Hiện, các địa phương ở phía Bắc đang thúc đẩy phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Các địa phương đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Bắc Ninh: Thành công với nông nghiệp công nghệ cao
Diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, được ngành Nông nghiệp xác định việc nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế từ sản xuất nông nghiệp là xu hướng tất yếu. Qua đó, bảo đảm an ninh lương thực và đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội chung của tỉnh.
Nếu như 3 năm trước, trang trại quy mô gần 7ha của HTX sản xuất dịch vụ thương mại nông nghiệp sạch Bình Dương (Gia Bình) chủ yếu vẫn sản xuất theo phương pháp truyền thống thì nay đang dần được thay thế bởi những khu nhà kính, nhà màng hiện đại, áp dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật như chăm sóc, tưới và kiểm soát nhiệt độ, nâng cao năng suất, đặc biệt là sản xuất được những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao mà canh tác truyền thống không thể làm được.
Theo bà Vũ Thị Sử, Giám đốc HTX sản xuất dịch vụ thương mại nông nghiệp sạch Bình Dương: Giá trị cốt lõi của chuyển đổi số trong nông nghiệp hiện nay là đưa được những giải pháp công nghệ đột phá dựa trên nền công nghệ số đến người sản xuất nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị cao hơn, sản xuất hiệu quả hơn. HTX ứng dụng Big Data vào phân tích các dữ liệu về môi trường, loại cây và theo dõi quá trình cây lớn và phát triển… Với những tem nhãn được dán trên sản phẩm nông sản của trang trại thì mỗi người tiêu dùng có thể truy xuất các thông số này theo thời gian để biết thêm thông tin về sản phẩm mình sử dụng.
Bà Nguyễn Thị Trâm, xã Minh Tân (huyện Lương Tài) cũng thành công từ mô hình sản xuất nông sản sạch theo hướng công nghệ cao. Nhờ chủ động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào quy trình sản xuất, năm 2015, mô hình trang trại trồng măng tây của gia đình bà Trâm là một trong 2 cơ sở sản xuất nông nghiệp đầu tiên của tỉnh được cấp Giấy chứng nhận VietGAP. Sau đó, gia đình thuê thêm 5 ha đất tại địa phương để xây dựng mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, đưa các thiết bị cơ giới hóa như máy xới, máy lên luống, hệ thống tưới phun, hệ thống tưới nhỏ giọt, khung vòm nhà lưới vào sản xuất. Với việc đầu tư công nghệ cao, đến nay, mô hình sản xuất nông sản của gia đình có 4 sản phẩm góp mặt trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh. Một số sản phẩm của trang trại được tiêu thụ tại các siêu thị lớn như Winmart, Big C.
Toàn tỉnh hiện có hàng trăm mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, đến nay có 8 vùng sản xuất rau quả, 5 vùng sản xuất lúa an toàn đạt tiêu chuẩn VietGap, tổng diện tích 110 ha; 28 mô hình sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà kính với tổng diện tích khoảng 23 ha; 72 trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, tổng diện tích 161,65 ha. Nhiều cơ sở ứng dụng công nghệ tự động hóa toàn bộ quá trình sản xuất, quản lý đàn giống... Ngoài ra, 165 vùng nuôi cá trong ao đất (quy mô 10 ha trở lên) tổng diện tích 3.229 ha (trong đó có 11 cơ sở nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGap), cho thu nhập 250 triệu đồng/ha/năm...
Có được kết quả trên là do tỉnh thực hiện nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút, khuyến khích thành lập các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Theo đó, các mô hình đầu tư sản xuất ứng dụng công nghệ cao được vay vốn với lãi suất ưu đãi; được hỗ trợ thuê đất, giải phóng mặt bằng.
Để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế từ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngành Nông nghiệp tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thu hút nguồn lực để phát triển theo hướng bền vững, tạo ra những sản phẩm giá trị, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động trong khu vực nông nghiệp. Tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước như: vay vốn ngân hàng, hỗ trợ giống, vật tư, kinh phí thực hiện dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp, chuyển giao, ứng dụng công nghệ, nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ của các mặt hàng nông sản; tập trung quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng tập trung, quy mô lớn phù hợp với điều kiện tự nhiên và lợi thế của từng vùng. Rà soát, bổ sung các chính sách để khuyến khích hỗ trợ các tổ chức cá nhân, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tạo điều kiện để các cơ sở tham gia các loại hình bảo hiểm nông nghiệp nhằm giảm rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, thị trường gây ra, tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp khôi phục sản xuất.
Thanh Hóa: Để những mô hình không “chết yểu”
Những năm qua việc hình thành và nhân rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp nhằm đưa các loại cây, con mới vào sản xuất không những thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp, mà còn giúp nhiều hộ dân nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều mô hình đã được nhân rộng thì vẫn còn không ít mô hình không phát huy được hiệu quả, chỉ duy trì trong thời gian ngắn, gây rủi ro và làm ảnh hưởng đến tâm lý của người dân.
