Vụ điều năm nay khá khó khăn với nông dân trên địa bàn tỉnh Bình Phước khi điều vừa mất mùa, vừa mất giá.
Tuy nhiên, một số vùng trồng điều ở xã Bình Thắng (huyện Bù Gia Mập) vẫn được mùa. Ngoài thuận lợi về thời tiết, việc quan tâm, chăm sóc vườn thường xuyên cũng là yếu tố quan trọng giúp nông dân Bình Thắng vững tin với cây điều.
Năm nào cũng được mùa
Đã vào cuối vụ nhưng vườn điều của gia đình ông Vũ Đình Thoản (thôn 7, xã Bình Thắng) còn nhiều trái trên cây. Dưới đất, điều chín rụng thành từng vạt lớn nhưng gia đình ông chưa đủ công để lượm. Vụ mùa năm nay, vườn điều của gia đình ông đã hơn 20 năm tuổi nhưng vẫn đạt năng suất trung bình 2-2,5 tấn/ha, cao hơn so với năm 2022.
Được chăm sóc kỹ, bón phân, xịt thuốc đúng thời điểm nên vụ mùa năm nay, vườn điều của gia đình ông Vũ Đình Thoản dù đã hơn 20 năm tuổi vẫn đạt năng suất trung bình từ 2-2,5 tấn/ha.
“Ngay từ đầu vụ, tôi đã nhận định năm nay sẽ được mùa. Tuy nhiên, sau một thời gian thấy bông không đậu trái tôi cũng lo lắng. Thế nhưng vào vụ thì bông đạt và sai trái, không chỉ tôi mà bà con nông dân ở đây ai cũng mừng”, ông Thoản chia sẻ.
Gắn bó với cây điều hàng chục năm nay, kinh nghiệm từ việc chăm sóc cộng với thời tiết thuận lợi giúp gia đình ông có thêm một năm được mùa. “Vườn điều của gia đình tôi và người dân ở đây đạt năng suất cao nên luôn được mọi người quan tâm, học hỏi. Chúng tôi chăm sóc rất kỹ, bón phân, xịt thuốc đúng thời điểm nên tỷ lệ đậu trái cao”, ông Thoản cho biết.
Theo các hộ dân trồng điều ở xã Bình Thắng, thời tiết ở khu vực này thuận lợi hơn so với các vùng khác. Thời điểm cây điều ra bông, đậu trái mưa ít, không gây ảnh hưởng quá nhiều. Hơn nữa, người dân cũng rất quan tâm chăm sóc, thường xuyên bón phân, tỉa cành, tạo tán cho cây. Khi xuất hiện sâu bệnh, nông dân xử lý ngay nên không bị thiệt hại quá nhiều. Ông Lê Lộc (thôn 1, xã Bình Thắng) chia sẻ: “Mình phải áp dụng khoa học kỹ thuật, phun thuốc diệt trừ sâu bệnh hợp lý. Một vụ mình phun thuốc 6 đợt, có khu vực 7 đợt, bón phân 2 lần nên điều mới đạt năng suất”.
Gia đình ông Lộc là một trong những hộ trồng điều có tiếng ở xã Bình Thắng bởi vườn điều nhà ông hầu như năm nào cũng được mùa. “Mình phải thăm vườn thường xuyên, phát hiện sâu bệnh thì xử lý ngay. Chỉ chậm trễ 1-2 ngày là sẽ thiệt hại. Bình quân vườn điều của gia đình đạt 3 tấn/ha trở lên, có năm đạt 4 tấn/ha”, ông Lộc tự tin nói.
Gia đình ông Lê Lộc thu hoạch những trái điều cuối vụ còn lại để chuẩn bị dọn vườn, tiếp tục chăm sóc cây điều cho mùa vụ sau.
Trồng điều đúng kỹ thuật
Ông Hồ Thanh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Thắng, cho biết: Hội thường xuyên đi học tập kinh nghiệm và tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật cho nông dân cũng như tuyên truyền, hỗ trợ bà con tiếp cận, áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc vườn điều để nâng cao năng suất và sản lượng. Do vậy, diện tích điều trên địa bàn xã qua từng năm vẫn được duy trì và không có nhiều biến động.
Xã Bình Thắng hiện có hơn 2.000ha điều. Theo đánh giá, năng suất trung bình của vụ điều năm nay trên địa bàn xã đạt hơn 2 tấn/ha, khu vực có chất đất tốt đạt hơn 3 tấn/ha. Đây là cơ sở để nông dân Bình Thắng tự tin tiếp tục gắn bó với cây điều.
Kinh nghiệm của người trồng điều ở xã Bình Thắng cho thấy, trồng điều đúng kỹ thuật sẽ giúp cây phát triển tốt, đem lại năng suất cao và thu nhập cao cho bà con nông dân. Trong điều kiện diễn biến thời tiết ngày càng khó đoán như hiện nay, việc chăm sóc đạt tiêu chuẩn sẽ giúp cây trồng bớt phụ thuộc vào thời tiết, người dân yên tâm hơn với cây điều.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.