Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 14 tháng 3 năm 2023 | 9:42

Chuyện về phát triển vùng rau, hoa, cây ăn quả sạch để phục vụ du lịch

Tận dụng lợi thế về vị trí địa lý, khí hậu phù hợp, cùng với sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ kỹ thuật chuyên môn, người dân huyện Đồng Văn (Hà Giang) đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung phát triển vùng rau an toàn với đa dạng các loại rau màu theo mùa, từng bước cải thiện đời sống.

Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Được biết, tổng số các hộ dân đang sinh sống tại thôn Lùng Lú hiện có 30 hộ, với 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Trước đây, do thiếu nước sản xuất nên đời sống của bà con trong thôn còn nhiều khó khăn. Người dân vẫn giữ phương thức canh tác truyền thống trồng ngô 1 vụ, chỉ trồng xen các loại rau màu phục vụ nhu cầu của gia đình.

Trong khi, Lùng Lú là thôn nằm ở vị trí thuận tiện và có khí hậu phù hợp để cho các loại rau, hoa, cây ăn quả phát triển (gần trung tâm thị trấn Đồng Văn; khí hậu mát mẻ, có thung lũng rộng với đất đai màu mỡ, chủ động được nguồn nước tưới tiêu, sinh hoạt…) Tuy nhiên, sinh kế, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vẫn chưa được cãi thiện.

Từ đó, có thể thẳng thắn nhìn nhận và nói rằng, do một bộ phận người dân nơi đây vẫn còn tư tưởng “sợ” thoát nghèo, việc ỷ lại vào chữ “nghèo” do đá, do điều kiện tự nhiên của vùng miền vẫn còn in sâu trong tiềm thức. Vậy, làm cách nào để có thể tận dụng tối đa được các lợi thế trên… trước tiên, việc xóa bỏ tư tưởng “nghèo” do đá trong một số bộ phận người dân vùng nông thôn nơi đây là một nhiệm vụ cần thiết, đề ra cho huyện Đồng Văn phải có những giải pháp để thực hiện.

Lãnh đạo huyện Đồng Văn thăm mô hình rau của gia đình ông Vàng Chứ Chơ.

Qua đó, năm 2019, BCH Đảng bộ huyện Đồng Văn (Hà Giang) đã ban hành Nghị quyết chuyên về phát triển vùng rau, hoa, cây ăn quả sạch để phục vụ du lịch. Nhờ đó, người dân trong thôn mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung phát triển vùng rau an toàn với đa dạng các loại rau màu theo mùa, từng bước cải thiện đời sống cho người dân; đến nay đã được nhiều địa phương thực hiện và mang lại hiệu quả tích cực.

Nhận thấy rõ những lợi thế đó, từ năm 2022, thị trấn Đồng Văn đã định hướng, chỉ đạo thôn hình thành các vùng sản xuất tập trung phù hợp với thế mạnh của địa phương đó là phát triển vùng rau chuyên canh. Xác định đây sẽ là nguồn cung cấp lượng lớn rau xanh phục vụ nhu cầu của các trường học, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn.

Với sự vào cuộc quyết liệt, cấp ủy, chính quyền thị trấn Đồng Văn đã tập trung mọi nguồn lực để kéo điện và nước đến tận thôn. Đồng thời, có sự hỗ trợ về cây, con giống, hỗ trợ liên kết, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Nhờ đó, 2 năm qua nhiều hộ trong thôn mạnh dạn chuyển đất trồng ngô sang trồng rau bắp cải, giá trị canh tác trên một đơn vị diện tích cao gấp 3 lần so với trồng ngô.

Hiện, trong thôn có 24 hộ, chủ yếu trồng rau Bắp cải chuyên canh trái vụ với tổng diện tích 5,6 ha. Một số hộ đã cho thu nhập cao như: Hộ Vàng Nhìa Sùng diện tích thực hiện 2.000 m2, mỗi năm trừ chi phí gia đình thu về khoảng 50 triệu đồng. Đầu năm 2023, hộ ông Vàng Chứ Chơ mạnh dạn chuyển đổi diện tích gần 9.000 m2 sang trồng rau, đến nay rau phát triển tốt, hứa hẹn cho thu nhập cao.

