Dưa hấu phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng vùng ven biển nên năng suất đạt hơn 30 tấn/ha và thời gian thu hoạch ngắn, chất lượng tốt đang giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo.
Do thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết nên cây dưa hấu phát triển rất tốt, năng suất, chất lượng cao khi trồng ở vùng đất ven biển của tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Nhờ mô hình trồng dưa hấu mà nhiều hộ dân vùng đất mặn này thoát nghèo, vươn lên khá giả.
Trước đây, vùng đất ven biển của huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang chỉ trồng các loại cây sả, cây thuốc cá hay 1 vụ lúa nhưng đầu ra bấp bênh, hiệu quả thấp. Gần đây, nông dân chuyển sang trồng hoa màu mà chủ lực là cây dưa hấu cho năng suất rất cao, chất lượng tốt. Mô hình này càng được nhà nông nhân rộng để mưu sinh.
Cũng như nhiều nông dân khác, gia đình bà Lê Thanh Vân ở ấp Pháo Đài, xã Phú Tân, huyện cù lao Tân Phú Đông đã khá lên nhờ trồng cây dưa hấu. Bà Vân cho biết, năm ngoái, gia đình này trồng 1ha dưa hấu, thu hoạch được khoảng 50 tấn, giá mỗi kg trung bình khoảng 7.000 đồng nên gia đình thu lãi được hơn 300 triệu đồng. Năm nay, ruộng dưa hấu của bà Vân rất tốt tươi, chuẩn bị cho thu hoạch với niềm vui trúng mùa, trúng giá.
Ruộng dưa hấu 10 ngày tuổi tại xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
“Sau khi chuyển qua trồng dưa hấu, cuộc sống gia đình đầy đủ, ổn định hơn. Dưa leo và mấy loại khác hiệu quả không bằng dưa hấu. Đặc biệt, dưa hấu giống Sen Hồng SH65 đạt chất lượng, trời mưa không sợ thiệt hại, khi cây lên 3 lá là có 1 nụ, khi đậu trái rất đẹp, cuống to, mỗi dây có 6-7 trái”, bà Vân cho biết.
Theo ông Trần Công Danh, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Tân, cây dưa hấu chống chịu với khô hạn rất cao. Dù là vùng đất ven biển mùa khô nước ngọt khan hiếm nhưng nông dân đào giếng tận dụng nguồn nước mạch để trồng thêm từ 1-2 vụ dưa hấu. Chỉ riêng ấp ven biển Pháo Đài, xã Phú Tân, nông dân duy trì trồng hơn 15 ha dưa hấu chuyên canh từ 3-4 vụ trong năm giúp nông dân vùng đất mặn thoát nghèo, có thu nhập khá.
“Người dân trên ấp Pháo Đài trồng dưa hấu ít nhất 3 vụ/năm. Đất giồng cát rất thích hợp nên dưa hấu ở đây chất lượng hơn các vùng khác. Trồng dưa hấu là cây ngắn ngày, vốn đầu tư ban đầu không nhiều lại cho thu nhập ổn định quanh năm, nên điều kiện thoát nghèo của người dân cũng khá hơn các ấp khác, hiện cả ấp chỉ còn 9 hộ nghèo”, ông Trần Công Danh thông tin.
Tại các khu vực ven biển khác của huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang như Tân Thành, Tân Điền, Phước Trung, Kiểng Phước... hàng trăm ha dưa hấu cũng đang rất tốt tươi, năng suất và chất lượng đạt cao được thị trường ưa chuộng. Ở các huyện ven biển của tỉnh Bến Tre như Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú từ lâu dưa hấu là loại cây màu chủ lực. Mỗi năm, người dân trồng được hàng nghìn ha dưa hấu chuyên canh để phục vụ thị trường các nơi. Người dân vùng ven biển cho rằng, dưa hấu dễ trồng, năng suất cao đến hơn 30 tấn/ha và thời gian thu hoạch ngắn. Đặc biệt dưa hấu trồng trên đất giồng cát có ưu điểm là ngọt, thơm hơn các nơi khác.
Ông Nguyễn Thanh Phong, nông dân tại ấp Thạnh Hải, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre đã 10 năm gắn bó với mô hình trồng 1ha cây dưa hấu trên đất giồng cát cho biết, trồng cây dưa hấu rất hiệu quả lại phù hợp với thời tiết nóng. “Mỗi năm mình trồng được 3 vụ; trong đó có 1 vụ thuận, 2 vụ nghịch. Mỗi ha trồng dưa cho thu hoạch 30 tấn, giá hơn 10.000 đồng/kg nên trừ chi phí gia đình có thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm. So với các cây trồng khác, dưa hấu dễ chăm sóc và ít vất vả hơn”, ông Phong cho biết.
Theo ông Khổng Minh Tặng, Chủ tịch UBND xã Bảo Thuận, dưa hấu là cây trồng chủ lực của vùng đất ven biển bởi tính thích nghi cao, thích ứng với khô hạn. Toàn xã có gần 80 ha hoa màu trong đó chủ lực vẫn là dưa hấu. Đa số người dân trồng vài nghìn mét vuông dưa hấu là thoát nghèo. “Nhìn chung người dân trồng dưa hấu cho năng suất rất cao. Đây chính là mô hình sản xuất hiệu quả, giúp cho người dân xứ biển xóa đói giảm nghèo”, ông Tặng nói.
Có thể khẳng định, cây dưa hấu là một trong những loại hoa màu đã thích nghi và cho hiệu quả kinh tế cao đối với vùng đất ven biển của tỉnh Tiền Giang, Bến Tre. Qua bàn tay lao động siêng năng, cần mẫn, cây dưa hấu đã giúp người dân vùng ven biển có nguồn thu nhập khá, ổn định và vươn lên trong cuộc sống.
Theo VOV.vn
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.