Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 6 tháng 12 năm 2022 | 15:47

Để trái cây cho “quả ngọt” bền vững

Sau hơn 20 năm phấn đấu, đến nay, trái cây Việt đã có mặt tại trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng cả về thị trường, chủng loại, số lượng và kim ngạch.

Theo Quyết định số 4085/QĐ-BNN-TT ngày 27/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030, mục tiêu đặt ra là, đến năm 2025, diện tích cây ăn trái cả nước đạt 1,2 triệu hecta với sản lượng 14 triệu tấn; trong đó, 14 loại cây ăn trái chủ lực (thanh long, xoài, chuối, vải, nhãn, cam, bưởi, dứa, chôm chôm, sầu riêng, mít, chanh leo, bơ, na) đạt 960.000 ha với sản lượng khoảng 11-12 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD; và đến năm 2030, diện tích cây ăn trái cả nước đạt 1,3 triệu hecta, sản lượng trên 16 triệu tấn; trong đó, diện tích 14 loại cây ăn trái chủ lực 1 triệu hecta, sản lượng khoảng 13-14 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu khoảng 6,5 tỷ USD.

Nhiều chuyên gia nhận định, dư địa tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu sản phẩm từ kinh tế vườn nói chung và trái cây nhiệt đới của ta là rất lớn, nếu tận dụng tốt mọi yếu tố thuận lợi từ các FTA và khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu ít quốc gia có được với tư duy mới, cách làm mới, tầm nhìn xa.

Sau hơn 20 năm phấn đấu, đến nay, trái cây Việt đã có mặt tại trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng cả về thị trường, chủng loại, số lượng và kim ngạch. Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới, xuất khẩu trái cây vẫn đạt kim ngạch 3,55 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2020. Nếu tính thêm một số sản phẩm từ kinh tế vườn như cà phê trên 3,6 tỷ USD, hồ tiêu trên hơn 1 tỷ USD,... thì con số cao hơn rất nhiều.

Thế giới gọi thanh long là “siêu trái cây”, Việt Nam đứng đầu về xuất khẩu.

Trong 10 tháng qua, xuất khẩu trái cây đạt 2,8 tỷ USD, tuy thấp hơn cùng kỳ nhưng ngành hàng trái cây được chuyên gia ngành nông nghiệp coi là năm thắng lợi nhất. Nói vậy vì trong năm 2022, thêm 5 mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch vào những thị trường lớn và khó tính (sầu riêng vào Trung Quốc, nhãn vào Nhật Bản, bưởi vào Hoa Kỳ, và chanh, bưởi vào New Zealand).

Như vậy, cho đến nay, Trung Quốc cho phép 11 loại trái cây vào thị trường; Hoa Kỳ cho phép 7 loại; Nhật Bản cho phép 8 loại; Hàn Quốc cho phép 6 loại; Australia cho phép 4 loại; New Zealand cho phép 5 loại; từ khi thực hiện EVFTA, mặt hàng rau quả của ta vào thị trường EU tăng trưởng khá nhanh, có tới 150 sản phẩm các loại, cả tươi, chế biến, đông lạnh có mặt tại thị trường này, chủ yếu là thanh long, xoài, chanh leo, dừa, dứa, bưởi, chôm chôm, sầu riêng, chuối, măng cụt, mãng cầu, vải, chanh,...

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, dù là chuyện cũ nhưng tính thời sự rất cao, cần phải cảnh báo. Đó là mở rộng sản xuất theo phong trào, phát triển tự phát, không theo quy hoạch chung; việc triển khai quy hoạch, kế hoạch không đồng bộ, liên kết chưa chặt chẽ; việc thực hiện quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, truy xuất nguồn gốc, sản xuất xanh,... chưa được giám sát chặt chẽ và thường xuyên.

Theo đó, các chuyên gia khuyến cáo: Công tác tuyên truyền  về tiêu chuẩn nông sản nói chung và tiêu chuẩn của từng thị trường nói riêng phải là công việc thường xuyên, liên tục để mọi người sản xuất cùng biết, cùng thực hiện và giám sát nhau.

Thứ hai, để xuất khẩu chính ngạch, sản phẩm phải được cấp mã số vùng trồng. Nếu mở rộng sản xuất tự phát, manh mún thì việc cấp mã số vùng trồng là rất khó vì điều kiện đầu tiên là phải đạt tối thiểu 10ha, trồng một loại cây với cùng một quy trình sản xuất. Do đó, mọi việc phải bắt đầu từ quy hoạch gắn với thị trường và xây dựng điều kiện để được cấp mã số vùng trồng. Đồng thời, chuẩn bị luôn việc xây dựng cơ sở sơ chế, bao gói cũng được cấp mã số.

Thứ ba, việc quản lý mã số vùng trồng cần chặt chẽ hơn để không còn tình trạng “mượn” mã số vùng trồng. Để thực hiện việc này, ngoài tuyên truyền giáo dục, hướng dẫn, cần thường xuyên kiểm tra. Phạt nặng nếu sai phạm.

Thứ tư, tổ chức lại sản xuất với hợp tác xã là nòng cốt, doanh nghiệp là đầu tàu. Đồng thời, cơ chế chính sách phải nhất quán, xuyên suốt, thống nhất giữa các bộ ngành, địa phương.

Thứ năm, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, với những vùng sản xuất cùng một sản phẩm cung cấp cho một thị trường kế hoạch rải vụ, kéo dài mùa vụ và “xoá” tình trạng tranh bán làm giảm giá bán và uy tín hàng Việt, nhất là với 14 loại trái cây chủ lực.

Thứ sáu, hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp của ta hầu hết thiếu vốn. Bộ Nông nghiệp và PTNT cần bàn bạc với ngành Tài chính, Ngân hàng để HTX, doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận tiện nhằm mở rộng sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hoá, đưa nhiều tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất... Qua đó nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm - những điều kiện cạnh tranh cơ bản. Và đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi ngành hàng cây ăn quả nhằm tăng nhanh số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực còn nhiều tiềm năng này.

Thứ bảy, ngoài việc đẩy mạnh thực hiện quy trình canh tác an toàn, canh tác hữu cơ, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, nhà vườn cần nâng cao tính xanh trong chuỗi ngành hàng. Khoa học công nghệ là chìa khóa tạo nền tảng phát triển nông nghiệp bền vững nói chung, canh tác cây ăn trái nói riêng. Trong đó, vấn đề tự chủ được giống chất lượng cao, vật tư thân thiện với môi trường, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cần được chú trọng đầu tư.

Thứ tám, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần xây dựng cơ chế hợp tác giữa cơ quan quản lý - doanh nghiệp - người sản xuất nhằm đảm bảo về chất lượng và số lượng cho toàn bộ chuỗi cung ứng từng ngành hàng. Và xây dựng chiến lược quảng bá, tiếp thị cho sản phẩm, nhất là với thị trường ngoài nước.

 

Thanh Hiền
Ý kiến bạn đọc
Top