Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 30 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 19 tháng 10 năm 2023 | 16:15

Canh tác lúa thân thiện với môi trường gắn liền với phát triển nông nghiệp bền vững

Việc áp dụng đồng bộ các kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường giúp giảm đến 38,4% phát thải khí nhà kính so với canh tác truyền thống. Và từ hiệu quả bước đầu, nông dân cả nước đang từng bước nhân rộng mô hình canh tác này trên các đồng lúa Việt Nam.

Từng bước nhân rộng mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường

Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam” được triển khai từ năm 2020, Dự án với sự tài trợ của Tổ chức EarthCare Foundation (trước đây là Quỹ BRACE) có mục tiêu tổng thể là “Giúp nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu bằng cách hỗ trợ nông dân và tổ chức của họ tại vùng nông thôn Việt Nam, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp hiện đại và bền vững”. Trong đó, Dự án đề ra 3 mục tiêu cụ thể: Hỗ trợ kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường cho nông dân trồng lúa; nâng cao nhận thức của nông dân, người tiêu dùng và các bên liên quan về lợi ích của phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường; giúp đỡ nông dân quảng bá về sản phẩm canh tác lúa thân thiện với môi trường. Dự án được triển khai tại 24 tỉnh, thành phố thông qua hệ thống Hội các cấp với sự tham gia, phối hợp chặt chẽ, chủ động của Ban Quản lý Dự án thuộc Hội Nông dân 24 tỉnh.

Các đại biểu tham quan mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Thanh Chương - Nghệ An

Đồng chí Lương Quốc Đoàn, Uỷ viên TW Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh, là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp nông dân, là trung tâm nòng cốt của các phong trào nông dân và xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân Việt Nam đã ban hành nhiều nội dung, xây dựng cụ thể hoá nhiều chương trình, thể hiện rõ vai trò cùng cả hệ thống chính trị tham gia, chủ động ứng phó và thích ứng với các kịch bản biến đổi khí hậu. Một trong những hoạt động đó, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã giao Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế triển khai thực hiện dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam” với sự tài trợ của tổ chức EarthCare Foundation nhằm phát triển một nền nông nghiệp xanh, bền vững, góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo đồng chí Lương Quốc Đoàn, tình trạng biến đổi khí hậu và việc sản xuất nông nghiệp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là việc giảm khí thải nhà kính trong sản xuất nông nghiệp đã và đang là vấn đề cấp bách, cần phải có những giải pháp mang tính đồng bộ, quyết liệt và những cách làm phù hợp với tình hình hiện nay. Do đó, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, Dự án đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong việc nâng cao nhận thức và năng lực cho hàng triệu lượt cán bộ, hội viên nông dân, chính quyền địa phương và cộng đồng về canh tác lúa thân thiện với môi trường; hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân trồng lúa ở 24 tỉnh trên cả nước nhằm chuyển đổi từ canh tác lúa truyền thống sang canh tác lúa thân thiện với môi trường.

“Có thể nói, ngoài việc góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính, dự án còn mang ý nghĩa rất lớn, nâng cao thu nhập cho người nông dân, làm gia tăng giá trị trên mỗi đơn vị diện tích đất nông nghiệp, bảo vệ sức khỏe cho chính những người nông dân và cộng đồng, góp phần tái tạo nguồn tài nguyên đất, bảo vệ môi trường, từng bước xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” - đồng chí Lương Quốc Đoàn nói.

