Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 13 tháng 7 năm 2023 | 16:33

Cách nào để đưa hàng nông sản tiếp cận các kênh phân phối hiện đại?

Các địa phương đã vận động người dân duy trì vùng sản xuất, đưa giống mới vào, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào khâu chăm bón, thu hoạch nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và ứng dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc, đưa sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại.

Các hàng quán tại Hà Nội hiện nay đều có mã QR để tiện cho người tiêu dùng mua sắm. (Ảnh: VGP/An Khuê)

Hà Nội: Ứng dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc, đưa sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại

Thời gian qua, Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, thực phẩm thành phố Hà Nội” và các hợp tác xã đã ứng dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc, đưa sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại. Do đó, nhiều mặt hàng được tiêu thụ ổn định, người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao về chất lượng.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương (huyện Đông Anh) Phạm Thị Lý, năm 2017, hợp tác xã triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi liên kết, toàn bộ sản phẩm được giám sát theo quy trình sản xuất chặt chẽ từ khi trồng đến chăm sóc, sơ chế, đóng gói. Đặc biệt, 100% sản phẩm rau, củ, quả sau khi được thu hoạch và sơ chế đóng gói đều được dán tem QR Code, giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm thông qua điện thoại thông minh có kết nối internet.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Nam (huyện Phúc Thọ) Doãn Văn Thắng, hợp tác xã đã vận động người dân duy trì vùng sản xuất, đưa giống mới vào, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào khâu chăm bón, thu hoạch nhằm nâng cao năng suất và chất lượng. Cùng với đó, đẩy mạnh quá trình nghiên cứu, đầu tư máy móc hiện đại để chế biến các dạng sản phẩm, như: Chuối sấy dẻo, chuối sấy lạnh… nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến mục tiêu sản phẩm được xếp hạng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Ngoài ra, hợp tác xã đã ứng dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc, đưa sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại.

Thời gian qua, Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, thực phẩm thành phố Hà Nội” với địa chỉ tên miền: https://check.hanoi.gov.vn. Đến nay, đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì hệ thống quản lý cho 3.229 cơ sở là các hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông, lâm sản và thủy sản với 11.713 bộ mã truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản đủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm lên hệ thống.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng duy trì, phát triển tích hợp hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội trên hệ thống phần mềm ứng dụng nền tảng công nghệ GIS ứng dụng quản lý an toàn thực phẩm nông, lâm sản, nhằm tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, xây dựng hệ thống phần mềm trực tuyến kiểm tra, đánh giá kiến thức an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản.

Việc triển khai mã QR không chỉ giúp người tiêu dùng minh bạch thông tin mà còn tạo điều kiện cho các ngành chức năng quản lý an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, việc truy xuất nguồn gốc đòi hỏi phải ứng dụng công nghệ số liên thông trên toàn chuỗi sản xuất. Ngoài ra, việc triển khai phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm vẫn còn khó khăn do nhận thức của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm cũng như người tiêu dùng còn hạn chế. Cùng với đó, một số lượng lớn nông, lâm, thủy sản được bán tại các chợ truyền thống, cửa hàng kinh doanh... được lấy từ những hộ kinh doanh tại chợ đầu mối. Ban Quản lý chợ đầu mối còn hạn chế trong việc kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm của các hộ, cơ sở kinh doanh, nhất là kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm kinh doanh tại chợ. Nhìn chung, các hộ kinh doanh tại chợ chưa quan tâm tới việc lưu giữ hóa đơn, chứng từ để chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh, trong thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ phát triển chuỗi an toàn thực phẩm áp dụng truy xuất nguồn gốc theo mã QR; quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm, như: Hỗ trợ gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm an toàn, hỗ trợ tham gia các hội chợ trưng bày, kết nối sản phẩm trong và ngoài huyện. Cùng với đó, tăng cường công tác hậu kiểm, hỗ trợ kinh phí phân tích các mẫu thực phẩm phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát, đánh giá chất lượng. Ngoài ra, huyện phối hợp với các đơn vị hỗ trợ các chủ thể tham gia hội chợ quảng bá giới thiệu sản phẩm sạch, an toàn có mã QR đến tay người tiêu dùng.

Còn theo Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam Mai Quang Vinh, các địa phương nên phối hợp mở một cổng thông tin chung về quản lý, giám sát thông tin sản phẩm. Qua đó có thể đưa thông tin của hàng vạn hợp tác xã, ngành hàng, giá bán, giá mua nông sản… để tất cả các chủ thể có nhu cầu dễ dàng tiếp cận, tiến tới tất cả các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản sẽ được minh bạch thông tin.

Chăm sóc rau an toàn tại Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương (huyện Đông Anh).

Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, Hà Nội kiến nghị Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan liên quan ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về hệ thống truy xuất nguồn gốc, các quy định, hướng dẫn việc ứng dụng thông tin điện tử trong truy xuất nguồn gốc bằng mã QR cho nông, lâm, thủy sản tại các địa phương và tích hợp lên Hệ thống truy xuất hàng hóa quốc gia. Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ phối hợp các sở, ngành trên địa bàn thành phố phát triển, quản lý “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm sản và thủy sản thực phẩm an toàn cho thành phố” với mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thiện, tích hợp, kết nối vào Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Tiếp tục tham mưu cơ chế hỗ trợ các cơ sở kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn có truy xuất tham gia hệ thống. Phối hợp với các địa phương tư vấn về truy xuất nguồn gốc, hướng dẫn thủ tục đăng ký mã số, mã vạch, mã QR... cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn.

Thái Bình: Ứng dụng công nghệ mới, hình thành các vùng sản xuất tập trung

Đến hết tháng 6/2023, toàn tỉnh có 378 HTX, 01 liên hiệp HTX, 85 quỹ tín dụng nhân nhân. Thời gian qua, hoạt động của các HTX, liên hiệp HTX đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho người dân trong việc ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Các HTX, quỹ tín dụng nhân dân đã có định hướng hoạt động đúng, đóng góp trong việc thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy mô vùng phù hợp quy hoạch của địa phương, góp phần hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, tạo công ăn việc làm cho người dân.

Bột sắn dây của HTX Chế biến và kinh doanh nông sản Đông La (Đông Hưng) được công nhận sản phẩm OCOP năm 2022.

Bên cạnh đó, các HTX cũng đã góp phần nâng cao năng lực sản xuất cho thành viên thông qua phổ biến khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới, hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu.

Thực hiện đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương giai đoạn 2021 – 2025, có 2 HTX được lựa chọn xây dựng mô hình HTX kiểu mới: HTX SXKD DVNN xã Bình Định (Kiến Xương) với mô hình HTX tích tụ, tập trung ruộng đất có quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; HTX DVNN xã Điệp Nông (Hưng Hà) với mô hình HTX nông nghiệp đảm nhiệm các dịch vụ đầu vào, sơ chế/chế biến và đầu ra trong chuỗi giá trị nông sản.

Liên minh HTX tỉnh đã đẩy mạnh vận động phát triển thành viên. 6 tháng đầu năm, Liên minh HTX tỉnh kết nạp thêm 11 thành viên, tổ chức 4 lớp tập huấn về kiến thức công tác quản lý, điều hành hoạt động, nâng cao năng lực quản trị cho cán bộ HTX…

Trước những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế tập thể và một số khó khăn và đề xuất một số nội dung liên quan đến việc hỗ trợ nguồn lực để phát triển công nghệ sản xuất; địa phương cũng đề nghị có hướng dẫn, tạo điều kiện để các HTX được tiếp cận các chính sách nhanh, kịp thời và thuận lợi; quan tâm bố trí quỹ đất để HTX mở rộng sản xuất…

Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, địa phương đã tập trung thống nhất những nhiệm vụ, giải pháp sẽ tập trung thực hiện 6 tháng cuối năm, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác củng cố hoạt động, phát triển các HTX, tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ, phát triển HTX.

Hưng Yên: Chú trọng liên kết tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao

Thời gian qua, nông dân huyện Khoái Châu tập trung đẩy mạnh chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu, đồng thời, chú trọng liên kết tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Với lợi thế về thổ nhưỡng, kinh nghiệm sản xuất của nông dân nên những năm gần đây, diện tích cây dược liệu ở huyện Khoái Châu không ngừng được mở rộng, hình thành các vùng sản xuất dược liệu tập trung. Hiện nay, toàn huyện có trên 470 héc-ta trồng cây dược liệu gồm: Nghệ, địa liền, ngưu tất, cỏ ngọt, bạc hà, húng quế... tập trung ở các xã: Chí Tân, Tân Dân, Bình Minh, An Vĩ, Tứ Dân... Việc hình thành các vùng dược liệu tập trung đã tạo điều kiện cho người dân mở rộng trồng các loại dược liệu quý, cho hiệu quả kinh tế cao, tạo tiền đề hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ dược liệu.