Là hộ đã có thu nhập ổn định từ trồng rau, ông Vàng Mí Sá chia sẻ: Khi được cán bộ khuyến nông định hướng chuyển đổi đất từ trồng ngô sang trồng rau, ban đầu, gia đình cũng lo lắng về đầu ra, cũng không có kinh nghiệm chăm sóc diện tích rau lớn như vậy nên rất băn khoăn. Sau đó, Đảng ủy thị trấn còn phân công đảng viên và cán bộ Hội Nông dân phụ trách thôn tới tận nơi hướng dẫn từng hộ. Gia đình tôi mạnh dạn thực hiện chuyển đổi 4.000 m2 sang trồng Bắp cải trái vụ, các vụ khác trồng một số rau như: Đậu Hà Lan, rau cải địa phương, Sâm khoai… mỗi năm, trừ chi phí gia đình thu về được khoảng 90-100 triệu đồng. 

Tương tự, tại xã Sính Lủng (Đồng Văn), địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với tập quán canh tác còn truyền thống, năng xuất thấp, việc bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa hợp lý. Điển hình như khu vườn của gia đình anh Chứ Mí Pó, thôn Há Đề (xã Sính Lủng) rộng gần 4.000 m2 nhưng phần nhiều là đá nên quanh năm vợ chồng anh chỉ trồng một ít rau cải, chủ yếu vẫn trồng ngô. Có thời điểm khô cằn, thời tiết khắc nghiệt, bãi đất đá lại bỏ hoang. Năm 2021, dưới sức lan tỏa của Chương trình cải tạo vườn tạp, nhờ sự định hướng của cấp ủy, chính quyền, gia đình anh đã quyết tâm thay đổi, đăng ký cải tạo lại khu vườn và được cán bộ chuyên môn hướng dẫn vẽ sơ đồ, quy hoạch lại đất đai, lựa chọn cây giống.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang thăm mô hình cải tạo vườn tạp.

Vụ đầu tiên, anh Pó trồng 200 cây mận Tam hoa và 600 cây Bắp cải, thực hiện đúng phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Đến đầu năm 2022, gia đình anh đã thu hoạch được 3 vụ rau, trừ chi phí, mỗi vụ mang về cho anh chị 20 triệu đồng. Ngoài ra, anh Pó dự định trồng xen canh rau màu để có thu nhập. Dự định sau khi cây mận phát triển mạnh sẽ nuôi thêm ong lấy mật. Hiện, số lượng rau xanh của gia đình anh tiêu thụ rất tốt, được rất nhiều thương lái đến tận vườn thu mua.

Ông Vừ Thị Dính, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, cũng như gia đình anh Chứ Mí Pó, nhiều gia đình khác trong xã thấy được lợi ích từ việc cải tạo vườn tạp đã chủ động trao đổi với cán bộ khuyến nông, mong muốn được tư vấn về cây, con giống, quy hoạch vườn. Sau cải tạo, có một số vườn được đánh giá cao, mang lại thu nhập ổn định cho chủ hộ, qua đó đã lan tỏa đến đông đảo người dân trong xã, tạo khí thế lao động sôi nổi, tích cực hơn. Nhờ đó, đã từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân vùng Cao nguyên đá, góp phần tích cực trong công cuộc giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới tại địa phương.

Ông Hoàng Ngọc Linh, Bí thư Đảng ủy thị trấn Đồng Văn cho biết: Những năm trước đây, bà con cũng đã trồng một số loại rau như Bắp cải, rau, đậu Hà Lan… nhưng với diện tích nhỏ để phục vụ nhu cầu gia đình. Hiện, thị trấn đang nỗ lực hỗ trợ các hộ trồng rau bằng nhiều hình thức như: Hỗ trợ quảng bá sản phẩm đến các xã, trong và ngoài huyện; làm đầu mối liên kết tiêu thụ sản phẩm với các trường học, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn. Nhờ đó, số lượng tiêu thụ lớn hơn, mang lại thu nhập cao hơn gấp 3 lần so với trồng ngô; từng bước nâng cao thu nhập cho các hộ nghèo. Hiện, các hộ cũng đã có kinh nghiệm trong trồng và chăm sóc rau vì vậy chất lượng rau luôn được đảm bảo và được đánh giá cao.

