Nhằm thúc đẩy, khuyến khích các chủ thể sản xuất mở rộng quy mô phát triển sản phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, xây dựng thương hiệu, các sở, ngành, địa phương đã có nhiều chương trình, dự án, đa dạng mô hình kinh tế nông nghiệp thúc đẩy kinh tế nông thôn khởi sắc.
Chăm sóc gà Mía tại Xí nghiệp Chăn nuôi gia cầm (Công ty Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội - Hadico). Ảnh: Trọng Đạt
Hà Nội: Nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo tồn nông sản bản địa
Trước tình hình nhiều giống cây trồng, vật nuôi có nguồn gốc bản địa bị suy thoái, mai một, thời gian qua, ngành Nông nghiệp, các địa phương và người dân trên địa bàn Hà Nội đã và đang phục hồi nguồn gen gốc, nhân giống và phát triển các giống bản địa. Việc này, không chỉ bảo tồn các loại đặc sản của từng địa phương, mà còn tạo ra sản phẩm hàng hóa cho giá trị kinh tế cao.
Từ xưa, rau muống tiến vua ở làng Linh Chiểu, xã Sen Phương (huyện Phúc Thọ) đã là sản vật ngon có tiếng. Đây là giống rau có ngọn to, dài, lá thưa, ăn giòn, ngọt. Chủ tịch UBND xã Sen Phương, huyện Phúc Thọ Nguyễn Văn Tín, cho biết, từ năm 2007, xã đã vận động người dân khôi phục giống rau muống tiến vua và mở rộng sản xuất. Đến nay, cả xã có 25ha trồng rau muống tiến vua theo quy trình VietGAP và được người dân tiêu thụ tại các bếp ăn tập thể, thị trường trong và ngoài huyện. Việc giữ gìn và phát triển giống rau quý hiếm này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Không chỉ các giống cây trồng, nhiều giống vật nuôi bản địa cũng được người dân và ngành Nông nghiệp phục tráng đưa vào sản xuất đại trà, cho hiệu quả kinh tế cao. Giám đốc Xí nghiệp Chăn nuôi gia cầm (Công ty Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội - Hadico) Nguyễn Duy Vụ cho biết, năm 2005, Bộ NN&PTNT đã đưa giống gà Mía vào danh mục nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần bảo tồn. Xí nghiệp Chăn nuôi gia cầm đang bảo tồn khoảng 10.000 con gà giống gốc thuần và mỗi năm xí nghiệp cung cấp khoảng 2 triệu con giống gà Mía... cho các trang trại, người chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố.
Nói về hiệu quả của giống gà Mía nuôi thương phẩm, ông Nguyễn Xuân Tứ ở xã Thụy An (huyện Ba Vì) chia sẻ, trang trại của gia đình ông đang nuôi 3 vạn gà Mía, mỗi năm xuất bán khoảng 100 tấn gà. Đây là giống gà bản địa ở xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) nên khỏe và thích nghi tốt với môi trường. Ngoài ra, chất lượng thịt thơm ngon, phù hợp với người tiêu dùng và giá gà Mía luôn ổn định.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn thành phố hiện có khoảng 30 giống cây trồng, vật nuôi đặc sản địa phương đã được xây dựng thương hiệu và được đưa vào danh mục nguồn gen cần bảo tồn, phát triển. Đây là điều kiện thuận lợi để các địa phương có giải pháp tăng diện tích, sản lượng, đưa nông sản trở thành sản phẩm chủ lực của Hà Nội, hướng tới xuất khẩu.
Hiện tại, nhiều giống cây trồng, vật nuôi bản địa của Hà Nội đã được người dân, chính quyền địa phương, ngành Nông nghiệp khôi phục, song quy mô còn nhỏ lẻ, hiệu quả chưa cao do chi phí đầu tư lớn, thị trường tiêu thụ chưa ổn định.
Thu hoạch rau muống tại làng Linh Chiểu, xã Sen Phương (huyện Phúc Thọ). Ảnh: Phạm Thảo
Để tháo gỡ khó khăn cho việc bảo tồn, phát triển các giống cây trồng, vật nuôi bản địa, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh cho rằng, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu, chọn lọc dòng gà Mía có khả năng sinh trưởng cao, nhằm bảo tồn nguyên vẹn vốn gen di truyền và tuyển lựa, duy trì, cải tạo nâng cao giá trị của các giống bản địa. Cùng với đó, các cơ quan hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp khác tại xã Đường Lâm phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái trong tổng thể du lịch Làng cổ Đường Lâm. Qua đó, cung cấp sản phẩm gà Mía cho hoạt động thương mại, du lịch, góp phần làm gia tăng giá trị hàng hóa sản phẩm.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Hà Nội đã và đang đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; đồng thời, bảo tồn, lưu giữ và phát triển các giống bản địa để phục vụ công tác lai tạo giống cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm ngày càng cao của thị trường. Sở cũng phối hợp với các địa phương nhân rộng các mô hình sản xuất giống cây trồng, vật nuôi bản địa theo chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất, sơ chế, bảo quản đến tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ người dân, hợp tác xã trong việc xây dựng thương hiệu, mã QR để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ đối với nông sản bản địa; tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại...
