Phó trưởng Chi nhánh phía Nam Hội Làm vườn (HLV) Việt Nam Nguyễn Văn Mười chia sẻ, năm 2023, Chi nhánh đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong củng cố tổ chức, đặc biệt hướng về hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế VAC, xúc tiến tiêu thụ nông sản cùng hội viên cũng như tham gia các hoạt động hỗ trợ kết nối hội viên trong liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản và nhiều hoạt động an sinh xã hội…
Nhiều hoạt động thiết thực
Theo ông Mười, tháng 5/2023, Chi nhánh phía Nam HLV Việt Nam đã phối hợp tổ chức “Diễn đàn liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản” tại Đắk Nông. Diễn đàn nhằm liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản, tạo điều kiện để nhà vườn, chủ trang trại, HTX kết nối với doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào… Tạo cơ hội để các thành viên của Hội tiếp cận các nhà sản xuất, HTX nhằm tạo sự gắn kết giữa đầu vào và đầu ra.
Đắk Nông có diện tích tự nhiên 6.513km2, trong đó gần 60,34% là đất đỏ bazan; có nhiều sông hồ, khí hậu ôn hòa, phù hợp sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các loại cây dài ngày như cà phê, hồ tiêu, cao su, mắc ca cùng các loại cây ăn trái. Đây là các loại cây trồng chiếm ưu thế, đóng góp vào sự tăng trưởng GDP của tỉnh (tăng trưởng bình quân hàng năm 12%). Diễn đàn là dịp để giới thiệu, trao đổi, thảo luận làm sáng tỏ thêm về tiềm năng, cơ chế, chính sách, tạo sự bứt phá cho phát triển kinh tế của Đắk Nông. Đồng thời, tạo điều kiện để nhà đầu tư hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ chế biến, kết hợp du lịch nghỉ dưỡng.
“Để làm được điều này, cần phải có sự tác động của cả hai phía, người mua và người bán phải liên kết và phân vai cùng nhau tạo thành chuỗi giá trị, không mạnh ai người đó làm. Nếu mạnh ai người đó làm sẽ dẫn đến hiệu quả của việc liên kết không thành, sản phẩm sản xuất không đạt chuẩn cung ứng ra thị trường; các nhà thu mua không chủ động được nguồn hàng để cung ứng. Thời gian tới, các doanh nghiệp, nhà vườn, tổ hợp tác cần nắm bắt cơ hội khi nước ta đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do. Đây thực sự là cơ hội để chúng ta đưa nông sản Việt vươn xa”, ông Mười cho hay.
Ngày 20/12/2023, Chi nhánh phối hợp với HLV Bình Định tổ chức Hội nghị tập huấn - hội thảo về phát triển VAC tuần hoàn gắn với kết nối cung cầu từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, thu hút 80 đơn vị, DN, HTX trong và ngoài tỉnh.
Diễn đàn “Cơ hội và thách thức phát triển ngành sầu riêng Việt Nam” tại Đồng Nai.
Ngày 24/7/2023, phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức Diễn đàn cơ hội và thách thức phát triển ngành sầu riêng. Sau khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, các doanh nghiệp đã đăng ký mã số vùng trồng và tranh thủ ký hợp đồng với người nông dân cũng như các chủ vườn trồng sầu riêng. Tuy vậy, thời điểm đặt cọc giá thấp, tới khi thu hoạch giá lại vọt lên cao dẫn tới tình trạng người nông dân bẻ kèo, bẻ cọc với doanh nghiệp để bán cho “cò”. Các doanh nghiệp xuất khẩu do không mua được hàng hoặc giá bán bị đẩy lên cao, dẫn đến phải bù lỗ sau mỗi chuyến hàng xuất khẩu.
Sầu riêng tươi của Việt Nam đã xuất khẩu đến 24 thị trường, sầu riêng đông lạnh cũng đã xuất khẩu đến 23 thị trường; năm 2023 đạt kim ngạch trên 2,2 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu sầu riêng lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch gần 2 tỷ USD, chiếm 91% tổng giá trị xuất khẩu loại trái cây này.
Tỉnh Đồng Nai hiện có 6 cơ sở đóng gói và 11 vùng trồng sầu riêng với diện tích trên 820 ha, sản lượng khoảng 20.000 tấn được cấp mã số xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, hiện có vùng trồng sầu riêng với diện tích gần 1.800 ha với 4 cơ sở đóng gói sầu riêng đã hoàn thiện hồ sơ gửi Cục Bảo vệ thực vật đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số…
Trong năm 2023, Chi nhánh phía Nam HLV Việt Nam còn tổ chức đoàn tham quan khảo sát các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn kết du lịch sinh thái tại huyện Dầu Tiếng (Bình Dương); phối hợp với HLV tỉnh Đồng Tháp, UBND huyện Châu Thành tổ chức Chương trình kết nối sản xuất với tiêu thụ nông sản, hơn 150 đại biểu tham dự. Phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận, Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận, Hiệp hội Rau quả Việt Nam tổ chức Diễn đàn tìm giải pháp để ngành hàng thanh long Việt Nam phát triển bền vững…
Chi nhánh HLV phía Nam tổ chức cho các đơn vị thành viên tham quan Trang trại Thanh long Hoàng Hậu tại Bình Thuận.
