Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 28 tháng 11 năm 2023 | 9:46

Cải tạo vườn tạp ở Cà Mau: Đa dạng mô hình, đều cho thu nhập cao

Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân tận dụng, khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, đất trống xung quanh nhà, bờ bao,… để phát triển kinh tế VAC, tỉnh Cà Mau đã xuất hiện nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao.

Thu nhập gần 200 triệu đồng/năm từ trồng tre

Trước đây, gia đình chị Lê Thị Gấm (ở ấp 15, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh) thuộc diện khó khăn, kinh tế luôn thiếu trước hụt sau. Do vùng đất nơi đây bị nhiễm phèn nặng, làm ruộng cho năng suất thấp, trồng trọt đạt hiệu quả không cao nên hầu hết vườn, bờ bao để trống, chưa đưa vào sản xuất. Khi được tuyên truyền về cải tạo vườn tạp, năm 2010, vợ chồng chị Gấm mạnh dạn cải tạo, tận dụng toàn bộ diện tích đất vườn trồng thử 50 bụi tre Mạnh Tông.

Nhiều nông dân đến tham quan, học hỏi mô hình cải tạo vườn tạp trồng tre Mạnh Tông của chị Gấm.

 

Chị Gấm tâm sự, cây tre Mạnh Tông dễ trồng, dễ chăm sóc, thích hợp trên đất vườn, có khả năng sinh trưởng tốt, mau ra măng và măng rất lớn. Trồng khoảng 3 năm là tre cho thu hoạch măng. Thời gian thu hoạch có thể kéo dài 10 - 15 năm, tùy chất đất và kỹ thuật chăm sóc. Mùa thu hoạch từ tháng 2 đến tháng 7 âm lịch hằng năm. Sau thời gian này, tre vẫn tiếp tục lên măng nhưng số lượng ít hơn, tùy thuộc vào cách chăm sóc, bón phân, vô đất, tưới nước của người trồng.

Cây tre không kén chọn đất nhưng để đạt hiệu quả cao nên trồng trên khu đất cao ráo, mỗi bụi cách nhau 4 - 5m, mỗi năm nên bón 2 lần phân NPK cho đất giảm độ phèn và cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây. Vào mùa khô, nên tưới nước thường xuyên để giữ độ ẩm và dưỡng sức cho tre ra măng nhiều hơn. Đến cuối vụ thu hoạch, người trồng cần tính toán số lượng cây trong từng bụi tre mà để lại măng cho phù hợp. Đồng thời, phải đào bỏ gốc tre già nhằm giúp đất thông thoáng để măng mọc từ thân ngầm và có điều kiện phát triển tốt hơn.

Đến nay, gia đình chị Gấm có trên 150 bụi tre, cứ cách 2 ngày thu hoạch một lần với trọng lượng 250 - 300kg. Giá thu mua 15.000 - 20.000 đồng/kg, có thời điểm đạt 20.000 - 25.000 đồng/kg. Bình quân gia đình chị Gấm có thu nhập trên 15 triệu đồng/tháng, tương đương gần 200 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Thành Công, Trưởng Ấp 15, xã Nguyễn Phích cho biết, từ khi thực hiện mô hình cải tạo vườn tạp đưa vào trồng tre Mạnh Tông lấy măng bán đến giờ, kinh tế gia đình chị Gấm dần ổn định và từng bước vươn lên khá - giàu. Mong rằng, trong thời gian tới, mô hình cải tạo vườn tạp trồng tre Mạnh Tông của chị Gấm được nhân rộng để nhiều người học tập, từ đó phát triển kinh tế gia đình theo hướng bền vững.

Tận dụng đất vườn trồng màu 

Qua tuyên truyền, vận động thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày  8/9/2022 của Thành ủy Cà Mau về cải tạo vườn tạp trồng rau màu, cây ăn trái, hoa cây kiểng gắn với phát triển chăn nuôi trên địa bàn thành phố Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến  năm 2030, trên địa bàn thành phố xuất hiện nhiều cán bộ, nông dân tích cực tham gia. Điển hình là anh Phùng Hồng Lạc ở ấp Bùng Binh 2, xã Hòa Tân. Anh Lạc đã tận dụng 1.000m2 đất vườn để trồng bắp (ngô), dưa leo, mỗi năm  trồng 02 vụ, thu nhập trên 10 triệu đồng/vụ.

Mô hình trồng màu của anh Lạc.

Anh Lạc cho biết: Cây bắp và dưa leo dễ trồng, thời gian thu hoạch ngắn, không đòi hỏi vốn đầu tư nhiều nhưng phải tốn nhiều công chăm sóc. Các phụ phẩm từ cây bắp như thân bắp, trái bắp non cũng mang lại nhiều lợi ích kinh tế, bán trái bắp non với giá bình quân 50.000 đ/kg cũng mang về một nguồn thu đáng kể, thân cây bắp sau khi thu hoạch cũng được anh phơi khô rồi sau đó bó lại nhận chìm xuống vuông nuôi tôm để tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm.