Còn Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Hồng Sơn cho biết, thời gian qua, viện phối hợp chặt chẽ với thành phố Hà Nội triển khai các chương trình nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để phát triển nông nghiệp, trong đó có nghiên cứu phục tráng nguồn gen cây trồng, vật nuôi bản địa… Tuy nhiên, Hà Nội cần đầu tư thêm nguồn lực, kinh phí để nhân rộng, đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào phục vụ sản xuất đại trà các loại đặc sản của địa phương.
“Để việc gìn giữ và phát triển giống cây trồng, vật nuôi bản địa hiệu quả, bền vững, thành phố Hà Nội cần xây dựng những chương trình nghiên cứu tổng thể về nguồn gen, mức độ di truyền, chất lượng sản phẩm... Đồng thời, mở các lớp tập huấn về sản xuất an toàn, hướng tới xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho những sản phẩm có nguồn gốc bản địa để hỗ trợ và thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân”, ông Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.
Đề án mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025 (Viết tắt là Chương trình OCOP) có sự lan tỏa mạnh mẽ, được triển khai đồng bộ, hiệu quả, là một trong những giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Hoa dạ yến thảo là sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao của xã Xuân Quan (Văn Giang)
Để Chương trình OCOP được thực hiện đạt kết quả cao, cùng với công tác chỉ đạo, điều hành; hoạt động tuyên truyền được các cấp chính quyền, các hội, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân và ngành chuyên môn tích cực phối hợp thực hiện. Trong đó, cấp phát 24.800 tờ rơi, 2.970 cuốn sổ tay giới thiệu, hướng dẫn về Chương trình OCOP. Tổ chức triển khai lồng ghép tuyên truyền về nội dung Chương trình OCOP cho hơn 4.000 lượt cán bộ, chủ thể sản xuất tham gia; tổ chức 30 lớp tập huấn và 2 hội nghị, hội thảo về Chương trình OCOP cho 4.270 người là thành viên ban chỉ đạo, tổ giúp việc cấp tỉnh, huyện, cán bộ cấp xã, chủ thể sản xuất; 12 hội nghị trực tuyến về phát triển sản phẩm OCOP, chuyển đổi số, cổng thông tin thương mại điện tử sản phẩm OCOP, bán hàng online, phát triển thị trường...
Với những giải pháp triển khai thực hiện, đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã đánh giá, xếp hạng và công nhận 199 sản phẩm OCOP, trong đó có 157 sản phẩm đạt hạng 3 sao và 42 sản phẩm đạt hạng 4 sao (trong đó có 1 sản phẩm đề xuất tiềm năng 5 sao). Có 76 chủ thể tham gia đánh giá, xếp hạng và được công nhận sản phẩm OCOP, gồm 43 hợp tác xã (HTX), 12 doanh nghiệp, 7 tổ hợp tác và 14 cơ sở sản xuất (hộ kinh doanh).
Nhằm thúc đẩy, khuyến khích các chủ thể sản xuất mở rộng quy mô phát triển sản phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, xây dựng thương hiệu, thiết kế bao bì sản phẩm, các sở, ngành, địa phương đã có nhiều chương trình, dự án, mô hình hỗ trợ. Trong đó, thực hiện hỗ trợ 15 mô hình phát triển, nâng hạng sản phẩm OCOP cho chủ thể sản xuất về máy móc, thiết bị, hạ tầng. Hỗ trợ thành lập mới 167 HTX nông nghiệp, thành lập mới 128 tổ hợp tác nông nghiệp; hỗ trợ xây dựng 4 mô hình HTX phát triển sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Sở Công Thương phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ xây dựng 7 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các chủ thể sản xuất về tem truy xuất nguồn gốc, bao bì sản phẩm, ứng dụng marketing trực tuyến. Các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho 31 sản phẩm chủ lực, đặc thù.
Trong hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm OCOP, toàn tỉnh hỗ trợ các chủ thể sản xuất tham gia hơn 50 hội nghị, hội thảo, diễn đàn, hội chợ... nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, qua đó góp phần, tăng tính cạnh tranh trên thị trường và bước đầu đã xuất khẩu một số sản phẩm OCOP. Điển hình như: Nhãn lồng Hưng Yên xuất khẩu sang thị trường Mỹ; bột nghệ của Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Đông, Trung Quốc; hạt sen, long nhãn của Công ty TNHH Lai Hoài xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc...
Giai đoạn 2018 - 2022, tổng kinh phí thực hiện Chương trình OCOP là hơn 2.753 tỷ đồng, trong đó kinh phí ngân sách tỉnh hỗ trợ trực tiếp và qua các đề án, dự án trên 26 tỷ đồng; huy động kinh phí từ các chủ thể đầu tư mua sắm máy, thiết bị, hạ tầng giao thông, ứng dụng khoa học kỹ thuật bao bì, nhãn hiệu hàng hóa hơn 2.727 tỷ đồng.
