Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 30 tháng 6 năm 2023 | 11:19

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hướng đến nền nông nghiệp xanh

Để mở rộng vùng sản xuất cây ăn quả, rau màu chất lượng cao, các địa phương đã và đang tiếp tục hỗ trợ nông dân về khoa học, kỹ thuật, sản xuất theo hướng an toàn, xây dựng thương hiệu, phát triển nông nghiệp xanh.

Chăm sóc vườn ổi tại xã Đông Dư (huyện Gia Lâm). Ảnh: Nguyễn Dương

Hà Nội: Phát triển vùng cây ăn quả chất lượng cao

Trên địa bàn Hà Nội hiện có nhiều vùng trồng cây ăn quả cho năng suất, chất lượng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Để mở rộng vùng trồng cây ăn quả chất lượng cao, thành phố đã và đang tiếp tục hỗ trợ nông dân về khoa học, kỹ thuật, sản xuất theo hướng an toàn, xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu.

Những năm qua, sản phẩm nhãn chín muộn đã trở thành cây ăn quả chủ lực của Hà Nội, không chỉ tiêu thụ trong nước, mà còn xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Ông Nguyễn Văn Thành (xã Đại Thành, huyện Quốc Oai) chia sẻ, gia đình có 120 gốc nhãn chín muộn, mỗi năm thu hoạch được từ 30 đến 35 tấn quả, với giá bán 30.000-35.000 đồng/ kg, doanh thu bình quân đạt hơn 1 tỷ đồng/năm.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn, huyện đã phối hợp với ngành Nông nghiệp hỗ trợ nông dân đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nhãn chín muộn theo quy trình VietGAP, nên chất lượng quả được nâng lên, mã quả sáng, đẹp hơn, cho năng suất bình quân 22 tạ/ha và sản phẩm nhãn tươi của địa phương đã được xuất khẩu sang Mỹ, Australia, Malaysia.

Còn theo Chủ tịch UBND xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng Bùi Tất Thêm, toàn xã có hơn 150ha diện tích đất nông nghiệp, trong đó có 45ha trồng bưởi, giá trị đạt khoảng 250-300 triệu đồng/ha/năm. Không những vậy, giống bưởi Diễn tôm vàng được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Hiện tại, vùng bưởi an toàn sinh học của xã Hạ Mỗ đã được các ngành chức năng hỗ trợ dán nhãn QRCode truy xuất nguồn gốc, giúp nông dân đưa sản phẩm tiêu thụ vào các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn thành phố.

Về hiệu quả của cây ăn quả trên địa bàn thành phố, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lê Xuân Trường cho biết, Hà Nội có hơn 22.000ha cây ăn quả các loại, sản phẩm cây ăn quả tương đối đa dạng, mùa nào thức đó, trong đó có 60% diện tích trồng các loại cây đặc sản: Cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn, ổi Đông Dư… Ngoài ra, còn có một số giống cây ăn quả mới du nhập và phát triển trên địa bàn thành phố, như xoài chịu lạnh, thanh long ruột đỏ, ổi không hạt, đu đủ ruột tím…

“Ngoài ra, Hà Nội đã xây dựng được 14 vùng trồng cây ăn quả giá trị cao, diện tích 15.500ha, tập trung tại các huyện: Đan Phượng, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Quốc Oai… đạt giá trị từ 500 đến 800 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 5-6 lần trồng lúa và có những vùng cho thu nhập từ 1 đến 1,5 tỷ đồng/ha/ năm như bưởi đường Quế Dương ở xã Cát Quế, cam Canh tại xã Đắc Sở (huyện Hoài Đức). Hiện một số sản phẩm quả của Hà Nội đã có nhãn hiệu, thương hiệu: Bưởi Chương Mỹ, bưởi Phúc Thọ, bưởi Quế Dương, bưởi sạch Sóc Sơn, bưởi tôm vàng Đan Phượng… và một số sản phẩm quả đã xuất khẩu…”, ông Lê Xuân Trường thông tin thêm.

Hiện tại, nhiều địa phương trồng cây ăn quả vẫn tự phát, không theo quy hoạch, nhu cầu của thị trường và chưa chú trọng sản xuất theo hướng an toàn.