Từ nông dân tiêu biểu luôn đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn ấp, anh Phùng Hồng Lạc được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội nông dân ấp Bùng Binh 2, nhiệm kỳ 2022 - 2027 và gia đình anh được công nhận hộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp thành phố 05 năm liên tục, với mức thu nhập từ vuông tôm, trồng màu và các khoản thu khác trên 300 triệu đồng/năm.

Trồng dừa lùn trên đất phèn

Mô hình trồng dừa của ông Lê Quang Dễ ở xã Lợi An (huyện Trần Văn Thời) đang chứng tỏ thành công việc thử nghiệm trồng giống dừa trên đất phèn. Từ mong muốn cải tạo vườn tạp để tăng thêm nguồn thu nhập, đến nay, mỗi năm gia đình ông có thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm từ trồng dừa.

Ông Dễ tiên phong trồng dừa và có thu nhập khá cao trên vùng đất nuôi tôm nhiễm mặn.

Vùng đất chuyên nuôi tôm này không phải không trồng được dừa, nhưng do đất nhiễm mặn, năng suất không cao. Cách đây 5 năm, ông Dễ mong muốn tìm 1 mô hình để phát triển kinh tế gia đình. Ông tìm hiểu và biết đến giống dừa ta lùn Bến Tre dễ trồng, ít tốn công chăm sóc nên đã đến tỉnh bạn để tìm hiểu mô hình. Sau đó, về thuê cơ giới cải tạo vườn tạp quanh nhà và một phần vuông tôm của gia đình chuyển qua trồng dừa.

Ông Dễ tâm sự, khu vực này trước đây được chuyển dịch sang nuôi tôm nên đất nhiễm mặn nặng, tôi phải làm liếp cao, khắc phục bờ vùng để giữ nước ngọt. Giống dừa lùn ông Dễ mang về trồng chỉ khoảng 2,5 năm đã cho thu hoạch. Đặc biệt, giống dừa này phát triển rất tốt ở vùng đất nhiễm mặn phèn ở địa phương. Năm 2022 là năm thứ 2 thu hoạch, thu được hơn 200 triệu đồng. Còn hiện nay, mỗi tháng gia đình ông có nguồn thu trên dưới 20 triệu đồng từ bán dừa tươi.

Không dừng lại ở đó, ông Dễ còn gây giống dừa mang ra bờ vuông tôm của gia đình trồng để lấy cổ hũ bán, tăng thu nhập. Nhất là khi chính quyền địa phương phát động bà con cải tạo vườn tạp, bờ vuông trồng cây ăn trái.

Theo ông Dễ, trồng dừa trên bờ vuông năng suất trái không cao nhưng tôi trồng dừa ở đó để bán cổ hũ. Mỗi cổ hũ dừa có giá 120.000 - 250.000 đồng. Mỗi năm gia đình đều trồng xen thêm dừa, ban đầu trồng 2 mét 1 cây, nhưng sau đó xen thêm cây dừa giống ở giữa. Đến khi dừa cho lấy cổ hũ, dừa giống cũng đã phát triển nên có cổ hũ thu thường xuyên.

Ông Nguyễn Minh Dững, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Lợi An, cho biết, ngày trước, khi chưa chuyển đổi nuôi tôm, dừa là một trong những cây trồng phổ biến ở địa phương. Đến nay, một phần do đất nhiễm mặn, một phần các giống dừa truyền thống bị thoái hóa cho năng suất kém nên ít người trồng. Tuy nhiên, mô hình trồng dừa của chú Dễ đã chứng minh được hiệu quả. Qua đánh giá, đây là mô hình phù hợp và dễ nhân rộng ở địa phương.

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Cà Mau: 1.860ha tôm-rừng đạt chứng nhận ASC Group

    Cà Mau: 1.860ha tôm-rừng đạt chứng nhận ASC Group

    Tổ chức chứng nhận Bureau Veritas trao chứng nhận ASC Group mô hình tôm - rừng ở xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Đây là chứng nhận ASC Group mô hình tôm - rừng đầu tiên lớn nhất ở Việt Nam và thế giới.

  • “Quả ngọt” từ cây riềng đỏ trên đất bazan

    “Quả ngọt” từ cây riềng đỏ trên đất bazan

    Trải rộng cả một vùng đất đỏ bazan gần 100 ha là màu xanh của riềng đỏ, loại cây dễ trồng, dễ tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tiêu chí tổ chức sản xuất và thu nhập của xã nông thôn mới Công Liêm (Nông Cống - Thanh Hóa).

  • Kỳ Sơn phát triển trồng dược liệu quý: Cơ hội và thách thức

    Kỳ Sơn phát triển trồng dược liệu quý: Cơ hội và thách thức

    Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.

  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top