Hiệu quả sản xuất rau VietGAP

Trong khuôn khổ Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới (WB7), năm 2019 Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang tổ chức xây dựng mô hình thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (Climate smart agriculture – CSA) trên cây rau với diện tích 6 ha tại xã Phố Cáo, Sủng Là và thị trấn Phố Bảng với sự tham gia chủ động của người nông dân từ lựa chọn giống, trồng, chăm sóc. Đặc biệt đối với điểm mô hình đã được cấp chứng nhận vùng sản xuất rau VietGAP.

Kế thừa những kết quả đạt được từ mô hình thâm canh rau do Ban quản lý Dự án nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu và Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức; trong năm 2020, huyện Đồng Văn đã nhân rộng đại trà diện tích rau thâm canh. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, cá nhân tích tụ ruộng đất phát triển sản xuất quy mô lớn, từng bước hình thành những vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, từng bước khẳng định thương hiệu các loại nông sản trên thị trường.

Trên cơ sở đó, thực hiện tái cơ cấu Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, huyện Đồng Văn đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nâng cao trình độ thâm canh, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên cây, chuyên con hiệu quả. Đối với nhiều xã có thế mạnh như Sảng Tủng, Phố Cáo và thị trấn Đồng Văn, huyện có cơ chế hỗ trợ để hình thành các tổ liên kết sản xuất vùng rau an toàn, theo hướng chuẩn VietGAP thông qua việc hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, vừa phục vụ địa phương vừa hình thành vùng sản xuất ra các thị trường lân cận.

Nông dân xã Phố Cáo chăm sóc rau VietGAP.

Đã thành thương hiệu, cũng là vùng chiếm số lượng lớn nhất trong huyện, vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn xã Sảng Tủng có diện tích hơn 25 ha, được luân canh gần 3 năm nay với nhiều loại cây trồng trong năm, như: Rau xà lách, cà chua, súp lơ và đặc biệt là rau bắp cải... Nằm trong vùng chuyên canh sản xuất rau màu của địa phương, từ khí hậu, thổ nhưỡng đến cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất thuận lợi, năng suất, sản lượng nhờ đó tăng đáng kể, việc tiêu thụ sản phẩm dễ dàng hơn; đặc biệt ,ngay từ khi rau chưa đủ tuổi thu hoạch cũng đã được các tiểu thương nhỏ và vừa đặt trước, do vậy người dân cũng phải tuân thủ quy trình chăm sóc, đúng kĩ thuật và an toàn. Hộ tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, doanh thu bình quân đạt 200-250 triệu đồng/ha.

Cũng như vùng sản xuất rau chuyên canh xã Sảng Tủng, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, không đơn thuần là tăng thu nhập, đối với nhiều hộ nông dân tại xã Phố Cáo trồng rau chuyên canh, đặc biệt là cây trồng vụ Đông còn là vụ thu nhập chính của gia đình. Bởi vậy, nhiều năm qua, sản xuất rau vụ Đông được người dân tập trung phát triển không chỉ trên diện tích chuyên canh rau màu mà còn tận dụng quỹ đất ruộng sau khi thu hoạch lúa Mùa để mở rộng diện tích trồng rau vụ Đông trên đất ngô và lúa 2 vụ, UBND xã Phố Cáo đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, thu hút các doanh nghiệp, HTX, đặc biệt là Trung tâm Giống cây trồng Phố Bảng hỗ trợ giống và phương pháp kỹ thuật cho người dân tham gia sản xuất nông nghiệp để hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Một mô hình điển hình trồng rau trong nhà lưới bằng hệ thống thủy canh của gia đình anh Lý Văn Tân, tổ 5, thị trấn Đồng Văn.

