Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 12 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 7 tháng 11 năm 2023 | 10:17

Đổi thay ở vùng đất “cúng tế quanh năm”

Với nỗ lực và tinh thần tự nêu gương, đội ngũ già làng trưởng bản, thầy mo, thầy cúng, người có uy tín trong cộng đồng ở Quang Kim (Bát Xát, Lào Cai) đã góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức của đa số đồng bào tại địa phương để đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn minh, hạnh phúc hơn.

Quang Kim (Bát Xát, Lào Cai) là xã biên giới có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số: Giáy, Dao, Tày, Mường... cùng sinh sống ở 12 thôn. Trong đó, dân tộc Giáy chiếm 70%, người dân vẫn còn nhớ những năm 2010 về trước, bà con người Giáy rất chú trọng đời sống tâm linh và thường xuyên thực hiện nhiều nghi lễ. Trong đám cưới, nhà gái thách cưới hàng chục con lợn cùng tiền, lễ vật. Mỗi đám tang kéo dài từ 5-7 ngày, thi thể người mất không được chôn cất ngay nên phân huỷ rất mất vệ sinh. Việc ăn uống nhiều ngày phải giết mổ nhiều gia súc gây tốn kém không ít tiền của.

Lễ hội diễn ra trong năm của bà con chủ yếu là các nghi thức cúng tế. Chưa kể nhiều đồng bào tin rằng, khi gia đình họ chết trâu chết bò, có người bị ốm hoặc sinh con đẻ cái ... đều phải cúng “ma” cả ngày cả đêm là qua khỏi... người dân chìm đắm trong cuộc sống tâm linh. Đói nghèo quẩn quanh khiến nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết cũng trở lên phổ biến, đường làng ngõ xóm nhếch nhác vì rác thải.

Xã Quang Kim đã tiên phong đề cao vai trò của đội ngũ già làng trưởng bản, thầy mo, thầy cúng, người có uy tín ở cộng đồng trong việc tuyên truyền người dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Từ nhiều mô hình như: Mô hình thôn bản bình yên, gia đình hạnh phúc, mô hình dòng họ tự quản về ANTT, mô hình thôn trong sạch không có tệ nạn xã hội, mô hình tự quản về đường biên mốc giới... đưa nội dung bài trừ hủ tục vào tuyên truyền tại các trường học và quy ước, hương ước của thôn.

Người dân Quang Kim đã biết lược bỏ những hủ tục, giữ gìn nét văn hoá bản sắc của dân tộc mình.

Ông Vũ Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Kim chia sẻ: “Chúng tôi tập trung chỉ đạo các thành viên của xã phối hợp với thôn cùng thầy mo, thầy cúng, người có uy tín để tuyên truyền vận động nhân dân bài trừ các hủ tục lạc hậu. Lực lượng nòng cốt này cũng thường xuyên được tập huấn thấm nhuần chủ trương đường lối, những giá trị văn hoá để tự bản thân họ hiểu và biết cách bảo vệ bản sắc văn hoá tốt đẹp của dân tộc mình. Chính vì vậy, đội ngũ 23 thầy mo, thầy cúng và 10 người uy tín tiêu biểu của xã đã phát huy tốt vai trò là hạt nhân, nêu gương sáng, tích cực đi đầu, được những người trong dòng họ, thôn bản kính trọng. Họ có tiếng nói tác động đến tư tưởng và hành động của bà con trong việc bài trừ một số tập quán lạc hậu không còn phù hợp với xu thế phát triển của xã hội và gìn giữ những giá trị bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình, xây dựng nếp sống văn minh”.

Nếp sống mới được đưa vào quy ước, hương ước của thôn với sự đồng thuận của người dân

Thông qua vai trò, tiếng nói của những người có uy tín ở Quang Kim, một số hủ tục trong việc cưới, việc tang, lễ hội cũng đã được cắt giảm, xóa bỏ như: Tục thách cưới, đám ma nhiều ngày, nhiều lễ cúng, giết mổ nhiều gia súc, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, cúng bái chữa bệnh...

Ông Vàng Văn Phủ, thôn Làng Kim cho biết, thôn có 164 hộ, 737 khẩu với 100% là đồng bào dân tộc Giáy. Đến nay, bà con thực hiện theo nếp sống mới trong ma chay, cưới hỏi.. theo đúng hương ước, quy ước của thôn. Đặc biệt là, đám cưới không còn tục thách cưới quá nặng nề như trước, đám ma không để người chết quá 48 giờ. Thanh niên thôn bản đều tham gia sinh hoạt trong đoàn viên thanh niên, không kết hôn khi chưa đủ tuổi, anh em họ hàng thì không cho lấy nhau; ốm đau thì phải đi bệnh viên. Người dân trong thôn đã thực sự thay đổi nhận thức thực hiện nếp sống văn minh hơn.

Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên từng ngày

Về Quang Kim hôm nay, những cung đường được bê tông hoá phủ đầy hoa uốn lượn quanh các bản làng khang trang sạch đẹp. Bà con hăng say tham gia phát triển kinh tế và nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi đang dạng. Câu chuyện về các hủ tục lạc hậu đã lùi sâu về quá khứ, bà con đồng bào đã thực hiện theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, chung tay xây dựng quê hương và từng ngày nâng cao chất lượng cuộc sống.

 

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top