Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 14 tháng 10 năm 2022 | 11:5

Doanh nhân Việt với Khát vọng Việt Nam

1. Khát vọng Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường, thịnh vượng, sánh vai cùng các cường quốc năm châu đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập ngay từ ngày đầu thành lập nước Việt Nam mới (2/9/1945).

Đại hội Đảng lần thứ XIII đầu năm 2021, khát vọng trở thành nước hùng cường được cụ thể hóa: Đến năm 2025, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Để thực hiện khát vọng đó, Nghị quyết Đại hội XIII cũng đã đề ra nhiệm vụ: “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi…” và đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60-65%.

Tại Hội nghị Trung ương 6 Khóa XIII mới đây, trong phát biểu bế mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là phương thức quan trọng để Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao…

Xuất khẩu nông sản của Việt Nam đứng trong TOP 15 thế giới. Có được thành công đó có sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp nông nghiệp.

2.  Ngày 13/10 của 77 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư gửi  giới Công Thương Việt Nam, bức thư có đoạn “… Chính phủ, Nhân dân và Tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng… Cấp vụ của chúng ta ngày nay là phải động viên nhân lực, động viên công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, giao thông, tài chính… Các nhà giàu có mau mau góp vốn lại mở các công ty kinh doanh công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, tài chính, giao thông để tích cực tham gia sản xuất, lưu thông buôn bán”.

Thực hiện lời Bác, trong Lễ Kỷ niệm 77 năm ngày Bác Hồ gửi thư cho giới Công Thương và 18 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: “Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe và sẽ tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ để đội ngũ doanh nhân vượt qua khó khăn, vươn xa hơn nữa…”. Thủ tướng nhấn mạnh 12 vấn đề cơ bản mà Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện để nền kinh tế Việt Nam nói chung, đội ngũ doanh nhân – những chiến sỹ xung kích trên mặt trận phát triển kinh tế đất nước phát nhanh, bền vững nhưng đảm bảo công bằng xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.

 3. Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và chỉ đạo phù hợp, linh hoạt của Chính phủ, kinh tế nước ta nói chung, kinh tế nông nghiệp nói riêng đã có sự thay đổi khá lớn về cả quy mô, trình độ sản xuất, phương thức sản xuất và tổ chức sản xuất. Vai trò của doanh nghiệp ngày càng thể hiện rõ vị trí trung tâm, đầu tàu dẫn dắt duy trì tốc độ tăng trưởng cao, liên tục của ngành kinh tế đặc biệt quan trọng này trong nhiều năm qua.

Cụ thể là, xuất khẩu nông sản đứng trong TOP 15 thế giới. Có được thành công đó có sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp nông nghiệp.

Nhờ đường lối đúng đắn, không chỉ ngày càng nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp mà cũng ngày càng nhiều gia đình ở nông thôn thành lập doanh nghiệp, thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào mở rộng sản xuất nông  - lâm - ngư nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm đồng thời chủ động tìm kiếm, phát triển thị trường, đưa nông sản Việt đến trên 180 quốc gia trên thế giới, vừa nâng cao giá trị cho nông sản vừa nâng cao chất lượng sống cho nhà nông.

Lợi ích của việc doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đem lại hiệu quả rất rõ ràng: nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo việc làm, từ đó nâng cao chất lượng đời sống người lao động, thay đổi tập quán canh tác, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị cho nông sản, nâng cao trình độ của người nông dân, từng bước tạo nên lớp công nhân nông nghiệp, nông dân chuyên nghiệp… Đó là chưa nói đến việc tạo nên những đô thị mới ở nông thôn.

Thay lời kết

Tuy vậy, việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn nhiều điểm nghẽn. Theo nhiều chuyên gia, điểm nghẽn lớn nhất là việc tiếp cận quỹ đất, tập trung đất đai. Nhiều quy định pháp luật chưa phù hợp còn tồn tại. Môi trường kinh doanh chưa thông suốt. Nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn khiêm tốn… Thêm nữa, là sự thiếu đồng bộ, thiếu liên kết, thiếu kết nối giữa các mắt xích và còn nặng về gia công, lắp ráp.

Về phía doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII năm 2022 với chủ đề: Người nông dân chuyên nghiệp được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức mới đây, ông Lê Văn Nghị, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng, nông dân và doanh nghiệp là 2 “nhà” thiếu chuyên nghiệp nhất trong mối liên kết “6 nhà”. Để chuyên nghiệp, cả doanh nhân và nhà nông đều phải quan tâm đến văn hóa kinh doanh, đạo đức kinh doanh. Đó là cơ sở cốt lõi tạo nên Niềm tin của khách hàng, sự Thành công của doanh nghiệp, sự phát triển và thịnh vượng của đất nước.

 

Hiền Trang
Ý kiến bạn đọc
Top