Báo cáo kết quả dự án, ông Mai Bắc Mỹ, Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Giám đốc Ban Quản lý Dự án thông tin, sau hơn 3 năm triển khai, đến nay, đã có hơn 633.000 hộ nông dân với hơn 2.532.000 nông dân tại 24 tỉnh tham gia Dự án đang áp dụng ít nhất 1 kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường trên diện tích hơn 314.000 ha. Số lượng nông dân áp dụng cả 3 kỹ thuật tăng gấp 4 lần trên diện tích tăng gấp 6 lần so với trước khi thực hiện Dự án. Một số tỉnh có diện tích nhân rộng lớn gồm: An Giang, Bắc Giang, Ninh Bình, Ninh Thuận, Kiên Giang. Ở một số địa phương, những hiệu ứng tích cực từ việc triển khai hiệu quả Dự án đã thu hút sự quan tâm, ủng hộ của chính quyền địa phương thể hiện ở việc bố trí ngân sách tỉnh để hỗ trợ, mở rộng dự án. Điển hình như, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã vận động thành công hơn 1,6 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh để xây dựng nhân rộng 50 mô hình trên diện tích hơn 200 ha với hơn 1.200 hộ tham gia.

Từ thành công ban đầu của Dự án, tại Hội thảo tổng kết, các chuyên gia, đại biểu cho rằng, cần tiếp tục kế thừa và nhân rộng kết quả của Dự án nhằm phát triển canh tác lúa thân thiện với môi trường nói riêng và phát triển nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường nói chung. Bên cạnh đó, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường nói riêng và sản xuất nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường nói chung. Đồng thời, đề nghị doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết với nông dân, bao tiêu sản phẩm xanh, thân thiện môi trường; các Bộ, ngành xây dựng, ban hành tiêu chuẩn sản phẩm nông nghiệp thân thiện môi trường để giúp chứng nhận sản phẩm thân thiện với môi trường, tăng giá trị cho sản phẩm.

Gia Lai: Nhiều trang trại chăn nuôi vi phạm về bảo vệ môi trường

Ông Thái Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai thông tin Ủy ban Nhân dân huyện đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính 32,5 triệu đồng đối với hộ kinh doanh Trần Thị Ái Liên (làng O Gia, xã Ia Pếch) do vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Dù không có giấy phép môi trường theo quy định, hộ kinh doanh này đã chăn nuôi 600 con lợn thịt. Đây là một trong hàng chục trường hợp trang trại chăn nuôi lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị phạt do vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Thực tế cho thấy hàng loạt dự án chưa đảm bảo quy định về môi trường khiến đời sống của dân cư xung quanh bị ảnh hưởng nặng nề.

Tình trạng này đã được phát hiện trong thời gian dài nhưng chưa được xử lý triệt để. Hơn một năm nay, công trình giọt nước của làng O Gia, xã Ia Pếch phải bỏ hoang, cỏ dại phủ đầy bởi nước giọt bị ảnh hưởng từ các dự án chăn nuôi lợn. Ông Anh Siu Xuân (làng O Gia) bức xúc cho biết từ trước đến nay, dân làng dùng nước giọt để uống và giặt giũ quần áo. Từ ngày ba trang trại lợn phía trên xả nước, xả phân xuống, bốc mùi hôi thối, dân làng phải bỏ nguồn nước.

Được biết, ba cơ sở chăn nuôi mà người dân nhắc đến là của ông Ngô Văn Tuấn, Nguyễn Hữu Hạnh và bà Trần Thị Ái Liên đứng tên đăng ký kinh doanh với quy mô, số lượng 2.000 con lợn. Cả ba hộ này đang lập hồ sơ xin cấp phép môi trường nhưng chưa được địa phương chấp nhận. Chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định, ba hộ này vẫn ngang nhiên hoạt động.

Dự án chăn nuôi ở xã Ia Piơr, huyện Chư Prông gây ô nhiễm môi trường sống của dân cư xung quanh.

Trước đó, cuối năm 2022, các cơ sở này đã bị địa phương xử phạt hành chính và yêu cầu ngưng hoạt động do việc gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đến nay, các cơ sở này không những không khắc phục mà vẫn ngang nhiên hoạt động và xả thải, gây bức xúc cho người dân. Anh Siu Kiu, Phó thôn của làng O Gia cho hay trang trại lợn xả nước đen sì, mùi hôi nồng nặc. Nước sinh hoạt, nước uống từ nguồn nước giọt bị ô nhiễm.

