Trong cuộc trò chuyện với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, phóng viên vinh dự được Bộ trưởng tặng cuốn sách “Thay đổi một suy nghĩ, thay đổi cả cuộc đời”.
Vị Tư lệnh của nhà nông không quên những lời gửi gắm thân tình rằng, đây là tâm ý mà ông muốn nói với bà con nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp, các chuyên gia và các nhà quản lý, đồng thời muốn nhấn mạnh đổi mới tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp hiện nay.
Sau đây là nội dung cuộc trao đổi của PV Kinh tế nông thôn với Tư lệnh ngành kinh tế trụ cột.
Kính thưa Bộ trưởng, năm 2022, vượt qua rất nhiều biến động của thị trường thế giới, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đã cán đích một cách ngoạn mục. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả của ngành đạt được?
Thay đổi một suy nghĩ, thay đổi một cuộc đời. Thay đổi một tiếp cận, chúng ta sẽ thay đổi một hành trình. Tổng kết lại năm 2022, ngành Nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn như: dịch bệnh; đứt gãy cung cầu; chi phí logistics, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao...
Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT (Bộ trưởng Lê Minh Hoan, người ở giữa) thăm vùng sản xuất bưởi tại xã Đại Đồng (Yên Thủy- Hòa Bình). Ảnh: Trọng Đạt.
Năm 2022, xuất khẩu nông – lâm - thủy sản đạt kết quả cao kỷ lục, 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021, thặng dư thương mại trên 8,5 tỷ USD. Trong đó có 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt kim ngạch trên trên 3 tỷ USD.
Kết quả đến giờ này mặc dù chưa đạt như kỳ vọng của ngành, doanh nghiệp cũng như nông dân, nhưng cũng là thành quả rất đáng tự hào. Tự hào không phải nằm ở con số của ngành mà có những niềm tự hào chúng ta không nhìn thấy được. Đó là sự đánh giá cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của xã hội về vai trò, vị thế của ngành Nông nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh biến động phức tạp. Hay nói cách khác là đã làm sâu sắc hơn vai trò trụ đỡ của ngành Nông nghiệp, không chỉ đóng góp cho sự tăng trưởng chung của nền kinh tế mà còn đảm bảo các vấn đề xã hội. Điều này không thể hiện ra những con số.
Ví dụ như việc đảm bảo an ninh lương thực. Hiện nay rất nhiều quốc gia đang khủng hoảng an ninh lương thực, khủng hoảng về sản xuất nông nghiệp, thậm chí có những chuỗi ngành hàng của một số quốc gia bị đứt gãy, nhưng ngành Nông nghiệp Việt Nam vẫn đứng vững.
Điều này để nói rằng, sứ mạng của ngành Nông nghiệp không chỉ giải quyết vấn đề tăng trưởng, mà còn là vấn đề bao trùm cho hàng chục triệu nông dân, người lao động ở khu vực nông nghiệp, dịch vụ. Vai trò của nông nghiệp nằm trong một cấu trúc chung về kinh tế và xã hội. Nhiều khi nếu chỉ tiếp cận qua những con số tăng trưởng thì chúng ta không thấy được tác động của ngành với xã hội.
Chủ trương chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp đã hướng đến phát triển một nền nông nghiệp mới. Theo Bộ trưởng, việc chuyển đổi này được các địa phương, doanh nghiệp và người nông dân thực hiện như thế nào?
Chúng ta có thể thấy, tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp đã bắt đầu bén rễ vào nhận thức xã hội, vào người nông dân, doanh nghiệp. Chúng ta thấy rằng, không thể quay lại con đường sản xuất nông nghiệp lấy tiêu chí sản lượng để làm mục tiêu phấn đấu nữa. Bắt đầu đã có rất nhiều nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học và nhiều hành động của các hiệp hội, ngành hàng, tổ chức nông dân có tư duy làm sao tạo ra giá trị gia tăng theo xu thế kinh tế nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Minh Hoan thăm, khảo sát vùng chè Shan tuyết tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn. Ảnh: Đức Tưởng
Quan trọng hơn, chúng ta chứng minh được một điều là nông sản của Việt Nam về mặt chất lượng có thể đáp ứng các thị trường khó tính nhất. Đó là những tín hiệu cho thấy Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hay Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tâm nhìn đến năm 2050 đã bắt đầu lan tỏa ra xã hội, nhận thức của xã hội về vai trò của nông nghiệp hay tư duy phát triển nông nghiệp sang một tư duy mới, mô hình mới dựa trên tăng trưởng tích hợp đa giá trị.
Những mô hình nông nghiệp mới như: lúa – tôm, lúa – rươi hay mô hình du lịch nông nghiệp, mô hình tạo ra những sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm)… tạo ra một sinh khí mới thay vì chúng ta chỉ đi theo một con đường chú trọng vào sản lượng như trước kia.
Ví dụ như lúa bậc thang của đồng bào vùng trung du miền núi không so sánh được với Đồng bằng sông Hồng và càng không thể so được với Đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng bà con dân tộc biết phát huy giá trị đó lên, biết kể một câu chuyện để làm du lịch nông thôn và các lãnh đạo địa phương biết chăm chút hơn từng sản phẩm nông nghiệp. Mặc dù quy mô nhỏ nhưng giá trị sẽ cao nếu chúng ta tiếp tục hành động như thời gian qua.
Doanh nghiệp được xác định là “trụ cột”, là “đầu tàu” trong việc thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Vậy theo Bộ trưởng, cần làm gì để sợi dây liên kết này ngày càng chặt chẽ?
