Trải qua môi trường quân ngũ, được rèn luyện tính kỷ luật, kiên trì, gương mẫu..., đảng viên Lò Láo Lở, hội viên Hội cựu chiến binh xã Bản Xèo (Bát Xát - Lào Cai), đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mặt hàng nông sản thế mạnh của địa phương, làm giàu chính đáng và trở thành gương sáng về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Không có việc gì khó…
Ấn tượng đầu tiên khi tôi đặt chân đến gia đình anh Lò Láo Lở (thôn San Lùng, xã Bản Xèo) là mùi thơm ngọt nhẹ, phảng phất tỏa ra từ những hạt thóc đang phơi trước sân nhà. Qua câu chuyện cởi mở của anh, chúng tôi được biết, người Dao đỏ ở San Lùng từ xưa đã có nghề nấu rượu thóc, ủ bằng men lá. Anh cũng không biết nghề này có từ bao giờ, chỉ nhớ từ lúc còn rất nhỏ đã thấy ông nội nấu rượu, rồi bố anh cũng học nghề từ ông và truyền dạy lại cho các con. Vì hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên bản thân anh phải nghỉ học sau khi học hết lớp 9 và trở thành một trong những lao động chính trong nhà. Đến khi trưởng thành, lập gia đình, với bàn tay lao động của đôi vợ chồng trẻ, cuộc sống cũng được coi là tạm đủ.
Năm 2007, chàng trai trẻ Lò Láo Lở tròn 22 tuổi, hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương và đặt quyết tâm phải làm giàu ở chính nơi mình đang sinh sống, phải bám trụ tại đây, gây dựng nền tảng cho các con sau này có điều kiện học tập và phát triển.
Luộc thóc là công đoạn đầu tiên của quy trình nấu rượu.
Bằng kinh nghiệm sống, những kiến thức, kỹ năng học được, anh Lở bắt đầu từ việc duy trì nghề nấu rượu thủ công, lúc đầu chỉ nấu để phục vụ các đám cưới, đám hỏi trong thôn, trong xã, bán lẻ tại chợ Bản Xèo, chợ Mường Hum. Đến năm 2008, khi làng nghề nấu rượu San Lùng chính thức được công nhận và hoạt động ổn định, có đầu ra bảo đảm, anh cùng các hộ dân khác trong thôn ký cam kết cung cấp rượu số lượng lớn và hợp tác lâu dài với doanh nghiệp thu mua, lúc đấy rượu của người dân quê anh mới được nhiều người biết đến.
Bã rượu được phơi khô rồi nghiền nhuyễn dùng làm thức ăn chăn nuôi.
Với anh Lở, nấu rượu không có gì khó cả, quan trọng là cách sử dụng các nguyên liệu, lựa chọn thóc, lá cây rừng làm men, thời gian ủ lên men phù hợp,... và một yếu tố quan trọng nữa chính là nguồn nước dùng để nấu rượu. Anh cho hay: “Nước dùng để nấu rượu thóc San Lùng được dẫn về các hộ gia đình từ đầu nguồn trên đỉnh núi cao nhất của thôn, nước rất trong và mát, có như vậy mới cho ra được những giọt rượu có mùi thơm và vị ngon đặc trưng mà không nơi nào có được. Trung bình cứ 2 tháng thì đơn vị thu mua sẽ đến tận thôn để lấy rượu. Mỗi lần như vậy, anh Lở xuất bán khoảng 1.200 lít và thu về trên 30 triệu đồng”.
Cùng với việc nấu rượu hàng ngày, anh Lở tận dụng bã rượu để nuôi lợn, gà, trâu sinh sản... Với mức thu nhập khá đều, cuộc sống của gia đình anh ngày một ổn định, các con được đi học đến nơi đến chốn.
Là người năng động, nắm bắt nhu cầu thị trường, nhận thấy chăn nuôi đại gia súc còn rất tiềm năng, anh Lở mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô. Từ những cặp trâu, bò giống đầu tiên đưa về nuôi năm 2019, qua mỗi năm đều xuất bán bò giống, bò thịt, đến nay đàn bò của anh có 16 con, nhờ được chăm sóc tốt, có đủ thức ăn, được tiêm phòng định kỳ nên đàn bò khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển tốt; mới đây anh tiếp tục đầu tư xây chuồng và nhập về 3 con ngựa giống để nuôi thử nghiệm.
Anh chia sẻ: “Ở đây khí hậu mát mẻ, lại có đất đồi để trồng cỏ voi nên bò và ngựa không bao giờ lo thiếu thức ăn, cán bộ thú y luôn hỗ trợ kịp thời khi mình cần nên chăn nuôi rất yên tâm. Đôi khi giá bán không được ổn định, phụ thuộc vào thị trường, có lên, có xuống nhưng nói chung vẫn có lãi, không lo bị lỗ”.
Người nói được, làm được
Gần 20 năm kể từ ngày anh Lở lấy vợ, làm nhà ở riêng, nhờ chăm chỉ, chịu khó, anh chị đã có cuộc sống khá giả, thu nhập từ nấu rượu và chăn nuôi mỗi năm trên 200 triệu đồng. Khoản tiền này, ngoài việc dùng để đầu tư tiếp tục sản xuất, chăn nuôi, phần lớn anh dùng để trang trải cho các con ăn học. Là người được rèn luyện qua môi trường quân ngũ nên anh nhận thức rõ tầm quan trọng của việc học, bởi theo anh, chỉ có đi học thì mới hiểu biết, mới nhận thức đúng, mới có thể giúp bản thân tiến bộ. Vì thế, lúc các con nhụt trí, anh luôn là người động viên, nhắc nhở con phải cố gắng học cho tốt để sau này có đủ kiến thức lập nghiệp, làm công dân có ích. Gia đình anh Lở, chị Mẩy trở thành hình mẫu mà nhiều đôi bạn trẻ mong muốn học tập.
Anh Lở chăm sóc đàn bò của gia đình.
Ở thôn San Lùng, anh Lở là người có “tiếng nói” bởi anh nói được, làm được, luôn đi đầu trong các phong trào thi đua phát triển kinh tế, chung tay xây dựng nông thôn mới. Trong thôn, hộ nào có khó khăn về con giống hay kỹ thuật chăn nuôi, cần sự hỗ trợ, anh luôn sẵn sàng giúp đỡ. Anh nói với chúng tôi: Đồng bào mình vẫn còn nhiều người chưa biết cách phát huy nội lực để phát triển kinh tế, đầy lùi cái nghèo, tôi có cuộc sống khá giả hơn nên muốn giúp để mọi người cùng biết cách làm ăn, làm ra nhiều của cải để có cuộc sống đầy đủ hơn, ổn định hơn.
Ông Phan Văn Lân, Bí thư Đảng ủy xã Bản Xèo, nhận xét: Anh Lò Láo Lở là tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Anh cùng với Hội Cựu chiến binh, Chi bộ, Ban công tác Mặt trận thôn San Lùng luôn sát sao, gương mẫu đi đầu trong việc tuyên truyền, vận động người dân nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Dao đỏ, chung sống hòa thuận, đoàn kết với các dân tộc khác, cùng nhau xóa bỏ tập quán lạc hậu, không mắc các tệ nạn xã hội, thi đua phát triển kinh tế và đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, đảng viên, cựu chiến binh Lò Láo Lở đã và đang góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Dao đỏ San Lùng, tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội cụ Hồ” trong thời kỳ đổi mới. Với những đóng góp quan trọng ấy, anh Lở vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai tặng Bằng khen tại Hội nghị tuyên dương Gia đình văn hóa tiêu biểu giai đoạn 2018 - 2023.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.