Kết quả, đến nay toàn huyện đã trồng được 981 ha rau đậu các loại. Tổng sản lượng ước đạt 3,6 tấn. Trong đó có một số mô hình liên kết nổi bật như: Mô hình trồng rau su hào lấy hạt và lấy củ, thực hiện 2 ha tại thôn Lùng Lú, thị trấn Đồng Văn do Hợp tác xã Minh Châu thực hiện, sản lượng ước đạt 500 kg hạt, giá trị ước đạt 170-180 triệu đồng, tổng giá trị mô hình cho thu khoảng 200 triệu đồng/ha; Dự án liên kết sản xuất rau chuyên canh tại xã Lũng Cú, hỗ trợ 1 dự án, diện tích 1 ha do hợp tác xã Thèn Pả, xã Lũng Cú ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho 20 hộ trong tổ hợp tác trồng rau.

Các dự án hỗ trợ trồng rau chuyên canh, xây dựng 5 dự án/5 xã, thị trấn, diện tích thực hiện 20 ha, tổng kinh phí 230 triệu đồng từ Chương trình 135, 30a. Để xây dựng vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, UBND huyện Đồng Văn đã chỉ đạo các xã, thị trấn giữ ổn định diện tích sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Khuyến khích các HTX, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật sản xuất hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Giang, năm 2022 toàn tỉnh có 2.325 mảnh vườn được cải tạo. Các hộ đã sử dụng vốn vay đầu tư mua cây, con giống; vật tư nông nghiệp và vật liệu xây dựng để sửa sang chuồng trại. Hiện có 1.935 vườn đã cho hiệu quả kinh tế với tổng thu nhập 36.362,6 triệu đồng, bình quân 18,8 triệu đồng/hộ/năm, cao gấp 2-3 lần so với trước thời điểm chưa thực hiện cải tạo vườn tạp. Thu nhập tăng thêm chủ yếu từ các sản phẩm rau, củ quả ngắn ngày, rau đậu các loại, cá chép, trắm, chăn nuôi và sản phẩm phụ chăn nuôi (trứng gà, con giống, thịt lợn,…). Ngoài ra, Chương trình cũng góp phần giải quyết việc làm ổn định cho 2.325 người, thay đổi nhận thức từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Hà Giang giảm 4,99%, tương ứng với 8.771 hộ; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 34,3 triệu đồng/người, tăng 12,2%. Có thể khẳng định những con số biết nói đó đã dần chứng minh hiệu quả trong nỗ lực cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc tỉnh miền núi Hà Giang.

Trong năm tới, để thực hiện hiệu quả Chương trình, tỉnh chú trọng chất lượng, rà soát chính xác các đối tượng nghèo và có giải pháp tạo sinh kế cho người dân; đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền, góp phần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, hướng dẫn nhân dân ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Thực hiện Nghị quyết 05 về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang xác định việc cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, triển khai cụ thể một trong ba khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII đã đề ra là “Tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân”.

Cải tạo vườn tạp phải được triển khai một cách đồng bộ từ các cấp, các ngành đến người dân, “không nóng vội, không thành tích, dễ làm trước, khó làm sau”, mục tiêu cốt lõi là thay đổi tư duy và phương pháp chăn nuôi, trồng trọt trên chính mảnh đất vườn của mình, thay đổi phong tục, thói quen tập quán, chuyển đổi canh tác từ cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế thấp sang cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn… Tỉnh Hà Giang cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn có thu nhập khá cho trên 6.500 hộ tương ứng với trên 6.500 vườn.

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

    Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

    Theo đó, tại Kế hoạch số 145 ngày 17/4/2024 về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tỉnh Đồng Nai năm 2024, nhằm thực hiện việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, không đảm bảo nước tưới, năng suất thấp sang trồng các loại cây hàng năm, lâu năm và nuôi trồng thuỷ sản để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.

  • Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã và đang nỗ lực triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế, bước đầu đạt kết quả khả quan, tạo động lực cho người dân trong hành trình thoát nghèo.

  • Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị triển khai đề án sản xuất trồng trọt vụ hè thu-mùa năm 2024.

Top