Kiểm tra, đóng gói sản phẩm sữa nghệ tại Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên (Khoái Châu)

Do dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với nhiều chất đất, ít bị sâu bệnh, không mất vốn mua cây giống, thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch trong vòng 1 năm, cây nghệ đang được nhiều hộ dân lựa chọn là cây trồng chính để phát triển kinh tế. Bình quân mỗi héc-ta cho thu hoạch khoảng 27 tấn củ, hiện nay, giá bán củ tươi khoảng 7.500 đồng/kg, giá trị thu được trên 1 héc-ta ước đạt khoảng 200 triệu đồng. Ngoài ra, nông dân còn trồng xen các loại cây như lạc, đỗ… để tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Không chỉ bán củ tươi, những năm gần đây, người trồng nghệ còn đẩy mạnh chế biến các sản phẩm từ củ nghệ để nâng cao giá trị kinh tế. Hiện nay, nghệ khô đang được thu mua với giá khoảng 30.000 – 35.000 đồng/kg. Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên, xã Chí Tân đã tập trung phát triển các sản phẩm từ nghệ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Ông Hoàng Quang Đông, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên cho biết: Năm 2011, tôi bắt đầu tìm hiểu và làm nghề chế biến các sản phẩm từ củ nghệ. Hiện nay, mỗi năm công ty sản xuất hàng trăm tấn nghệ khô, nghệ bột, viên nghệ tẩm mật ong, sữa nghệ... Do được đầu tư các thiết bị, máy móc công nghệ hiện đại và sản xuất theo quy trình khép kín, yêu cầu khắt khe về an toàn, vệ sinh thực thẩm nên các sản phẩm được sản xuất ra đều đạt tiêu chuẩn theo quy định và được người tiêu dùng tin tưởng. Sản phẩm tinh bột nghệ, bột nghệ, nanocurcumin của công ty được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao của tỉnh.

Cây bạc hà “bén rễ” với người dân xã Tứ Dân từ lâu, được xem là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao. Hiện nay, xã có gần 7 mẫu trồng cây bạc hà, những thửa ruộng bạc hà được trồng để phục vụ cho việc lấy tinh dầu.  Là cây dễ trồng, nhanh cho thu hoạch, thích hợp với nhiều loại đất, bạc hà có thể trồng xen cùng các loại cây ăn quả khác mà năng suất vẫn cao. Theo kinh nghiệm sản xuất của nông dân, khi trồng cần lên luống giống như trồng các loại rau màu, đồng thời, chú ý làm đất sạch cỏ, diệt trừ các loại mối, sâu bệnh trong đất. Để tăng dược tính cho cây bạc hà, trong quá trình canh tác cần thay thế phân bón hóa học bằng phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ vi sinh và hạt đậu tương nghiền mịn, không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật; phòng trừ sâu bệnh bằng các thuốc có nguồn gốc sinh học, làm cỏ thủ công kết hợp dùng màng nilon phủ luống, để giữ ẩm đất, giảm tưới nước, chống rửa trôi dinh dưỡng và hạn chế cỏ dại, nhằm tránh gây ô nhiễm môi trường. Bình quân mỗi sào trồng bạc hà thu hoạch được từ 5 đến 6 tạ thành phẩm khô/năm, giá bán hiện tại khoảng 800.000 đồng/kg tinh dầu, mỗi sào bạc hà cho lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/năm. Anh Đỗ Minh Ngọc, xã Tứ Dân chia sẻ: Gia đình tôi đang trồng hơn 5 sào cây bạc hà, với giá bán tinh dầu bạc hà như hiện nay, mỗi năm gia đình tôi thu lãi gần 100 triệu đồng. Nhận thấy giá trị kinh tế từ cây dược liệu, gia đình tôi tiếp tục mở rộng diện tích trồng bạc hà để phát triển kinh tế gia đình.

Phát triển cây dược liệu là hướng đi đang được huyện khuyến khích, góp phần phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng tại địa phương. Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích trồng cây dược liệu; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất; kết nối doanh nghiệp, hợp tác xã với người dân trong việc đưa các giống cây dược liệu mới vào canh tác, chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất, hệ thống kinh doanh dược liệu cùng với các cơ sở sản xuất, chế biến, chiết xuất dược liệu… góp phần thúc đẩy sự phát triển các vùng trồng dược liệu trên địa bàn./.

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Cà Mau: 1.860ha tôm-rừng đạt chứng nhận ASC Group

    Cà Mau: 1.860ha tôm-rừng đạt chứng nhận ASC Group

    Tổ chức chứng nhận Bureau Veritas trao chứng nhận ASC Group mô hình tôm - rừng ở xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Đây là chứng nhận ASC Group mô hình tôm - rừng đầu tiên lớn nhất ở Việt Nam và thế giới.

  • “Quả ngọt” từ cây riềng đỏ trên đất bazan

    “Quả ngọt” từ cây riềng đỏ trên đất bazan

    Trải rộng cả một vùng đất đỏ bazan gần 100 ha là màu xanh của riềng đỏ, loại cây dễ trồng, dễ tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tiêu chí tổ chức sản xuất và thu nhập của xã nông thôn mới Công Liêm (Nông Cống - Thanh Hóa).

  • Kỳ Sơn phát triển trồng dược liệu quý: Cơ hội và thách thức

    Kỳ Sơn phát triển trồng dược liệu quý: Cơ hội và thách thức

    Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.

  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top