Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 1 tháng 9 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 10 tháng 12 năm 2023 | 14:5

Cần một chương trình tổng thể để nâng chất ngành tằm tơ

“Chuỗi giá trị dâu tằm tơ đang cần một chính sách khuyến khích tổng thể. Đó không chỉ là đa dạng chủng loại, mẫu mã, xúc tiến, quảng bá hình ảnh, hay nhân giống tằm, phát triển diện tích trồng dâu.

Phải có một chương trình tổng thể mới có thể gỡ rối được cho tơ tằm”, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và PTNT), nhấn mạnh.

Khó khăn nhìn từ Lâm Đồng

Đầu năm 2020, ngành dâu tằm Việt Nam nói chung và ở Lâm Đồng nói riêng gặp khó do thị trường tiêu thụ tơ lụa chủ yếu là Ấn Độ thời điểm đó là  một trong 3 quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 nhiều nhất thế giới; gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và việc làm của hàng ngàn lao động liên quan sản xuất tơ lụa.

Cuối năm 2021 và đầu năm 2022, dịch bệnh được kiểm soát trên hầu hết các quốc gia và Ấn Độ cũng không ngoại lệ, mang tới sự phục hồi mạnh mẽ cho ngành dâu tằm tại Lâm Đồng, nhu cầu tơ tằm tăng mạnh trở lại, giá kén cũng được cải thiện đáng kể, các vùng nguyên liệu được mở rộng với quy mô lớn hơn trước.

Nhiều hội viên phụ nữ tại huyện Đam Rông (Lâm Đồng) đưa mô hình trồng dâu nuôi tằm vào sản xuất để phát triển kinh tế. Ảnh: Đặng Tuấn.

Ông Trần Văn Tuận, đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, đến hết năm 2022, diện tích trồng dâu tại Lâm Đồng đạt 9.882ha (trong đó diện tích trồng dâu ứng dụng công nghệ cao trên 2.000ha), với trên 15.000 hộ trồng dâu nuôi tằm, tập trung tại Lâm Hà (3.510 ha), Đạ Tẻh (1.573 ha), Đức Trọng (1.754 ha), TP. Bảo Lộc (749 ha), Di Linh (710 ha), Đam Rông (630 ha), Bảo Lâm (596 ha),... Diện tích cây dâu tằm tăng bình quân 7,6%/năm. Sản lượng lá dâu đạt 250.398 tấn/năm, sản lượng kén tằm đạt 14.867 tấn/năm; sản lượng sợi tơ các loại đạt 2.117 tấn.

Lâm Đồng hiện có 200 cơ sở nuôi tằm con tập trung (công suất sản xuất bình quân 100 hộp trứng/cơ sở/tháng vào mùa nắng và 200 hộp trứng/cơ sở/tháng vào mùa mưa). Tuy nhiên, do chưa chủ động được nguồn trứng giống tằm và phụ thuộc phần lớn nguồn giống nhập từ nước ngoài dẫn đến ngành chăn nuôi tằm phát triển còn thiếu bền vững.

“Đến hết năm 2023, Lâm Đồng sẽ hoàn thành Đề án phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2019-2023. Các chỉ tiêu trong đề án cơ bản hoàn thành. Sau khi tổng kết kết quả thực hiện đề án, để hình thành vùng nguyên liệu dâu tằm ổn định, gắn nghề trồng dâu nuôi tằm với ươm tơ dệt lụa và bảo vệ môi trường; nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cho sản phẩm dâu tằm tơ..., Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục xây dựng đề án, định hướng phát triển đến năm 2030 tầm nhìn 2040. Trong đó chú trọng vào phát triển lai tạo nguồn giống dâu, giống trứng tằm chất lượng cao, đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu sản xuất trên địa bàn tỉnh, thay thế cho nguồn giống nhập khẩu”, ông Tuận cho biết.

Cần chính sách phát triển riêng cho ngành Dâu tằm tơ

Theo đại diện Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT, trồng dâu, nuôi tằm hiện được phát triển ở 36 tỉnh, thành phố, tập trung ở tỉnh Lâm Đồng. Cùng với hai tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, 3 tỉnh Tây Nguyên chiếm gần 75% tổng diện tích trồng dâu trên cả nước. Thời gian qua, một số tỉnh như Lâm Đồng, Đắk Lắk, Quảng Nam, Yên Bái, Lào Cai đã quan tâm phát triển trồng dâu nuôi tằm.

Đến năm 2022, cả nước có gần 40.000 hộ nông dân làm nghề trồng dâu nuôi tằm, diện tích dâu tằm đạt 13.210 ha, sản lượng kén 16.824 tấn/năm, sản lượng tơ khoảng 2.000 tấn/năm. Việt Nam đang đứng thứ 3 thế giới về sản lượng tơ, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ, giá trị xuất khẩu   đạt 70 triệu USD/năm.

Vườn dâu tằm chuyên canh giống mới, năng suất cao ở Lâm Đồng.

