Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 19 tháng 5 năm 2023 | 16:42

Chuyển đổi và nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản

Để ngành nông nghiệp phát triển bền vững, các địa phương chú trọng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng sức cạnh tranh cho nông sản.

Chế biến, đóng gói rau tại Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (huyện Thường Tín). Ảnh: Đỗ Tâm

Hà Nội: Nâng sức cạnh tranh cho nông sản

Nhằm đa dạng hóa sản phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã tăng cường đầu tư máy móc, công nghệ vào khâu chế biến nông sản. Tuy nhiên, ngành chế biến nông sản của Hà Nội còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa tương xứng với tiềm năng. Trong bối cảnh hiện nay, cần sự vào cuộc hơn nữa của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, hợp tác xã để nâng sức cạnh tranh, tăng hiệu quả, giá trị sản xuất cho nông sản...

Theo Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm 3Brothers (huyện Đông Anh) Nguyễn Xuân Tuấn, hiện doanh nghiệp đã đầu tư máy móc, sản xuất hàng chục sản phẩm, như: Giò, chả, xúc xích, dồi sụn… Qua chế biến, những sản phẩm này cho giá trị cao hơn từ 2 đến 3 lần so với bán thịt lợn thương phẩm.

Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai) Nguyễn Đình Tường, không chỉ chăn nuôi lợn an toàn sinh học, với tổng đàn 200 lợn nái và 2.000 lợn thịt, hợp tác xã còn cung cấp cho thị trường các sản phẩm chế biến từ thịt lợn. Để nâng cao giá trị sản phẩm và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, hợp tác xã đã đầu tư dây chuyền giết mổ, máy chế biến thịt lợn thành các sản phẩm xúc xích... Trung bình mỗi tháng hợp tác xã cung cấp cho thị trường khoảng 12-15 tấn thịt lợn sạch và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn sinh học.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, thực hiện Kế hoạch số 193/KH-UBND ngày 30-8-2019 của UBND thành phố Hà Nội về cơ cấu lại lĩnh vực chế biến nông sản gắn với phát triển thị trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 ngành Nông nghiệp thành phố Hà Nội, thành phố khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản. Hiện tại, trên địa bàn thành phố có hơn 250 doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và 1.421 hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể thực hiện chế biến, bảo quản phục vụ tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp đầu tư từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng để xây dựng nhà máy chế biến, kho lạnh, kho bảo quản…

“Nhờ đầu tư vào chế biến đã làm đa dạng hóa các sản phẩm nông sản, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và giải quyết thêm việc làm cho người lao động. Đồng thời, giúp các cơ quan chức năng quản lý tốt hơn vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm”, ông Tạ Văn Tường thông tin.

Tuy nhiên, lĩnh vực chế biến nông sản của Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế; số lượng doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này còn ít; trang thiết bị, máy móc và công nghệ chế biến nông sản còn lạc hậu. Không những vậy, các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào 3 nhóm sản phẩm: Thịt (chiếm 42,6%); rau, quả (chiếm 33,7%) và thủy sản (chiếm 26,7%). Điều đáng nói, số lượng sản phẩm nông sản chế biến của các doanh nghiệp Hà Nội chỉ được hơn 1.500 tấn/tháng, trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng của thành phố lên tới 5.350 tấn/tháng. Do đó, nguồn cung của thành phố mới đáp ứng khoảng 28%, còn lại phải nhập khẩu và nhờ cậy vào các tỉnh, thành phố bạn...

Để phát triển ngành chế biến nông sản của Hà Nội, theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Chữ, các địa phương cần phải đẩy mạnh liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ, từng vùng có sản lượng nông sản, thực phẩm lớn, bảo đảm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.

