Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 1 tháng 5 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 29 tháng 4 năm 2023 | 16:4

Đưa câu chuyện sản phẩm gắn với thương hiệu nông nghiệp OCOP

"Câu chuyện sản phẩm" là thông điệp mà chủ thể OCOP muốn truyền tải đến cộng đồng, đến người mua, nhằm thay đổi cảm xúc của họ khi mua sắm sản phẩm.

Việc xây dựng câu chuyện sản phẩm, tạo ra sự khác biệt không chỉ góp phần lôi cuốn khách hàng, mà còn giúp nâng cao giá trị sản phẩm OCOP.

Sản xuất sản phẩm OCOP tại Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Quang

Hà Nội: Xây dựng câu chuyện sản phẩm OCOP hấp dẫn

Sản phẩm của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có quy mô không lớn, nhưng độc đáo, thấm đẫm giá trị văn hóa, thổ nhưỡng, kỹ năng của người làm ra. Đây chính là yếu tố then chốt giúp sản phẩm OCOP có lợi thế khi cạnh tranh trên thương trường. Vì vậy, trong Bộ Tiêu chí quốc gia về đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, câu chuyện sản phẩm chiếm 10/100 điểm của thang điểm. Việc xây dựng câu chuyện sản phẩm, tạo ra sự khác biệt không chỉ góp phần lôi cuốn khách hàng, mà còn giúp nâng cao giá trị sản phẩm OCOP.

Xã Đông Lỗ (huyện Ứng Hòa) nổi tiếng với nghề làm nhạc cụ dân tộc. Năm 2022, anh Dương Minh Cường, một thợ làm đàn ở Đông Lỗ đã chọn 7 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng trong Chương trình OCOP, gồm đàn bầu, đàn đáy, đàn nguyệt, đàn tì bà, đàn tranh, đàn tam, đàn nhị.

Anh Cường cho biết, các cây đàn đều được làm bằng chất liệu gỗ mun và gỗ hương. Một số loại đàn như đàn bầu, đàn nguyệt, đàn tì bà còn được khảm trai đẹp mắt. Điều đáng nói, không giống với đàn của các nhà máy sản xuất đồng loạt, mỗi cây đàn của gia đình được làm thủ công, tạo ra sự khác biệt riêng về âm thanh, kiểu dáng... Sự độc đáo này luôn được anh Cường giới thiệu với khách hàng, từ đó thuyết phục được người mua hàng.

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, từ năm 2019 đến nay, thành phố đã đánh giá được 2.167 sản phẩm OCOP. Trong số 1.871 sản phẩm OCOP còn hiệu lực (theo quy định sản phẩm được chứng nhận đủ 36 tháng phải đánh giá để công nhận lại), thì có 6 sản phẩm 5 sao, 11 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.162 sản phẩm 4 sao, 692 sản phẩm 3 sao. Với các sản phẩm 4 và 5 sao, việc xây dựng câu chuyện sản phẩm được các chủ thể thực hiện khá tốt; số còn lại phần lớn chỉ biết sản xuất, chưa quan tâm nhiều đến việc kể câu chuyện sản phẩm cho hay, thú vị, hấp dẫn.

Theo Tiến sĩ Đặng Văn Cường, chuyên viên Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương, các chủ thể tham gia Chương trình OCOP chủ yếu là hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ ở nông thôn, nên không đủ tiềm lực để quảng cáo sản phẩm. Hơn nữa, sản phẩm làm ra không nhiều để đưa vào các kênh phân phối lớn nên phải khai thác, tiếp cận thị trường theo một cách khác, dựa vào sự đặc sắc có tính bản địa của sản phẩm. Và, câu chuyện sản phẩm chính là công cụ hiệu quả để thực hiện truyền thông, quảng bá cho OCOP.

"Câu chuyện sản phẩm" là thông điệp mà chủ thể OCOP muốn truyền tải đến cộng đồng, đến người mua, nhằm thay đổi cảm xúc của họ khi mua sắm sản phẩm. “Một bó rau muống thông thường chỉ có giá từ 5 nghìn đến 10 nghìn đồng, nhưng với rau muống được gắn với câu chuyện tiến vua, được trồng và chăm sóc kỳ công… thì giá của bó rau đó có thể tăng gấp 10 lần”, Tiến sĩ Đặng Văn Cường dẫn chứng.

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội chấm điểm sản phẩm của các quận, huyện Hoàng Mai, Mỹ Đức, Sóc Sơn.

Xây dựng câu chuyện sản phẩm tốt có thể giúp sản phẩm OCOP tăng giá trị lên nhiều lần. Muốn làm tốt việc này, phải xuất phát từ chính niềm tự hào của người dân, cộng đồng về sản phẩm đó. Chỉ có người trong cuộc mới biết được lịch sử hình thành và phát triển sản phẩm như thế nào, nó có sự tích gì, nét văn hóa ra sao.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với các huyện, thị xã của thành phố hỗ trợ chủ thể lựa chọn sản phẩm tham gia, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, chuẩn hóa sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP, trong đó có việc viết câu chuyện cho sản phẩm.

