Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 7 tháng 2 năm 2023 | 11:49

Đa dạng hóa mô hình kinh tế VAC: Thu lợi kép

Nuôi vịt lấy lông là cách mà anh Nguyễn Văn Thành ở thôn Phước Sơn, xã Đức Hạnh (Bù Gia Mập - Bình Phước) lồng ghép trong thực hiện mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng (VAC). Đây là một trong những cách làm đang có “đầu ra” khá tốt trên thị trường.

Nuôi vịt dưỡng lông

Từ lợi thế địa hình đất canh tác của gia đình, anh Thành đầu tư hơn 100 triệu đồng làm chuồng trại và mua vịt giống để phát triển kinh tế. Thay vì nuôi vịt đẻ trứng hay lấy thịt thương phẩm như trước thì điểm mới của mô hình Thành đang làm là tập trung nuôi vịt dưỡng bộ lông để bán xuất khẩu. Với mô hình nuôi vịt lấy lông, ngoài chế độ thức ăn, dinh dưỡng theo định kỳ như vịt thương phẩm thì anh tập trung quan sát, chăm sóc vịt để có bộ lông như ý về độ dài và độ dày.

Tận dụng nguồn phế phẩm trong vườn, anh Nguyễn Văn Thành đã tiết kiệm được khoản lớn chi phí nuôi heo và vịt.

Theo Thành, để bộ lông vịt mướt, đẹp và đạt chuẩn cung ứng cho đơn vị thu mua thì yếu tố chuồng trại được đặt lên hàng đầu, trong đó phải có sàn dưỡng lông cho vịt. Mặt sàn là lưới mềm chuyên dùng cho chăn nuôi. Sàn phải đảm bảo khô ráo, thoáng mát và thoát nước tốt để bộ lông không bị bết, dính. Nuôi vịt trên sàn lưới không chỉ kiểm soát dịch bệnh tốt mà còn đạt tỷ lệ sống cao, đàn vịt lớn đều, lông mướt, đẹp, dễ bán.

Bên cạnh đó, việc tiêm phòng vắc xin phải thực hiện định kỳ để đảm bảo phòng, chống các loại bệnh cũng như bổ sung vitamin nhằm tăng cường sức đề kháng cho vịt. Từ lúc vịt thả giống đến khi xuất chuồng trong vòng 2 tháng. Do đó, để đảm bảo có vịt xuất bán thường xuyên, Thành thực hiện nuôi gối đầu. Năm 2022, gia đình anh đã xuất bán 2 đợt gần 900 con với giá 60 ngàn đồng/con. Hiện anh đang nuôi gần 3.000 vịt con và dự kiến xuất bán đợt tiếp theo hơn 500 con. So với cách nuôi truyền thống thì phương thức nuôi vịt lấy lông đang được nông dân trong tỉnh triển khai và bước đầu mang lại thu nhập ổn định. Tuy nhiên, theo Thành, nuôi vịt lấy lông phải đảm bảo yếu tố chuồng trại, ao hồ để vịt phát triển đảm bảo chất lượng, cân nặng và có bộ lông đẹp đảm bảo xuất khẩu.

Đa dạng các mô hình

“Mô hình kinh tế của anh Thành hiện khá đa dạng, phù hợp với thanh niên nông thôn. Với lợi thế có ao, ngoài nuôi vịt, thả cá thì còn đảm bảo nguồn nước tưới cây trồng. Mô hình VAC không mới nhưng Thành đã biết nắm bắt lợi thế để trồng cây, nuôi con phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình. Đoàn xã cũng luôn đồng hành để hỗ trợ thanh niên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình”, chị Châu Thị Hồng, Bí thư Đoàn xã Đức Hạnh cho biết. Theo Tổ trưởng Tổ vay vốn thuộc Đoàn xã Đức Hạnh Nguyễn Minh Khánh,  Thành vay 120 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm và vệ sinh môi trường đầu tư nuôi vịt lấy lông. Kiểm tra các mô hình vay vốn giải quyết việc làm thường xuyên, tôi thấy mô hình phát triển kinh tế của Thành bước đầu thành công.

Để bộ lông vịt đạt chất lượng xuất khẩu thì yếu tố môi trường sống được  Thành rất chú trọng. Theo Thành, có diện tích mặt nước để vịt bơi lội, tỉa lông thì bộ lông sẽ đẹp mã hơn vịt nuôi trên cạn.

Thực hiện mô hình VAC, Thành còn nuôi 100 con heo rừng lai gồm cả heo nái và heo con. Thành cho biết, mỗi lứa heo đẻ 7-12 con; để phát triển đàn heo, mỗi lứa tôi đều giữ lại nuôi đến 20kg là xuất chuồng. Hiện giá bán heo khá ổn định, khoảng 80 ngàn đồng/kg. Tận dụng nguồn phế phẩm tại vườn nhà cho heo ăn nên chi phí mua cám rất thấp. Đặc biệt, thịt heo thơm  ngon được thương lái rất ưa chuộng. Nguồn phân heo được ủ bón cây trồng.

Trong khu vườn rộng 3ha, Thành còn dành một khu vực để trồng cây hoa giấy lấy gốc bán. Theo Thành, mỗi cây hoa chăm sóc, uốn nắn đủ 2 tuổi có thể bán. “Xuất thân làm nông dân nên tôi tận dụng phương châm “tấc đất, tấc vàng” để trồng cây này, nuôi con kia với tiêu chí lấy ngắn nuôi dài. Cũng có thất bại, nhưng từ thất bại sẽ cho mình kinh nghiệm để thành công. Đa dạng các mô hình cũng khá vất vả nhưng làm theo quy trình khép kín nên các mô hình tương trợ nhau cũng khá ổn định. Trước đây, gia đình cũng từng nuôi vịt thương phẩm, tuy nhiên đầu ra không có. Bây giờ, phát triển mô hình “nuôi vịt lấy lông” vì có đầu ra ổn định”, Thành chia sẻ. Được biết, năm 2022, mô hình kinh tế VAC của gia đình Thành đã thu  vài trăm triệu đồng, góp phần cải thiện cuộc sống.       

 

Ngọc Quế
Ý kiến bạn đọc
  • Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

    Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

    Theo đó, tại Kế hoạch số 145 ngày 17/4/2024 về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tỉnh Đồng Nai năm 2024, nhằm thực hiện việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, không đảm bảo nước tưới, năng suất thấp sang trồng các loại cây hàng năm, lâu năm và nuôi trồng thuỷ sản để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.

  • Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã và đang nỗ lực triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế, bước đầu đạt kết quả khả quan, tạo động lực cho người dân trong hành trình thoát nghèo.

  • Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị triển khai đề án sản xuất trồng trọt vụ hè thu-mùa năm 2024.

Top