Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 26 tháng 3 năm 2023 | 13:10

Chủ động thích ứng

Con số thực tế nhiều năm qua của Bộ Công Thương về xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc thấy: Rau quả là mặt hàng Trung Quốc nhập khẩu lớn nhất, chiếm tới 45,38% lượng nông sản xuất khẩu của ta.

Trong đó, vải thiều chiếm  90% lượng xuất khẩu ra nước ngoài; thanh long chiếm hơn 80% lượng xuất khẩu ra nước ngoài; hơn 90% dưa hấu Trung Quốc nhập khẩu có xuất xứ từ Việt Nam…

Về thủy sản, Trung Quốc là thị trường lớn thứ ba của chúng ta; là thị trường nhập khẩu sắn và sản phẩm liên quan lớn nhất, chiếm 91,47%... Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông - lâm - thủy sản của ta sang Trung Quốc đạt trên 14 tỷ USD/53,2 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của ta. Việt Nam nằm trong TOP 10 quốc gia, vùng lãnh thổ xuất khẩu nông sản lớn nhất vào Trung Quốc, tập trung vào các ngành hàng rau quả, thủy sản, gạo.

Điều đó cho thấy, Trung Quốc là thị trường lớn, quan trọng và có nhiều thuận lợi đối với nông sản của chúng ta.

Nói vậy vì đây là thị trường có dân số rất lớn, hơn 1,4 tỷ người, chiếm gần 20% dân số thế giới; thuận tiện trong giao thương cả đường bộ, đường sắt, đường biển; thu nhập của người dân Trung Quốc ngày càng cao; mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu khoảng 260 tỉ USD hàng nông sản thực phẩm.

Những container sầu riêng đầu tiên đã lên đường sang Trung Quốc qua hình thức chính ngạch.

Tuy vậy, trên tinh thần nhìn thẳng, nói thật, thấy giá trị kim ngạch hàng nông sản Việt Nam bán sang Trung Quốc mới chiếm khoảng 5%. Số sản phẩm trái cây nhiệt đới và các loại nông sản khác của ta được vào chính ngạch Trung Quốc còn ít so với tiềm năng sản xuất. Hầu hết sản phẩm nông - lâm - thủy sản của ta chưa có thương hiệu tại Trung Quốc. Việc bán hàng chủ yếu thông qua kênh thương mại truyền thống, chưa tận dụng và phát huy được kênh thương mại điện tử. Đội ngũ nhân viên thông thạo thị trường, ngôn ngữ thiếu và yếu. Chưa tận dụng tốt tuyến vận tải đường sắt liên vận Việt Nam - Trung Quốc và vận tải biển. Việc trộn hàng không đạt chất lượng vào lô hàng xuất khẩu, cho “mượn” mã số vùng trồng còn tồn tại…

Theo các chuyên gia kinh tế, Trung Quốc là thị trường còn nhiều dư địa để chúng ta có thể mở rộng thị phần nông sản, tăng cả về số mặt hàng, khối lượng và giá trị kim ngạch. Hiện Trung Quốc cấp phép cho 11 loại trái cây (xoài, thanh long, chuối, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít, măng cụt, sầu riêng, chanh leo), thạch đen, khoai lang, tổ yến, sữa và sản phẩm từ sữa, 48 loài thủy sản sống và 802 cơ sở chế biến thủy sản được phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường nước này trong khi chúng ta còn rất nhiều sản phẩm có thể vào thị trường này bằng đường chính ngạch. Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó, cả nhà hoạch định chính sách, cả doanh nghiệp và người sản xuất phải thích ứng với những thay đổi của thị trường quan trọng này.

Thị trường Trung Quốc có những thay đổi gì? Thứ nhất, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính như những năm trước mà những yêu cầu về chất lượng hàng nông sản vào Trung Quốc đã tiệm cận những thị trường khắt khe nhất về an toàn thực phẩm, dư lượng chất bảo vệ thực vật, như Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu,… Thứ hai, Trung Quốc đang từng bước siết chặt, tiến tới dừng xuất khẩu tiểu ngạch. Thứ ba, để đảm bảo sự minh bạch của nông sản nhập khẩu, Trung Quốc tiến tới chỉ nhập những loại hàng hóa được cấp phép với yêu cầu có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Thứ tư, Trung Quốc không chỉ mở cửa với nông sản Việt mà còn mở cửa với nông sản cùng loại của nhiều quốc gia Đông Nam Á khác. Thứ năm, Trung Quốc đã chủ động nghiên cứu, mở rộng diện tích một số loại cây ăn trái nhiệt đới, như thanh long, sầu riêng... Thứ sáu, Trung Quốc còn liên kết với một số quốc gia trong khu vực để trồng một số loại cây Trung Quốc có nhu cầu cao…

Thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm hơn 80% lượng xuất khẩu ra nước ngoài.

Để khai thác có hiệu quả thị trường Trung Quốc, theo các chuyên gia, có rất nhiều việc phải làm nhưng có thể nhấn mạnh mấy vấn đề:

Thứ nhất, cả nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và người sản xuất phải chủ động nắm bắt  thông tin để rút ngắn thời gian đáp ứng yêu cầu, nhất là về chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, thị hiếu, nhu cầu, chính sách. Thứ hai, sớm xây dựng chiến lược phát triển ngành hàng và thương hiệu song song với xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường. Thứ ba, đẩy nhanh việc đàm phán để có nhiều hơn sản phẩm nông - lâm - thủy sản của ta được xuất khẩu chính ngạch. Thứ tư, tận dụng tốt hơn lợi thế về khí hậu, vì chất lượng trái cây nhiệt đới do Trung Quốc trồng không thể ngon hơn trồng ở vùng nhiệt đới Việt Nam. Thứ năm, thực hiện kỹ thuật cho ra trái nghịch vụ với Trung Quốc để giảm cạnh canh khi Trung Quốc vào chính vụ.

Hy vọng rằng, bằng sự chủ động thích ứng, chúng ta sẽ khai thác tốt hơn thị trường Trung Quốc.

 

Thanh Hiền
Ý kiến bạn đọc
Top