Chủ tịch Hội Sản xuất và Kinh doanh bưởi Cát Quế (huyện Hoài Đức) Nguyễn Như Hảo cho biết, để cây ăn quả tiêu thụ ổn định, các ngành chức năng cần hỗ trợ nông dân về liên kết chuỗi với doanh nghiệp, nhằm đưa sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại. Cùng với đó, đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng vùng trồng theo hướng VietGAP, bảo đảm các tiêu chí để xuất khẩu.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển, huyện có 394,2ha cây ăn quả, tập trung ở các xã: Kim An, Thanh Cao… Thời gian tới, huyện tiếp tục mở rộng các mô hình trồng cây ăn quả theo quy trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP, hữu cơ; gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm. Cùng với đó, huyện sẽ hỗ trợ về cơ sở hạ tầng cho các vùng trồng cây ăn quả tập trung, xây dựng thương hiệu, kết hợp với du lịch sinh thái để đa dạng hóa các loại hình dịch vụ từ nông nghiệp, nâng cao đời sống cho người dân.

Còn theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, Hà Nội phấn đấu trồng được 23.206ha cây ăn quả, nhất là phát triển cây trồng đặc sản địa phương, có giá trị kinh tế cao như nhãn chín muộn, bưởi Diễn, cam Canh, táo, ổi... Đặc biệt, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất quy mô lớn, phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 50-70% diện tích cây ăn quả được chứng nhận chất lượng.

“Hà Nội tiếp tục cập nhật đầy đủ thông tin lên cơ sở dữ liệu quốc gia về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói; tập huấn cho người trồng, bố trí đầy đủ nguồn lực phục vụ thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, đáp ứng các yêu cầu quy định của nước nhập khẩu. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết với doanh nghiệp để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; xác định rõ từng khu vực để phát triển loại cây ăn quả, phù hợp với nhu cầu thị trường…”, ông Nguyễn Mạnh Phương nhấn mạnh.

Thanh Hóa: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chìa khóa giúp nâng cao giá trị thu nhập

Xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng là chìa khóa giúp nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, vì vậy, mấy năm trở lại đây, người dân xã Hoằng Đông (Hoằng Hóa) đã tích cực đưa nhiều cây trồng mới, phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện canh tác vào sản xuất. Nhờ đó, giá trị trên ha đất canh tác của xã hiện nay đạt 195 triệu đồng/ha/năm, góp phần nâng mức thu nhập của người dân là 60 triệu đồng/người/năm.

Nhân dân xã Hoằng Đông thu hoạch đậu tương rau.Nhân dân xã Hoằng Đông thu hoạch đậu tương rau.

Chị Chu Thị Chúc, thôn Lê Gia phấn khởi cho biết: “Vụ xuân hè năm 2023, gia đình tôi trồng 5 sào đậu tương rau để bán cho Công ty CP Xuất khẩu rau quả Đồng Giao (Ninh Bình). Tuy là vụ đầu tiên trồng loại cây này nhưng năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây màu khác mà gia đình tôi đã trồng trước đó”. Theo tính toán của chị Chúc, trồng đậu tương rau chỉ sau 70 - 75 ngày là cho thu hoạch, năng suất đạt 5 tạ quả/sào. Với giá thu mua của công ty là 8.500 đồng/kg, 5 sào đậu tương rau sau khi trừ chi phí đầu tư và công chăm sóc, đem lại cho gia đình khoản thu nhập 15 triệu đồng, lãi gấp đôi so với trồng lạc.

Nhận thấy mô hình lúa - cá đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội, cuối năm 2022, anh Nguyễn Tiên Minh, thôn Quang Trung đã mạnh dạn chuyển đổi 6 sào đất lúa thuộc vùng sâu trũng chỉ cấy được 1 vụ sang mô hình lúa - cá kết hợp. Anh Minh cho biết: “Vụ lúa chiêm xuân vừa qua, tôi đưa giống lúa ST25 của Sóc Trăng vào gieo cấy thử nghiệm với diện tích 4 sào. Tuy là vụ đầu tiên nhưng năng suất đạt 3,7 tạ/sào, với giá thu mua của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Hoằng Hóa là 850.000 đồng/tạ, 4 sào lúa sau khi trừ chi phí, đem lại cho gia đình tôi khoản thu nhập là 10 triệu đồng. Ngoài trồng lúa, tôi còn thả thêm các giống cá nước ngọt như cá trôi, trắm, chép... hiện mỗi con có trọng lượng khoảng 500g. Nếu như thời tiết thuận lợi, toàn bộ diện tích hiện gia đình tôi đang nuôi thả cá, sẽ cho thu nhập hàng chục triệu đồng”.