Mô hình trồng dưa Kim Hoàng Hậu của chị Lê Thị Tuyết ở xã Xuân Hòa (Thọ Xuân) mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Với đặc tính dễ nuôi, cho giá trị kinh tế cao, nên trước đây rùa câm được nhiều hộ gia đình ở xã Thiệu Hợp (Thiệu Hóa) lựa chọn là con nuôi để phát triển kinh tế hộ. Thời điểm mô hình được nhân rộng, toàn xã có gần 170 hộ nuôi rùa kết hợp ba ba, mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. Ông Đỗ Hữu Thịnh, một trong những hộ nuôi rùa câm đầu tiên trên địa bàn xã, cho biết: Rùa câm là loại động vật hoang dã dễ sống, tạp ăn, ít bệnh tật, phát triển nhanh, chịu rét rất tốt, thức ăn chính là giun, nhái đồng, cá tạp... Chính vì những đặc điểm đó cùng với giá bán cao nên gia đình ông đã mạnh dạn mở rộng quy mô.
Thời điểm đó đàn rùa câm của gia đình ông Thịnh được các nhà hàng trên địa bàn tỉnh tìm mua với số lượng lớn mà không cần phải tìm kiếm nơi tiêu thụ. Tuy nhiên, khoảng 3 năm gần đây giá rùa câm giảm sâu mà vẫn không có người mua, trong khi số rùa thương phẩm và rùa con sinh sản ngày một tăng lên.
Chủ tịch UBND xã Thiệu Hợp Phùng Bá Duy cho biết: Trước thực trạng đầu ra của rùa câm gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ gia đình đã phải giảm đàn hoặc bán rẻ con giống để dừng sản xuất. Bên cạnh rùa câm, một số con nuôi đặc sản trên địa bàn xã như ba ba cũng gặp tình trạng tương tự. Hiện toàn xã chỉ còn khoảng 100 hộ đang duy trì mô hình nuôi con đặc sản với quy mô nhỏ lẻ, với số lượng đàn đã giảm hơn nhiều so với trước đây. Nguyên nhân được xác định là sản phẩm phần lớn được xuất sang thị trường Trung Quốc nên đầu ra bị phụ thuộc, thường hay xảy ra tình trạng “được mùa, mất giá”.
Không thể phủ nhận, việc phát triển mô hình nuôi con nuôi đặc sản có thời điểm mang lại thu nhập rất cao cho người dân, tuy nhiên, nếu nuôi theo phong trào mà không quan tâm đến đầu ra thì sản phẩm con nuôi đặc sản rơi vào cảnh ế ẩm, dư thừa, rớt giá là không thể tránh khỏi.
Những năm gần đây, mô hình trồng dưa Kim Hoàng Hậu được người dân ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh như Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Yên Định... đầu tư nhân rộng. Mô hình bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Dưa được trồng trong nhà lưới nên năng suất, chất lượng mẫu mã đẹp, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên được thị trường ưa chuộng. Bên cạnh đó, một số địa phương đã xây dựng dưa Kim Hoàng Hậu thành sản phẩm đặc trưng và có đầu ra ổn định. Không thể phủ nhận hiệu quả kinh tế mà mô hình dưa Kim Hoàng Hậu mang lại, tuy nhiên cũng có không ít mô hình đã không mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Chị Lê Thị Tuyết - một trong những hộ dân đã có nhiều năm kinh nghiệm trồng dưa trong nhà lưới tại xã Xuân Hòa (Thọ Xuân) cho biết: Để mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, người dân phải nắm vững kỹ thuật trồng và chăm sóc, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, vốn đầu tư lớn, từ 300 đến 500 triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng cho 1.000m2. Bên cạnh đó, khi mô hình được nhân rộng ồ ạt, nếu sản phẩm không đạt chất lượng, đầu ra không ổn định thì sẽ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, giá sản phẩm giảm. Mặt khác, một số hộ còn làm theo phong trào, chưa quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, dẫn đến khó khăn cho sản xuất.
Có thể nói, xây dựng và phát huy hiệu quả các mô hình sản xuất có ý nghĩa quan trọng đối với các địa phương. Vì vậy, để các mô hình sản xuất nông nghiệp được nhân rộng và phát huy hiệu quả, các địa phương cần quan tâm rà soát các mô hình trên địa bàn để có kế hoạch quản lý, định hướng phát triển, tránh việc phát triển ồ ạt, theo phong trào. Đối với các mô hình triển vọng cần tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. Trong đó, ưu tiên các mô hình sản xuất an toàn, ứng dụng khoa học- kỹ thuật, bảo vệ môi trường, chăn nuôi an toàn dịch bệnh... nhất là phát triển các mô hình gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tạo ra sản phẩm nông nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường. Hàng năm, các địa phương cần tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật mới trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cho người dân; đồng thời, tiếp nhận khảo nghiệm, chuyển giao nhanh các giống cây, con có năng suất cao, chất lượng tốt để người dân đưa vào sản xuất.
