiếu đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Theo đó, những thông tin báo chí về vấn đề xây dựng và bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam đã được phản ánh rộng rãi, đa dạng và phong phú hơn, nhiều tranh chấp về thương hiệu nông sản đã được báo chí đề cập. Thông qua những tác phẩm báo chí, nhiều chủ thể đã bảo đảm được lợi ích, có thêm kinh nghiệm và hiểu biết, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thương hiệu nông sản.
Đặc sản vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) được lan tỏa trên báo chí.
Thời gian qua, báo chí và truyền hình đã góp phần tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước trong xây dựng thương hiệu cho nông sản và thực sự tạo cầu nối thông tin giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng.
Người tiêu dùng sau khi tiếp nhận thông tin từ các tác phẩm báo chí viết về thương hiệu nông sản, những hình ảnh thương hiệu nông sản qua truyền hình thường ghi nhớ hình ảnh, thương hiệu sản phẩm nông sản; đồng thời hiểu và biết rõ hơn về những thương hiệu nông sản, về doanh nghiệp, địa phương.
Báo chí đã tạo dư luận xã hội về sản phẩm, định vị trong lòng công chúng thương hiệu nông sản Việt ; quảng bá, đưa nhiều thương hiệu nông sản Việt Nam ra thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là, báo chí đang chịu những tác động mạnh mẽ từ việc thua thiệt về tốc độ truyền tải thông tin, đến việc tiếp cận thông tin ban đầu so với sự phát triển mạnh mẽ của các mạng xã hội như Facebook, YouTube, Twitter… Chính những đặc điểm đó lại khiến vấn nạn tin giả “được” lan truyền nhanh và rộng trên các nền tảng này, tạo hệ lụy không nhỏ đến xã hội, người sản xuất. Đơn cử như thông tin thất thiệt về lươn (Nghệ An) được nuôi bằng… thuốc tránh thai; nhãn (Hưng Yên) tẩm lưu huỳnh để giữ cho mẫu mã đẹp, tươi lâu; hay như tin xoài (Đồng Tháp) được ủ thuốc trong các túi giấy lạ; rau cần Khai Thái (Hà Nội) được người dân phun thuốc tăng trưởng…
Giữa “cơn bão” thông tin thật – giả lẫn lộn như hiện nay, vai trò của các cơ quan báo chí càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Qua đó, định hình lại sự nhiễu loạn thông tin, giúp người tiêu dùng có cái nhìn chính xác về sự việc.Thúc đẩy cơ quan chức năng hành động
Vai trò của báo chí không chỉ là phản ánh đời sống xã hội mà còn ở việc định hướng thông tin tới công chúng. Từ thông tin báo chí phản ánh, lãnh đạo các cấp từ Trung ương đến địa phương, đơn vị, doanh nghiệp đã kịp thời nắm bắt tình hình, đề ra các giải pháp, xử lý các vi phạm, nhất là các vi phạm kéo dài gây búc xúc trong dư luận, đưa công tác tuyên truyền đi trước một bước để người dân hiểu, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Đồng thời, báo chí cũng tạo áp lực, thúc ép việc các cơ quan chức năng vào cuộc.
Thời gian qua, việc thông tin sai lệch về giá cả nông sản hoặc những thông tin thiếu chính xác về thị trường tiêu thụ cũng trực tiếp gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất của người nông dân.
Ví như bột sắn dây Kinh Môn (Hải Dương) là sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu tập thể. Hiện, có một số tài khoản mạng xã hội rao bán sắn dây giá rẻ và mạo danh là sắn dây Kinh Môn.
Tài khoản mạng xã hội Facebook có tên Trần Nga đã chia sẻ: “Nhà anh Toàn Lý ở Kinh Môn đang gặp khó khăn mong được giúp đỡ của bà con mọi miền Tổ quốc. Giá chỉ 85k/kg bột sắn nguyên chất, thị trường đang bán 150-180k/kg”. Sau khi được báo đài phản ánh, các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương đã vào cuộc làm rõ, ở phường An Phụ không có hộ nào tên là Toàn Lý sản xuất bột sắn dây. Hiện, giá sắn dây Kinh Môn thấp nhất cũng ở mức 150.000-200.000 đồng/kg.
Từ những thực tế trên, có thể khẳng định rằng, những thông tin báo chí đưa ra không chỉ có sức mạnh và tầm ảnh hưởng đến nhận thức của cộng đồng mà còn làm thay đổi nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, người sản xuất nói riêng và của công chúng nói chung.
Để nâng cao hiệu quả trong công tác tuyên truyền, mỗi phóng viên, nhà báo cần coi trọng việc kiểm chứng thông tin, làm tốt công tác định hướng thông tin, cung cấp kịp thời thông tin chính xác những vấn đề, sự kiện quan trọng, phức tạp, nhạy cảm cho công chúng.
Thường xuyên đổi mới cách thức, phương thức thể hiện, tiếp tục rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ, tích cực cập nhật thông tin, chủ động học hỏi, tiếp thu, nhằm nhận diện các xu hướng nông nghiệp công nghệ cao, từ đó phổ biến rộng rãi để người dân tiệm cận hơn với nền nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao, thông minh, hòa mình vào xu thế tất yếu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.