 Giờ đây, người dân muốn có nước thì phải sang làng khác ở xa để xin. Cùng chung tình trạng ô nhiễm môi trường do các trang trại chăn nuôi, huyện Chư Prông hiện có 61 dự án chăn nuôi lợn xin chủ trương đầu tư và đã đi vào hoạt động, chiếm 29% số dự án chăn nuôi tại tỉnh Gia Lai. Riêng xã Ia Piơr có 19 dự án, xã Ia Lâu có 16 dự án. Đây cũng là nơi người dân bức xúc trong thời gian dài vì chịu cảnh hôi thối suốt ngày đêm. Các quyết định xử phạt vi phạm hành chính vẫn được chính quyền ban hành nhưng đóng phạt xong, các trang trại vẫn ngang nhiên hoạt động.

Ông Lưu Trung Nghĩa- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai phân tích: “Hiện nay chế tài xử phạt, cấp huyện xử phạt dự án quy mô dự án vừa và nhỏ thì chỉ xử phạt 10 đến 15 triệu; trang trại lớn, xử phạt 15 đến 20 triệu. Rất là thấp so với vốn đầu tư hàng chục tỷ của doanh nghiệp. Việc nữa là hiện nay chưa có quy định về thẩm định công nghệ đối với các dự án chăn nuôi".

Theo thống kê của ngành tài nguyên môi trường Gia Lai, hiện nay tại tỉnh có tổng số 209 dự án chăn nuôi được cấp chủ trương và đang xin cấp chủ trương. Nhưng chỉ một phần nhỏ thực hiện nghiêm túc việc xin cấp phép về môi trường. Từ đầu năm tới nay, qua kiểm tra của ngành chức năng, UBND tỉnh Gia Lai đã xử phạt 7 doanh nghiệp vì không có giấy phép môi trường, nhưng vẫn hoạt động.

Tuy vậy, theo Phạm Minh Trung- Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Gia Lai, giải pháp trong thời gian tới, để đảm bảo môi trường tại các dự án chăn nuôi, thì cần có sự phối hợp xử lý giữa các ngành của tỉnh.

“Vừa rồi chúng tôi chỉ mới xử lý lĩnh vực tài nguyên môi trường. Nhưng một dự án đi vào hoạt động thì liên quan tới chủ trương đầu tư của Sở Kế hoạch Đầu tư, liên quan tới điều kiện chăn nuôi thú y của Sở NNPTNT, liên quan tới địa phương, dấu hiệu vi phạm liên quan tới công an. Điều này cần có sự vào cuộc tổng thể của các sở ngành để kiểm tra tổng thể và triệt để., tránh để doanh nghiệp bị kiểm tra,  xử phạt rồi lại tiếp tục hoạt động", ông Trung cho biết.

Bắc Giang: Bảo đảm chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Theo quyết định của UBND tỉnh Bắc Giang ban hành tháng 6/2023, tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM gồm các nội dung: Cảnh quan, không gian xanh - sạch - đẹp, an toàn; không để tồn đọng nước thải sinh hoạt tại các khu dân cư tập trung; tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và bảo đảm 3 sạch; tỷ lệ hộ gia đình trên địa bàn thôn ký cam kết không gây ô nhiễm môi trường, không vứt bừa bãi rác thải, động vật chết ra đường; tỷ lệ cơ sở chăn nuôi bảo đảm các quy định về vệ sinh thú y, chăn nuôi và bảo vệ môi trường; mai táng, hỏa táng phù hợp với quy định và theo quy hoạch.