Hà Nội: Ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, mở hướng phát triển mới
Hiện, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã, đang phối hợp với các địa phương đưa công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp. Hiệu quả đạt được từ việc này đã mở ra hướng phát triển mới, khắc phục tình trạng thiếu lao động, thay đổi nhận thức của người nông dân, nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đã đưa công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp thông minh, cho hiệu quả kinh tế cao. Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) Vũ Thị Huyền, hợp tác xã đang quản lý và tổ chức sản xuất lúa hữu cơ, bưởi hữu cơ và rau an toàn trên diện tích 70ha đất nông nghiệp.
Chuẩn bị phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái tại xã Dị Nậu (huyện Thạch Thất). (Ảnh: Vũ Vân)
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, hợp tác xã đã đưa công nghệ 4.0 vào quản lý, giám sát vùng sản xuất được triển khai trên quy mô 20ha; trong đó, camera được lắp đặt trên cánh đồng, thông tin về ngày xuống giống, bón phân, chăm sóc đều được ghi chép đầy đủ, thông qua nhật ký điện tử Egap…
Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan thông tin, với sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT và Công ty cổ phần NICOTEX Hà Nội, vụ xuân 2023, nông dân trên địa bàn đã được giới thiệu và trải nghiệm thiết bị bay không người lái 3 trong 1 (gieo giống, bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật). Việc phun thuốc bằng thiết bị bay không người lái đã giúp giảm lượng thuốc khoảng 20-30% so với phun bằng tay và giảm công lao động, tiết kiệm thời gian.
Trung bình mỗi ngày, máy có thể phun được 30-40ha, tương đương khoảng 20 nhân công lao động, tiết kiệm chi phí khoảng 2-3 triệu đồng/ha. Ngoài ra, nông dân không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế thấp nhất việc phơi nhiễm thuốc bảo vệ thực vật và giải được bài toán thiếu nhân công lao động, góp phần bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường. Không những vậy, cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao.
Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ mới đã giúp gia tăng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, giúp người nông dân thoát cảnh “chân lấm, tay bùn” và hơn hết là bảo vệ người tiêu dùng. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, Hà Nội có diện tích đất nông nghiệp lớn, mỗi năm trồng tới 150.000ha lúa; trong khi đó nguồn lao động cho ngành Nông nghiệp ngày càng khó khăn, do chuyển dịch lao động sang làng nghề, dịch vụ, dẫn tới diện tích đất nông nghiệp không canh tác ngày một gia tăng.
Chính vì vậy, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các địa phương hỗ trợ nông dân đưa công nghệ 4.0 vào sản xuất, như: Máy cấy, mạ khay, máy phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái… Điều quan trọng, việc áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất đã giúp cho nông dân, hợp tác xã quản lý nhật ký đồng ruộng, thực hiện các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc nông sản, xây dựng mã vùng trồng…, mở ra hướng phát triển mới cho nông nghiệp Hà Nội.
Việc áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp là rất tốt, song chi phí ban đầu cho đầu tư máy móc, công nghệ lớn, nên các ngành chức năng cần tham mưu cho thành phố có chính sách hỗ trợ. Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thắng (xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên) Nguyễn Văn Mạnh, trong thời gian tới, các ngành chức năng cần tiếp tục mở các lớp tập huấn kiến thức và kỹ năng cho nông dân trong ứng dụng các thành quả của nông nghiệp 4.0 vào sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ về vốn vay với lãi suất ưu đãi cho các hợp tác xã trong phát triển và ứng dụng công nghệ 4.0 ở tất cả các lĩnh vực trong chuỗi sản xuất cung ứng, tiêu thụ nông sản.
Ứng dụng các công nghệ hiện đại đã mang lại hiệu quả trong sản xuất, không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm số lượng nhân công, mà còn nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm. Do đó, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 70% tổng sản phẩm nông nghiệp toàn thành phố. Cùng với đó, đẩy mạnh việc tiếp cận và làm chủ một số công nghệ cao để có thể ứng dụng vào điều kiện cụ thể của Hà Nội trong sản xuất giống, canh tác và sơ chế sản phẩm nông nghiệp, ứng dụng trong điều hành, quản lý sản xuất theo chuỗi giá trị.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, từ thực tiễn sản xuất, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tham mưu thành phố xây dựng các chương trình hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp, nhằm sản xuất các sản phẩm hàng hóa có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao. Mặt khác, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn để người dân hiểu và tham gia vào mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0. Các địa phương cũng cần tập trung phát triển nông nghiệp theo quy hoạch, hình thành những vùng sản xuất quy mô lớn, tạo thuận lợi cho áp dụng công nghệ 4.0 vào đồng ruộng./.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.