Là đơn vị tư vấn cho rất nhiều chủ thể OCOP trên địa bàn thành phố, Giám đốc Công ty cổ phần Sông Đà Kinh Bắc Trần Thị Vân Anh thông tin: “Trước khi tư vấn, chúng tôi tìm hiểu kỹ quy trình sản xuất, truyền thống của gia đình, địa phương… để giúp chủ thể kể câu chuyện của sản phẩm một cách hấp dẫn, đặc sắc, nhất là sự khác biệt so với các sản phẩm cùng loại”.

Còn theo chuyên viên Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương Đặng Văn Cường, các chủ thể OCOP không nên giới thiệu chung chung mà phải tìm được điểm khác biệt của sản phẩm, giới thiệu được nét tinh túy, cầu kỳ trong cách làm. Nội dung giới thiệu phải toát lên được hồn, cốt của sản phẩm và niềm tự hào của vùng quê ấy.

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và  PTNT Lê Minh Hoan bày tỏ xúc động khi tham quan các gian hàng trưng bày nông sản, sản phẩm OCOP của Thủ đô. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, nông nghiệp Thủ đô có sự khác biệt đối với các địa phương khác. Đó là giá trị văn hóa, lịch sử, những dấu ấn của địa danh Hà Nội trong sản phẩm... tưởng như vô hình, nhưng lại rất có giá trị làm nên thương hiệu sản phẩm. Do đó, để giúp chủ thể tham gia Chương trình OCOP sáng tạo ra những câu chuyện sản phẩm có ý nghĩa, các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khơi gợi được niềm tự hào của chủ thể, cộng đồng cùng chung tay bảo tồn, phát triển sản phẩm đặc trưng; mở các lớp tập huấn, xây dựng bộ bài giảng cho từng nhóm đối tượng, từng nhóm sản phẩm; mở rộng mạng lưới tư vấn, nhất là các chuyên gia về văn hóa, mỹ thuật công nghiệp, công nghiệp chế biến khi tư vấn cho các chủ thể OCOP. Đặc biệt, cần tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, ưu tiên tôn vinh các sản phẩm có câu chuyện hay, độc đáo, thể hiện bản sắc địa phương.

Thanh Hóa: Chú trọng phát triển các mô hình nông nghiệp an toàn

Đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng, thời gian qua các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng phát triển các mô hình nông nghiệp an toàn theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ,... với đa dạng các sản phẩm, như gạo, rau, củ, quả, thịt lợn, thịt gà,... từ đó hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 Mô hình sản xuất dưa vàng trong nhà lưới tại xã Định Hòa (Yên Định).

Từ những diện tích nhỏ lẻ ban đầu, đến nay, vùng nguyên liệu sản xuất gạo nếp cái hoa vàng theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Hà Long (Hà Trung) đã nhân rộng ra khoảng 200 ha. Toàn bộ quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ, tăng cường sử dụng các loại phân bón có nguồn gốc hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch đúng thời điểm và bảo đảm thời gian cách ly để tránh tồn lưu hóa chất,... Do được áp dụng các khâu kiểm soát nghiêm ngặt nên sản phẩm tiêu thụ với giá ổn định và cao hơn từ 2 đến 3 lần so với sản xuất truyền thống. Để người dân yên tâm sản xuất, HTX dịch vụ nông nghiệp Hà Long đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty CP Thương mại Sao Khuê tiêu thụ từ 100 đến 150 tấn sản phẩm mỗi năm. Hiện nay, sản phẩm nếp cái hoa vàng Gia Miêu Ngoại Trang đã được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường trong và ngoài tỉnh, trở thành sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Được biết, trước yêu cầu sử dụng sản phẩm gạo sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm của người tiêu dùng, các huyện như Nông Cống, Hà Trung, Quảng Xương, Yên Định, Thọ Xuân,... đã đẩy mạnh phát triển mô hình lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, hình thành vùng trồng lúa hữu cơ, với diện tích hơn 310 ha tại các huyện Thiệu Hóa, Triệu Sơn, Yên Định. Có thể nói, bên cạnh việc cung cấp ra thị trường sản phẩm gạo an toàn, phương thức canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP còn phục hồi được hệ sinh thái trên đồng ruộng và bảo đảm sức khỏe cho người sản xuất. Thông qua mô hình, người dân đã thay đổi nhận thức, tập quán canh tác cũ và nắm bắt được quy trình sản suất lúa theo hướng VietGAP, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, đồng thời, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa một cách khoa học.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh đã phát triển được hơn 12.700 ha rau, củ, quả an toàn; trong đó, hơn 4.500 ha được sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn VietGAP, 330 ha nông sản sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Ngoài ra, còn có hàng trăm mô hình nuôi trồng thủy sản và 5 vùng chăn nuôi lợn an toàn nông hộ theo tiêu chuẩn VietGAHP, 1.140 hộ chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP nông hộ,... Ngoài ra, người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh cũng đã quen thuộc với các sản phẩm an toàn từ gia súc, gia cầm,... được tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn. Khoảng 80% các hộ chăn nuôi ở các huyện Như Xuân, Như Thanh, Nông Cống, Yên Định, Quảng Xương,... đã đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi lợn, gà thả vườn, con nuôi đặc sản,... theo hướng an toàn sinh học và hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Xác định sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn là xu hướng tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, với đa dạng các sản phẩm nông sản, thời gian tới, phát huy những tiềm năng, lợi thế, các địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục chú trọng thực hiện chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang phát triển các mô hình trồng rau, củ, quả,... theo tiêu chuẩn VietGAP; các trang trại chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh. Tăng cường áp dụng khoa học- kỹ thuật, cơ giới hóa, đổi mới giống cây trồng, chọn lọc các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, phù hợp với thị trường để nhân rộng diện tích. Đối với diện tích sản xuất đã được cấp giấy chứng nhận, cần tăng cường liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm; mở rộng thị trường tiêu thụ đến các cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, các bếp ăn tập thể, trường học,... Đồng thời, giám sát chất lượng sản phẩm và dán tem sản phẩm đã được kiểm soát theo chuỗi; các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc in bao bì, tem nhãn để nhận diện sản phẩm, quảng bá và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tham gia các hội chợ thương mại nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Vĩnh Phúc: 10 sản phẩm OCOP cấp tỉnh tiếp tục được xếp hạng 4 sao

Mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định số 898 phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng lại sản phẩm OCOP cấp tỉnh (lần 1) năm 2023. Theo đó, đã có 10 sản phẩm của 3 chủ thể tiếp tục được công nhận sản phẩm đạt hạng 4 sao. Trong đó, Công ty cổ phần Ong Tam Đảo (Bình Xuyên) có 7 sản phẩm, gồm: Tacumin, mật ong Curcumin, mật ong quất, mật ong chanh leo, mật ong sữa chúa, mật ong hoa rừng, mật ong bánh tổ Tam Đảo; Công ty TNHH Trà hoa vàng Tam Đảo (Tam Đảo) có 2 sản phẩm là Hoa trà hoa vàng Tam Đảo và Trà túi lọc trà hoa vàng Tam Đảo; Công ty TNHH Nấm Phùng Gia (Bình Xuyên) với sản phẩm nấm đùi gà Phùng Gia.

Công ty cổ phần Ong Tam Đảo (Bình Xuyên) có 7 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao.

Sau khi được phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng lại sản phẩm OCOP cấp tỉnh, các sản phẩm này tiếp tục được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “OCOP” và thứ hạng sao in trên bao bì sản phẩm theo quy định tại Quyết định số 148 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định hiện hành.

Kết quả công nhận có giá trị thời hạn 3 năm. UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện công bố công khai sản phẩm và tham mưu tổ chức việc trao Giấy chứng nhận cho các sản phẩm được công nhận xếp hạng OCOP; hướng dẫn UBND 2 huyện Tam Đảo, Bình Xuyên và các chủ thể thực hiện việc sử dụng và in logo, thứ hạng sao lên sản phẩm được công nhận theo quy định. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện việc kiểm tra định kỳ sản phẩm hàng năm; đề xuất xử lý nếu các chủ thể vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu logo OCOP và các quy định khác của pháp luật./.

 

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Bảo vệ, chăm sóc đàn vật nuôi trong mùa nắng nóng

    Bảo vệ, chăm sóc đàn vật nuôi trong mùa nắng nóng

    Trước tình hình nắng nóng kéo dài, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) tỉnh Bình Định đã chủ động hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo vệ và chăm sóc tốt đàn gia súc, gia cầm.

  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Giống mận hồng mới trái to, thịt chắc, ăn giòn, ngọt được anh Trần Ngọc Quận (44 tuổi, ngụ ấp Thành Lộc, xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) trồng thành công và cho trái đạt trọng lượng lên đến 5 trái/kg.

  • Lan tỏa phong trào khởi nghiệp của thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thanh Hóa

    Lan tỏa phong trào khởi nghiệp của thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thanh Hóa

    Để khơi dậy và lan toả phong trào khởi nghiệp của thanh niên nói chung và thanh niên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hoá nói riêng, Tỉnh đoàn Thanh Hóa đang tích cực phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và các ban, ngành, đoàn thể triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp.

  • Mô hình “độc, lạ” - nuôi gà, vịt làm thú cưng

    Mô hình “độc, lạ” - nuôi gà, vịt làm thú cưng

    Anh Phạm Minh Biên (36 tuổi, ngụ xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) sưu tầm nhiều giống gà, vịt “độc, lạ” như gà sư tử Ba Lan, gà Serama, vịt gọi… mang về nhân giống bán, cho thu nhập hơn 30 triệu đồng/tháng.

Top