Đa dạng về hệ sinh thái tự nhiên và văn hóa, Thừa Thiên - Huế có lợi thế để khai thác, phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn. Địa phương đang đẩy mạnh chuyển đổi số để du lịch nông thôn đi vào thực chất, hiệu quả.
Điểm sáng du lịch nông thôn
Làng du lịch cộng đồng A Nôr, xã Hồng Kim hiện được xem là “điểm sáng” du lịch cộng đồng tại huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế). Nơi đây đang triển khai mô hình du lịch dựa vào cộng đồng trên nền tảng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số và bảo vệ môi trường bền vững. Để phục vụ du khách đến tham quan, lưu trú, người dân ở Hồng Kim đầu tư xây dựng 7 homestay tại làng du lịch cộng đồng A Nôr. Đây là một trong những lợi thế do mô hình du lịch cộng đồng mang lại được địa phương khai thác hiệu quả. Và chính sự nỗ lực ấy nên làng du lịch cộng đồng A Nôr đã được vinh danh là Làng văn hóa du lịch cộng đồng tiêu biểu của Việt Nam năm 2019.
Mô hình du lịch sinh thái của anh Hồ Xuân Phương tại Làng du lịch cộng đồng A Nôr, thu hút khách du tham quan.
Năm 2023, khi địa danh A Lưới xuất hiện nhiều trên bản đồ du lịch và địa phương đón lượng lớn du khách ghé thăm, anh Hồ Xuân Phương đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư khu du lịch sinh thái bên bờ suối A Nôr để phục vụ du khách. Hiện khu du lịch sinh thái này đón nhiều đoàn du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
“Cùng với việc giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm truyền thống do chính tay người dân sản xuất như nếp than, gạo ra dư, thịt bò, mật ong rừng và các sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc Pa Cô, Tà Ôi đến với du khách, mình cũng thực hiện quảng bá qua thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo để nhiều người biết đến hơn”, anh Phương chia sẻ.
Sản phẩm nông nghiệp nông thôn của Thừa Thiên - Huế thực hiện chuyển đổi số.
Những năm gần đây, du lịch cộng đồng đã mở ra cơ hội phát triển cho thị xã Hương Thủy nói riêng và các địa phương nói chung. Để phát huy tiềm năng, thế mạnh về loại hình du lịch này, Hương Thủy đã và đang tập trung đầu tư theo hướng bài bản, chuyên nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào lĩnh vực này nhằm sớm đạt mục tiêu của địa phương là đón khoảng 150 nghìn lượt du khách vào năm 2025.
Trong đó, xã Thủy Thanh là địa phương có nhiều yếu tố để phát triển loại hình du lịch cộng đồng, ngoài cầu ngói Thanh Toàn, nơi đây còn có cảnh quan thiên nhiên đậm chất làng quê với cảnh sông nước, đồng ruộng… và các di tích lịch sử. Bên cạnh đó, chính quyền và người dân ở Thủy Thanh còn tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng cùng cách làm du lịch cộng đồng gắn với đời sống hàng ngày. Các mô hình trải nghiệm làm vườn ở vườn Văn Thánh, Vân Thê Garden & Homestay, vườn hoa Lạc Dương, cơ sở nón lá Nguyễn Thị Kiềm, vườn trải nghiệm chân quê cùng các tổ ẩm thực, trải nghiệm làm nón lá, gói bánh tét… đã thu hút đông đảo du khách thập phương tham quan.
Bà Lê Thị Thêm, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới, cho biết, huyện có 5 làng du lịch cộng đồng đang hoạt động. Trong đó, làng du lịch cộng đồng A Nôr, A Roàng là điểm du lịch vệ tinh kết nối các điểm du lịch trên địa bàn huyện. Cơ sở vật chất phục vụ du lịch, dịch vụ được đầu tư nâng cấp, toàn huyện có 29 hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú, các cơ sở cơ bản hoàn thiện thủ tục pháp lý, tiện nghi, đáp ứng nhu cầu du khách. Huyện đã triển khai tập huấn cho hàng trăm học viên về nghiệp vụ thuyết minh, ẩm thực, quản lý, điều hành khách, một số lớp về xây dựng du lịch xanh, chuyển đổi số... Do đó, lượng khách đến tham quan cũng tăng nhanh, doanh thu hàng năm gần 20 tỷ đồng.
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Theo Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng, địa phương tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng theo Đề án về phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 bằng việc thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch nông thôn trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Để phát triển du lịch cộng đồng, thời gian qua, huyện đã nỗ lực quảng bá, xúc tiến du lịch tại các hội chợ, chợ phiên được tổ chức tại địa phương và trên toàn quốc. Đặc biệt, giữa tháng 5 vừa qua, UBND huyện A Lưới phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh tổ chức Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên - Huế lần thứ XV năm 2024. Ngoài các hoạt động chính, tại Ngày hội còn trưng bày, trình diễn nghề thủ công truyền thống như dệt dèng, đan lát; liên hoan ẩm thực với các món ăn mang đậm bản sắc truyền thống của đồng bào các dân tộc gắn với quảng bá các điểm đến, tour du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại huyện A Lưới.
Thừa Thiên - Huế đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Thừa Thiên - Huế, cho hay, thực hiện chuyển đổi số trong ngành Nông nghiệp, đặc biệt ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, dịch vụ, ngành cũng tích hợp các vùng sản xuất vào bản đồ quy hoạch của tỉnh, công khai các dữ liệu môi trường, đất đai, khí hậu thổ nhưỡng, hồ chứa… Đặc biệt, thực hiện vấn đề chuyển đổi số ngay từ vùng trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ.
Cùng với đó, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng ban hành kế hoạch số 136/KH-UBND triển khai Quyết định số 922/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương. Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, phấn đấu phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; mỗi huyện, thị xã, thành phố Huế có ít nhất 01 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương và xây dựng từ 01 đến 02 sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, thu hút khách du lịch; trên 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số, ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số. Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá…
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhấn mạnh, tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số toàn diện cho các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân trên toàn tỉnh. Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quan tâm chỉ đạo sát sao trong công tác thực hiện chuyển đổi số của tất cả các ngành, các lĩnh vực; tạo sức lan tỏa trong tất cả hoạt động của đời sống xã hội và bước đầu đã tạo sự thay đổi căn bản trong hoạt động của chính quyền, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Thừa Thiên - Huế duy trì nhiều năm liên tiếp vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố về chỉ số đánh giá chuyển đổi.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.