Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 7 tháng 5 năm 2023 | 11:21

Cần gây dựng “đại bàng” nội

Để có đàn “đại bàng nội” mạnh mẽ, các chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm thuận lợi vì việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động tiêu cực tới thu hút FDI kiểu ưu đãi thuế, phí.

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài  được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng).

Báo cáo nêu: Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận quan trọng của kinh tế quốc dân, có vai trò lớn trong huy động nguồn vốn đầu tư, công nghệ, phương thức quản lý hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Trong nhiều năm qua, với quan điểm đó, chúng ta đã xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi để thu hút nguồn lực quan trọng này. Nhiều chính sách “trải thảm đỏ”, “lót tổ” để đón “đại bàng  ngoại” được xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện. Sau 35 năm thực hiện chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, tính lũy kế đến nay, chúng ta đã thu hút được gần 438,7 tỷ USD vốn FDI. Việt Nam trở thành một trong những quốc gia thu hút vốn FDI thành công nhất trong khu vực.

Việt Nam trở thành một trong những quốc gia thu hút vốn FDI thành công nhất trong khu vực. Ảnh minh họa.

Thực tế cho thấy, doanh nghiệp FDI có đóng góp quan trọng vào các yếu tố của tăng trưởng như bổ sung nguồn vốn đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu, chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm,... Kết quả cụ thể là, tiềm lực kinh tế, tốc độ tăng trưởng, kim ngạch xuất khẩu tăng đều liên tục nhiều năm qua. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 371,85 tỷ USD, trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 276,76 tỷ USD, chiếm 74,4%. Năm 2022, với tổng kim ngạch xuất - nhật khẩu 732 tỷ USD, Việt Nam đứng thứ 2 trong các nước ASEAN, TOP 30  nước, vùng lãnh thổ có trị giá xuất - nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu (xếp hạng của Tổ chức Thương mại thế giới - WTO).

Tuy nhiên, Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: Giữ vững độc lập, tự chủ trong việc xác định chủ trương, đường lối, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước.

Trong bài viết ngắn này chỉ đề cập đến quan điểm “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng”. Thực tế thấy quan điểm này được Đảng ta cụ thể hóa bằng nhiều nghị quyết phù hợp đối với từng thời kỳ. Đặc biệt, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết nêu mục tiêu: Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đến năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60 - 65%...

Triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, mới đây, ngày 31/3/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 45/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chương trình hành động của Chính phủ nêu mục tiêu: đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp; hình thành và phát triển nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Kế hoạch của Chính phủ đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ chủ yếu cụ thể và toàn diện.

Theo nhận xét của nhiều lãnh đạo tập đoàn kinh tế tư nhân và các chuyên gia kinh tế, thắng lợi trong cuộc kháng chiến trường chinh 30 năm của dân tộc ta (1946 -1975) nhằm bảo vệ nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ là tổng hòa của các sức mạnh, trong đó có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại nhưng điều tiên quyết là chiến thắng về quân sự trên chiến trường. Có được điều đó là bởi chúng ta có những binh đoàn chủ lực mạnh - “quả đấm thép”. Đó chính là sức mạnh nội lực của dân tộc. Trong giai đoạn hiện nay cũng vậy, để có nền kinh tế độc lập, tự chủ, tạo sự phát triển bền vững, thực hiện khát vọng thịnh vượng, hùng cường, cùng với việc “dọn ổ” đón “đại bàng ngoại” - tận dụng sức mạnh của thời đại, chúng ta phải gây dựng, nuôi dưỡng để tạo nên những tập đoàn kinh tế của Việt Nam - những “đại bàng nội” - sức mạnh dân tộc. Theo đó, cùng với xây dựng những tập đoàn kinh tế nhà nước, rất cần quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để có những tập đoàn kinh tế tư nhân có tiềm lực, có khả năng cạnh tranh cao trên thương trường. Đó chính là gốc của nền kinh tế độc lập, tự chủ. Phát triển kinh tế tư nhân - tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân đúng định hướng của Đảng là giải pháp gỡ khó trong giai đoạn hiện nay. Nói vậy vì đây là khu vực kinh tế năng động nhất (trong quý I/2023, khi các khu vực kinh tế khác đang gặp khó thì kinh tế tư nhân vẫn tăng trưởng).

Chăm sóc thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Dương Xuân (Châu Thành, Long An). Ảnh: HOÀNG THUẤN. 

Để có đàn “đại bàng nội” mạnh mẽ, các chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm thuận lợi vì việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động tiêu cực tới thu hút FDI kiểu ưu đãi thuế, phí. Theo đó, căn cứ vào chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước (Chính phủ và Quốc hội) cần sớm hoàn thiện thể chế và cơ chế bảo đảm quyền tự do kinh doanh, bảo hộ quyền sở hữu tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, an toàn. Thứ hai, rà soát, xoá bỏ các cơ chế, chính sách tạo ra bất bình đẳng giữa kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác. Thứ ba, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận đất đai, nguồn vốn, các nguồn tài nguyên một cách minh bạch, bình đẳng theo cơ chế thị trường phục vụ sản xuất kinh doanh và tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Thứ tư, có chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Thứ năm, hoàn thiện pháp luật và thực hiện có hiệu quả các biện pháp, quy định bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu. Thứ sáu, khuyến khích khởi nghiệp, kinh doanh và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội, nhất là cộng đồng doanh nghiệp. Thứ bảy, tăng cường đối thoại, lắng nghe, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần củng cố lòng tin, thu hút nhà đầu tư an tâm tham gia thị trường.

 

 

Thanh Hiền
Ý kiến bạn đọc
Top