Ngoài đưa cây đậu tương rau, lúa ST25, trước đó xã Hoằng Đông đã đưa nhiều giống cây mới vào gieo trồng và liên kết với đơn vị đứng ra bao tiêu sản phẩm như liên kết với Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế An Việt, xã Hoằng Đức (Hoằng Hóa) trồng khoai tây Marabel - Đức... Việc liên kết này, không chỉ giúp bà con tìm đầu ra với giá cả ổn định mà còn góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên ha đất canh tác.

Được biết, trong số 160 ha đất sản xuất nông nghiệp của toàn xã, có 100 ha đất 2 lúa, còn lại là đất trồng màu. Vì vậy, để nâng cao giá trị thu nhập trên ha đất canh tác, địa phương xác định cần phải tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trên tinh thần đó, với trên 60 ha đất trồng màu, xã Hoằng Đông đã quy hoạch, đưa giống khoai tây Marabel - Đức vào trồng trên diện tích 35 ha, đồng thời liên kết với Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế An Việt trong việc bao tiêu sản phẩm. Qua 2 năm đưa giống khoai tây Marabel - Đức vào trồng, năng suất đạt từ 28 - 30 tấn/ha, với giá thu mua của công ty là 7.000 đồng/kg (loại 1) và 3.000 đồng/kg (loại 2), sau khi trừ chi phí đầu tư (giống, phân bón, công cày bừa, chăm sóc), đem lại thu nhập cho người trồng khoai là 150 triệu đồng/ha/vụ...

Theo kế hoạch, xã Hoằng Đông sẽ tiếp tục đưa cây đậu tương rau vào gieo trồng trên diện tích 16 ha và đơn vị đứng ra bao tiêu sản phẩm là Công ty CP Xuất khẩu rau quả Đồng Giao (Ninh Bình); chuyển đổi 100 ha diện tích đất lúa vùng sâu trũng chỉ cấy được 1 vụ sang mô hình cá - lúa; vụ chiêm xuân năm 2023 thực hiện chuyển đổi 3,5 ha/40 ha sang mô hình cá - lúa và lúa - tôm thẻ chân trắng, đồng thời đưa giống lúa ST25 vào gieo trồng thử nghiệm trên diện tích chuyển đổi này...

Đánh giá hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương trong thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Đông, Nguyễn Đình Hưng cho biết: Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa nhiều giống cây mới vào sản xuất đã giúp Hoằng Đông xây dựng thành công các vùng chuyên canh, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp trong việc bao tiêu sản phẩm, giúp đầu ra ổn định và nâng cao giá trị thu nhập trên ha đất canh tác lên 195 triệu đồng/ha/năm, tăng 20 triệu đồng so với năm 2020...

Vĩnh Phúc: Trồng măng tây xanh theo hướng hữu cơ

Dù mới được triển khai cách đây không lâu, nhưng mô hình trồng măng tây xanh theo hướng hữu cơ của gia đình ông Nguyễn Xuân Hòa, thôn Phú Nông, xã Kim Xá, huyện Vĩnh Tường đã phát huy hiệu quả kinh tế, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Với thu nhập bình quân hàng chục triệu đồng/tháng, mô hình của ông Hòa được đánh giá cao, có triển vọng và tiềm năng phát triển hơn nữa.

Mô hình trồng măng tây xanh theo hướng hữu cơ của gia đình ông Nguyễn Xuân Hòa cho thu hoạch khoảng 20 kg măng tây/ngày. Ảnh: Trà Hương

Quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, trước đây, gia đình ông Hòa chỉ tập trung cấy lúa, trồng rau nhưng thu nhập không đáng là bao. Với mong muốn phát triển kinh tế cải thiện cuộc sống, ông Hòa đã nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Nhận thấy cây măng tây là loại cây trồng lâu năm, được người dân sử dụng phần chồi non làm rau xanh đang chiếm lĩnh thị trường và nhiều người ưa chuộng, ông Hòa đã bỏ công sức, thời gian đi tìm hiểu về cách ươm trồng, chăm sóc để chuyển đổi diện tích ruộng kém hiệu quả sang trồng loại cây này.

Bắt đầu trồng cây năm 2018, ông Hòa đã đầu tư hơn 20 triệu đồng mua khoảng 1.000 bầu cây giống trồng thử nghiệm cùng hơn 40 triệu đồng tiền phân bón hữu cơ cải tạo đất ruộng. Cùng với đó, ông còn đầu tư hệ thống tưới tiêu hiện đại phục vụ cho việc ươm trồng, chăm sóc cây măng tây.