Nhận xét về ngành dâu tằm tơ, ông Nguyễn Doãn Hùng, Trưởng phòng Khuyến nông Trồng trọt và Lâm nghiệp (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia), cho rằng, ngành dâu tằm tơ Việt Nam đang gặp nhiều trở ngại cả về sản xuất và thị trường. Trong đó, nghề trồng dâu nuôi tằm được thực hiện chủ yếu tự phát, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa có một quy hoạch tổng thể và chương trình phát triển dài hạn để hình thành các vùng nguyên liệu gắn với tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Nhiều khâu trong sản xuất vẫn dựa vào thủ công, cơ giới hóa còn nhiều hạn chế. Trình độ áp dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, canh tác, phòng trừ dịch bệnh... còn thấp. Việc nuôi tằm vẫn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, biến đổi khí hậu, sâu bệnh hại… khiến sản lượng kén thực tế thấp hơn nhiều so với năng suất tiềm năng. Chưa chủ động được nguồn trứng giống tằm và phụ thuộc phần lớn nguồn giống nhập khẩu. Các giống tằm trong nước đã cải thiện chất lượng tơ nhưng chỉ chiếm được một thị phần nhỏ. Bên cạnh đó, mối liên kết giữa người sản xuất và người mua kén không chặt chẽ, thiếu tính bền vững; ngành dâu tằm tơ Việt Nam chủ yếu sản xuất kén, chế biến tơ thô xuất khẩu nguyên liệu.

TS. Lê Hồng Vân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương, cho biết, thời gian qua, ngành dâu tằm tơ phát triển nhanh, diện tích dâu tăng gần gấp đôi nhưng nguồn cung giống dâu vẫn đáp ứng đủ nhu cầu. Các giống dâu mới chọn tạo trong nước đã tỏ rõ tính ưu việt, góp phần hạn chế tình trạng sử dụng các giống không rõ nguồn gốc. Hiện Trung tâm đã nghiên cứu thành công giống GQ2 được trồng phổ biến tại miền Bắc và miền Trung, năng suất trung bình đạt trên 35 tấn lá/ha.

Về giống tằm, theo TS Lê Hồng Vân, các cơ sở sản xuất trong nước mới đáp ứng được đủ nhu cầu giống đa hệ kén vàng và giống tằm sắn. Hơn 90% nhu cầu giống tằm lưỡng hệ (giống có chất lượng tơ tốt hơn nhưng khó nuôi) vẫn đang nhập từ Trung Quốc. Vì vậy, xây dựng hệ thống nhân giống tằm là nhiệm vụ trọng tâm trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật từ nay đến năm 2030. Hệ thống sản xuất trứng giống nội địa thay thế cho nhập khẩu cần được xây dựng đồng bộ với hệ thống phân phối tới người nuôi, là cơ sở để huy động sự tham gia của các doanh nghiệp trong những giai đoạn tiếp theo.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT cho biết, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang triển khai Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025. Ngành dâu tằm tơ, với bề dày truyền thống, lịch sử và dư địa xuất khẩu, cũng thuộc nhóm được nghiên cứu.

Ông Thịnh cũng cam kết sẽ tham mưu, xin ý kiến lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tạo ra giống tằm nguyên chủng trước khi giao các trung tâm nghiên cứu lai tạo giống phù hợp, tiến tới chủ động về nguồn giống. Ngoài ra, sẽ quy hoạch vùng trồng dâu riêng biệt, không xen canh với các loại cây trồng khác; đồng thời quy hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về dâu tằm tơ.

Để thực hiện được mục tiêu đến năm 2025 đưa giá trị xuất khẩu ngành dâu tằm tơ đạt 150 triệu USD/năm đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ và toàn diện từ khoa học công nghệ (cơ cấu giống, chất lượng giống, đặc biệt là giống tằm lưỡng hệ kén trắng, các biện pháp kỹ thuật thâm canh dâu, kỹ thuật nuôi tằm tiên tiến, ươm tơ tự động...) đến giải pháp tổ chức sản xuất (tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị dưới sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân và tổ hợp tác/hợp tác xã, với doanh nghiệp để đảm bảo tính bền vững, gia tăng giá trị, hiệu quả trong sản xuất). Tiếp đến là  giải pháp về thị trường, về chính sách, về xây dựng cơ sở và vật chất kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững ngành sản xuất dâu tằm tơ.

 

Chanh
Ý kiến bạn đọc
  • Cà Mau tăng cường quản lý kiểm dịch, kiểm tra chất lượng tôm giống

    Cà Mau tăng cường quản lý kiểm dịch, kiểm tra chất lượng tôm giống

    Những năm qua, ngành Nông nghiệp và và Phát triển nông thôn Cà Mau cùng các địa phương trong tỉnh đã khuyến khích, hỗ trợ người dân thực hiện nhiều mô hình nuôi tôm đạt năng suất, sản lượng, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

  • Đảm bảo ngành Trồng trọt vùng ĐBSCL phát triển bền vững

    Đảm bảo ngành Trồng trọt vùng ĐBSCL phát triển bền vững

    Mặc dù là vựa lúa, vùng trồng trái cây lớn của cả nước, nhưng vùng ĐBSCL cũng đang tồn tại, đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, sử dụng vật tư đầu vào chưa hợp lý gây lãng phí nguồn lực và gây ô nhiễm môi trường… Trước thực trạng trên, nhiều giải pháp đã được đưa ra để khắc phục trong thời gian tới.

  • Trà Vinh: Nuôi tôm thâm canh cho lợi nhuận cao gấp từ 7-10 lần

    Trà Vinh: Nuôi tôm thâm canh cho lợi nhuận cao gấp từ 7-10 lần

    Nhờ kỹ thuật bố trí ao nuôi có lót bạt đáy và thành ao, có nhà lưới bao che, lắp đặt hệ thống phao, ôxy đáy, có máy cho thức ăn tự động nên hạn chế thấp nhất mầm bệnh từ trong đất gây nhiễm cho tôm.

Top