Mặc dù là tiêu chí khó song do đây là vấn đề tác động trực tiếp đến chất lượng đời sống người dân nên hầu hết các địa phương rất coi trọng. Một số xã có cách làm sáng tạo như thực hiện mô hình: “Ngôi nhà xanh di động”, “Tuyến đường NTM kiểu mẫu” ở xã Việt Lập (Tân Yên); luân phiên VSMT trên các trục chính ở xã Tự Lạn (Việt Yên); vẽ tranh bích họa, đặt chậu hoa, cây cảnh hai bên hè đường ở xã Cảnh Thụy (Yên Dũng); cấp phát hàng trăm thùng đựng rác ở xã Mỹ An (Lục Ngạn)…

Đoạn đường thôn Cây Táo Tân Thành, xã Tân Hưng (Lạng Giang) được trồng nhiều hoa, cây cảnh.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, đến nay, toàn tỉnh tiếp tục duy trì hơn 170 công ty, hợp tác xã, tổ vệ sinh môi trường chuyên trách thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; bố trí hơn 2 nghìn điểm tập kết, trung chuyển, vận hành 77 lò đốt công nghệ và 28 lò đốt rác theo Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh. Tỷ lệ rác thải được thu gom xử lý đạt 93,5%. 

Ngoài ra, có hơn 7 nghìn bể chứa thu gom vỏ bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại vườn đồi, cánh đồng. Dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,87%, được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 56%. Có 229 cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm và vệ sinh thú y; hơn 90% hộ gia đình ký cam kết vệ sinh môi trường, thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, đổ rác đúng nơi quy định...

Dù đạt những kết quả tích cực song theo ông Hà Minh Quý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, môi trường khu vực nông thôn vẫn đối diện với nhiều thách thức, nguy cơ ô nhiễm do sự phát triển nhanh của các cụm công nghiệp, làng nghề, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khi hạ tầng chưa đáp ứng kịp. Còn tình trạng xả chất thải hữu cơ trong chăn nuôi ra môi trường. 

Việc thu gom, xử lý rác thải đang là áp lực lớn, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo quyết liệt, đầu tư cho hạ tầng. Ngoài ra, việc thực hiện tiêu chí về phân loại rác thải tại nguồn gặp khó khăn do thói quen sinh hoạt của người dân. Có nơi tỷ lệ thu phí dịch vụ VSMT chưa đủ bù đắp chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác…

Để nâng cao hơn nữa chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, các địa phương cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân. Hướng dẫn các hộ phân loại rác tại nguồn, đổ rác thải đúng giờ, đúng nơi quy định. Tiếp tục phát động phong trào trồng cây xanh, hoa dọc các tuyến đường, khu dân cư. Đồng thời hướng dẫn công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất xây dựng bãi rác, lò xử lý rác và hỗ trợ kinh phí, phương tiện, bảo hộ cho các tổ VSMT. Tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy, khu xử lý rác thải tập trung trên địa bàn các huyện, thành phố .

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Địa chỉ đỏ Hà Tĩnh thu hút du khách trong kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5

    Địa chỉ đỏ Hà Tĩnh thu hút du khách trong kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5

    Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, người lao động được nghỉ 5 ngày. Với thời gian nghỉ lễ khá dài, nhiều người dân Hà Tĩnh đã lựa chọn hành hương về địa chỉ đỏ, các khu di tích văn hoá, tâm linh trên địa bàn Hà Tĩnh để tri ân các anh hùng liệt sỹ, những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc.

  • Nhiều hoạt động du lịch trải nghiệm thú vị tại TP Hà Tĩnh trong dịp nghỉ lễ

    Nhiều hoạt động du lịch trải nghiệm thú vị tại TP Hà Tĩnh trong dịp nghỉ lễ

    Vài năm trở đây, xu hướng du lịch tìm về với thiên nhiên, du lịch sinh thái đang thu hút giới trẻ và người dân Hà Tĩnh. Kỳ nghỉ lễ dài 30/4, 1/5 năm nay nhiều hoạt động phiên chợ nông thôn, du lịch sinh thái, ẩm thực ven đô... mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị.

  • Ẩm thực bốn phương hội tụ tại Huế

    Ẩm thực bốn phương hội tụ tại Huế

    Tối 27/04, tại Công viên Thương Bạc (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế), diễn ra khai mạc Tuần lễ ẩm thực truyền thống Huế 2024 với chủ đề “Ẩm thực Huế với bốn phương”.

Top