Ông Hòa cho biết: "Măng tây là sản phẩm rau sạch, nên đòi hỏi người nông dân phải tuân thủ nghiêm các quy trình kỹ thuật trong việc trồng và chăm sóc. Theo đó, cây trồng phải được canh tác ở những nơi nhiều nắng và thông thoáng, mỗi hàng đều có khoảng cách thích hợp.

Khi chăm sóc cây, không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học và phải đảm bảo nước tưới sạch để giữ ẩm, giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt. Đặt biệt, trồng măng tây phải chịu khó chăm bón khi cây còn nhỏ, còn lúc cây phát triển lên giàn thì việc chăm sóc sẽ dễ dàng hơn".

Sau 7-8 tháng ươm trồng, những cây măng tây xanh sẽ bắt đầu cho thu hoạch đều đặn những lứa măng to mập, chất lượng. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ, chuyển giao khoa học kỹ thuật của Hội Nông dân huyện Vĩnh Tường, từ năm 2021, ông Hòa còn tự mua hạt cây về ươm cây giống và trồng thêm giống măng tây mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Hiện nay, trên diện tích hơn 2.000 m2 đất ruộng, ông Hòa đã trồng gần 2.000 gốc măng tây xanh theo hướng hữu cơ. Đều đặn hằng ngày, vườn măng tây cho thu hoạch khoảng 20 kg măng, giá bán ổn định 65.000 - 70.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư, công chăm sóc, mỗi tháng, vườn măng tây xanh cho gia đình ông thu nhập khoảng 20 triệu đồng.

Ông Hòa chia sẻ: “Cây măng tây có ưu điểm trồng một lần nhưng cho thu hoạch nhiều năm, năng suất sẽ tăng dần qua các năm. Bởi vậy, nếu chăm sóc tốt, cây có thể thu hoạch đều đặn trong vòng 8-10 năm nên gia đình tôi rất phấn khởi.

Bên cạnh đó, sự đồng hành kịp thời của các cấp chính quyền, đặc biệt là Hội Nông dân huyện là động lực để gia đình tôi yên tâm theo đuổi hướng đi mới này. Nhờ các cán bộ kỹ thuật chuyên môn của huyện hỗ trợ, đồng thời được đi tập huấn học hỏi kinh nghiệm, gia đình tôi đã có kinh nghiệm trồng cây, năng suất ổn định và có đơn vị đăng ký bao tiêu sản phẩm”.

Gần đây, măng tây xanh được người tiêu dùng biết đến bởi giá trị dinh dưỡng và chất lượng sản phẩm thơm ngon. Với hiệu quả bước đầu, cây măng tây xanh đã và đang mở ra hướng đi mới, nhằm thay thế những cây trồng, rau màu kém hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người nông dân trên cùng một đơn vị diện tích đất.

Mặc dù khá mới mẻ đối với nông dân ở xã Kim Xá, nhưng đây là mô hình được đánh giá rất tiềm năng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, dài lâu và thân thiện môi trường, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đây là tiền đề quan trọng để địa phương phát triển mô hình mới, mang lại hiệu quả kinh tế, giúp nông dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống./.

 

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Bảo vệ, chăm sóc đàn vật nuôi trong mùa nắng nóng

    Bảo vệ, chăm sóc đàn vật nuôi trong mùa nắng nóng

    Trước tình hình nắng nóng kéo dài, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) tỉnh Bình Định đã chủ động hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo vệ và chăm sóc tốt đàn gia súc, gia cầm.

  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Giống mận hồng mới trái to, thịt chắc, ăn giòn, ngọt được anh Trần Ngọc Quận (44 tuổi, ngụ ấp Thành Lộc, xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) trồng thành công và cho trái đạt trọng lượng lên đến 5 trái/kg.

  • Lan tỏa phong trào khởi nghiệp của thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thanh Hóa

    Lan tỏa phong trào khởi nghiệp của thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thanh Hóa

    Để khơi dậy và lan toả phong trào khởi nghiệp của thanh niên nói chung và thanh niên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hoá nói riêng, Tỉnh đoàn Thanh Hóa đang tích cực phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và các ban, ngành, đoàn thể triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp.

  • Mô hình “độc, lạ” - nuôi gà, vịt làm thú cưng

    Mô hình “độc, lạ” - nuôi gà, vịt làm thú cưng

    Anh Phạm Minh Biên (36 tuổi, ngụ xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) sưu tầm nhiều giống gà, vịt “độc, lạ” như gà sư tử Ba Lan, gà Serama, vịt gọi… mang về nhân giống bán, cho thu nhập hơn 30 triệu đồng/tháng.

Top