Sản phẩm OCOP của Công ty TNHH sản xuất – thương mại và xuất khẩu nông sản Việt Vinagri (Khoái Châu).
Chương trình OCOP đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về phát triển sản phẩm đặc sản gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP. Toàn tỉnh có 25 sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận như: Nhãn lồng Hưng Yên, nghệ Chí Tân (Khoái Châu), chuối tiêu hồng Khoái Châu, vải lai chín sớm Phù Cừ, vải trứng Hưng Yên, long nhãn Hưng Yên… Từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất VietGAP, theo hướng liên kết chuỗi giá trị, gắn với vai trò của các HTX, doanh nghiệp; góp phần thúc đẩy hình thành 180 mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, Chương trình OCOP tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững. Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, tạo điều kiện cho các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu.
Qua đánh giá, có khoảng 60% số chủ thể sản xuất có sản phẩm đạt hạng từ 3 sao trở lên có doanh thu bình quân tăng khoảng 16%/năm, giá bán tăng bình quân khoảng 12%; thị trường tiêu thụ được mở rộng. Sản phẩm OCOP được quảng bá, giới thiệu, bán trên các sàn thương mại điện tử như: Lazada.vn, Shopee.vn, Sendo.vn, Voso.vn, trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook... từ đó mở rộng, đa dạng số lượng khách hàng, thị trường, giá trị thương hiệu được nâng cao. Chương trình OCOP góp phần bảo tồn và phát huy các làng nghề, làng nghề truyền thống, giá trị văn hóa để phát triển kinh tế nông thôn. Xu hướng sản phẩm OCOP gắn với các mô hình du lịch nông thôn, du lịch làng nghề đang từng bước được triển khai thực hiện tại một số địa phương.
Thanh Hóa: Đa dạng các mô hình kinh tế nông nghiệp
Hàng năm, diện tích nhiều loại cây trồng trên địa bàn xã Quang Trung (Ngọc Lặc) cơ bản hoàn thành và vượt kế hoạch, sản lượng lương thực có hạt đạt khoảng 3.660 tấn/năm. Xác định việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng có vai trò quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng và xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất.
Từ năm 2020 đến tháng 5-2023, toàn xã đã chuyển đổi hơn 50 ha đất sản xuất nông nghiệp hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây cho giá trị kinh tế cao hơn. Cùng với đó, xã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận với các nguồn vốn vay để phát triển các mô hình trang trại, gia trại. Đến nay, xã đã có nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng.
Mô hình nuôi chim bồ câu Pháp ở thôn Lưu Phúc, xã Quang Trung (Ngọc Lặc) cho hiệu quả kinh tế cao.
Tiêu biểu như trang trại trồng mít Thái của hộ ông Nguyễn Vĩnh Thanh, thôn Quang Thái Bình với quy mô diện tích 12 ha. Trang trại tổng hợp của hộ ông Phạm Vương Thư, thôn Thuận Hòa với 8,5 ha trồng dứa gai, bưởi, sắn dây, nghệ, keo, luồng,... Trang trại tổng hợp của hộ ông Bùi Văn Quang, thôn Thuận Hòa với 5 ha trồng các loại cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản. Trang trại tổng hợp của hộ ông Phạm Văn Dụng, thôn Bái E với 3 ha trồng keo, luồng và chăn nuôi trâu bò. Mô hình nuôi chim cút thịt của hộ ông Hà Minh Hiếu, thôn Quang Thái Bình với quy mô nuôi hơn 500 con/lứa, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Mô hình chăn nuôi gà thịt của hộ ông Bùi Hồng Sỹ với số lượng 3.000 con...
Ngoài ra, trên địa bàn xã còn một số mô hình chăn nuôi gà thịt quy mô lên tới hàng nghìn con/lứa... Những mô hình này đang mang lại hiệu quả kinh tế cao từng bước giúp người dân xã Quang Trung vươn lên làm giàu từ sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Không những thế, các mô hình kinh tế này còn giải quyết việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững ở địa phương. Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 54 triệu đồng/năm. Nhằm ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của địa phương, xã đang vận động phát triển các mô hình sản xuất và chế biến sâm mật ong lên men và sản phẩm chế biến từ quả mít thành sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện.
Ông Phạm Tuấn Anh, Bí thư Đảng ủy xã Quang Trung, cho biết: Địa phương xác định phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, xã chú trọng thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn những giống cây, con có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao để đưa vào sản xuất. Đồng thời, xã khuyến khích người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với việc thực hiện chương trình sản phẩm OCOP. Các mô hình kinh tế nông nghiệp tại xã đang phát triển theo hướng tập trung, sản xuất hàng hóa và phát huy được lợi thế đất đai./.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.