Bên cạnh đó, Chi nhánh chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân quan tâm tìm hiểu và làm đơn gia nhập Hội. Tham gia công tác xã hội như: trao tặng 1 căn nhà Nghĩa tình đồng đội, trị giá 50 triệu đồng cho một cựu chiến binh ở xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre); trao tặng cho các em nhỏ tại Trường Tiểu học Vừ A Dính (Đắk Nông) 35 suất quà, mỗi suất gồm 1 triệu đồng + 01 cặp học sinh, tổng trị giá 39,5 triệu đồng…
Tạo hiệu ứng tích cực trong phát triển VAC
Đánh giá về hoạt động Hội ở các tỉnh, thành phía Nam, ông Mười cho biết, phần lớn lãnh đạo Hội là cán bộ của ngành Nông nghiệp và PTNT tham gia kiêm nhiệm hoặc cán bộ của các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT đã nghỉ hưu nên trong hoạt động mới quan tâm đến chuyên môn, chưa quan tâm nhiều đến công tác Hội.
Bên cạnh một số tỉnh hoạt động gặp nhiều khó khăn, vẫn có nhiều tỉnh, thành Hội luôn tích cực tham gia, trao đổi thông tin và phối hợp hoạt động với Chi nhánh phía Nam hiệu quả như: HLV tỉnh Đồng Tháp, HLV tỉnh Trà Vinh, HLV tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, HLV tỉnh Đồng Nai, HLV tỉnh Bình Định, HLV tỉnh Long An…
Một số HLV địa phương không gửi báo cáo nên công tác nắm bắt tình hình hoạt động, phát triển VAC tại địa phương của Chi nhánh chưa được đầy đủ.
Chi nhánh thường xuyên chỉ đạo các tỉnh, thành Hội triển khai thực hiện các nghị quyết của Hội Làm vườn Việt Nam, nhất là việc triển khai Nghị quyết liên tịch số 06/NQLT-BNNPTNT-HLV về việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ công tác giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT và Hội Làm vườn Việt Nam giai đoạn 2023 - 2030...
Tuy nhân sự không nhiều (hiện chỉ có Phó trưởng chi nhánh và Chánh văn phòng hoạt động thường trực) nhưng Chi nhánh đã năng động, sáng tạo trong hoạt động, tạo hiệu ứng tích cực trong phong trào phát triển kinh tế VAC tại các tỉnh, thành phố phía Nam. Trong đó tập trung vào tư vấn, hỗ trợ, kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản các tỉnh, thành phố phía Nam..
Tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ hội viên
Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, ông Nguyễn Văn Mười cho hay, trên cơ sở Nghị quyết liên tịch số 06/NQLT-BNNPTNT-HLV về việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ công tác giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT và Hội Làm vườn Việt Nam giai đoạn 2023 - 2030 và Công văn số 112/HLV của HLV Việt Nam về triển khai thực hiện NQLT 06/NQLT- BNNPTNT-HLV, Chi nhánh phía Nam đã xây dựng phương hướng, kế hoạch triển khai một số nhiệm vụ chính trong năm 2024.
Chi nhánh sẽ chủ trì và phối hợp các sở, ban ngành tỉnh, thành phố và HLV tỉnh, thành phố phía Nam tổ chức Hội chợ Nông nghiệp - Xúc tiến thương mại Khu vực ĐBSCL tại Đồng Tháp; Hội thảo nông nghiệp tuần hoàn phát triển kinh tế VAC; Diễn đàn kết nối sản xuất với tiêu thụ nông sản phục vụ xuất khẩu và cung ứng vào hệ thống bán lẻ hiện đại; Hội chợ Nông nghiệp - Quảng bá sản phẩm OCOP các tỉnh, thành phía Nam; Diễn đàn kết nối sản xuất với tiêu thụ nông sản phục vụ xuất khẩu và cung ứng vào hệ thống bán lẻ hiện đại…
Ngoài ra, Chi nhánh tiếp tục tổ chức, phối kết hợp tổ chức, cập nhật và phổ biến thường xuyên đến hội viên các chương trình hội nghị, hội thảo, diễn đàn, hội chợ triển lãm, tham quan học tập, kết nối quảng bá, giới thiệu, trưng bày sản phẩm và xúc tiến thương mại; thực hiện tư vấn hỗ trợ pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho hội viên; tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật phục vụ cho phát triển VAC của hội viên; tham gia công tác xã hội hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh khó khăn.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tổ chức Hội; vận động phát triển, kết nạp hội viên là doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, chủ trang trại và cá nhân quan tâm.
Làm thủ tục đề nghị kết nạp cho các tổ chức, cá nhân có nguyện vọng gia nhập Hội để gửi về HLV Việt Nam theo trình tự quy định.
Tăng cường hợp tác với các tổ chức, đơn vị, viện, trường, doanh nghiệp trong hoạt động, nhằm thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giống, thiết bị, vật tư phục vụ cho sản xuất VAC...
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.