Việt Nam đã mở cửa rất nhiều thị trường khó tính cho nông sản để đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm. Quan trọng hơn là chúng ta chứng minh được rằng, chất lượng nông sản Việt Nam có thể đảm bảo ở các thị trường khó tính nhất.
Doanh nghiệp đã biết hướng đến các thị trường cao cấp hơn để tạo ra lợi nhuận cao hơn. Tư duy thị trường đã bắt đầu bén rễ, sản xuất ra những sản phẩm thị trường yêu cầu, bán cái thị trường cần đã được doanh nghiệp và người nông dân quan tâm.
Những doanh nghiệp xuất khẩu gạo chất lượng cao sang thị trường châu Âu hay Nhật Bản là minh chứng cho thấy đã hướng vào vấn đề chất lượng, hướng về yêu cầu của từng loại thị trường khác nhau. Điều này dẫn dắt lại người nông dân đảm bảo được tiêu chuẩn ngay từ khi chọn giống, ứng dụng các quy trình canh tác, chuẩn hóa chất lượng nông sản, cho từng thị trường. Vì vậy, tư duy đường dài của doanh nghiệp sẽ đưa đến tư duy đường dài cho người nông dân.
Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương trong thời gian vừa qua liên tục tổ chức nhiều diễn đàn để các doanh nghiệp thấy được mỗi loại thị trường có yêu cầu khác nhau. Chúng ta không thể “mặc đồng phục”, không thể đồng nhất tất cả các sản phẩm mà phải tạo ra nhiều phân khúc thị trường.
Về lâu dài, sẽ tạo sự liên kết chặt chẽ hơn giữa những người sản xuất với nhau, người sản xuất với nhà đóng gói, doanh nghiệp xuất khẩu, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo quy chuẩn, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, thân thiện với môi trường. Rủi ro thị trường sẽ được giảm thiểu khi sản xuất đáp ứng tốt các chuẩn mực thị trường.
Các hiệp hội, doanh nghiệp, người sản xuất làm sao đảm bảo sản phẩm giữ được chữ Tín trên thị trường. Thời cơ đã có, vấn đề là tâm thế để xuất khẩu loại hàng hóa mà thị trường có nhu cầu rất lớn.
Dự báo kinh tế thế giới sẽ còn nhiều biến động khó lường, xin Bộ trưởng cho biết, Bộ có những định hướng như thế nào cho năm 2023 và những năm tiếp theo?
Phải xác định rằng, ngành Nông nghiệp sẽ luôn gặp khó khăn, thách thức. Khi thế giới thay đổi thì chúng ta cần phải có kế hoạch để chủ động thích ứng. Tuy nhiên, những khó khăn này không bằng các quy chuẩn thị trường ngày càng khắt khe hơn.
Những nông sản hay các sản phẩm nông nghiệp được tạo ra giờ thị trường không chỉ tiếp nhận bằng giá cả, bằng chất lượng mà còn quan tâm trong sản xuất có bị tác động tới môi trường thiên nhiên, đa dạng sinh học, hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu...
Như cà phê, hạt điều có phải được trồng do tàn phá rừng để canh tác? Hay chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) cũng là một minh chứng thị trường không chỉ quan tâm độ ngon của hải sản mà còn các vấn đề như đánh bắt như thế nào, có vi phạm luật pháp quốc tế hay không?
Đó là sức ép đòi hỏi ngành Nông nghiệp phải thay đổi. Đứng trước sức ép thay đổi đó, nếu chủ động thay đổi sẽ đỡ rủi ro hơn và cơ hội để xây dựng hình ảnh nền nông nghiệp Việt Nam trách nhiệm, bền vững. Như một thông điệp mà tôi hay đưa ra: “Mọi thay đổi đều khó khăn, nhưng nếu không thay đổi còn khó khăn hơn nữa”. Biết đâu trong thay đổi này, chúng ta tạo ra một hình ảnh mới, giá trị mới, thương hiệu mới, tạo ra nhiều việc làm mới…
Việt Nam đã có những cam kết tại COP 26, vừa đảm bảo tăng trưởng sản xuất, vừa bảo vệ được môi trường; xây dựng nền nông nghiệp trách nhiệm, bền vững, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; tham gia vào hệ thống cung ứng lương thực, thực phẩm toàn cầu. Những cam kết này phải được chuyển hóa bằng những hành động cụ thể, bằng trách nhiệm của người sản xuất, nông dân, ngư dân và doanh nghiệp.
Tôi hoàn toàn tin tưởng chúng ta có “dư địa” để có thể chuyển đổi. Từ trước đến nay chúng ta chỉ xuất khẩu thô, chúng ta còn nhiều dư địa để bảo quản, chế biến sâu. Vấn đề là doanh nghiệp phải dấn thân hơn nữa. Chúng tôi đang trình Chính phủ những chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp mạnh dạn thay đổi, thay vì các doanh nghiệp chỉ mua đi bán lại.
Bên cạnh đó, hiện nay, việc làm ở nông thôn là vấn đề quan trọng mà việc sắp xếp lại sản xuất sẽ tạo ra rất nhiều việc làm cho nông thôn. Năm 2023 phải đi sâu vào kinh tế nông thôn, tạo ra nhiều việc làm ở nông thôn. Muốn vậy, hình thái hoạt động của hợp tác xã, sản phẩm OCOP, du lịch nông nghiệp... phải khác đi.
Để giải quyết vấn đề việc làm trong nông thôn cần chuyển qua công nghiệp dịch vụ hoặc tạo ra nhiều việc làm ở nông thôn bằng kinh tế nông nghiệp và kinh tế phi nông nghiệp ở nông thôn, những dịch vụ phi nông nghiệp ở nông thôn. Đó là những vấn đề mà Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 đang hướng tới.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!