Còn theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 có 50% cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm nông sản sử dụng máy móc hiện đại, áp dụng công nghệ cao. Để thực hiện được mục tiêu này, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương hình thành vùng sản xuất tập trung gắn với hệ thống chế biến và phát triển hạ tầng thương mại tiêu thụ nông sản chế biến. Mặt khác, ngành Nông nghiệp tham mưu cho thành phố có chính sách hỗ trợ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc, công nghệ cho hoạt động chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm của các cơ sở, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

“Ngành Nông nghiệp Thủ đô cũng xây dựng và hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử, cấp mã vùng đối với nông sản, thực phẩm; hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào hoạt động của cơ sở chế biến; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã mở thêm các cửa hàng, điểm bán, tiêu thụ nông sản chế biến tại khu vực đông dân cư…”, ông Tạ Văn Tường cho biết.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khôi, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam cho rằng, để đạt được mục tiêu mà ngành chế biến nông sản Thủ đô đề ra, các doanh nghiệp, hợp tác xã cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào chế biến, bảo quản nông sản; nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo đảm an toàn thực phẩm... Trước mắt, ngành Nông nghiệp Hà Nội cần tổ chức lại sản xuất theo chuỗi khép kín, từ sản xuất đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Từng bước mở rộng diện tích sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ với các cây trồng chủ lực, như: Rau, cây ăn quả và hình thành vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Thanh Hóa: Chuyển đổi và hình thành vùng nông nghiệp tập trung

Để ngành nông nghiệp phát triển bền vững, huyện Bá Thước đã chú trọng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước hình thành vùng trồng trọt, chăn nuôi tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Người dân xã Thiết Ống thu hoạch sắn.

Sau khi được tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt, anh Hà Văn Tuấn, thôn Tôm, xã Ái Thượng quyết định chuyển đổi 1 ha vườn tạp để xây dựng mô hình trang trại tổng hợp, trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi. Anh Hà cho biết: Trước đây hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, thậm chí còn thiếu ăn; năm 2015, khi xã vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình anh đã mạnh dạn đưa một số loại cây ăn quả vào sản xuất. Đến nay, trang trại của gia đình đã có trên dưới 300 gốc bưởi da xanh, ổi, nhãn... Dưới tán cây, anh kết hợp nuôi lợn thương phẩm, lợn nái, trâu, bò và gia cầm... Theo tính toán của anh Tuấn, mỗi năm trang trại cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng, tạo việc làm cho 6 lao động địa phương. Qua đó khẳng định, việc chuyển đổi từ đất kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp là quyết định đúng đắn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Còn đối với gia đình ông Lê Chí Dũng, thôn Điền Lý, xã Điền Lư trước đây cũng là một trong những hộ nghèo của xã, nguồn thu chính chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi nhỏ lẻ. Nhưng từ năm 2015, được xã tuyên truyền, vận động, ông đã chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới. Với gần 300m2 xây dựng, ông Dũng đưa các loại cây trồng vào sản xuất, như: mùng tơi, cà pháo, mướp, lạc, rau các loại... Sau 3 tháng trồng, chăm sóc, mô hình trồng rau trong nhà lưới đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Đến năm 2018, ông Dũng thành lập HTX sản xuất rau an toàn Điền Lý, với 20 thành viên. Hiệu quả kinh tế từ mô hình đã khích lệ cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã cùng tham gia hợp tác. Theo tính toán, mô hình trên góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân ở xã Điền Lư gấp 2 đến 3 lần so với cây trồng truyền thống. Đến nay, thôn Điền Lý có 190/215 hộ dân tham gia mô hình sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP.

Hay như mô hình trồng dược liệu của HTX Pù Luông đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay HTX có 5 ha dược liệu, chủ yếu là cây xạ đen, chè đắng, cà gai, hoạt ngọc, ngải cứu... Nếu so sánh hiệu quả kinh tế, trồng cây dược liệu cho thu nhập cao gấp 3 đến 4 lần so với trồng lúa và cây hoa màu khác. Từ hiệu quả kinh tế trồng cây dược liệu, HTX Pù Luông đang dự kiến trong năm 2023 sẽ nhân rộng khoảng hơn 60 ha ở 8 xã trên địa bàn huyện Bá Thước, trong đó quý I-2023 đã trồng được 16 ha ở 2 xã Thiết Ống và Lũng Cao...

Xác định sản xuất nông nghiệp là khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, huyện Bá Thước đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững. Theo đó huyện tích cực hỗ trợ, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu canh tác, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng địa phương để tăng năng suất, sản lượng theo hướng bền vững gắn với những tiềm năng, lợi thế của từng vùng. Ngoài ra, huyện cũng hướng dẫn người dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ sinh học, các phương thức canh tác công nghệ cao, phá vỡ thế độc canh của các cây trồng, vật nuôi truyền thống, góp phần đa dạng hóa sản xuất. Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh việc liên kết sản xuất gắn với thu mua, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân...

Cùng với đó, Bá Thước đã triển khai xây dựng chương trình “Phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với xây dựng nông thôn mới để giảm nghèo nhanh, bền vững”; thực hiện 2 khâu đột phá “Phát triển chăn nuôi đại gia súc và sản phẩm có ưu thế cạnh tranh”, đồng thời ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU về phát triển vật nuôi có lợi thế giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo. Trong đó, lựa chọn 6 loại vật nuôi, gồm: bò lai sind, bò Úc, lợn cỏ, vịt Cổ Lũng, dê núi, gà đồi và các loại thủy sản lồng bè trên sông Mã, hồ thủy điện. Đối với cây trồng thì khuyến khích đưa các loại cây ăn quả, lúa, khoai tây, ngô dùng cho chăn nuôi và phát triển vùng rau an toàn... Huyện cũng đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái; trồng rừng gỗ lớn; khoán khoanh nuôi; bảo vệ rừng phòng hộ; thâm canh khôi phục rừng luồng... Từ những giải pháp trên, đến nay, huyện Bá Thước đã hình thành được 6 ha rau an toàn; 60.000 ha lúa; gần 300 ha nuôi trồng thủy sản, sản lượng đạt 1.500 tấn; tổng đàn gia súc hơn 50.000 con, 490.000 con gia cầm, 36 trang trại chăn nuôi lợn, trâu, bò, gia cầm...

Phát huy những kết quả đạt được, huyện Bá Thước tiếp tục thực hiện một số chương trình trọng tâm, khâu đột phá mà Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Trong đó tập trung làm tốt công tác quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm và vùng phụ cận đến năm 2040, bảo đảm khoa học, kết nối hài hòa với quy hoạch phát triển chung của tỉnh và các địa phương trong vùng; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế của huyện, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững, từng bước hình thành một số sản phẩm hàng hóa chủ lực, có lợi thế, xây dựng thương hiệu gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); phấn đấu đến năm 2025 ra khỏi danh sách 62 huyện nghèo của cả nước...

Bắc Ninh: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thay đổi tư duy canh tác theo hướng hiện đại

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến nay ước chiếm 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Công nghệ cao là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gia tăng hiệu quả kinh tế và thay đổi tư duy canh tác của người dân theo hướng hiện đại.

Nuôi gà trong chuồng kín tại hộ ông Bùi Quang Thành (thị trấn Thứa, Lương Tài).

Trong trồng trọt, các công nghệ mới như tưới thông minh, tưới nhỏ giọt trong nhà màng, nhà kính, viễn thám, Drone (thiết bị bay không người lái)… gắn với truy xuất nguồn gốc ngày càng phổ biến. Trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, nhiều chuồng trại áp dụng công nghệ vi sinh, khép kín, số hóa quy trình quản lý, vận hành, bảo đảm chăn nuôi an toàn dịch bệnh, không ô nhiễm môi trường... Đến nay, toàn tỉnh có 71 vùng rau màu chuyên canh với quy mô từ 5 ha trở lên, 24 vùng cây ăn quả tập trung quy mô 2 ha và hơn 40 ha diện tích nhà màng, nhà kính sản xuất rau, hoa cao cấp; 72 cơ sở chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; hơn 2.400 lồng nuôi cá trên sông./.

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Cây trồng “khát” nước, người dân như ngồi trên đống lửa

    Cây trồng “khát” nước, người dân như ngồi trên đống lửa

    Mới đầu hè, các huyện miền núi tỉnh Phú Yên như Sông Hinh, Sơn Hoà, Đồng Xuân đã đối mặt với “cơn khát”, khi nhiều ao hồ khô cạn, cây trồng thiếu nước...

  • Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa

    Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa

    Tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Kế hoạch số 145 về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên địa bàn năm 2024, nhằm thực hiện việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, không đảm bảo nước tưới, năng suất thấp sang trồng các loại cây hàng năm, lâu năm và nuôi trồng thuỷ sản để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.

  • Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã và đang nỗ lực triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế, bước đầu đạt kết quả khả quan, tạo động lực cho người dân trong hành trình thoát nghèo.

Top